Quy trình quản trị rủi ro lãi suất

Một phần của tài liệu Quản Trị Rủi Ro Lãi Suất Tại Ngân Hàng Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn Việt Nam (Trang 23 - 26)

CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VỀ RỦI RO LÃI SUẤT VÀ QUẢN TRỊ RỦI RO LÃI SUẤT TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI

1.3 Quản trị rủi ro lãi suất tại các ngân hàng thương mại

1.3.4 Quy trình quản trị rủi ro lãi suất

1.3.4.1 Nhận diện và phân loại rủi ro:

Rủi ro lãi suất có thể xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau và mỗi loại rủi ro lãi suất sẽ có những phương pháp đo lường riêng phù hợp với nó. Các NHTM cần xem xét bản chất và độ phức tạp của các sản phẩm và hoạt động của ngân hàng mình và các tính chất rủi ro của những hoạt động kinh doanh này trước khi nhận dạng các nguồn chính gây nên rủi ro lãi suất.

Các NHTM cần thiết lập hệ thống đo lường rủi ro lãi suất có khả năng nhận biết tất cả các nguồn rủi ro lãi suất cũng như đánh giá được tác động của biến động lãi suất đối với phạm vi hoạt động của ngân hàng, nhận diện và lượng hóa những nguồn chính gây nên rủi ro cho ngân hàng.

Rủi ro lãi suất có thể được chia làm 4 loại: rủi ro đánh giá lại, rủi ro cơ bản, rủi ro đường cong lợi tức và rủi ro quyền chọn. Tùy vào từng loại rủi ro mà ngân hàng đưa ra những biện pháp phù hợp.

1.3.4.2 Đo lường rủi ro lãi suất:

Hệ thống đo lường rủi ro lãi suất phải có khả năng nhận biết tất cả các nguồn rủi ro lãi suất cũng như đánh giá được tác động của lãi suất đến hoạt động của ngân hàng, tập trung vào các hạng mục có rủi ro lãi suất chiếm đa số.

Hiện nay trên thế giới đo lường rủi ro lãi suất đã được thực hiện theo 3 phương pháp: Phân tích khe hở nhạy cảm lãi suất, phân tích độ nhạy cảm của lãi suất và định lượng rủi ro lãi suất bằng giá trị có thể tổn thất-Var. Ngân hàng cần phải dự tính các môi trường lãi suất trong tương lai và đo lường rủi ro đối với ngân hàng trong các môi trường đó bằng cách xác định những ảnh hưởng cụ thể đó. Ngân hàng cần đưa ra những kịch bản và giả định.Các kịch bản lãi suất cụ thể là khác nhau ở mỗi ngân hàng.Các ngân hàng cần có cấu trúc kỳ hạn của lãi suất, mối liên hệ cơ bản giữa đường cong lợi tức và các mức lãi suất, ước tính các lãi suất sẽ thay đổi như thế nào khi lãi suất thị trường thay đổi. Từ những giả định đó ngân hàng thực hiện những kịch bản lãi suất theo đó rủi ro lãi suất sẽ được đo lường. Sự phức tạp của những kịch bản thật được sử dụng có thể xếp từ một giả thuyết đơn giản trong đó tất cả các mức lãi suất

biến động đồng thời, tới những kịch bản lãi suất phức tạp hơn có liên quan tới đường cong lợi tức phức tạp. Những kịch bản này có thể bao gồm “những cú sốc lãi suất”

trong đó giả định lãi suất được tăng lên một mức mới, hoặc “đoạn dốc lãi suất” nơi mà lãi suất tăng dần dần. Cho dù có áp dụng hệ thống đo lường nào, tác dụng của các kỹ thuật đo lường phụ thuộc vào thời hạn của các giả định và mức độ chính xác áp dụng các phương pháp đo lường. Trong quá trình xây dựng hệ thống đo lường rủi ro lãi suất, ngân hàng phải đảm bảo rằng mức độ chi tiết về bản chất của các hạng mục nhạy cảm lãi suất phải tương thích với mức độ phức tạp và mức độ rủi ro ẩn trong các hạng mục này. Tùy thuộc vào mức độ phức tạp và phạm vi hoạt động của từng ngân hàng, các ngân hàng cần có các hệ thống đo lường rủi ro lãi suất để đánh giá được tác động của lãi suất lên hai khía cạnh lợi nhuận và trị giá kinh tế của tài sản/nguồn vốn. Những hệ thống này là công cụ đắc lực đo lường chính xác mức độ rủi ro mà ngân hàng đang đối mặt và báo động ngay khi phát hiện có sự vượt mức cho phép.

