Phương pháp quản trị rủi ro lãi suất tại các ngân hàng thương mại trên thế giới

Một phần của tài liệu Quản Trị Rủi Ro Lãi Suất Tại Ngân Hàng Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn Việt Nam (Trang 26 - 31)

CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VỀ RỦI RO LÃI SUẤT VÀ QUẢN TRỊ RỦI RO LÃI SUẤT TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI

1.4 Phương pháp quản trị rủi ro lãi suất tại các ngân hàng thương mại trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho ngân hàng thương mại Việt Nam

1.4.1 Phương pháp quản trị rủi ro lãi suất tại các ngân hàng thương mại trên thế giới

1.4.1.1 Thành lập ủy ban quản trị tài sản Nợ - Có:

Ủy ban quản trị Tài sản Nợ - Có (Assets and Liabilitíe Committee) - Ủy ban ALCO được định nghĩa là một Ủy ban có trách nhiệm quản trị rủi ro lãi suất và rủi ro thanh khoản của một ngân hàng. Chức năng của Ủy ban ALCO là đo lường rủi ro, mô phỏng rủi ro và quản lý rủi ro. Ủy ban ALCO là một bộ phận quan trọng không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Do đó, ngân hàng cần thành lập Ủy ban ALCO để xây dựng một chiến lược rủi ro lãi suất đồng bộ với chiến lược kinh doanh và các kịch bản lãi suất thị trường cũng như các yếu tố khác bên ngoài có thể ảnh hưởng đến ngân hàng.

1.4.1.2 Quy định về việc duy trì vốn chủ sở hữu:

Những thay đổi trong lãi suất có thể khiến cho ngân hàng có nguy cơ tổn thất và trong một số trường hợp thậm chí có thể đe dọa sự sống còn của ngân hàng.

Để quản trị hiệu quả, ngân hàng cần phải biết và chuyển mức độ rủi ro lãi suất của mình cho dù nó là các rủi ro của các hoạt động kinh doanh hay không kinh doanh thành đánh giá chung đối với mức vốn đạt yêu cầu. Trong những trường hợp mà ngân hàng phải đối mặt với tình hình rủi ro lãi suất đáng kể trong quá trình thực hiện chiến lược kinh doanh của mình thì ngân hàng cần phải phân bổ một lượng vốn đáng kể để hỗ trợ cho rủi ro này.

1.4.1.3 Quản trị hạn mức khe hở nhạy cảm lãi suất:

Quản trị rủi ro lãi suất bằng phương pháp dùng hạn mức khe hở nhạy cảm lãi suất là việc ngân hàng xác định khe hở nhạy cảm lãi suất cho các kỳ đáo hạn, sau đó thiết lập ra các hạn mức cho các khe hở này tuỳ thuộc vào mục tiêu quản trị rủi ro của ngân hàng.

Hạn mức khe hở thông thường được đặt dưới dạng +/-L, tức là dạng biên độ.

Tài sản có thể lớn hơn hoặc nhỏ hơn Nợ nhưng trị tuyệt đối của nó không được vượt quá hạn mức đã được đặt ra. Hạn mức này được quản lý hàng ngày bởi Khối Treasury của các ngân hàng. Việc xác định hạn mức và quản lý khe hở trong hạn mức phụ thuộc vào mục tiêu quản trị rủi ro lãi suất của mỗi ngân hàng. Cụ thể, các ngân hàng phải đưa ra một số quyết định quan trọng trên các phương diện sau:

- Nhà quản lý phải lựa chọn “thời kỳ mục tiêu” cho việc quản lý chỉ tiêu thu nhập lãi cận biên (NIM) (ví dụ: 6 tháng, 1 năm,…) để làm cơ sở cho việc xác định những giá trị kỳ vọng và độ dài của những giai đoạn thành phần.

- Nhà quản lý phải lựa chọn giá trị tỷ lệ thu nhập lãi ròng cận biên mục tiêu, tức là duy trì tỷ lệ thu nhập lãi cận biên hiện tại hoặc làm tăng chỉ tiêu này.

