Chương 1. CƠ SỞ KHOA HỌC CỦA ĐỀ TÀI
1.2. Cơ sở thực tiễn của đề tài
1.2.4. Tình hình phát triển sản xuất Na dai ở Việt Nam
1.2.4.1. Phát triển sản xuất Na dai ở Đông Triều (Quảng Ninh)
Na dai Đông Triều có đặc trưng riêng như: Quả to, vỏ mỏng, bóng, có màu vàng khi chín,vị ngọt đậm, mùi thơm.Và đây cũng chính là những lợi thế
để Na dai Đông Triều có được chỗ đứng trên thị trường.Theo những người trồng Na lâu năm ở Đông Triều, cây Na được du nhập vào vùng đất này khoảng 45 năm trước. Những lợi thế mà loại quả này có được chính là nhờ điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở đây. Đất đai của Đông Triều là loại đất màu đỏ son, tơi xốp, tầng canh tác từ 0,5 - 1m. Đặc biệt, bà con còn biết áp dụng kỹ thuật tiến bộ trong canh tác để nâng cao năng suất, chất lượng quả và kéo dài thời gian thu hoạch. Bà con đã biết thụ phấn bổ sung, định quả, tăng tỷ lệ quả có chất lượng,... Na dai Đông Triều thường chín sớm so với Na ở những khu vực khác từ 15 -20 ngày. Mùa vụ thu hoạch từ tháng 6 đến tháng 8 hàng năm. Hiện diện tích trồng Na dai của huyện là 881 ha, tập trung chủ yếu ở các xã An Sinh (430 ha), Việt Dân (220 ha), Tân Việt (55 ha),... Vài năm trở lại đây, sản lượng Na khai thác ở Đông Triều trung bình khoảng 6.000 tấn/năm, trong đó 90% được tiêu thụ tại các thị trường ngoài tỉnh, như Hà Nội, Hải Dương (Hoàng Hùng, 2001).
Mặc dù có ưu thế hơn hẳn so với sản phẩm cùng loại, nhưng Na dai Đông Triều lại rất khó cạnh tranh trên thị trường. Giá bán của sản phẩm cũng có sự biến động lớn: Đầu vụ từ 40.000 - 45.000 đồng/kg; chính vụ từ 10.000 - 12.000 đồng/kg; cuối vụ từ 15.000 - 17.000 đồng/kg. Sản phẩm được bán giá cao chỉ chiếm 3-5% tổng sản lượng. Chính vì vậy, hiệu quả kinh tế mang lại cho người sản xuất chưa cao. Nguyên nhân chính là do chất lượng sản phẩm chưa đồng đều giữa các xã, thậm chí ngay giữa các hộ vì chưa áp dụng chung quy trình canh tác thống nhất. Na dai Đông Triều không có nhãn mác nên khách hàng khó nhận biết, không tạo lập được uy tín bền vững vì không cung cấp được cho khách hàng những thông tin về nguồn gốc, xuất xứ. Nhiều nhà chuyên môn cho rằng, nguy cơ thoái hoá giống của loại cây này hiện rất cao do người dân tự nhân giống bằng hạt, về lâu dài năng suất và chất lượng sẽ suy giảm. Để giải quyết những khó khăn, tồn tại này, cần đẩy mạnh phát triển sản xuất cho cây trồng Na dai Đông Triều (Viện Kinh tế nông nghiệp, 2005).