1.3.4.3 Giám sát rủi ro:

Quản trị rủi ro lãi suất là một quá trình năng động. Ngoài việc đo lường rủi ro lãi suất của việc kinh doanh hiện tại, ngân hàng cũng nên ước tính ảnh hưởng của việc kinh doanh mới lên rủi ro của nó. Đồng thời đánh giá lại các chiến lược hiện tại có phù hợp với hồ sơ rủi ro như dự tính của ngân hàng. Ban quản lý cấp cao và ngân hàng nên có hệ thống báo cáo cho phép họ giám sát tình hình rủi ro hiện tại và tiềm năng để đảm bảo rằng các mức độ đó nhất quán với các mục tiêu đã đề ra.

Ngân hàng nên có một hệ thống hợp lý để báo cáo rủi ro lãi suất.Ít nhất hàng quý Ban quản lý cấp cao của ngân hàng và HĐQT nên có các báo cáo về hồ sơ rủi ro lãi suất của ngân hàng.Việc báo cáo được tiến hành thường xuyên sẽ giúp ngân hàng chủ động hơn rủi ro lãi suất xảy ra. Những báo cáo này cho phép Ban quản lý cấp cao ngân hàng và HĐQT hay Ủy ban ALCO:

- Đánh giá mức độ và xu hướng của rủi ro lãi suất tích hợp.

- Đánh giá tính nhạy cảm của các giả định chính, là các giả định có liên quan đến sự thay đổi trong hình dạng đường cong lợi nhuận hay trong tốc độ của việc thanh toán khoản nợ vay trước hay rút tiền trước kỳ hạn.

- Đánh giá mối tương quan giữa các mức độ rủi ro và việc thực hiện. Khi Ban điều hành xem xét các chiến lược rủi ro lãi suất chính, họ nên đánh giá tác động của

rủi ro tiềm năng (một biến động lãi suất đảo chiều) ngược với tác động của thu nhập tiềm năng.

Các báo cáo cung cấp cho HĐQT và Ban quản lý cấp cao cần rõ ràng, ngắn gọn, súc tích và đúng thời gian và cung cấp thông tin cần thiết để ra quyết định. Thiết lập chuẩn mực báo cáo để giám sát tình hình rủi ro hiện tại và tiềm năng để đảm bảo rằng các mức độ đó nhất quán với các mục tiêu đã đề ra. Đồng thời, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin ngân hàng nhằm đảm bảo dữ liệu truy xuất nhanh chóng để đảm bảo cho Ban quản lý có các quyết định kịp thời nhằm hạn chế rủi ro lãi suất.

1.3.4.4 Kiểm soát rủi ro:

Hệ thống giám sát rủi ro của ngân hàng đảm bảo chức năng an toàn và hợp lý của tổ chức nói chung và quá trình quản lý rủi ro lãi suất nói riêng. Việc thiết lập và duy trì một hệ thống kiểm soát hiệu quả là một trong những trách nhiệm quan trọng của Ban điều hành. Những cán bộ chịu trách nhiệm đánh giá quy trình giám sát và kiểm soát rủi ro nên độc lập với chức năng kiểm tra.

Các nhân tố chính của quá trình kiểm soát bao gồm kiểm tra, kiểm toán nội bộ và cấu trúc hạn mức rủi ro hiệu quả.

Ngân hàng cần kiểm tra và cập nhật mỗi bước của quá trình đo lường rủi ro lãi suất để đảm bảo tính trung thực và hợp lý. Việc kiểm tra được thực hiện thường xuyên bởi một số đơn vị trong tổ chức, bao gồm ALCO hay đội ngũ Phòng kinh doanh tiền tệ (thường xuyên và đều đặn), và đơn vị kiểm soát rủi ro có trách nhiệm giám sát việc lập mô hình rủi ro lãi suất. Các kiểm toán nội bộ và bên ngoài cũng có thể kiểm tra quy trình của ngân hàng định kỳ.

Các khoản mục một kiểm toán viên nên kiểm tra và cập nhật là:

- Sự thích hợp của hệ thống đo lường rủi ro ngân hàng cho thấy bản chất, tầm nhìn và sự phức tạp của các hoạt động ngân hàng.

- Tính chính xác và toàn diện của dữ liệu nhập vào trong mô hình bao gồm việc xác minh số dư, các điều khoản hợp đồng, các công cụ chính, các danh mục

đầu tư, các đơn vị kinh doanh.

- Tính hợp lý, hiệu lực của kịch bản và giả định.

- Hiệu lực của việc tính toán đo lường rủi ro: Tính hiệu lực của các mô hình thường được kiểm tra bằng cách so sánh kết quả thực tế và kết quả dự báo. Khi

làm như thế, ngân hàng sẽ so sánh kết quả thu nhập ròng dự kiến và thu nhập thực tế.

Việc kết hợp với kết quả của hệ thống đánh giá thực tế có thể khó khăn hơn bởi vì giá trị thị trường đối với tất cả các công cụ này thì luôn luôn sẵn sàng trong khi ngân hàng không thường xuyên ghi nhận lại bảng cân đối số dư theo giá thị trường.

Một phần của tài liệu Quản Trị Rủi Ro Lãi Suất Tại Ngân Hàng Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn Việt Nam (Trang 23 - 26)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(80 trang)