CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ HOẠT ĐỘNG HUY ĐỘNG VỐN TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI
1.4. Những nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động huy động vốn của ngân hàng thương mại
1.4.1. Các nhân tố khách quan
NHTM hiện diện với tư cách là một chủ thể trong nền kinh tế, tiến hành các hoạt động đều phải chịu tác động từ môi trường xung quanh. Huy động vốn của NHTM cũng bị ảnh hưởng bởi các biến động của môi trường kinh tế - xã hội.
Vấn đề bao trùm lên hoạt động của mọi cá nhân, tổ chức là tốc độ phát triển của nền kinh tế. Kinh tế tăng trưởng cao, ổn định trong một thời gian dài tạo điều kiện để đời sống người dân được nâng cao. Dân cư có thu nhập cao có khả năng tích lũy nhiều hơn. Dù tỷ lệ chi tiêu trên tổng thu nhập của họ có thể tăng nhưng số tuyệt đối của phần dành cho tiết kiệm vẫn lớn lên. Đó là cơ sở để NHTM huy động được nhiều vốn hơn. Trái lại, nền kinh tế trì trệ khiến đời sống người dân khó khăn thì lượng vốn huy động của Ngân hàng cũng bị thu hẹp.
Một yếu tố khác của môi trường vĩ mô tác động mạnh đến việc huy động vốn của NHTM là tình hình lạm phát. Đối với NHTW, lãi suất là một trong những công cụ kiểm soát lạm phát. Còn với NHTM, điều kiện để dòng vốn không bị chảy khỏi hệ thống Ngân hàng là đảm bảo lãi suất thực dương. Trong điều kiện tỷ lệ lạm phát cao hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm, người dân không tiếp tục gửi tiền vì lo sợ sự mất
giá. Vì vậy, đối phó với lạm phát, Chính phủ và NHTW thực thi các chính sách vĩ mô trong khi NHTM tính toán và điều chỉnh lãi suất cho phù hợp.
Lãi suất huy động vốn: Lãi suất huy động vốn có tác động trực tiếp tới quy mô tăng trưởng vốn huy động, và chi phí huy động vốn. Các khách hàng cá nhân thường là đối tượng khách hàng chiếm tỷ trọng lớn, cái mà họ quan tâm khi gửi tiền đó là lãi suất, do đó chỉ một thay đổi về lãi suất cũng tác động rất lớn tới lượng tiền gửi vào ngân hàng. Lãi suất cũng là nhân tố tác động chính làm tăng chi phí huy động vốn, lãi suất tăng thì chi phí cũng tăng. Lãi suất huy động vốn tác động hai chiều tới hiệu quả huy động vốn, nếu lãi suất tăng làm cho tốc độ tăng vốn huy động lớn hơn chi phí huy động vốn thì việc tăng lãi suất đã đem lại hiệu quả cho hoạt động huy động vốn và ngược lại sẽ làm giảm hiệu quả huy động vốn. Vì vậy ngân hàng cần phải rất cẩn trọng khi ra quyết định về chính sách lãi suất mà ngân hàng áp dụng.
Tỷ giá: Tỷ giá cũng là một nhân tố gây ảnh hưởng tới hoạt động huy động vốn của ngân hàng. Nếu tỷ giá giảm tức là đồng nội tệ lên giá, người dân sẽ có xu hướng chuyển từ tiết kiệm ngoại tệ sang tiết kiệm nội tệ. Khi đó, ngân hàng gặp thuận lợi trong việc thu hút vốn nội tệ song lại gặp khó khăn trong huy động vốn ngoại tệ, cơ cấu nguồn vốn mất cân đối sẽ làm công tác sử dụng vốn gặp khó khăn, từ đó tác động ngược trở lại hoạt động huy động vốn, ngân hàng không thể triệt để khai thác lợi thế sẵn có mà phải cân nhắc sự hài hòa giữa huy động vốn bằng ngoại tệ và huy động vốn bằng nội tệ, từ đó giảm khả năng huy động tối đa của ngân hàng.
1.4.1.2. Môi trường pháp lý và chính sách của Chính phủ
Môi trường chính trị pháp luật có ảnh hưởng rất lớn tới hiệu quả huy động vốn của ngân hàng, tác động trực tiếp vào quy mô và chi phí huy động vốn và khả năng sử dụng vốn của ngân hàng. Một quốc gia có nền chính trị ổn định sẽ tạo điều kiện phát triển cho tất cả các ngành nghề, và đối với cả hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Một nền chính trị ổn định là tiền đề cho kinh tế quốc gia phát triển, và nó tạo nhiều cơ hội huy động vốn cho ngân hàng. Các bộ luật cũng tác động đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng như: Luật các TCTD, luật NHNN…những luật này quy định về tỷ lệ huy động vốn của ngân hàng so với vốn tự có, quy định về
việc phát hành kì phiếu, trái phiếu, quy định về mức cho vay của ngân hàng với một khách hàng, một nhóm khách hàng… Các bộ luật này được xây dựng hợp lý sẽ giúp hoạt động kinh doanh của ngân hàng thuận lợi và an toàn hơn.