1.2.4.2. Phát triển sản xuất Na dai ở Hát Lót (Mai Sơn, Sơn La)
Cách đây gần 10 năm, nhân dân thị trấn Hát Lót đã đưa cây Na vào trồng, song do chưa có nhiều kinh nghiệm về cách chăm bón, nên hiệu quả kinh tế không cao. Lúc đó cây Na chỉ là nguồn thu nhập phụ. Việc áp dụng kỹ thuật thụ phấn cho Na đang là cách làm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng Na. Trước đây, bà con lo rằng khi thụ phấn sẽ làm mất đi chất lượng vốn có của giống Na dai địa phương. Vài năm gần đây, từ thành công áp dụng việc thụ phấn cho Na của một số gia đình đã làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của bà con. Trước đây, quả Na nhỏ, hình dẹt nên chưa được ưa chuộng ở các thị trường lớn. Vụ Na này, ở thị trấn đã có trên 70% số hộ trồng Na áp dụng phương pháp thụ phấn cho Na, nhờ vậy sản lượng Na năm Nay cao hơn hẳn năm trước từ 25 - 30%, đạt từ 11 đến 12 tấn/ha. Nhiều gia đình ở thị trấn đã thực sự giàu lên từ trồng Na. Muốn có được những quả Na đạt chất lượng, mẫu mã đẹp người trồng Na phải bón phân cân đối hợp lý mỗi gốc 2 kg NPK, từ 20 - 25 kg phân chuồng. Nếu chăm sóc không đúng quy trình, lượng đạm nhiều quá, hoặc ít hơn mức chuẩn sẽ khiến chất lượng quả Na bị nhạt, quả không mẩy, năng suất sẽ giảm.
Cây Na ở thị trấn Hát Lót đang là cây làm giàu cho nhân dân nơi đây.
Đến nay toàn thị trấn đã có hàng trăm hộ trồng Na với khoảng 70 ha nhằm phát triển sản suất, tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm cho nông dân Hát Lót (Viện Kinh tế nông nghiệp, 2005).
1.2.4.3. Phát triến sản xuất Na dai ở Bồ Lý (Tam Đảo, Vĩnh Phúc)
Cây Na dai đã trồng trên đất Bồ Lý huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc từ lâu nhưng phải đến những năm 1990 trở lại đây mới được người dân chú ý trồng nhiều. Phong trào trồng cây gì, nuôi con gì trong nông nghiệp, nông thôn và phong trào cải tạo vườn tạp truyền thống đã khiến diện tích Na dai ngày càng được mở rộng. Hiện Nay, toàn xã có khoảng 350 hộ trồng Na từ 1 sào trở lên và khoảng 300 hộ trồng quy mô nhỏ. Tổng diện tích trồng Na của
xã đến nay đã có khoảng 10 ha với sản lượng hàng năm thu được khoảng 80 tấn. Năm mất mùa, sản lượng thu hoạch cũng đạt khoảng 50 - 60 tấn. Giá bán tại vườn từ 10 - 15 nghìn đồng/kg. Giá trị thu nhập thấp nhất cũng đạt 50 triệu đồng/ha. Năm cao nhất đạt từ 80 - 100 triệu đồng/ha. Hiện Nay, việc phát triển vùng trồng Na đang gặp một số khó khăn. Vài năm trở lại đây, cây Na có hiện tượng thối rễ và chết do nhiều hộ nhân dân chưa hiểu hết về kỹ thuật chăm sóc phòng trừ sâu bệnh cho cây Na (Viện Kinh tế nông nghiệp, 2005).
Để khắc phục tình trạng này và mở rộng diện tích sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, Đảng uỷ xã Bồ Lý đã có nghị quyết giao cho Hội Nông dân phối hợp với các ngành, cơ quan chuyên môn giúp nông dân ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, chú trọng vào cây Na. Tiếp tục hoàn chỉnh dự án quy hoạch vùng Na, tập trung xây dựng kế hoạch hướng dẫn quy trình sản xuất, phòng trừ sâu bệnh cho cây Na đến từng hộ nông dân trong vùng. Đồng thời tập trung duy trì cây Na dai Bồ Lý ngày càng phát triển với sản lượng lớn, đảm bảo chất lượng, sạch, có uy tín với người tiêu dùng (Viện Kinh tế nông nghiệp, 2005).
