Chương 3: THỰC TRẠNG QUẢN LÝ NỢ XẤU CỦA CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN
4.2. Giải pháp quản lý nợ xấu tại các NHTM trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
4.2.2. Các giải pháp nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu
Để nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu trong thời gian tới, các NHTM tỉnh Bắc Kạn cần phải nghiên cứu, xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu (gồm: nợ xấu nội bảng; nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý được; nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ) hằng tháng, quý theo từng năm phù hợp với mục tiêu, định hướng và giải pháp của Hội sở chính NHTM. Chủ động rà soát, tiết giảm các chi phí hoạt động và tập trung mọi nguồn lực cho việc xử lý nợ xấu. Trên cơ sở định hướng chung về xử lý nợ xấu như trên, các NHTM Bắc Kạn cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp cụ thể như sau:
4.2.2.1. Đa dạng hóa các hình thức xử lý nợ xấu
Hình thức xử lý nợ xấu hiện nay của các NHTM tỉnh Bắc Kạn chủ yếu vẫn là sử dụng nguồn dự phòng rủi ro và đôn đốc thu hồi nợ. Các hình thức XLNX khác cũng đã từng bước được nghiên cứu áp dụng nhưng chưa đạt hiệu quả như: Khởi kiện khách hàng, bán nợ, cơ cấu lại nợ,…Chính vì vậy trong mấy năm gần đây, tình hình tài chính của các NHTM Bắc Kạn gặp rất nhiều khó khăn do phải tăng trích lập dự phòng rủi ro, làm tăng chi phí hoạt động và giảm lợi nhuận. Để khắc phục tình trạng này, các NHTM phải có những giải pháp hữu hiệu để đa dạng hóa các hình thức xử lý nợ xấu phù hợp với điều kiện của từng đơn vị. Theo đó, cần triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp xử lý nợ xấu như đôn đốc thu hồi nợ, bán, xử lý nợ, tài sản bảo đảm, khởi kiện khách hàng vay, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, có biện pháp hỗ trợ phù hợp cho khách hàng khắc phục khó khăn và phát triển sản xuất kinh doanh, tiếp tục hỗ trợ vốn, miễn, giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời cải cách mạnh mẽ thủ tục cấp tín dụng theo hướng thuận tiện cho khách hàng tiếp cận vốn, dịch vụ ngân hàng. Đẩy mạnh hoạt động xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường, đặc biệt là với VAMC. Ngoài các biện pháp xử lý nợ xấu thông thường vẫn đang được áp dụng thường xuyên tại các NHTM trong thời gian qua như sử dụng dự phòng rủi ro để bù đắp, thanh lý TSĐB, đôn đốc thu hồi nợ… các NHTM có thể tăng cường việc sử dụng các biện pháp khác. Gồm:
Thứ nhất, bán các khoản nợ xấu cho VAMC theo giá trị thị trường. Việc các NHTM bán đứt khoản nợ xấu cho các công ty mua bán nợ là một giải pháp hữu hiệu trong việc xử lý nợ xấu, làm trong sạch bảng cân đối của các ngân hàng. Khi đó, các ngân hàng có thể tập trung vào hoạt động kinh doanh của chính mình với mục tiêu duy nhất là lợi nhuận và gia tăng giá trị doanh nghiệp. Phương pháp này khắc phục được những hạn chế khi thực hiện việc bán nợ có thời hạn và nhận trái phiếu đặc biệt từ VAMC chỉ nhằm loại bỏ nợ xấu tạm thời ra khỏi bảng cân đối kế toán của ngân hàng, ngân hàng vẫn phải trích dự phòng trái phiếu đặc biệt và phải mua lại nợ khi đến hạn; trong khi đó doanh nghiệp rơi vào tình trạng nợ xấu sẽ không còn đường phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thứ hai, đánh giá lại các khoản vay và cơ cấu lại nợ: Để thực hiện tốt biện pháp này, các NHTM phải làm việc trực tiếp với khách hàng vay vốn nắm bắt chính xác
tình hình hoạt động của khách hàng để tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật, giúp khách hàng ổn định lại tình hình tài chính, sẽ góp phần làm lành mạnh hóa khoản nợ. Chủ động nghiên cứu, xây dựng các chương trình cho vay với lãi suất hợp lý, kết hợp với đổi mới quy trình cho vay, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay. Trong trường hợp dòng tiền trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chưa về kịp theo nhu kế hoạch do nguyên nhân khách quan, có thể thực hiện biện pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ (điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ) và giữ nguyên nhóm nợ, giúp doanh nghiệp tránh bị xuống hạng khi chấm điểm xếp hạng tín dụng nội bộ. Bên cạnh đó có thể áp dụng một số chính sách hỗ trợ về tài chính như giảm một phần hoặc miễn toàn bộ số lãi đã quá hạn thanh toán, các khoản phí, tiền lãi phạt vi phạm hoặc điều chỉnh giảm lãi suất của khoản nợ quá hạn, nợ xấu, tạo điều kiện cho khách hàng có cơ hội khắc phục khó khăn, tiếp tục đầu tư thực hiện dự án, phương án mới tạo nguồn thu nhập trong tương lai để trả nợ ngân hàng. Cần phải khẳng định mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp là mối quan hệ “cộng sinh”; ngân hàng tài trợ vốn và cung ứng dịch vụ cho doanh nghiệp, ngược lại doanh nghiệp là người sử dụng vốn, dịch vụ và trả lãi, phí cho ngân hàng, sự tồn tại của doanh nghiệp cũng là sự tồn tại của hệ thống NHTM.