Bên cạnh những bộ luật thì chính sách tiền tệ của một quốc gia cũng ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả huy động vốn của NHTM, nó thể hiện ở các khía cạnh:
Mục tiêu chính sách tiền tệ bao gồm: kiểm soát lạm phát, bình ổn giá cả, tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm. Tùy thuộc vào việc thực hiện mục tiêu của chính sách tiền tệ mà ảnh hưởng của nó đến hiệu quả huy động vốn là khác nhau.
Chẳng hạn, khi nền kinh tế đang rơi vào tình trạng lạm phát tăng cao, nhà nước sử dụng chính sách tiền tệ thắt chặt để kiềm chế lạm phát bằng cách tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc hoặc yêu cầu các ngân hàng phải mua kì phiếu bắt buộc… khi đó các ngân hàng thiếu vốn sẽ phải tăng lãi suất để huy động thêm một lượng vốn lớn. Điều này tác động không tốt tới hiệu quả huy động vốn của ngân hàng, nó làm tăng quy mô huy động vốn nhưng đồng thời lại làm tăng chi phí huy động vốn lên rất cao, vì nguồn vốn huy động không đem cho vay mà dùng để tăng dự trữ bắt buộc và mua kì phiếu. Hoặc khi nền kinh tế càng phát triển, khối lượng hàng hóa luân chuyển trong xã hội ngày càng nhiều, nhà nước khuyến khích nhân dân thanh toán không dùng tiền mặt bằng cách trả lương qua tài khoản cá nhân thì tạo điều kiện tăng quy mô huy động vốn đối với ngân hàng.
1.4.1.3. Đối thủ cạnh tranh
Đối thủ của một NHTM trong việc huy động vốn không chỉ là những Ngân hàng khác, những tổ chức tín dụng có cùng nghiệp vụ nhận tiền gửi hay phát hành giấy tờ có giá. NHTM còn phải cạnh tranh với các Công ty Bảo hiểm và thị trường chứng khoán để thu hút vốn từ các chủ thể trong nền kinh tế.
Tại những nước đang phát triển, sự tăng trưởng cao đột ngột của thị trường chứng khoán có thể là nguyên nhân khiến nhiều khách hàng rút tiền khỏi hệ thống Ngân hàng để chuyển sang đầu tư trên thị trường chứng khoán. Điều này khác biệt lớn với những nền kinh tế phát triển. Tại đây, chỉ một bộ phận nhỏ dân cư tham gia đầu tư chứng khoán. Gửi tiền Ngân hàng vẫn là lựa chọn gần như tốt nhất của công chúng trong điều
kiện kinh tế bình thường.
Khác với thị trường chứng khoán, các công ty bảo hiểm cạnh tranh với Ngân hàng ngay cả trong điều kiện nền kinh tế phát triển cao. Đời sống người dân được cải thiện, nhu cầu bảo vệ của con người cũng gia tăng, các loại hình bảo hiểm càng được mở rộng đa dạng. Những hợp đồng bảo hiểm, đôi khi, có giá trị rất lớn.
Cùng với đó là số phí bảo hiểm cao được dân chúng đóng vào công ty bảo hiểm.
Điểm hạn chế của hình thức gửi tiền Ngân hàng so với Bảo hiểm là không mang tính bảo vệ. Trong khi những hợp đồng bảo hiểm nhân thọ vẫn có tính tiết kiệm như gửi tiền Ngân hàng. Kết quả là một dòng vốn không nhỏ không tới các NHTM nữa mà chuyển sang các Công ty Bảo hiểm.
Tuy nhiên, một điểm đặc biệt giúp Ngân hàng vẫn huy động được vốn là các Công ty Bảo hiểm cần đầu tư quỹ dự phòng nghiệp vụ để sinh lời. Một loại hình đầu tư mà các Công ty Bảo hiểm, nhất là Bảo hiểm Nhân thọ thường xuyên sử dụng với quy mô lớn là gửi tiền có kỳ hạn tại các Ngân hàng. Mặt khác, NHTM có thể làm đại lý bán bảo hiểm cho các Công ty Bảo hiểm đồng thời thực hịên thanh toán hộ các Công ty này.