1.2.4.4. Phát triển sản xuất Na dai ở Lục Nam (Bắc Giang)
Na dai ở huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang trong nhiều năm qua luôn thu hoạch được những vụ mùa nặng trĩu trái ngon, quả ngọt bởi nông dân nơi đây họ đã biết áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật chăm sóc để cây trồng phát triển tốt, có hiệu quả kinh tế. Không giống như nhiều loại mặt hàng nông sản khác ở nước ta thường phải chịu cảnh “được mùa mất giá”, trái lại "Na dai Lục Nam" ở Bắc Giang với lợi thế mẫu mã đẹp, quả trắng to, thơm ngọt, thịt Na mịn dai luôn được giá cho dù sản lượng tăng. Vì thế, không ít hộ gia đình nông dân ở nhiều xã của huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu nhờ loại cây ăn quả "đặc sản"
này (Nguyễn Mạnh Hà, 2006).
Các cơ quan chính quyền xác định cây Na là cây chủ lực trong phát triển kinh tế địa phương nên hàng năm Đảng ủy xã đều có nghị quyết tập
trung ưu tiên đầu tư cho phát triển cây Na dai như tiếp tục phổ biến nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật mới, hỗ trợ nông dân mua phân bón, thuốc trừ sâu;
khuyến khích nông dân chuyển đổi những sườn đồi thấp, chân ruộng cao khó khăn nguồn nước tưới chuyển sang trồng Na,.... Nhờ đó, hiện diện tích trồng Na trên toàn địa bàn xã đã lên tới 120 ha với doanh thu đạt khoảng 30 tỷ đồng mỗi vụ. Đặc biệt, trong những năm gần đây, nhiều hộ gia đình của xã Huyền Sơn có nguồn thu từ 200 - 300 triệu đồng/vụ từ trồng Na dai và không ít hộ gia đình ở xã Huyền Sơn thoát nghèo (Nguyễn Mạnh Hà, 2006).
Đến các xã Đông Phú, Nghĩa Phương, Cẩm Lý, Cương Sơn, Lan Mẫu của huyện Lục Nam, đâu đâu cũng thấy những vườn Na xanh tươi trĩu quả.
Theo ông Tăng Văn Luật, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Nam, nhận thấy trồng Na dai mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ dân mạnh dạn đưa loại cây trồng này sản xuất đại trà. Hiện Nay, tổng diện tích trồng Na dai của huyện Lục Nam khoảng 1.700 ha. Tuy nhiên, do nông dân quen chăm sóc Na theo lối truyền thống để Na tự thụ phấn, bón phân không cân đối, không đốn thân và tỉa thưa cành sau mỗi vụ thu hoạch nên năng suất, chất lượng sản phẩm không cao, quả Na nhỏ, không đồng đều, tiêu thụ gặp nhiều khó khăn (Nguyễn Mạnh Hà, 2006).
Để nâng cao chất lượng sản phẩm Na dai, UBND huyện Lục Nam đã phối hợp với các ngành chức năng hướng dẫn kỹ thuật trồng, bón cây Na dai cho nông dân. Theo đó, thay vì sản xuất theo lối truyền thống, các hộ trồng Na được hướng dẫn kỹ thuật thâm canh và thụ phấn nhân tạo cho Na dai, đốn cành cao, tỉa thưa kết hợp bón phân cân đối để tập trung dinh dưỡng nuôi thân và cành cấp một. Sau lập Xuân khoảng 20 ngày, dùng kéo cắt sạch đầu cành 20cm và tiếp tục bón phân chuồng và NPK, tưới 1 - 2 lần thuốc kích rễ và phun kích phát tố để làm bật mầm hoa rồi tiến hành thụ phấn áp dụng kỹ thuật chăm sóc mới, cây Na được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng nên phát triển mạnh, tỷ lệ đậu quả cao, cho thu hoạch quả sớm hơn 30 ngày. Đặc biệt, chất lượng Na được nâng lên. Quả Na mắt to đều, căng mịn, màu sáng
đẹp, trung bình đạt 0,3 - 0,5kg/quả, được thị trường ưa chuộng. Năng suất Na bình quân đạt hơn 12 tấn/ha, cao gấp đôi so với sản xuất theo phương pháp cũ (Nguyễn Mạnh Hà, 2006).