Tuy nhiên, cần lưu ý là không phải doanh nghiệp nào cũng được thực hiện cơ cấu lại nợ, mà phải xác định rõ phương châm là chỉ doanh nghiệp gặp khó khăn tạm thời, có chiều hướng kinh doanh tốt, có dự án, phương án kinh doanh hiệu quả, có khả năng trả nợ thì ngân hàng mới nên xem xét cơ cấu lại nợ. Quan điểm này nếu không được thực hiện nhất quán sẽ dễ dẫn đến hiện tượng các NHTM cố tình sử dụng biện pháp kỹ thuật để “che dấu” nợ xấu hoặc nợ xấu “chồng” nợ xấu khi cho vay mới không hiệu quả, không có nguồn thu nhập trả nợ cho cả khoản vay cũ và mới.
Thứ ba, khởi kiện khách hàng để thu hồi nợ xấu: Thực tiễn công tác xử lý nợ xấu của các NHTM Bắc Kạn trong thời gian vừa qua, việc khởi kiện khách hàng để thu hồi nợ cũng đã được tiến hành đối với một số khoản nợ xấu. Tuy nhiên biện pháp này chưa được áp dụng phổ biến, chưa được ưu tiên lựa chọn do các NHTM thường
coi đây là giải pháp cuối cùng khi xử lý nợ xấu. Mặt khác bản thân các NHTM cũng lo ngại việc khởi kiện ra Tòa án chưa chắc đã thắng kiện do quá trình khởi tạo hồ sơ cho vay, tài sản bảo đảm không chặt chẽ, có nhiều kẽ hở để khách hàng lợi dụng để phản tố; NHTM không có cán bộ phụ trách pháp chế, cán bộ tín dụng thì không nắm rõ quy định của pháp luật cũng như kinh nghiệm tham gia tố tụng dân sự; lo ngại thời gian xét xử, thi hành án kéo dài gây tốn kém về chi phí, thời gian, con người…hiện nay hệ thống văn bản pháp luật về xử lý tài sản thiếu đồng bộ, quá trình giải quyết vụ việc của cơ quan tòa án và thi hành án thường bị kéo dài; sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương và một số cơ quan nhà nước trong thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm chưa quyết liệt.
Vì vậy, để nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu thông qua khởi kiện khách hàng, các NHTM cần rà soát, nghiên cứu lại toàn bộ hồ sơ khoản vay trước khi khởi kiện, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng. Lựa chọn và cử người đại diện theo ủy quyền của NHTM phải am hiểu quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, có kỹ năng tranh tụng, trung thành với lợi ích của NHTM và có quan điểm rõ ràng về các quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng. Trước khi tiến hành khởi kiện, TCTD cần thực hiện kiểm tra việc sử dụng vốn, tình hình hoạt động, địa chỉ của cá nhân, doanh nghiệp, bên bảo lãnh, tài sản bảo đảm để tránh những thiếu sót có liên quan đến các đối tượng khi khởi kiện. Đối với những vụ việc có tính chất phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng, nhiều khoản vay…có thể xin ý kiến của bộ phận pháp chế tại Hội sở chính và đề nghị Hội sở chính cử chuyên gia hỗ trợ pháp lý hoặc thuê công ty tư vấn luật (nếu cần thiết và đủ điều kiện về tài chính).
