Điều kiện tự nhiên

Một phần của tài liệu Giải quyết việc làm cho lao động nữ thành phố đồng hới (Trang 38 - 41)

CHƯƠNG 2 THỰC TRẠNG GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CHO LAO ĐỘNG NỮ TẠI THÀNH PHỐ ĐỒNG HỚI

2.1. KHÁI QUÁT VỀ ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN, ĐẶC ĐIỂM KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG TỚI GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM

2.1.1. Điều kiện tự nhiên

Thành phố Đồng Hới là tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Bình, đồng thời cũng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của tỉnh. Thành phố này nằm trên đường quốc lộ 1A gần với thị xã Đông Hà và huyện Bố Trạch.

Vị trí của Đồng Hới nằm ở trung tâm của tỉnh và giáp huyện Bố Trạch về phía Bắc; giáp huyện Quảng Ninh về phía Nam; giáp Biển Đông về phía Đông và giáp huyện Quảng Ninh về phía Tây.

Thành phố Đồng Hới chỉ cách Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẽ Bàng - khu di tích Di sản thiên nhiên thế giới có 50 km, cách khu du lịch suối Bang 50 km, cách khu cụm Cảng biển Hòn La 60 km và Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo 180 km. Thành phố này được chia thành hai khu bởi dòng sông Nhật Lệ.

Đồng Hới có bờ biển với chiều dài 12 km về phía Đông và hệ thống sông, suối, hồ, rừng nguyên sinh ở phía Tây.

Thành phố Đồng Hới nằm trên trục giao thông Bắc Nam về đường sắt, đường bộ, có hệ thống cảng biển Nhật Lệ, sân bay Đồng Hới và hiện đang hình thành các trung tâm dịch vụ và thương mại, các khu công nghiệp của tỉnh. Các trung tâm này có khả năng tồn tại lâu dài và mở rộng ảnh hưởng trong khu vực và quan hệ quốc tế. Sự phát triển khu vực kinh tế Bắc Trung Bộ và khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung và Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo -

Nà Phàu (Trung Lào và Đông Bắc Thái Lan) đã tạo cơ hội cho thành phố cũng như tỉnh Quảng Bình phát triển kinh tế.

Cơ cấu hành chính của thành phố Đồng Hới bao gồm 10 phường nội thành và 6 xã ngoại thành. Có thể nói thành phố Đồng Hới tập trung nhiều điều kiện để phát triển kinh tế xã hội trong điều kiện đẩy nhanh quá trình CNH - HĐH và hội nhập quốc tế.

b. Địa hình, địa mạo

Thành phố Đồng Hới có địa hình đa dạng, bao gồm: vùng đồi, vùng đồng bằng, vùng cát ven biển; địa hình dốc đều từ Tây sang Đông, nằm giữa vùng đá vôi (Karst) và biển.

- Phần phía Đông sông Nhật Lệ là vùng cát Bảo Ninh có địa hình cồn cát ngang ổn định cao độ trung bình 10 m, dốc về 2 phía sông Nhật Lệ và Biển Đông. Ngoài ra còn có các dãy cát ven biển ở các xã Quang Phú, phường Hải Thành.

- Phần phía Tây sông Nhật Lệ chia làm 5 khu vực: khu vực 1 và 4 (bao gồm các khu Đồng Phú, Đồng Mỹ, Hải Đình và Phú Hải), Khu vực 2 (Bắc Lý, Nam Lý, Đức Ninh Đông, Bắc Nghĩa, Đức Ninh), Khu vực 3 (Đồng Sơn, Thuận Đức) và Khu vực 5 (Lộc Ninh). Nhìn chung sự phân chia các khu vực đã tạo điều kiện khá thuận lợi cho việc xây dựng, phát triển hạ tầng cơ sở.

c. Khí hậu, lượng mưa, chế độ nhiệt

Thành phố Đồng Hới nằm trong vùng khí hậu Bình Trị Thiên, nhiệt độ trung bình hàng năm 24,40C, lượng mưa trung bình từ 1.300 đến 4.000 mm, tổng giờ nắng 1.786giờ/năm, độ ẩm trung bình trong năm khoảng 84% và thuộc chế độ gió mùa: gió Đông Nam (gió Nồm), gió Tây Nam (gió Nam) và gió Đông Bắc. Khí hậu phân thành 2 mùa rõ rệt trong năm: mùa mưa và mùa nắng.

