CHƯƠNG 2. THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG KIỂM SOÁT THANH TOÁN VỐN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CƠ BẢN NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG TẠI KHO BẠC NHÀ NƯỚC ĐÀ NẴNG
2.2. THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG KIỂM SOÁT THANH TOÁN VỐN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CƠ BẢN NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG TẠI KHO BẠC NHÀ NƯỚC ĐÀ NẴNG
2.2.3. Thực trạng kiểm soát tạm ứng vốn
Tại KBNN Đà Nẵng, việc tạm ứng theo hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu được thực hiện theo Nghị định số 48/2010/NĐ-CP ngày 07/05/2010 của
Chính phủ về Hợp đồng trong hoạt động xây dựng quy định mức tạm ứng tối đa của các loại hợp đồng là 50% giá hợp đồng, trường hợp đặc biệt thì phải được người quyết định đầu tư cho phép, do vậy có tình trạng cấp chính quyền địa phương cho phép tạm ứng tỷ lệ cao hơn 50% giá hợp đồng nhằm giải ngân hết dẫn đến mức tạm ứng một số dự án còn chiếm tỷ lệ cao so với tổng giá trị hợp đồng. Tổng mức vốn tạm ứng của các hợp đồng thực hiện trong năm tối đa là 30% kế hoạch vốn giao hàng năm cho dự án. Trên thực tế, các dự án sử dụng vốn NSĐP và vốn trái phiếu Chính phủ vẫn thực hiện tạm ứng vốn tối đa là 30% kế hoạch vốn được giao trong năm. Trường hợp đối với những dự án XDCB muốn đẩy nhanh tiến độ thời gian hoặc cần vốn để dự trữ nguyên vật liệu thì có nhu cầu tạm ứng vốn cao hơn, chủ đầu tư báo cáo người quyết định đầu tư xem xét, quyết định nhưng tối đa không quá 50% giá trị hợp đồng và không vượt kế hoạch vốn được giao năm đó của dự án.
Đối với một số dự án cụ thể như các công trình bí mật nhà nước, công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp; Các dự án đầu tư để đảm bảo an ninh, quốc phòng và phòng chống thiên tai, bão lũ và khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ; Các dự án, gói thầu cung cấp thiết bị trong nước và thiết bị nhập ngoại. Trường hợp có nhu cầu tạm ứng vốn cao hơn thì chủ đầu tư báo cáo người quyết định đầu tư xem xét, quyết định nhưng tối đa không quá 50% giá trị hợp đồng và không vượt kế hoạch vốn được giao năm 2012 của dự án.
Trong văn bản cho phép tạm ứng của người quyết định đầu tư KBNN Đà Nẵng luôn yêu cầu phải đảm bảo các nội dung: dự án được tạm ứng nằm trong phạm vi các trường hợp nêu trên và phải cam kết đảm bảo khi kết thúc năm tổng số vốn tạm ứng không vượt quá khối lượng thực hiện và kế hoạch vốn được giao trong năm đó của dự án. Người quyết định đầu tư và chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện về các nội dung này, thường xuyên kiểm tra, quản lý chặt chẽ số vốn tạm ứng theo đúng quy định và nội dung đã cam kết.
Qua công tác kiểm soát tạm ứng vốn tại KBNN Đà Nẵng có một số ưu điểm như:
Thứ nhất, đơn vị vẫn đáp ứng vốn tạm ứng nhanh, đầy đủ đảm bảo cho dự án hoạt động đúng tiến độ tuy gặp khó khăn do lượng vốn phân bố không đồng đều trong năm, tập trung nhiều vào Quý II và Quý III do đặc thù các dự án đầu tư XDCB thường kéo dài không ổn định như thời điểm dự trữ nguyên vật liệu hay giải phóng mặt bằng thường phải chi ra một lượng vốn rất lớn.
Thứ hai, tại đơn vị không có các khoản tạm ứng quá hạn, đến hạn và tạm ứng chi phí quản lý dự án, số dư tạm ứng chuyển năm sau luôn ở mức rất thấp do đơn vị luôn đôn đốc Chủ đầu tư, thực hiện tốt công tác phối hợp với cơ quan Tài chính, đốc thúc thu hồi các khoản thanh toán thừa so với quyết toán được duyệt và các khoản thu hồi xử lý theo kết luận của Thanh tra, Kiểm toán với số tiền thu hồi thanh toán thừa là 4.839 tỷ đồng.
Thứ ba, một số dự án đầu tư xây dựng được rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ tạm ứng đảm bảo tiến độ của dự án do KBNN Đà Nẵng đã linh hoạt ban hành công văn hướng dẫn theo Quyết định số 32/2018/QĐ-UBND ban hành ngày 28/9/2018, UBND thành phố Đà Nẵng ”về việc ban hành quy định một số nội dung về quản lý đầu tư và xây dựng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”
và Công văn số 6199/UBND-SXD ngày 10/8/2018 ”về việc liên quan đến xử lý gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng các công trình xây dựng”.
Thứ tư, công tác theo dõi quản lý việc tạm ứng vốn luôn đáp ứng yêu cầu, hệ thống chỉ tiêu báo cáo đầy đủ các thông tin góp phần phản ánh được số phát sinh tạm ứng qua các kỳ, số liệu phản ánh số dư tạm ứng quá thời hạn phải thu hồi nộp ngân sách để kịp thời xử lý.
Tuy nhiên bên cạnh những ưu điểm vẫn còn một số hạn chế như:
Thứ nhất, đơn vị vẫn chưa cân đối để đáp ứng ổn định lượng vốn tạm ứng nên một số dự án triển khai chậm trễ hơn. Nguyên nhân khách quan là do
nguồn vốn tạm ứng của các dự án đầu tư còn phụ thuộc vào thời tiết, tạm ứng ít vào các tháng cuối năm mùa mưa lũ và các tháng đầu năm lại bị ảnh hưởng của hoạt động quyết toán, nghỉ lễ nhưng giữa năm vào mùa xây dựng lại cần nhiều.
Thứ hai, một số dự án số tiền tạm ứng vốn còn cao do cơ chế tạm ứng không bắt buộc mỗi lần thanh toán phải thu hồi tối thiểu bao nhiêu phần trăm số tạm ứng nên mỗi lần thanh toán chủ đầu tư, nhà thầu chỉ thu hồi tạm ứng một số rất nhỏ, chỉ thu hồi hết khi thanh toán đạt 80% giá hợp đồng; trên thực tế có nhiều trường hợp do không khống chế mức tạm ứng nên có trường hợp chủ đầu tư đề nghị tạm ứng 100% giá trị hợp đồng.
Thứ ba, trong một số dự án KBNN Đà Nẵng đã tạo ra cơ chế thoải mái hơn cho nhà thầu và chủ đầu tư dẫn đến việc kiểm soát vốn lỏng lẻo hơn, rủi ro thu hồi vốn tạm ứng trở nên cao hơn. Nguyên nhân do lợi dụng khe hở trong quy định của Chính phủ (Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/04/2015) đã nâng mức tạm ứng hợp đồng lên tối đa là 50% giá trị hợp đồng tại thời điểm ký kết, trường hợp đặc biệt muốn tạm ứng cao hơn thì phải được người quyết định đầu tư cho phép và bảo lãnh tạm ứng không yêu cầu đối với hợp đồng xây dựng có giá trị tạm ứng hợp đồng nhỏ hơn hoặc bằng 01 tỷ đồng.