Chính sách lãi suất là một trong những công cụ chính của chính sách tiền tệ.
Tùy thuộc vào từng mục tiêu của chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước áp dụng cơ chế điều hành lãi suất phù hợp, nhằm ổn định và phát triển thị trường tiền tệ, tạo điều
kiện thuận lợi cho hoạt động ngân hàng và phân bổ có hiệu quả các nguồn vốn trong nền kinh tế.
Những tháng đầu năm 2008, bối cảnh nền kinh tế toàn cầu trở nên khó khăn do ảnh hưởng sâu rộng từ cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ. Không nằm ngoài ảnh hưởng chung, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam tăng cao, trước tình hình đó Ngân hàng Nhà nước đưa ra một loạt các biện pháp nhằm thắt chặt tiền tệ, kiềm chế lạm phát, các ngân hàng thương mại đối mặt với khó khăn thiếu hụt nguồn cung tiền đồng sau những quyết định của Ngân hàng Nhà nước, tình trạng thiếu hụt tiền đồng của các ngân hàng thể hiện qua việc lãi suất cho vay qua đêm của các ngân hàng trong vòng một tháng sau đó đã có lúc lên tới 30%. Các ngân hàng đua nhau tăng lãi suất huy động, kết quả tất yếu là lãi suất cho vay tăng lên rất cao gây khó khăn cho các doanh nghiệp và cá nhân có nhu cầu về vốn. Quyết định số 546/2002/QĐ-NHNN ngày 30/05/2008 về việc thực hiện cơ chế lãi suất thỏa thuận trong hoạt động tín dụng thương mại bằng VNĐ của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng. Qua đó đã ngăn chặn được nguy cơ xáo trộn thị trường tiền tệ và mất khả năng thanh toán của các NHTM trong những tháng cuối năm 2008, an toàn hệ thống ngân hàng được đảm bảo. Khắc phục được tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong huy động vốn giữa các NHTM.
Năm 2009, việc Ngân hàng Nhà nước vẫn quy định mức trần lãi suất bằng 150% lãi suất cơ bản đã tạo sức ép to lớn lên lợi nhuận của các ngân hàng. Cụ thể, để giải quyết nhu cầu vốn vay tăng mạnh trong thời gian cuối năm, các ngân hàng thi nhau tăng lãi suất huy động. Bên cạnh đó, định mức tăng trưởng dư nợ tín dụng do Ngân hàng Nhà nước đặt ra để kiềm chế lạm phát trong năm 2009 cũng đã hạn chế hoạt động cho vay của nhiều ngân hàng. Đa số ngân hàng trong nước đều gặp phải khó khăn chung là sự mất cân đối giữa các kỳ hạn vốn huy động và cho vay. Trong suốt những tháng cuối năm 2009, các ngân hàng thương mại liên tục tăng lãi suất tiền gửi tập trung cho cả ngắn và trung hạn.
Năm 2010 nhằm đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế NHNN đã ban hành thông tư số 07/2010/TT-NHNN ngày 26/02/2010 quy định về cho vay bằng VNĐ theo lãi suất thỏa thuận đối với các khoản vay trung và dài hạn, tiếp theo nhằm mở rộng đối tượng được vay vốn ngày 14/04/2010 NHNN đã ra thông tư số 12/2010/TT-NHNN thay thế thông tư 07/2010/TT-NHNN đi kèm theo đó là cơ chế giám sát, thống kê theo dõi
nhằm hạn chế rủi ro, như vậy cơ chế lãi suất thỏa thuận một lần nữa đã được áp dụng lại.
Bước sang năm 2011, lãi suất không ngừng tăng lên và liên tục căng thẳng đã buộc NHNN phải vào cuộc để duy trì ổn định thị trường tiền tệ. Ngày 03/03/2011, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 02/2011/TT-NHNN yêu cầu các ngân hàng ấn định lãi suất huy động tối đa ở mức 14%/năm, kể cả khuyến mại. Quyết định này khiến các ngân hàng thương mại nhỏ chịu nhiều áp lực trong việc thu hút vốn chứ chưa nói gì đến giữ vốn vì khi mức lãi suất được hưởng là như nhau thì người có tiền đem gửi sẽ hướng niềm tin vào ngân hàng thương mại lớn, thương hiệu mạnh hơn là vào ngân hàng thương mại nhỏ, thương hiệu còn yếu. Để giảm thiểu nguy cơ khoảng trống thiếu hụt nguồn vốn ngày một gia tăng và để né quyết định của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại nhỏ chỉ còn cách đẩy lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn lên kịch trần. Liên tục xuất hiện các nghịch lý về lãi suất trong suốt cả năm.Lãi suất công bố danh nghĩa và lãi suất thực chất của các ngân hàng có khoảng cách khá xa, nhất là lãi suất tiết kiệm. Lãi suất huy động được niêm yết theo kiểu dàn hàng ngang với hàng chục kỳ hạn khác nhau, từ tuần cho đến năm. Lãi suất gửi tiền vào ngân hàng còn cao hơn cổ tức trả cho cổ phiếu của nhiều ngân hàng.Đường cong lãi suất tại các ngân hàng đều đã bị nắn cong ngược khi lãi suất kỳ hạn ngắn cao hơn kỳ hạn dài.Mục đích của các ngân hàng là bảo vệ lợi ích của chính mình khi không ngân hàng nào dám mạo hiểm đẩy cao lãi suất kỳ hạn dài khi chủ trương của Chính phủ là kéo mặt bằng lãi suất xuống mức hợp lý. Bên cạnh đó thì việc tăng lãi suất kỳ hạn ngắn là để đảm bảo quyền lợi của khách hàng trước tình trạng lạm phát cao hiện nay và giúp khách hàng an tâm khi gửi tiền ở ngân hàng. Mặc dù các ngân hàng đều trưng biểu lãi suất huy động là tối đa là 14%/năm nhưng thực tế lãi suất huy động đã lên tới 18% - 19%/năm. Cuộc chạy đua lãi suất trong cạnh tranh huy động vốn thời gian qua đã làm nảy sinh hiện tượng mặc cả lãi suất của khách hàng với ngân hàng. Đây là một hiện tượng lạ vì xưa nay ngân hàng thực hiện huy động và cho vay theo lãi suất được niêm yết trước. Vậy mà giờ đây các ngân hàng niêm yết một đằng, huy động một nẻo.
