Chương 3: THỰC TRẠNG VAI TRÒ CỦA HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ TỈNH ĐIỆN BIÊN ĐỐI VỚI CÔNG TÁC XĐGN
3.3. Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Điện Biên đối với công tác xóa đói giảm nghèo
3.3.1. Các yếu tố khách quan
3.3.1.1. Yếu tố chính sách của Đảng và Nhà nước
Có thể nói các chính sách của Đảng và Nhà nước luôn ưu tiên phụ nữ, tạo động lực lớn và tích cực cho hội viên Hội phụ nữ các cấp thực hiện nhiệm vụ chính trị cũng như tập trung vào việc phát triển kinh tế, xây dựng hạnh phúc gia đình. Các Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phụ nữ thời kỳ đổi mới và hội nhập tiếp tục khẳng định và nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò to lớn của phụ nữ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự tham gia của cả hệ thống chính trị đối với công tác phụ nữ, đặc biệt là sự nỗ lực của bản thân phụ nữ để chị em tham gia ngày càng nhiều hơn, chủ động hơn, đóng góp ngày càng lớn hơn vai trò của mình trong tấn công nghèo đói, giúp cho sự phát triển chung của gia đình, cộng đồng, đất nước và thực hiện bình đẳng giới.
Đảng và Nhà nước ta đã xây dựng nhiều chính sách cho người nghèo mà đặc biệt là phụ nữ thuộc diện hộ nghèo và phụ nữ ở các vùng dân tộc thiểu số như là các chính sách bảo hiểm y tế, các chính sách tín dụng, dự án dạy nghề, dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, chính sách miễn giảm học phí cho học sinh nghèo trong đó quan tâm hơn cả đến các em là học sinh nữ trong gia đình thuộc diện hộ nghèo. Đối với hội viên hội phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số còn có thêm những quyền lợi được nêu rõ trong Nghị định 39/2015/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số sinh con.
Hội LHPN tỉnh Điện Biên đã rất sát sao trong việc thực hiện chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như Trung ương Hội LHPN Việt Nam, đã triển khai thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo xây dựng gia đình hạnh phúc”; tổ chức thành công buổi tọa
đàm Ngày Gia đình Việt Nam và “Tọa đàm tham vấn và tham gia ý kiến về dự thảo kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW về tiếp tục thực hiện công tác phụ nữ trong tình hình mới”. Thông qua đó tiếp thu được nhiều ý kiến xuất phát từ thực tế để xây dựng kế hoạch và thực hiện các chương trình, phù hợp với thực tiễn, điều kiện của địa phương và nhu cầu của hội viên.
3.3.1.2. Điều kiện kinh tế xã hội của tỉnh Điện Biên
Điện Biên từ một tỉnh miền núi kinh tế thuần nông kém phát triển đã từng bước phát triển đi lên. Tình hình thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong 10 năm qua đã đạt kết quả khá tốt, nhịp độ tăng trưởng bình quân hằng năm và các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu cơ bản đảm bảo, tạo tiền đề cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XII, XIII…
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, tỉnh Điện Biên đã hoàn thành các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội theo kế hoạch, cơ bản thực hiện đúng lộ trình nghị quyết đề ra; đã có 17/18 nhóm chỉ tiêu chủ yếu của Đại hội đề ra cơ bản gần đạt, một số chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu Nghị quyết. Các chỉ tiêu cơ bản trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh so với các tỉnh trong vùng đều đạt ở mức khá, hướng tới đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội là "phấn đấu xây dựng Điện Biên trở thành tỉnh phát triển trung bình trong vùng trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2020”. Đến cuối năm 2018, tỉnh có 18/116 xã đạt chuẩn nông thôn mới, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân giai đoạn 2016-2018 ước ước đạt 3,69%/năm (từ 48,14%
cuối năm 2015 xuống 37,08% năm 2018).