4.2.2.2. Thành lập bộ phận quản lý nợ có vấn đề
Hiện nay tại các NHTM tỉnh Bắc Kạn đều chưa có bộ phận chuyên trách quản lý nợ có vấn đề gồm các khoản nợ từ nhóm 2, nợ xấu (nhóm 3,4,5), nợ đã xử lý đang hạch toán ngoại bảng, nợ cơ cấu lại nợ (miễn, giảm lãi, cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ…). Do đó, việc quản lý và xử lý nợ xấu, nợ có vấn đề chủ yếu giao cho các cán bộ tín dụng trực tiếp quản lý khoản vay. Điều này dẫn đến tình trạng cán bộ tín dụng phải làm việc quá tải vì vừa phải thực hiện nhiệm vụ phát triển khách
hàng mới, quản lý các khoản cho vay mới đồng thời phải gánh vác trách nhiệm xử lý các khoản nợ xấu, nợ có nguy cơ trở thành nợ xấu. Mặt khác, việc kiêm nhiệm nhiều mảng công việc khác nhau nên cán bộ tín dụng sẽ không chuyên sâu, làm việc bị động do xử lý nợ là nhiệm vụ khó khăn, nhiều tình huống phức tạp, đòi hỏi phải kiên trì đeo bám,vì vậy thời gian và trách nhiệm dành cho việc đôn đốc xử lý nợ xấu hạn chế.
Các NHTM Bắc Kạn cần nghiên cứu, học tập các mô hình Tổ quản lý nợ của một số NHTM tại các thành phố lớn và địa bàn tương đồng với tỉnh Bắc Kạn để triển khai thành lập Tổ quản lý nợ (hoặc Tổ xử lý nợ) chuyên trách, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc. Bộ phận này bao gồm những nhân viên có nhiều năm kinh nghiệm trong hoạt động tín dụng, am hiểu quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động ngân hàng và pháp luật về tố tụng dân sự, thi hành án… Và chỉ đảm nhận duy nhất một nhiệm vụ là quản lý và xử lý các khoản nợ vay đang có vấn đề.
Tổ xử lý nợ có trách nhiệm tập hợp và quản lý toàn bộ các khoản vay có vấn đề, nghiên cứu hồ sơ khoản vay, tài sản bảo đảm và các hồ sơ liên quan để xác định đúng thực trạng của khoản vay, nguyên nhân dẫn đến nợ quá hạn, nợ xấu. Đánh giá tình hình vay, trả nợ, hiện trạng hoạt động sản xuất kinh doanh và tình hình tài chính của khách hàng…Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch xử lý nợ một cách cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế tại đơn vị trình Lãnh đạo phê duyệt. Kế hoạch phải sắp xếp, phân loại được các khoản nợ theo nhóm theo tiêu chí nhất định để từ đó đề xuất các biện pháp cụ thể đối với từng nhóm. Ví dụ, có thể phân nhóm theo nợ có tài sản bảo đảm, nợ không có tài sản bảo đảm; nhóm nợ theo nguyên nhân dẫn đến nợ xấu (khách quan, chủ quan); nợ còn khả năng thu hồi và nợ không còn khả năng thu hồi…Trong đó phải xác định được thứ tự ưu tiên các khoản nợ cần phải xử lý ngay để đảm bảo tính kịp thời, hạn chế các rủi ro lớn hơn có thể phát sinh nếu kéo dài thời gian xử lý…Bên cạnh đó, cần thực hiện cơ chế giao khoán chỉ tiêu xử lý nợ cho từng thành viên Tổ xử lý nợ phù hợp với kế hoạch đã phê duyệt, đồng thời áp dụng cơ chế lương, thưởng xứng đáng với kết quả thu hồi nợ để khuyến khích Tổ xử lý nợ tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động thu hồi nợ.
4.2.2.3. Tăng cường năng lực tài chính để xử lý nợ xấu
Các NHTM tích cực, chủ động thực hiện tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh; tăng mức trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu, chấp nhận
giảm lợi nhuận hoặc thua lỗ. Việc làm này, sẽ giúp các NHTM nhanh chóng bù đắp tổn thất, giảm số thuế thu nhập doanh nghiệp. Đồng thời, có thể giảm quỹ lương nhưng làm tăng khả năng tài chính nội tại của ngân hàng. Đồng thời các ngân hàng cần có chính sách tiền lương, tiền thưởng phù hợp trong giai đoạn khó khăn để giúp giảm chi phí một cách hợp lý nhằm hỗ trợ cho việc tăng mức trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.
Nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ theo hướng cải thiện, đổi mới quy trình thủ tục và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để tiết giảm thời gian, chi phí hoạt động, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Chú trọng phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng dựa trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại; đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ ngân hàng, phát triển mạnh các kênh dịch vụ phi tín dụng nhằm tăng tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng, góp phần duy trì và tăng trưởng lợi nhuận một cách bền vững, ổn định.