Chương 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ QUẢN LÝ CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC CHO LĨNH VỰC VĂN HÓA, THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
1.1. Cơ sở lý luận về quản lý chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực văn hoá, thông tin và truyền thông
1.1.2. Khái niệm và vai trò của quản lý chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực văn hóa, thông tin và truyền thông của chính quyền cấp Huyện
1.1.2.1. Khái niệm quản lý chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực văn hóa, thông tin và truyền thông của chính quyền cấp Huyện
- Khái niệm quản lý chi ngân sách nhà nước:
Chi ngân sách mới chỉ thể hiện ở khâu phân bổ ngân sách còn hiệu quả sử dụng ngân sách như thế nào thì phải thông qua các biện pháp quản lý. Rõ ràng quản lý chi ngân sách sẽ quyết định hiệu quả sử dụng vốn ngân sách.
Quản lý chi NSNN là quá trình thực hiện có hệ thống các biện pháp phân phối và sử dụng quỹ tiền tệ tập trung nhằm phục vụ chi tiêu cho bộ máy và thực hiện các chức năng của Nhà nước. Thực chất quản lý chi NSNN là quá trình sử dụng các nguồn vốn chi tiêu của Nhà nước từ khâu lập kế hoạch đến khâu sử dụng ngân sách đó nhằm đảm bảo quá trình chi tiết kiệm và hiệu quả, phù hợp với yêu cầu của thực tế đang đặt ra theo đúng chính sách, chế độ của nhà nước phục vụ các mục tiêu KT – XH (Trần Văn Giao , 2012).
Vấn đề quan trọng trong quản lý chi NSNN là việc tổ chức quản lý giám sát các khoản chi sao cho tiết kiệm và có hiệu quả cao. Quản lý chi phải gắn chặt với việc xây dựng quy chế kiểm tra, kiểm soát các khoản chi bảo đảm yêu cầu tiết kiệm và hiệu quả; Quản lý chi phải thực hiện các biện pháp đồng bộ,
kiểm tra giám sát trước, trong và sau khi chi; Phân cấp quản lý các khoản chi cho các cấp chính quyền địa phương và các tổ chức trên cơ sở phải phân biệt rõ nhiệm vụ phát triển KT - XH của các cấp theo Luật NSNN để bố trí các khoản chi cho thích hợp; Quản lý chi ngân sách phải kết hợp quản lý các khoản chi ngân sách thuộc vốn nhà nước với các khoản chi thuộc nguồn của các thành phần kinh tế để tạo ra sức mạnh tổng hợp, nâng cao hiệu quả chi.
- Khái niệm quản lý chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực văn hóa, thông tin và truyền thông:
Chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực văn hóa, thông tin và truyền thông là việc phân phối và sử dụng quỹ ngân sách nhà nước nhằm đầu tư cho các hoạt động về văn hoá, thông tin và truyền thông nhằm nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho người dân cũng như đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước theo những nguyên tắc nhất định. Đây là quá trình phân phối lại các nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước để chi cho lĩnh vực văn hóa, thông tin và truyền thông.
Quản lý chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực văn hóa, thông tin và truyền thông là việc tổ chức quản lý giám sát quá trình phân phối và sử dụng NSNN một cách có hiệu quả nhằm thực hiện chức năng của nhà nước cho lĩnh vực văn hóa, thông tin và truyền thông trên cơ sở sử dụng hệ thống chính sách, pháp luật. Quản lý chi ngân sách cho lĩnh vực văn hóa, thông tin và truyền thông sẽ quyết định hiệu quả sử dụng vốn ngân sách trong lĩnh vực văn hoá, thông tin và truyền thông.
Quản lý chi NSNN cho lĩnh vực văn hóa, thông tin và truyền thông là quá trình thực hiện có hệ thống các biện pháp phân phối và sử dụng quỹ tiền tệ tập trung nhằm phục vụ chi tiêu cho bộ máy tại lĩnh vực văn hóa, thông tin và truyền thông và thực hiện các chức năng của Nhà nước về lĩnh vực này.
Quản lý chi NSNN cho lĩnh vực văn hóa, thông tin và truyền thông là quá trình sử dụng các nguồn vốn chi tiêu của Nhà nước từ khâu lập kế hoạch đến khâu
sử dụng ngân sách đó nhằm đảm bảo quá trình chi tiết kiệm và hiệu quả, phù hợp với yêu cầu của thực tế đang đặt ra theo đúng chính sách, chế độ của nhà nước phục vụ các mục tiêu về lĩnh vực văn hóa, thông tin và truyền thông.
1.1.2.2. Vai trò của quản lý chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực văn hóa, thông tin và truyền thông của chính quyền cấp Huyện
Đối với lĩnh vực văn hóa, thông tin và truyền thông, quản lý chi ngân sách có vai trò như sau:
Thứ nhất,thúc đẩy nâng cao hiệu quả sử dụng các khoản chi NSNN cho lĩnh vực văn hoá, thông tin và truyền thông cấp Huyện nhằm tăng hiệu quả sử dụng vốn ngân sách, đảm bảo tiết kiệm, có hiệu quả, tránh lãng phí. Thông qua quản lý các khoản cấp phát của chi NSNN sẽ có tác động khác nhau đến đời sống văn hoá tinh thần của người dân, nâng cao hiểu biết, nhận thức của người dân. Quản lý chi tiêu của NSNN cho lĩnh vực văn hoá, thông tin và truyền thông có hiệu quả sẽ góp phần phân bổ, sử dụng nguồn NSNN nói chung hợp lý, hình thành quỹ dự phòng trong NSNN để ứng phó với những biến động của xã hội.
Thứ hai, thông qua quản lý các dự án đầu tư phát triển nhằm phục vụ cho các hoạt động văn hoá, thông tin và truyền thông có hiệu quả, quản lý chi ngân sách nhà cho lĩnh vực văn hoá, thông tin và truyền thông góp phần điều tiết thu nhập dân cư thực hiện công bằng xã hội, giảm bớt khoảng cách phân hoá giàu nghèo giữa các vùng, các khu vực, các tầng lớp dân cư.
Vai trò của quản lý chi ngân sách cho lĩnh vực văn hoá, thông tin và truyền thông còn thể hiện ở chỗ thông qua đầu tư và quản lý vốn đầu tư cho các dự án về văn hoá, thông tin, tuyên truyền sẽ tạo ra điều kiện rút ngắn khoảng cách nông thôn và thành thị, giữa đồng bằng và miền núi, vùng sâu, vùng xa. Có thể nói quản lý chi ngân sách có hiệu quả là yếu tố góp phần thúc đẩy phát triển bền vững..