Điện Biên vẫn là một tỉnh miền núi giáp biên với Trung Quốc và Lào, với nhiều huyện/xã có tỷ lệ lao động đi làm việc ngoại tỉnh cao (bao gồm cả đi làm việc có tổ chức; không có tổ chức và lao động tại nước ngoài). Tuy nhiên, số người đi lao động có tổ chức chiếm tỷ lệ thấp, trong khi đó số lao động “chui” lại chiếm phần nhiều, trong đó theo thống kê có đến một nửa là
lao động nữ giới. Điều này đặt ra rất nhiều thách thức cho cán bộ Hội khi tiếp cận với hội viên để vận động tham gia phát triển kinh tế, XĐGN bền vững.
Điển hình như huyện Mường Nhé, từ đầu năm 2019 đến nay, huyện Mường Nhé có 45 hội viên phụ nữ vắng mặt tại địa phương không rõ lý do, nghi là đi lao động “chui”. Trong đó, xã Nậm Kè có 12 người, xã Sín Thầu có 1 người, xã Chung Chải có 2 người, xã Huổi Lếch 3 người, xã Mường Toong 1 người và đông nhất là xã Quảng Lâm với 26 người. Qua tìm hiểu từ gia đình của các hội viên phụ nữ thấy rằng, đa phần phụ nữ vắng mặt đều là đi lao động “chui” theo thời vụ ở Trung Quốc, do một số đối tượng đến mời gọi; sau khi vắng mặt, họ ít hoặc không liên lạc với gia đình và địa phương. Việc nhiều hội viên phụ nữ vắng mặt không lý do tại địa bàn huyện Mường Nhé ít xảy ra trong những năm trước đây, do đó tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm cho chị em phụ nữ bị lừa bị bán sang Trung Quốc làm những công việc như mại dâm, bán ma túy,... hoặc không có thuốc men, bảo hiểm để phòng ngừa rủi ro.
3.3.1.3. Nhận thức của hội viên
Tại tỉnh Điện Biên, phần lớn hội viên phụ nữ (hơn 70%) là người đồng bào dân tộc thiểu số, ít được đi học và tiếp cận với sự giáo dục tử tế. Do đó vẫn còn nhiều người còn nhận thức hạn chế, chịu nhiều gánh nặng do hủ tục, tập quán… Theo khảo sát có tới 78,8% chị em phụ nữ chỉ học hết cấp 2 hoặc cấp 3, thậm chí có người còn chưa được đi học. Cụ thể theo biểu đồ 3.1 tỷ lệ phụ nữ biết chữ ở Điện Biên trong giai đoạn từ 2010 đến nay mặc dù có tăng 13% từ 66% (2010-2012) lên 79% (2016-2018) nhưng điều đó có nghĩa là tỷ lệ không biết chữ vẫn còn rất cao ở mức 21%, thuộc diện những tỉnh có tỷ lệ mù chữ cao nhất trong cả nước. Điều này trở thành một trong những trở ngại đáng kể trong công tác đào tạo hội viên tiếp cận với khoa học kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh, từ đó ảnh hưởng tiêu cực tới kết quả sản xuất kinh doanh và khó khăn trong việc đổi mới mô hình sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, ngành nghề của các hội viên.
Biểu đồ 3.1. Tỷ lệ phụ nữ biết chữ và mù chữ tại tỉnh Điện Biên giai đoạn từ năm 2010 đến nay
(Nguồn: Hội LHPN tỉnh Điện Biên)
Hơn nữa, tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại khá nhiều trong hệ tư tưởng của các gia đình thuộc hộ nghèo tại Điện Biên do thiếu hiểu biết xã hội. Do đó, chị em phụ nữ thường bị lép vế so với người đàn ông trong gia đình, không có tiếng nói trong các cuộc hội họp hoặc thậm chí không được tham gia vào các công việc chính như sản xuất kinh doanh trong gia đình.
Việc phụ thuộc quá nhiều vào người đàn ông khiến cho chị em phụ nữ mất đi sự tự tin trong cuộc sống, không có cơ hội được tiếp cận với giáo dục và kiến thức xã hội. Điều này gây ra khó khăn khi cán bộ Hội triển khai các chương trình giúp chị em phụ nữ thoát nghèo và phát triển kinh tế hộ gia đình. Vì vậy nhiều chị em phụ nữ không được đến sinh hoạt các buổi tập huấn, tham gia nghe các buổi tuyên truyền của Hội, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất lao động và chưa đạt được những kết quả như kỳ vọng.