Giới thiệu về Tỉnh Điện Biên và công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Điện Biên đến năm 2018

Một phần của tài liệu Vai trò của hội liên hiệp phụ nữ tỉnh điện biên đối với công tác xóa đói giảm nghèo (Trang 60 - 64)

Chương 3: THỰC TRẠNG VAI TRÒ CỦA HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ TỈNH ĐIỆN BIÊN ĐỐI VỚI CÔNG TÁC XĐGN

3.1. Giới thiệu chung về đơn vị nghiên cứu và địa bàn nghiên cứu

3.1.1. Giới thiệu về Tỉnh Điện Biên và công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Điện Biên đến năm 2018

Điện Biên nằm cách thủ đô Hà Nội 500km theo trục quốc lộ 6. Tỉnh có 10 đơn vị hành chính, gồm 01 thành phố, 01 thị xã và 08 huyện; với 130 xã, phường, thị trấn. Dân số trung bình tỉnh Điện Biên năm 2017 là 567.000 người; gồm 19 dân tộc, trong đó: Dân tộc Thái chiếm tỷ lệ cao nhất, khoảng 37,99%, dân tộc Mông chiếm 34,8%, dân tộc Kinh chiếm 18,42%, dân tộc Khơ Mú 3,3%, còn lại là các dân tộc khác.

Điện Biên là tỉnh có vị trí quan trọng về quốc phòng - an ninh, là đầu mối giao thông quan trọng giữa khu vực các tỉnh Tây Bắc, Việt Nam với các tỉnh Bắc Lào và Vân Nam (Trung Quốc). Điện Biên có nhiều hang động, nguồn nước khoáng và hồ nước tạo thành nguồn tài nguyên du lịch thiên nhiên phong phú. Bên cạnh lợi thế du lịch, tỉnh Điện Biên có quỹ đất chưa sử dụng rất lớn, là tiềm năng để phát triển nông, lâm nghiệp; đặc biệt là trồng cây công nghiệp ngắn ngày và chăn nuôi đại gia súc. Điện Biên đang định hướng thành trung tâm sản xuất lúa chất lượng cao của vùng Tây Bắc. Nhiều vùng như Mường Nhé, Si Pa Phìn và Điện Biên có khả năng chăn nuôi gia súc tập trung theo hướng trang trại.

Với lợi thế nhiều sông suối, có độ dốc lớn, theo khảo sát sơ bộ, Điện Biên có nhiều điểm có khả năng xây dựng nhà máy thuỷ điện. Tuy nhiên, việc khai thác các tiềm năng này còn ở mức khiêm tốn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh mới có một số nhà máy thuỷ điện như Nà Lơi 9.300KW, thác Bay 2.400KW, Thác trắng 6.200KW, Nậm Mức 44Mw đang được xây dựng và khai thác hiệu quả.

Nằm ở cực Tây của Tổ quốc, Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới.

Với điều kiện kinh tế của tỉnh miền núi, biên giới Điện Biên là một trong những tỉnh thuộc diện khó khăn nhất cả nước, với tỷ lệ hộ đói nghèo cao gấp nhiều lần mặt bằng chung của cả nước.

Bảng 3.1. Kết quả rà soát hộ nghèo địa bàn tỉnh Điện Biên đến năm 2018 STT Địa phương Số hộ

nghèo

Tỷ lệ hộ nghèo so với tổng số hộ nghèo của tỉnh (%)

Tỷ lệ hộ nghèo so với dân cư địa phương (%)

1 TP. Điện Biên Phủ 7.053 14,9 11,4

2 Thị xã Mường Lay 1.704 3,6 22,6

3 Huyện Điện Biên 9.657 20,4 23,7

4 H. Điện Biên Đông 4.355 9,2 25,5

5 Huyện Mường Ảng 3.929 8,3 32,3

6 Huyện Mường Chà 3.408 7,2 42,8

7 Huyện Mường Nhé 3.219 6,8 48,9

8 Huyện Nậm Pồ 3.645 7,7 44,2

9 Huyện Tủa Chùa 3.882 8,2 36,6

10 Huyện Tuần Giáo 6.485 13,7 35,9

Tổng cộng 47.336 100

(Nguồn: Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Điện Biên)

Theo kết quả rà soát năm 2018, toàn tỉnh có hơn 47.000 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 37,08%), giảm hơn 3.800 hộ nghèo so với năm 2017 (giảm 3,93%). Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện 30a giảm từ 56,84% năm 2017 xuống còn 52,09% năm 2018. Mục tiêu đề ra, tỉnh Điện Biên phấn đấu đến hết năm 2019, số hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn khoảng 44.000 hộ (giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 33,97%). Trong đó, số hộ nghèo tại các huyện nghèo giảm xuống còn khoảng 39.000 hộ, tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo giảm còn 47,37%. Trong đó nổi bật là Huyện Mường Ảng giảm hộ nghèo trên địa bàn từ 68,43% (năm 2010) xuống còn 36% vào cuối năm 2015.