Thành phố nằm trong vùng khí hậu khắc nghiệt, nhiều biến động nhất

so với cả nước; mùa mưa lũ bão thường xuyên, mùa nắng hạn hán nghiêm trọng.

d. Tài nguyên thiên nhiên + Tài nguyên đất

Đồng Hới có 5 nhóm đất chính, bao gồm: nhóm đất cát và cát ven biển, có diện tích là 2.756,0 ha chiếm 17,7% diện tích tự nhiên, có thể phát triển mô hình nông - lâm kết hợp; nhóm đất nhiễm mặn, có diện tích khoảng 520,0 ha chiếm 3,3 % diện tích tự nhiên, có thể khai thác nuôi trồng thuỷ sản; nhóm đất phù sa, có diện tích 1.795,0 ha, chiếm 11,5% diện tích tự nhiên, hầu hết diện tích đất này đã được khai thác đưa vào trồng lúa nước, cây ăn quả, hoa màu;

nhóm đất xám, có diện tích là 9.060 ha chiếm 58,3% diện tích tự nhiên, có khả năng sử dụng cho sản xuất công nghiệp, lâm nghiệp; nhóm đất đỏ vàng, đất vùng gò đồi... có thể sử dụng vào mục đích sản xuất nông lâm nghiệp.

+ Tài nguyên nước

Thành phố Đồng Hới có nguồn mặt nước phong phú nhờ có hệ thống sông suối, ao hồ khá dày đặc. Toàn thành phố có 4 con sông chính chảy qua:

sông Nhật Lệ, sông Mỹ Cương là một nhánh nhỏ đổ ra sông Lệ Kỳ; sông Lệ Kỳ là một nhánh nhỏ đổ ra sông Nhật Lệ; sông Cầu Rào là sông ngắn nhỏ, chỉ dài 5 km nhưng đóng vai trò rất quan trọng trong việc thoát nước của thành phố.

+ Tài nguyên rừng

Hiện Đồng Hới có 6.757,96 ha đất lâm nghiệp, chiếm 43% diện tích tự nhiên, có tỷ lệ che phủ 60%. Rừng ở Đồng Hới bao gồm rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ ven biển và rừng trồng sản xuất, tập trung chủ yếu ở Bảo Ninh, Thuận Đức, Nghĩa Ninh, Bắc Nghĩa, Lộc Ninh và Đồng Sơn.

+ Tài nguyên biển

Thành phố Đồng Hới có trên 12,7 km từ biển Quang Phú đến biển Bảo Ninh. Biển có nhiều nguồn tài nguyên sinh vật phong phú và đa dạng, có

nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế cao như: tôm hùm, tôm sú, mực ống, mực nang...; trong đó mực ống, mực nang có trữ lượng khá lớn và chất lượng cao.

Ngoài ra vùng nội địa có nhiều sông suối, ao hồ, đồng trũng, bãi bồi ven sông... có nhiều loài thuỷ sinh sinh sống, hàng năm khai thác được số lượng lớn thuỷ sản nước lợ.

+ Tài nguyên khoáng sản

- Khoáng sản phi kim loại: Mỏ Cao Lanh tại xã Lộc Ninh có quy mô, trữ lượng trên 30 triệu tấn, là mỏ thuộc loại lớn nhất nước ta, rất có điều kiện để phát triển công nghiệp chế biến cao lanh.

+ Tài nguyên nhân văn và du lịch

- Thành phố Đồng Hới có nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đã được thẩm định và đánh giá: Quảng Bình Quan, luỹ Đào Duy Từ, hồ Bàu Tró, khu vực Hồ Thành, khu vực Đồi Giao Tế...; có các khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng như khu Sunspar Resort Mỹ Cảnh, 2 khu nghỉ dưỡng ở xã Bảo Ninh, 1 khu nghỉ dưỡng ở xã Quang Phú; có các bãi biển đẹp như Nhật Lệ, Quang Phú, Bảo Ninh... là những lợi thế để xây dựng phát triển ngành dịch vụ và du lịch.

Một phần của tài liệu Giải quyết việc làm cho lao động nữ thành phố đồng hới (Trang 38 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)