Lãi suất niêm yết chỉ có ý nghĩa đối phó, còn trong thực tế việc huy động vốn lại theo giá thỏa thuận kín giữa ngân hàng và khách hàng gửi tiền. Cuộc chạy đua lãi suất giữa các ngân hàng ngoài lý do để giữ chân khách hàng còn có thể lý giải theo một lý do khác. Đó là hiện nay thị trường bất động sản đang trầm lắng nên những khoản cho vay
bất động sản trước đây chiếm tỷ trọng lớn của các ngân hàng giờ đang đứng im. Vì vậy các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động vốn để bù đắp cho khoản vốn bị chôn này.
Những tháng đầu năm 2012, trước tình hình nền kinh tế vẫn duy trì lạm phát cao, sản xuất của các doanh nghiệp gặp khó khăn chính phủ yêu cầu NHNN giảm dần lãi suất huy động vốn và cho vay của NHTM, NHNN đã đưa thông tư số 05/2012/TT- NHNN ngày 12/03/2012 khống chế trần lãi suất huy động xuống còn 13%/năm. Tiếp đó, đến ngày 11/4, lãi suất huy động cũng giảm thêm 1%, về 12% một năm. Ngày 28/05/2012, Ngân hàng Nhà nước vừa quyết định đưa trần lãi suất huy động - cho vay lần lượt về còn 11 và 14% một năm, đồng thời hạ một loạt lãi suất điều hành. Từ ngày 11/6/2012, trần lãi suất huy động VND đã giảm từ mức 11%/năm xuống còn 9%/năm.
Bên cạnh đó, theo thông tư 19/2012/TT-NHNN được ban hành ngày 8/6/2012, NHNN đã cho phép các NHTM tự quyết định lãi suất huy động kỳ hạn dài (từ 12 tháng trở lên). Đây là một bước đi hợp lý của NHNN, giúp các NHTM tự cân đối được cơ cấu tiền gửi theo kỳ hạn của mình. Từ 24/12/2012, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa trần lãi suất huy động giảm xuống còn 8%/năm.Theo các doanh nghiệp với mức lãi suất huy động 8% thì họ hy vọng các ngân hàng sẽ cho vay ra ở mức 11-12% nhưng điều này chưa xảy ra.
Năm 2013 điều hành chính sách lãi suấtphù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đặc biệt là diễn biến của lạm phát, theo đó mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục giảm. Trong hơn 5 tháng đầu năm, NHNN đã điều chỉnh giảm 2%/năm các mức lãi suất điều hành và lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên và giảm 0,5%/năm lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND ở kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng. Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục tăng cường giám sát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định của NHNN về lãi suất huy động của các TCTD, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm nhằm thiết lập kỷ cương trên thị trường; kêu gọi các TCTD xem xét điều chỉnh giảm lãi suất các khoản cho vay cũ
Đồ thị 2.1 Diễn biến tình hình lãi suất VNĐ giai đoạn từ năm 2008 đến quý II/2013:
Qua phân tích trên cho ta thấy tình hình lãi suất trên thị trường tiền tệ Việt Nam diễn biến hết sức phức tạp, kết hợp với kế hoạch tăng vốn theo quy định đối với NHTM cho thấy trong thời gian tới hoạt động của hệ thống ngân hàng vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là dự đoán về lãi suất nhằm giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh. Vì vậy, nhu cầu cần có cơ sở lý luận và công cụ nhằm phòng ngừa rủi ro lãi suất từ đó hoàn thiện quy trình quản trị rủi ro lãi suất tại ngân hàng là một yêu cầu thực tế khách quan.