- Nếu nhà quản lý mong muốn nâng cao tỷ lệ NIM, họ phải dự báo chính xác lãi suất hoặc tìm cách phân bổ lại danh mục tài sản sinh lời và nợ nhằm tăng thu nhập lãi cho ngân hàng.

- Nhà quản lý phải xác định giá trị tài sản nhạy cảm lãi suất và giá trị nguồn vốn nhạy cảm lãi suất mà ngân hàng sẽ nắm giữ.

1.4.1.4 Quản trị hạn mức giá trị có thể tổn thất (VaR):

Value at Risk (VaR) được phát triển dựa trên những kế thừa từ những phương pháp đo lường rủi ro trước đó. VaR là số tiền tối thiểu bị lỗ trong một danh mục với một xác suất cho sẵn trong một thời kỳ cụ thể nào đó. VaR thông thường được tính cho từng ngày trong khoảng thời gian nắm giữ tài sản, và thường được tính với độ tin cậy 95% hoặc 99%.

Sau khi ngân hàng đã định lượng được RRLS theo phương pháp giá trị có thể tổn thất (VaR), ngân hàng có thể đặt hạn mức cho mức độ VaR này. Hạn mức được xác định bởi HĐQT ngân hàng và tuỳ thuộc vào mục tiêu và mức độ chấp nhận rủi ro của ngân hàng.

Mục đích của VaR:

- Đo lường mức độ tổn thất tiềm năng của một danh mục đầu tư.

- Dựa trên mức biến động của giá tương đối lớn nhưng đặc biệt loại trừ những biến động giá quá lớn.

- Dựa trên “giá trị” tức là tính toán theo giá trị thị trường.

- Đây là phần phân tích mở rộng của độ nhạy cảm của lãi suất.

1.4.1.5 Sử dụng các công cụ phái sinh

Mục đích của việc sử dụng các công cụ phái sinh để biến đổi rủi ro chứ không liên quangì đến tài sản Nợ và tài sản Có.

- Hợp đồng kỳ hạn lãi suất: Là sự thỏa thuận của hai chủ thể về việc mua hoặc bán một số lượng chứng khoán với một mức lãi suất thỏa thuận vào ngày hôm nay cho việc chuyển giao chứng khoán vào một ngày thỏa thuận trong tương lai. Giả sử ngân hàng dự báo lãi suất sẽ tăng trong thời gian tới làm giảm giá trị thị trường trên bảng cân đối tài sản của các trái phiếu mà ngân hàng đang nắm giữ, để bù đắp sự thua lỗ này, ngay từ bây giờ ngân hàng sẽ bán kỳ hạn số trái phiếu nói

trên với mức giá thỏa thuận vào ngày hôm nay. Những trường hợp có thể xảy ra khi hợp đồng đến hạn:

+ Nếu lãi suất thực tế tăng: ngân hàng sẽ bán trái phiếu cho người mua theo giá hợp đồng và dùng số tiền đó mua lại số trái phiếu đã bán với giá rẻ hơn. Lãi thu được từ trường hợp này được dùng để bù đắp khoản thua lỗ trên bảng cân đối tài sản do trái phiếu giảm giá trên bảng cân đối.

+ Nếu lãi suất thực tế giảm: giá trị thị trường của trái phiếu trên bản cân đối sẽ tăng, ngân hàng cũng sẽ bán trái phiếu cho người mua theo giá hợp đồng và dùng số tiền đó mua lại trái phiếu trên thị trường với mức giá cao hơn. Khoản lỗ này ngân hàng bù đắp bằng khoản lãi do trái phiếu tăng giá trên bảng cân đối tài sản.

Ngân hàng cũng có thể sử dụng hợp đồng kỳ hạn tiền gửi để phòng ngừa rủi ro do chênh lệch kỳ hạn giữa các khoản cho vay và huy động vốn.

