Trong thời gian qua hoạt động kinh doanh của các NHTM nói chung và NHNo
& PTNT Việt Nam nói riêng gặp khá nhiều khó khăn do tăng trưởng tín dụng nóng, thị trường bất động sản đóng băng và sự cạnh tranh gay gắt giữa các NHTM trên cùng địa bàn. Điều này đã làm cho NHNo & PTNT Việt Nam phải đối mặt với nhiều rủi ro trong hoạt động kinh doanh như rủi ro tín dụng, rủi ro lãi suất.
Qua phân tích số liệu thu thập được, kết hợp với lượng hóa rủi ro lãi suất theo mô hình định giá lại, đề tài đã cho thấy được NHNo & PTNT Việt Nam đang nằm trong trạng thái nhạy cảm Nợ, lợi nhuận ngân hàng sụt giảm trong trường hợp dự báo lãi suất tăng trong năm tới. Trong trường hợp lãi suất cố định, ngân hàng vẫn phải đối mặt với nguy cơ rủi ro lãi suất nếu có sự chênh lệch về kỳ hạn của tài sản nhạy cảm và nguồn vốn nhạy cảm, đó là rủi ro trong việc tái đầu tư các khoản vay khi đến hạn.
Để hạn chế và phòng ngừa rủi ro lãi suất xảy ra từ đó có những biện pháp kịp thời, cụ thể nhằm giảm thiểu rủi ro, nâng cao tính hiệu quả trong công tác huy động vốn đầu tư và cho vay của NHNo & PTNT Việt Nam.
Hoạt động kinh doanh của các NHTM hiện nay tiềm ẩn nhiều rủi ro, giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2012 lãi suất có sự biến động lớn. Các ngân hàng đã và đang có
nhiều biện pháp quan tâm và phòng ngừa rủi ro do lãi suất gây ra. Đề tài xin được trình bày một số kiến nghị để nâng cao năng lực quản trị rủi ro lãi suất của các NHTM Việt Nam như sau:
3.3.1 Tạo hành lang pháp lý để phát triển các công cụ phái sinh
Một trong những cách hiệu quả nhất để quản trị rủi ro lãi suất là dùng các công cụ phái sinh.Tuy nhiên thị trường tài chính Việt Nam chưa phát triển, các công cụ tài chính còn rất sơ khai và số lượng giao dịch còn rất ít.Hiện nay các NHTM Việt Nam đã từng bước xây dựng quy trình nghiệp vụ để thực hiện các nghiệp vụ này nhưng vẫn còn rất hạn chế. NHNN nên sớm đi vào nghiên cứu xây dựng hành lang pháp lý gắn liền với thực trạng tài chính của Việt Nam hiện nay kết hợp với kinh nghiệm của các nước đi trước và cho phép các NHTM thực hiện các nghiệp vụ phái sinh này. Khi có các hành lang pháp lý, các NHTM sẽ dễ dàng hơn trong việc thực hiện các nghiệp vụ phái sinh cũng như chủ động hơn trong việc quản trị rủi ro lãi suất.
3.3.2 Hoàn thiện khung pháp lý và các quy định về đo lường rủi ro lãi suất Về cơ chế điều hành lãi suất, NHNN cần vận hành chính sách tiền tệ linh hoạt.
Trong năm 2011 NHNN áp mức trần lãi suất 14% đối với các NHTM, trên thị trường đã có hiện tượng dịch chuyển dòng vốn tiền gửi từ các NHTM nhỏ sang các NHTM có tiềm lực tài chính, đã gây sự căng thẳng thanh khoản cho các ngân hàng này, hiện tượng các NHTM chiếm giữ vốn lẫn nhau trở nên phổ biến, nguy cơ vỡ nợ theo dây chuyền là rất lớn. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, việc bỏ trần lãi suất huy động là chưa phù hợp vì mặc dù thanh khoản của các tổ chức tín dụng đã được cải thiện tích cực nhưng chưa đồng đều giữa các tổ chức tín dụng, một số tổ chức tín dụng yếu kém vẫn gặp khó khăn về thanh khoản. Nếu bỏ trần lãi suất huy động thì các tổ chức tín dụng yếu kém sẽ tăng lãi suất huy động để thu hút nguồn vốn huy động, từ đó đẩy mặt bằng lãi suất huy động tăng cao, kéo lãi suất cho vay tăng theo. Thông tư số 19/2012/TT-NHNN, Ngân hàng Nhà nước lần lượt có các điều chỉnh về cơ chế trần lãi suất huy động, theo hướng áp trần riêng cho các loại không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng, các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên các tổ chức tín dụng được ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn.
