Nguyên nhân của hạn chế, tồn tại

Một phần của tài liệu Hoạt Động huy Động vốn tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn việt nam chi nhánh thành phố thái bình (Trang 78 - 84)

CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ HOẠT ĐỘNG HUY ĐỘNG VỐN TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI

2.3. Đánh giá chung về hoạt động huy động vốn tại ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam – Chi nhánh thành phố Thái Bình

2.3.3. Nguyên nhân của hạn chế, tồn tại

Một là, hình thức và sản phẩm huy động vốn vẫn còn mang tính truyền thống.

Đây là hạn chế lớn nhất, chưa thích ứng nhanh với cơ chế thị trường. Nghiệp vụ huy động vốn cần có nhiều sản phẩm, chủng loại, mẫu mã phong phú được cải tiến thường xuyên nhằm thoả mãn nhu cầu KH cũng như đáp ứng yêu cầu của nền KT hội nhập. Các sản phẩm huy động vốn mới áp dụng còn chậm. Một số sản phẩm dịch vụ mới còn chưa được hoàn thiện, chưa tạo được sự khác biệt nổi trội nên chưa đủ sức cạnh tranh (Dịch vụ InternetBanking của cá nhân chưa thực hiện được giao dịch chuyển tiền, mới chỉ dừng lại ở vấn tin tài khoản). Chưa có một số hình thức huy động mà các NHTM khác đã làm như tiết kiệm tại nhà, tiết kiệm tại cột ATM..., chưa tranh thủ được nhiều nguồn vốn rẻ, ổn định như nguồn vốn của các doanh nghiệp, đơn vị hành chính sự nghiệp nên chưa tiết kiệm được chi phí. Sản phẩm huy động kém phong phú nên chưa thực sự hấp dẫn KH. Bên cạnh đó, các sản phẩm tiền gửi mới chỉ tập trung vào đối tượng dân cư, chưa nghiên cứu xây dựng được sản phẩm tiền gửi chuyên biệt đối với các tổ chức kinh tế và định chế tài chính và các tiện ích gia tăng để thu hút vốn.

Hai là, chính sách lãi suất tiền gửi chưa linh hoạt, chênh lệch lãi suất đầu ra, đầu vào có xu hướng giảm. Cùng hoạt động trong môi trường KT như nhau song 4 NHTM lớn trên địa bàn thành phố đã có sự cạnh tranh rất gay gắt trong huy động vốn. Họ có cơ chế mua bán vốn trong hệ thống rất cụ thể nên họ tích cực đẩy mạnh huy động vốn. Nhằm thu hút nguồn vốn để mở rộng cho vay, phục vụ phát triển KT địa phương. Cơ cấu huy động vốn tăng lên ở kỳ hạn từ 12 tháng trở lên do diễn biến thanh khoản của hệ thống ngân hàng và điều hành của NHNN, phần nữa do tâm lý người gửi tiền có xu hướng theo dõi biến động lãi suất và lựa chọn kỳ hạn dài khi lãi suất có xu hướng giảm đã góp phần làm tăng chi phí huy động vốn. Hơn nữa với vai trò chủ đạo, chủ lực trên thị trường tài chính tín dụng nông thôn, Agribank CN thành phố Thái Bình phải chịu áp lực về giảm lãi suất cho vay để thực hiện nhiệm vụ chính trị là phục vụ chính sách Tam nông của Chính phủ.

Vì vậy, chênh lệch lãi suất đầu ra trừ đầu vào có xu hướng giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh.

Ba là, hệ thống ngân hàng điện tử còn hạn chế, số lượng máy ATM chưa đáp ứng được nhu cầu (03 máy/02 điểm giao dịch). Do vậy việc phát triển dịch vụ trả lương qua tài khoản để tranh thủ nguồn tiền gửi không kỳ hạn lãi suất thấp còn chưa tương xứng với tiềm năng. Thậm chí nhiều SPDV hiện đại, tiện ích đi kèm như thẻ ATM, dịch vụ Mobilebanking, thanh toán hoá đơn tiền điện, nước, điện thoại...KH chưa hào hứng sử dụng.