- Hợp đồng tài chính tương lai: Là một thỏa thuận về việc mua bán một lượng chứng khoán (hay các công cụ tài chính khác) tại một thời điểm xác định trong tương lai, với một mức giá xác định ngay tại thời điểm thỏa thuận hợp đồng. Hợp đồng lãi suất tương lai là hợp đồng tài chính tương lai về tài sản mà giá của nó phụ thuộc duy nhất vào mức lãi suất trên thị trường.

Hợp đồng tương lai thường được mua bán trên thị trường tập trung và được thanh toán qua các trung tâm thanh toán bù trừ, đây là nơi các nhà môi giới thực hiện các lệnh từ các khách hàng để mua hay bán hợp đồng ở mức giá tốt nhất.

Trong hợp đồng lãi suất tương lai, do lãi suất thị trường thường hay biến động làm thay đổi giá chứng khoán trên thị trường, do đó hợp đồng tương lai phải được

“tính điểm theo thị trường” hàng ngày để phản ánh giá trị hiện tại của các tài sản sẽ

được giao dịch và từ đó sẽ thanh toán phần biến động giá trị vào cuối ngày. Hợp đồng tương lai được vận dụng ở những trường hợp sau:

+ Phòng chống tổn thất khi lãi suất tăng (ngân hàng có tài sản có nhạy lãi

< tài sản nợ nhạy lãi): áp dụng trong các trường hợp ngân hàng đầu tư vào trái phiếu hay cho vay với lãi suất cố định với dự đoán lãi suất thị trường sẽ tăng lên, làm tăng chi phí huy động vốn và làm giảm giá trị trái phiếu, các khoản cho vay với lãi suất cố định. Khi đó ngân hàng sẽ thực hiện hợp đồng tương lai bán chứng khoán, nếu dự đoán của ngân hàng là đúng thì mức lãi trên hợp đồng tương lai sẽ bù đắp khoản lỗ do chi phí huy động vốn tăng và giá tài sản có bị giảm do lãi tăng.

+ Phòng chống rủi ro khi lãi suất giảm (phòng chống rủi ro khi tài sản có nhạy lãi > tài sản nợ nhạy lãi): áp dụng trong trường hợp ngân hàng chuẩn bị tăng cường công tác huy động với với dự kiến lãi suất sẽ giảm làm giảm chi phí huy động vốn, nhưng bên cạnh đó thu nhập từ các khoản cho vay và đầu tư sẽ giảm do lãi suất đầu tư giảm. Khi đó ngân hàng sẽ thực hiện mua hợp đồng tương lai ngày hôm nay và sẽ bán lại trong tương lai. Nếu dự đoán của ngân hàng là đúng thì khoản thu nhập từ hợp đồng tương lai sẽ bù đắp khoản tổn thất do thu nhập từ lãi giảm.

- Hợp đồng hoán đổi lãi suất: Là một thỏa thuận giữa hai bên trong đó bên này cam kết thanh toán cho bên kia khoản tiền lãi phải trả theo lãi suất cố định (hay thả nổi) tính trên cùng một khoản nợ gốc trong cùng một khoản thời gian nhất định.

Hợp đồng hoán đổi lãi suất cho phép các bên tham gia có thể chuyển lãi suất cố định sang lãi suất thả nổi hoặc ngược lại từ lãi suất thả nổi sang lãi suất cố định và làm cho kỳ hạn của tài sản nợ và tài sản có trở nên phù hợp hơn. Để hạn chế rủi ro về lãi suất các ngân hàng sẽ trực tiếp tham gia vào các hợp đồng hoán đổi, đồng thời cũng có thể đứng ra làm trung gian để phục vụ cho các khách hàng tham gia hợp đồng để thu phí dịch vụ.

-Hợp đồng quyền chọn lãi suất: Quyền chọn lãi suất là một công cụ cho phép người mua có quyền (nhưng không bắt buộc) được mua hoặc bán một số lượng tài sản tài chính tại thời điểm xác định trong tương lai, với một mức giá được xác định ngay tại thời điểm thỏa thuận hợp đồng.