UBND huyện Lục Nam hiện đã quy hoạch vùng trồng Na hàng hóa.
Theo đó, từ Nay đến năm 2020, tổng số diện tích trồng Na dai của huyện sẽ là trên 2.000ha, tập trung tại các xã Đông Phú, Nghĩa Phương, Cẩm Lý, Cương Sơn, Lan Mẫu và Huyền Sơn. Huyện Lục Nam sẽ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ của tỉnh Bắc Giang và một số Viện nghiên cứu khoa học trung ương tiếp tục nghiên cứu tuyển chọn cây giống, hướng dẫn bà con ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất Na dai theo tiêu chuẩn VietGAP (Viện Kinh tế nông nghiệp, 2005).
1.2.4.5. Phát triển sản xuất Na dai ở tỉnh Lạng Sơn
Na dai là sản phẩm đặc sản nổi tiếng của vùng núi đá ở Lạng Sơn, phân bố dọc theo hai bên sườn dãy núi đá Chi Lăng ở các huyện Chi Lăng, Hữu Lũng, Bắc Sơn và Văn Quan. Do địa hình, địa chất và chất đất, quả Na dai ở tỉnh Lạng Sơn có giá dinh dưỡng cao, mùi thơm hấp dẫn. Đặc biệt rễ, lá, quả xanh có thể làm thuốc chữa bệnh (thuốc trợ tim, thuốc tiêu độc các vết thương). Hạt Na chứa 15 - 45% tinh dầu dùng làm thuốc trừ sâu, chế mỹ phẩm (Trạm Khuyến nông huyện Chi Lăng, 2016 -2018).
Riêng huyện Chi Lăng, Na dai ở đây có mắt quả to, màu xanh nhạt, hơi vàng, quả tròn, trọng lượng quả từ 200 - 400 g/quả. Quả Na khi ăn có vị thơm đặc trưng, độ ngọt cao, ít hạt, thịt quả dai, chắc. Khi quả chín vỏ bên ngoài có thể mềm nhũn nhưng bên trong thịt quả vẫn không nát. Cây Na cho thu hoạch vào các tháng 7, 8 và 9, khi thời điểm bắt đầu thu hoạch khi trái Na mắt đã mở to, vỏ chuyển từ màu xanh thẫm sang màu xanh xám vàng.
Hái quả kèm theo đoạn cuống mang về dấm trong 2 đến 3 ngày quả sẽ mềm và ăn được. Na dai được trồng ở Lạng Sơn từ những năm 1960, có nguồn gốc giống từ xã Minh Khai (huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây cũ). Ban đầu
giống Na này được trồng ở vùng đồng đất, đến năm 1982 mới được đưa lên trồng ở núi đá. Tại đây Na trở nên đặc biệt thích nghi và cho sản phẩm có chất lượng cao, đặc trưng. Na dai bắt đầu trở thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung có hiệu quả kinh tế cao, không những trở thành một cây trồng giúp người dân xóa đói giảm nghèo mà còn giúp nhiều hộ vươn lên làm giàu. Na dai Chi Lăng ngày càng được nhiều người biết tới, do vậy diện tích và sản lượng không ngừng tăng lên. Đến nay, Na dai là một cây chiến lược trong phát triển kinh tế của địa phương.
Hiện nay, toàn huyện Chi Lăng có trên 1.500 ha Na dai, sản lượng khoảng trên 16.000 tấn, là vựa Na lớn nhất cả nước. Năm 2011, sản phẩm Na Chi Lăng được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam cấp nhãn hiệu “Na dai Chi Lăng”. Năm 2012 được tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục đặc sản “Na dai Chi Lăng” của tỉnh Lạng Sơn công nhận vào tốp 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam theo tiêu chí công bố giá trị đặc sản Việt Nam [Trạm Khuyến nông huyện Chi Lăng, (2016 - 2018)]