Lao động khai thác thuỷ sản của 10 tỉnh ven vịnh Bắc Bộ tại thời điểm tháng 6/2010 trình bày ở bảng 1.8 phần phụ lục, cho thấy:
- Số lượng lao động khai thác thuỷ sản của 10 tỉnh ven biển vịnh Bắc Bộ là
123.107 người, trung bình 3 người/tàu. Trong đó Thanh Hoá là tỉnh có số lượng lao
động đông nhất trong toàn vùng: 27.904 người (chiếm 23%), Quảng Ninh 26.578
người (chiếm 22%), Quảng Bình 15.608 người (chiếm 12,7%), Nghệ An 15.414 người (chiếm 12,5%)... và thấp nhất là tỉnh Ninh Bình: 1.179 người (chiếm 1%). [9]
- Chất lượng lao động khai thác thuỷ sản: Nghề khai thác thuỷ sản là nghề nặng nhọc, nguy hiểm; vì vậy không thu hút được những lao động có trình độ học vấn cao. Kết quả thống kê cho thấy, có 68% chưa tốt nghiệp tiểu học, hơn 20% tốt nghiệp tiểu học, khoảng gần 10% có trình độ trung học cơ sở và 0,65% có bằng ở các trường dạy nghề. Hầu hết các ngư dân trong khu vực đều có trình độ học vấn thấp, trình độ
chuyên môn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, cho nên hiệu quả sử dụng tàu thuyền có công suất lớn chưa cao. Thuyền trưởng, máy trưởng của các tàu ở khu vực vịnh Bắc
Bộ thường chỉ được đào tạo qua các lớp ngắn hạn. Vì vậy, việc sử dụng tàu, máy, ngư
cụ và các thiết bị hàng hải như: định vị, dò cá còn lúng túng, hiệu quả thấp, không phát huy hết tính năng tác dụng của thiết bị. Việc tiếp thu công nghệ mới còn rất hạn chế, việc cải tiến công cụ khai thác chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau. Do trình độ học vấn thấp nên đa số thuyền trưởng không ghi Nhật ký đánh bắt hoặc ghi
không đầy đủ và chính xác số liệu theo quy định.
Vì vậy, hiệu quả các hoạt động khai thác thủy sản phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm được tích lũy qua thời gian hoạt động thực tiễn trên biển tức là tuổi đời và tuổi nghề của thuyền trưởng các tàu khai thác. Trong thực tế, tuổi nghề gần như tỷ lệ thuận với tuổi đời của thuyền trưởng do tính chất cha truyền con nối và người lao động khai thác thủy sản thường đi học nghề rất sớm, từ khi 16-17 tuổi. [9]