Để có quyền chọn, người mua phải trả một khoản phí. Chức năng và cách thực hiện quyền chọn như sau:

+ Quyền chọn mua (call option) lãi suất là một công cụ cho phép người mua nó có quyền (nhưng không bắt buộc) được mua một số lượng tài sản tài chính (chứng khoán, khoản vay, hợp đồng tương lai) vào ngày đáo hạn của hợp đồng với một mức giá được xác định trước. Người bán quyền phải sẳn sàng bán chứng khoán nếu người mua thực hiện quyền.

Ngân hàng sẽ mua quyền chọn mua khi dự đoán trong tương lai lãi suất thị trường sẽ giảm, vì lúc đó giá trị thị trường của các chứng khoán, các khoản cho vay hay các hợp đồng tương lai sẽ tăng, việc thực hiện quyền sẽ mang lại thu nhập cho ngân hàng vì vẫn được hưởng lãi suất đầu tư ở thời điểm lãi suất chưa giảm.

+ Quyền chọn bán (put option) lãi suất là một công cụ cho phép người mua

nó có quyền (nhưng không bắt buộc) được bán một số lượng tài sản tài chính (chứng khoán, khoản cho vay, hợp đồng tương lai) vào ngày đáo hạn của hợp đồng với một mức giá được xác định trước. Người bán quyền phải thực hiện mua chứng khoán nếu người mua thực hiện quyền.

Ngân hàng sẽ mua quyền chọn bán khi dự đoán trong tương lai lãi suất thị trường sẽ tăng, vì lúc đó giá trị thị trường của các chứng khoán, các khoản cho vay hay các hợp đồng tương lai sẽ giảm, việc thực hiện quyền sẽ mang lại thu nhập cho ngân hàng từ việc tìm kiếm trên thị trường các chứng khoán, khoản cho vay, hợp đồng tương lai với lãi suất thấp rồi bán lại cho người phát hành quyền chọn với giá cao hơn.

- Hợp đồng tín dụng với lãi suất thả nổi: Là loại hợp đồng cho vay hay huy động vốn của ngân hàng, mà trong hợp đồng luôn có điều khoản lãi suất sẽ được điều chỉnh theo biến động của lãi suất thị trường. Trong đó, khi lãi suất thị trường tăng ngân hàng sẽ tăng lãi suất huy động vốn, làm giảm thu nhập của ngân hàng. Để bù đắp khoản chi phí tăng lên ngân hàng sẽ tăng lãi suất cho vay, khoản tăng lên này sẽ bù đắp khoản tổn thất do chi phí huy động tăng. Ngược lãi khi lãi suất thị trường giảm ngân hàng sẽ giảm lãi suất cho vay, khoản giảm này sẽ làm giảm thu nhập của ngân hàng, ngân hàng sẽ giảm lãi suất huy động vốn, khoản giảm này sẽ bù đắp phần tổn thất do thu nhập từ cho vay giảm. Phương pháp này các ngân hàng thương mại hiện nay đang áp dụng vì nó dễ thực hiện.

Trong điều kiện thị trường vốn căng thẳng, lãi suất biến động thất thường các ngân hàng thường hay áp dụng chính sách lãi suất thả nổi nhằm bảo toàn thu nhập

ngân hàng. Tuy nhiên nếu ngân hàng quá lạm dụng chính sách này mà không chú trọng sử dụng các công cụ tài chính phái sinh để phòng ngừa rủi ro sẽ làm cho thị trường tài chính không phát triển, triệt tiêu khả năng phân tích và dự đoán thị trường của ngân hàng, đơn giản hóa công tác phòng ngừa rủi ro lãi suất, dễ gây bất mãn từ người gửi tiền và người đi vay, về lâu dài sẽ làm giảm thu nhập cho ngân hàng. Bên cạnh đó phương pháp này rất khó áp dụng khi ngân hàng đa dạng hóa cơ cấu huy động vốn, và đầu tư vào tài sản tài chính khi các đối tượng đầu tư này đòi hỏi phải có lãi suất cố định.

Một phần của tài liệu Quản Trị Rủi Ro Lãi Suất Tại Ngân Hàng Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn Việt Nam (Trang 26 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(80 trang)