Chương 1. CƠ SỞ KHOA HỌC CỦA ĐỀ TÀI
1.2. Cơ sở thực tiễn của đề tài
1.2.3. Một số nghiên cứu có liên quan về đánh giá hiệu quả kinh tế sản xuất cây Na và các loại cây ăn quả khác
Na là cây nhiệt đới, thích nghi rộng nên chúng được trồng trên toàn thế giới nhưng chỉ trồng lẻ tẻ trong các vườn, ít trồng tập trung để sản xuất hàng hoá. Trước đây, Na được coi là loại quả thứ yếu, chưa trở thành một loại quả chính trên thị trường hoa quả thế giới. Hiện Nay, nhu cầu thị trường ngày càng cao nên cây Na đã được quan tâm và chú trọng hơn (Nguyễn Mạnh Hà, 2006) Tuy nhiên trên thế giới vẫn không có số liệu thống kê cụ thể về Na. Những nước đánh giá Na dai rất cao là Ấn Độ, CuBa, Brazil. Năm 1986 - 1987, chỉ riêng ở Thái Lan đã trồng được 51.500ha, sản lượng 188.900 tấn. Ở Ấn Độ diện tích trồng Na cũng đạt tới
44.613ha (Trịnh Thị Thu Hương, 2013). Na xiêm trồng ít hơn do khẩu vị con người và do chúng yêu cầu khí hậu nóng hơn Na dai, không trồng được ở các vĩ tuyến hơi cao một chút.
Tác giả Nguyễn Mạnh Hà (2006) trong công trình nghiên cứu:“Thực trạng và một số giải pháp nhằm phát triển cây ăn quả theo hướng bền vững trên địa bàn huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang”, kết quả nghiên cứu cho thấy:
Quy hoạch phát triển Cây ăn quả chủ lực trên địa bàn huyện Lục Ngạn, gồm:
Vùng I, II ổn định diện tích cây vải là 12.500 ha, diện tích cây có múi 400 ha;
vùng III duy trì ổn định 4.500 ha Vải, 200 ha cây có múi. Toàn bộ diện tích hồng hiện có trong huyện được giữ nguyên. Quy mô sản xuất cây ăn quả đến năm 2010 đạt 22.000 ha tăng 378 ha bằng 17,5% so với năm 2006; xác định được cơ cấu cây ăn quả chủ lực gồm vải, hồng, cây có múi. Giá trị sản xuất (GO)/01 ha cây ăn quả 52,166 triệu đồng, đạt 192% so với năm 2006. Thu nhập hỗn hợp (MI) đạt 41,920 triệu đồng/01 ha, đạt 207% so với năm 2006.
Đầu tư sản xuất cho 01ha cây ăn quả: Nếu bỏ ra 01 đồng chi phí trung gian, người dân có 4,1 đồng thu nhập hỗn hợp. Bên cạnh đó phát triển cây ăn quản giúp tạo việc làm và thu nhập: Tạo cho huyện 3.718.000 ngày công lao động/năm tương đương 111,540 tỷ đồng; tạo việc làm cho:14.300 người có thu nhập hỗn hợp: 3.022.000đ/ người/năm (Trần Đăng Khoa, 2009). Từ đó tác giả đã đưa ra được các giải pháp nhằm phát triển cây ăn quả theo hướng bền vững như: Quy hoạch đáp ứng yêu cầu phát triển cây ăn quả, tăng cường năng lực sản xuất kinh doanh cho người lao động, bảo quản trước, sau thu hoạch và chế biến, các giải pháp về kỹ thuật. Tác giả nhấn mạnh được từng giải pháp, cách thức để thực hiện các nhiệm vụ của các giải pháp đó để phát triển cây ăn quả trên địa bàn huyện Lục Ngạn.
Tác giả Nguyễn Thị Phương Loan, Trần Thị Tuyết Thu và Đặng Thanh An (2016) trong công trình “Nghiên cứu đánh giá hiệu quả kinh tế của việc trồng Cam tại huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình”, các tác giả này cho biết:
Vùng trồng cam tại huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình đang ngày càng phát triển nhanh cả về diện tích, năng suất, sản lượng và thương hiệu. Nghiên cứu này đã tiến hành đánh giá hiệu quả kinh tế của việc trồng cam theo phương thức thâm canh truyền thống và theo VietGAP để làm cơ sở cho việc phát triển bền vững cây cam ở Cao Phong. Nghiên cứu đã sử dụng hai phương pháp là đánh giá nhanh môi trường và phân tích chi phí lợi ích. Kết quả đã chỉ rõ mỗi hecta trồng cam đã tạo ra được việc làm cho 2 lao động với mức thu nhập là 62,5 triệu đồng/người/năm; năng suất đã tăng đáng kể nhờ áp dụng thâm canh, đạt trung bình 35 tấn/ha/năm, cao nhất đến 50 tấn/ha/năm. Năm 2015, lợi nhuận trung bình của các vườn đạt trên 500 triệu đồng/ha/năm.