Bốn là, cán bộ làm công tác huy động vốn còn đang hạn chế về trình độ nhận thức lẫn phong cách giao tiếp. Một số các bộ nhân viên còn thụ động, chưa nắm bắt được các yêu cầu công tác, phương hướng mục tiêu của Chi nhánh, chưa hiểu hết đặc điểm các sản phẩm dịch vụ để tư vấn cho khách hàng. Bên cạnh đó, các nhân viên giao dịch ngân hàng mới chỉ hoàn thành nghiệp vụ giao dịch theo yêu cầu của khách hàng mà chưa thực hiện được các nghiệp vụ khác mang tính hỗ trợ khách hàng cũng như quảng bá hình ảnh ngân hàng như: tư vấn dịch vụ, cung cấp các thông tin về sản phẩm mới. Cán bộ còn chưa chủ động tìm kiếm khách hàng hay tìm hiểu nhu cầu của khách hàng mà còn tâm lý chờ khách hàng tới.

Năm là, chính sách Marketing chưa chuyên nghiệp và hiệu quả. Các hoạt động truyền thông mởi tập trung nhiều ở hội sở chi nhánh, chưa diễn ra đồng bộ tại tất cả các điểm giao dịch dẫn đến có những điểm giao dịch thì lượng khách rất đông, có những điểm lại không có khách dẫn đến chất lượng phục vụ khách hàng chưa tốt.

Ngoài ra việc quảng bá còn chưa rộng rãi dẫn đến các chương trình khuyến mại không được đến gần với khách hàng dẫn đến việc thu hút khách hàng chưa cao.

Sáu là, chính sách chăm sóc khách hàng còn chưa được tốt nhất là khách hàng ưu tiên. Chi nhánh còn thụ động, chưa chủ động tìm hiểu nhu cầu của khách hàng hay thiết kế cho khách hàng những giải pháp tài chính đi kèm nhất là những khách hàng VIP, KHDN lớn dẫn đến khách hàng thường tìm đến nhiều các NHTM khác để tối đa hóa các nhu cầu của mình.

2.3.3.2. Nguyên nhân khách quan

 Nguyên nhân từ phía Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam

- Hệ thống công nghệ thông tin, đường truyền chưa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Các ứng dụng, phần mềm của ngân hàng đôi khi còn gặp sự cố như quá tải người đăng nhập, khách hàng phải đợi lâu khi giao dịch hoặc không rút được tiền từ máy ATM, chậm trong việc báo có và báo nợ cho khách hàng khi rút tiền ATM... làm ảnh hưởng đến hoạt động huy động vốn và sử dụng vốn của Agribank.

Chậm trễ trong việc xử lý các vấn đề công nghệ làm ảnh hưởng hiệu quả giao dịch uy tín với khách hàng.

- Bộ máy hoạt động cồng kềnh: Agribank có bộ máy hoạt động cồng kềnh và cơ chế quản lý phức tạp. Agribank đang là một Doanh nghiệp Nhà nước nên mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động không những cồng kềnh mà còn chịu sự giám sát chặt chẽ của nhiều cơ quan như Chính phủ, Bộ tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước. Hoạt động tiền gửi cũng bị ràng buộc bởi nhiều quy định là nguyên nhân dẫn đến khả năng cạnh tranh thấp.

- Nguồn nhân lực: Chất lượng cán bộ của chi nhánh nói riêng và hệ thống Agribank còn chưa đồng đều, số lượng cán bộ có trình độ ngoại ngữ còn hạn chế.

 Nguyên nhân từ phía các cơ quan nhà nước

- Môi trường pháp lý chưa hoàn thiện: Sự ra đời của luật Ngân hàng và Luật các tổ chức tín dụng đã tạo một môi trường pháp lý đồng bộ hơn cho hoạt động Ngân hàng nói chung và công tác huy động vốn nói riêng. Song quá trình thực hiện còn thấy nhiều điều chưa phù hợp cần được sửa đổi và hoàn thiện. Hệ thống Luật kinh tế của Việt Nam hiện nay còn thiếu, các bộ luật căn bản cần thiết trong quan hệ kinh tế liên tục cần được sửa đổi.