Giải pháp hiện nay là NHNN cần phát huy tính định hướng của lãi suất thị trường liên ngân hàng, lãi suất tái cấp vốn và lãi suất thị trường mở, NHNN nên xem đây là lãi suất chủ đạo. Tùy theo trình độ quản lý kinh tế ở mỗi nước và vùng lãnh thổ mà có cách điều hành lãi suất cơ bản khác nhau.
Quy định của NHNN trong công tác quản lý rủi ro lãi suất của các NHTM: cơ sở pháp lý đối với công tác quản lý rủi ro lãi suất đối với các NHTM thực hiện theo quyết định số 16/2007/QĐ-NHNN ngày 18/4/2007, hướng dẫn chi tiết lập và trình bày báo cáo rủi ro lãi suất và đã được các NHTM áp dụng. Trên đà phát triển quy mô hoạt động các NHTM, quá trình hoàn thiện công nghệ thông tin, nhận thức ngày càng đầy đủ về rủi ro lãi suất, NHNN cần khuyến khích các NHTM nên áp dụng các mô hình quản lý nâng cao hơn như mô hình thời lượng kết hợp mô hình mô phỏng để công tác quản lý rủi ro lãi suất ngày càng hoàn thiện hơn, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của hệ thống ngân hàng trong nước.
3.3.3 Củng cố hệ thống ngân hàng
Các NHTM Việt Nam đa phần có trình độ, quy mô phát triển khác nhau, cạnh tranh không lành mạnh tiềm ẩn nhiều rủi ro trong hệ thống. Vì vậy quá trình cơ cấu lại hệ thống ngân hàng theo hướng thu hẹp phạm vi hoạt động của một số ngân hàng hoạt động không hiệu quả. Tiếp tục cổ phần hóa các NHTM Nhà nước, giảm bớt phần vốn của Nhà nước tại các NHTM đã cổ phần bằng cách phát hành thêm cổ phiếu, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh.Đẩy mạnh hoàn thiện mô hình tổ chức của các ngân hàng, đảm bảo mức độ chuyên sâu về chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng các nhu cầu đa dạng và lợi ích đem lại cho từng nhóm đối tượng khách hàng.
3.3.4 Cung cấp cho các NHTM các thông lệ chuẩn mực quản trị rủi ro lãi suất, hỗ trợ các NHTM trong việc đào tạo cán bộ nghiệp vụ
Như đã trình bày ở phần trên, hiện nay NHNN chưa có các hướng dẫn nào cho các NHTM thiết lập các quy định về quản trị rủi ro lãi suất. NHNN cũng có thể cân nhắc xem xét cung cấp cho các NHTM các thông lệ chuẩn mực, cập nhật về quản trị rủi ro lãi suất và giúp đỡ đào tạo các cán bộ quản trị rủi ro.
Đưa ra tất cả các chính sách, quy trình mà mỗi NHTM cần có để áp dụng vào công tác quản trị rủi ro lãi suất. Hơn nữa, NHNN cần đưa ra các tiêu chí tối thiểu mà các NHTM cần để quản lý đúng đắn và kiểm soát rủi ro lãi suất. Rủi ro lãi suất cần thiết phải thực hiện trong các bối cảnh kinh doanh khác nhau của các NHTM khác nhau. Việc hỗ trợ các ngân hàng trong công tác đào tạo cán bộ:
- Tổ chức định kỳ các buổi thảo luận cho các ngân hàng để trao đổi về kinh nghiệm QTRR và mô hình quản lý tài sản, vừa tạo điều kiện cho các ngân hàng rút ra phương án hiệu quả cho mình, vừa tạo cơ sở để NHNN xây dựng được quy chế quản trị rủi ro cần thiết, cơ bản và thống nhất từ đó tạo tiền đề cho việc giám sát, thanh tra trong thời gian tới.
- Lên phương án đào tạo nghiệp vụ và phổ biến những kinh nghiệm quản lý tiên tiến của các ngân hàng nước ngoài thường xuyên cho các NHTM.