Canh tác theo mô hình VietGAP đang được đẩy mạnh, giúp giảm chi phí hóa chất, duy trì năng suất ổn định ở mức cao và chu kỳ khai thác kinh doanh tăng gấp hai lần phương thức thâm canh truyền thống, nên cho lợi nhuận bền vững hơn và chất lượng đất vườn được bảo vệ tốt hơn (Trần Thị Phương Loan, Trần Thị Tuyết Thu, Đặng Thanh An, 2016).
Nguyễn Anh Phong (2013), trong công trình nghiên cứu đề xuất chính sách và giải pháp nâng cao giá trị gia tăng cây ăn quả Xoài, Bưởi vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, tác giả cho biết: Xoài và Bưởi là hai loại trái cây có lợi thế cạnh tranh, được quan tâm phát triển ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính quyền các cấp, các nhóm chính sách hỗ trợ nâng cao giá trị gia tăng cho Xoài và Bưởi cũng đã cơ bản đầy đủ, từ cấp trung ương tới địa phương. Kết quả đạt được đến nay ngành hàng Xoài và Bưởi đã phát triển được những giống đặc sản, khẳng định được vị thế tại thị trường trong nước và từng bước xuất khẩu dưới dạng tươi và chế biến. Đã có các mô hình thành công về liên kết trong sản xuất và kinh doanh Xoài và Bưởi, trong đó có cả những mô hình đã áp dụng quản lý chất lượng (VietGAP) đem lại giá trị gia tăng cao cho người sản xuất và kinh doanh (HTX Xoài cát Hòa Lộc, HTX Bưởi Da xanh Mỹ Thạnh An, công ty Fruit
Republic,...). Cụ thể như tổng GTGT/tấn Xoài theo kênh là 28.190.000 VNĐ, GTGT được tạo ra chủ yếu cho người trồng Xoài (58.9%), doanh nghiệp/
công ty chế biến (14,6%), hệ thống siêu thị (16,7%), phần GTGT còn lại nằm ở khu vực HTX đạt khoảng 9,8%; Tổng GTGT/tấn Bưởi theo kênh là 6.780.000 VNĐ. GTGT được tạo ra chủ yếu cho người trồng Bưởi (40%) và người bán lẻ Bưởi (25,7%), còn lại nằm ở tác nhân thương lái là 15,2% và người bán buôn là 19,2% qua đó khẳng định những cơ hội và tiềm năng phát triển cho ngành. Một số công ty đã chế biến các sản phẩm từ Xoài và Bưởi (như Xoài đóng hộp, nước ép Xoài, Xoài đông lạnh, nước ép Bưởi, rượu Bưởi, tinh dầu Bưởi,....) qua đó tận dụng được các sản phẩm Xoài và Bưởi, tạo thêm giá trị gia tăng không chỉ cho cây ăn quả mà còn cho cả ngành nông nghiệp (Nguyễn Anh Phong, 2013).
Tuy nhiên, việc nâng cao giá trị gia tăng cho Xoài và Bưởi vẫn chưa tương xứng với những tiềm năng của ngành nông nghiệp. Để nâng cao giá trị gia tăng cho ngành Xoài và Bưởi của đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng với các tỉnh trong khu vực cần tham khảo và triển khai thực hiện những gợi ý chính sách đã đề ra trong nghiên cứu này.
Rà soát và xây dựng quy hoạch một cách tổng thể, gắn việc phát triển vùng chuyên canh với quy hoạch công nghiệp hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất và kinh doanh thông qua các mô hình liên kết linh hoạt, chuyển giao kỹ thuật sản xuất áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng, xây dựng thương hiệu ngành hàng, khuyến khích nâng cao năng lực công nghệ thông qua nhập khẩu công nghệ, tạo ra các sản phẩm chế biến đặc thù, tận dụng sản phẩm là những giải pháp nổi bật cần chú trọng thực hiện trong thời gian tới (Nguyễn Anh Phong, 2013).