- Hệ thống công nghệ của Ngân hàng nhà nước quá lạc hậu, chậm tốc độ chuyển tiền ảnh hưởng đến việc thanh toán của khách hàng, làm giảm một phần đáng kể hiệu quả huy động vốn. Khả năng kết nối giữa chi nhánh với NHNN còn chậm.

 Nguyên nhân khách quan khác

- Cạnh tranh giữa các tổ chức tín dụng trên địa bàn: Hoạt động trong cơ chế thị trường, ngân hàng Nông nghiệp phải đối mặt với nhiều đối thủ cạnh tranh, trên một địa bàn nhỏ nhưng có sự góp mặt của nhiều các tổ chức kinh tế đang tích cực triển khai nhiều hình thức thu hút vốn trong dân cư.

- Tâm lý ưa thích dùng tiền mặt của người dân: Một phần do sự thiếu hiểu biết của khách hàng về các tiện ích của các dịch vụ Ngân hàng. Phần lớn người dân cho rằng Ngân hàng chỉ đơn thuần là một tổ chức nhận tiền gửi và cho vay nên họ gửi tiền vào Ngân hàng đơn giản là hưởng lãi chứ chưa quan tâm đến việc sử dụng các dịch vụ Ngân hàng. Do đó sự hấp dẫn về lãi suất vẫn luôn là mối quan tâm hàng đầu. Nguyên nhân này đã hạn chế việc mở và gửi tiền vào các tài khoản thanh toán, làm cho Ngân hàng khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn vốn rẻ.

- Tâm lý sợ tiền mất giá: một bộ phận dân cư ưa thích tích trữ các khoản tiền nhàn rỗi dưới dạng vàng, ngoại tệ hoặc mua sắm nhà đất và các tài sản có giá trị khác mà không gửi tiền vào Ngân hàng. Việc lôi kéo các khoản tiền “chết” ở nhiều hộ gia đình hiện nay đưa vào lưu thông trên thị trường tiền tệ là một vấn đề không phải là đơn giản.

- Sự gia tăng cạnh tranh của các kênh huy động vốn như hệ thống NHTM cổ

phần, tiết kiệm Bưu điện...không chỉ bằng lãi suất mà còn bằng cả các tiện ích hấp dẫn đã làm cho chi phí giao dịch của các ngân hàng có xu hướng ngày càng tăng.

Hơn nữa, việc ra đời quá nhiều ngân hàng với tiềm lực tài chính khác nhau đã gây nên sự cạnh tranh không lành mạnh trong huy động vốn ở từng thời điểm nhất định làm tăng chi phí giao dịch, đẩy lãi suất thực lên cao, làm tăng chi phí huy động vốn

KẾT LUẬN CHƯƠNG 2

Trong nội dung Chương 2, tác giả đã trình bày thực trạng hoạt động huy động vốn tại Agribank CN thành phố Thái Bình trong giai đoạn 2020-2022. Bên cạnh đó, tác giả cũng đã giới thiệu khái quát về quá trình hình thành và phát triển, cơ cấu tổ chức và khái quát tình hình hoạt động kinh doanh của Agribank CN thành phố Thái Bình. Qua đó, tác giả đã có sự tổng kết đánh giá những kết quả đáng ghi nhận của Agribank CN thành phố Thái Bình thời gian qua trong hoạt động huy động vốn.

Đồng thời, tác giả cũng phân tích những mặt còn hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế đó. Đây là cơ sở quan trọng để tác giả có những đề xuất trong công tác hoàn thiện hoạt động huy động vốn của Agribank CN thành phố Thái Bình trong được trình bày trong Chương 3 tiếp theo của luận văn này.

Một phần của tài liệu Hoạt Động huy Động vốn tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn việt nam chi nhánh thành phố thái bình (Trang 78 - 84)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)