1.4.1.4. Yếu tố thuộc về văn hoá xã hội, tâm lý, thói quen khách hàng
“Môi trường văn hóa xã hội bao gồm nhiều vấn đề mang tính lâu dài và chậm thay đổi.
Đầu tiên phải kể đến là tập quán tiêu dùng. Nếu ở những vùng dân cư mà người dân quen sử dụng số tiền nhàn rỗi dưới hình thức cất trữ là chính thì việc huy động vốn của ngân hàng sẽ gặp khó khăn. Chẳng hạn, vào thời kì vàng còn có giá trị, người dân dùng tiền nhàn rỗi để mua vàng cất trữ… Ngược lại, khi dân cư có nhu cầu hưởng lãi hoặc bảo đảm tài sản thì họ gửi tiền vào ngân hàng nhiều hơn, do đó, cơ hội huy động vốn của ngân hàng tăng lên.
Thói quen sử dụng các dịch vụ ngân hàng: Ở những nước phát triển, nhu cầu giao dịch qua ngân hàng rất phát triển, hầu hết những người dân có thu nhập đều mở tài khoản séc để thanh toán qua ngân hàng, nên nguồn vốn huy động được trong ngân hàng rất dồi dào. Tuy nhiên, ở những nước chậm phát triển, nhu cầu giao dịch thanh toán qua ngân hàng còn hạn chế nên ít người mở tài khoản tại ngân hàng, điều
này sẽ hạn chế khả năng huy động vốn của ngân hàng.
Bên cạnh đó, mức thu nhập của người dân cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến lượng tiền gửi vào ngân hàng. Nhìn chung, thu nhập của dân cư càng cao, nhu cầu đầu tư và giao dịch của họ tăng lên tương đối so với nhu cầu tiêu dùng và lúc này nhu cầu mở tài khoản cũng như tiền gửi vào ngân hàng cũng sẽ tăng lên.
Tại Việt Nam, người dân có thói quen chi tiêu bằng tiền mặt hoặc mua vàng, ngoại tệ cất trữ, chính vì thế mà các ngân hàng vẫn chưa huy động được nguồn vốn tiềm tàng trong dân. Hơn nữa đại bộ phận dân cư ở vùng nông thôn còn gặp nhiều khó khăn vật chất, trình độ dân trí thấp nên nhìn chung còn quá xa lạ đối với các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, điều này cũng làm cho công tác huy động vốn gặp nhiều khó khăn.
1.4.1.5. Môi trường khoa học công nghệ
Công nghệ thông tin và truyền thông có vai trò đặc biệt quan trọng và có ảnh hưởng tới nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng. Đối với NHTM, công nghệ thông tin đã trở thành công cụ quan trọng trong quản lý, kinh doanh, đảm bảo an toàn và hiệu quả, thông qua việc tập trung hóa tài khoản của khách hàng, kiểm soát tốt nguồn vốn, mở rộng và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh. Chính vì vậy, hiện đại hóa ngân hàng là nhiệm vụ hàng đầu và là mục tiêu quan trọng được đặt ra rất sớm để phục vụ cho chiến lược phát triển của ngân hàng, nhất là trong quá trình củng cố, đổi mới công nghệ, cơ cấu lại và phát triển hệ thống ngân hàng.
Trong những năm gần đây, nhờ tiến bộ của công nghệ thông tin, đã xuất hiện nhiều sản phảm dịch vụ mới liên quan đến hoạt động huy động vốn của ngân hàng như dịch vụ ngân hàng tại nhà, máy rút tiền ATM, thư tín dụng, hệ thống thanh toán điện tử… Với những loại hình sản phẩm dịch vụ mới, tỷ lệ gửi tiền, thanh toán qua ngân hàng ngày càng tăng và đạt tỷ lệ cao. Bên cạnh đó, việc sử dụng vi tính nối mạng trực tuyến giữa các giao dịch viên hay với kiểm soát viên giúp nâng cao công tác kiểm soát huy động vốn, các phần mềm máy tính hiện đại giúp các
giao dịch gửi, rút tiền nhanh chóng, chính xác hơn, giảm thiểu số chứng từ giấy sử dụng. Công nghệ mới cho phép ngân hàng đổi mới không chỉ quy trình nghiệp vụ mà còn đổi mới cả cách thức phân phối như thông qua internet, mobile phone, khách hàng có thể giao dịch với ngân hàng mà không cần trực tiếp đến ngân hàng.
Biết tận dụng những thành tựu khoa học công nghệ hiện đại thì ngân hàng có thể tăng tốc độ huy động vốn, giảm chi phí huy động, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động huy động vốn.