Ðến cuối năm 2018, toàn huyện Mường Ảng chỉ còn 4.285 hộ nghèo (41,04%) theo tiêu chí nghèo đa chiều. Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Ðiện Biên Ðông cũng giảm nhiều (năm 2018 giảm 5,53% so 2017); toàn huyện còn 7.080 hộ nghèo, so với chỉ tiêu tỉnh giao, thì tỷ lệ hộ nghèo của huyện Ðiện Biên Ðông giảm vượt bậc, đạt 127,99% kế hoạch

Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh Điện Biên đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tự nguyện đăng ký cam kết vươn lên thoát nghèo, xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, các cấp và các ngành tiếp tục rà soát tổng thể các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới đang thực hiện trên địa bàn tỉnh để xác định những chính sách phù hợp. Qua đó, đề xuất điều chỉnh theo hướng mở rộng các chính sách kích thích sản xuất, khuyến khích thoát nghèo để người dân khắc phục tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo làm cơ sở cho việc triển khai các chính sách giảm nghèo. Đặc biệt phải nắm được nguyên nhân nghèo và nguyện vọng của từng hộ nghèo để có giải pháp hỗ trợ cụ thể, sát thực giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững.

Đối với các chương trình giảm nghèo, tỉnh Điện Biên sẽ thực hiện đa dạng hóa các nguồn vốn thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó tranh thủ sự đầu tư của Trung ương và tăng cường huy động vốn từ ngân sách địa phương; tích cực huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp, sự tham gia xã hội hóa của cộng đồng. Tỉnh thực hiện lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn các chương trình, dự án giảm nghèo bền vững với chương trình xây dựng nông thôn mới, nhằm tạo điều kiện đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hóa, nâng mức thu nhập cho hộ nghèo.

Tỉnh Điện Biên tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tiếp tục thực hiện công tác xuất khẩu lao động; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, cứu trợ kịp thời các đối tượng xã hội bị thiên tai, lũ lụt. Đồng thời phân công cán bộ của các cấp hội, đoàn thể theo dõi, giúp đỡ đoàn viên, hội viên nghèo, giám sát hộ nghèo sử dụng vốn vay và các nguồn lực được hỗ trợ để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống.

Năm 2018, tỉnh Điện Biên có 7 huyện nghèo, trong đó có 5 huyện nghèo nhóm 1 và 2 huyện nghèo nhóm 2. Toàn tỉnh có 130 xã, phường, thị trấn, trong đó có 101 xã đặc biệt khó khăn, 103 xã thuộc diện đầu tư của chương trình 135. Riêng trong năm 2018, tổng nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững hơn 420 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư phát triển hơn 310 tỷ đồng, vốn sự nghiệp hơn 110 tỷ đồng. Tỉnh Điện Biên đã thực hiện các chương trình giảm nghèo như: Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững tại các huyện nghèo 30a, đầu tư về cơ sở hạ tầng hơn 110 tỷ đồng; chương trình hỗ trợ giảm nghèo theo Quyết định 293/QĐ- TTg gần 30 tỷ đồng; chương trình 135 hơn 150 tỷ đồng... Ngoài ra còn có các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 135; chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới...

Trong những năm qua, tỉnh Điện Biên đã thực hiện tốt các chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới thôn bản đặc biệt khó khăn. Hệ thống giao thông liên huyện, liên xã được đầu tư, nâng cấp; các chợ được đầu tư đưa vào sử dụng tạo điều kiện cho các hoạt động giao lưu, phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn. Các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn đã chủ động và từng bước phát huy tiềm năng, thế mạnh; chủ động khai thác, phát huy lợi thế về đất và rừng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là tăng diện tích cây công nghiệp, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, phát triển chăn nuôi gia súc. Các sản phẩm dần tiếp cận được với vùng có điều kiện kinh tế phát triển. Các địa phương cũng đã liên kết đào tạo và phát triển nguồn nhân lực giữa các vùng được quan tâm thực hiện. Với những kết quả đạt được, việc thúc đẩy kết nối phát triển kinh tế, xã hội giữa vùng khó khăn với vùng phát triển đã từng bước được cải thiện, đời sống của nhân được nâng lên góp phần giảm nghèo bền vững tại địa bàn các huyện nghèo, xã, thôn bản đặc biệt khó khăn.

Một phần của tài liệu Vai trò của hội liên hiệp phụ nữ tỉnh điện biên đối với công tác xóa đói giảm nghèo (Trang 60 - 64)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(128 trang)