Chương 4 PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN QUẢN LÝ
4.2. Một số giải pháp hoàn thiện quản lý chi ngân sách cho lĩnh vực văn hoá, thông tin và truyền thông ở huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn
4.2.1. Giải pháp hoàn thiện công tác lập dự toán chi ngân sách nhà nước Dự toán chi NSNN phải được lập trên cơ sở nhiệm vụ được giao, nhiệm vụ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định. Việc lập dự toán ngân sách của đơn vị sự nghiệp thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Để nâng cao chất lượng dự toán chi NSNN, thì cần phải tập trung giải quyết một số vấn đề sau:
- Tăng cường tập huấn, hướng dẫn các đơn vị chấp hành tốt định mức, chế độ chi ngân sách, tiết kiệm chi hội nghị, công tác, văn phòng phẩm, điện nước, hạn chế chi mua sắm, trang thiết bị khi chưa thực sự cần thiết nhằm tránh lãng phí ngân sách, cũng như phát sinh dự toán, trong điều hành chi phải có trọng tâm, trọng điểm, có thứ tự ưu tiên nội dung chi và chi phải theo tiến độ nguồn kinh phí, tránh tình trạng nhiệm vụ công việc đang còn phải triển khai nhưng lại hết dự toán kinh phí.
- Dự toán chi NSNN là căn cứ pháp lý để các đơn vị thực hiện chi và cũng là căn cứ để các cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành chi NSNN của các đơn vị. Để quá trình kiểm tra, kiểm soát chi NSNN được thực hiện một cách đầy đủ, kịp thời, công khai, đảm bảo cho các đơn vị sử dụng
NSNN có dự toán chi ngân sách ngay từ đầu năm. Xác định quy trình và lịch trình lập, duyệt, phân bổ NSNN ở các cơ quan, đơn vị. Tất cả các cơ quan, đơn vị đều phải có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc những yêu cầu và lịch trình đó.
- Cần phải xem xét đến hiệu quả của nó đối với tổng chi ngân sách cho lĩnh vực văn hoá, thông tin và truyền thông huyện Chợ Mới. Thông qua giải pháp này sẽ đảm bảo quản lý hiệu quả nguồn vốn ngân sách, thực hiện nhiệm vụ chi đúng quy định và đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
- Tăng thời gian chuẩn bị dự toán ngân sách để có thể dành lượng thời gian cần thiết cho việc các đơn vị sử dụng NSNN chuẩn bị dự toán thu – chi NSNN chi tiết theo mục lục ngân sách.
- Dự toán chi NSNN phải được xây dựng từ cơ sở, đồng thời phải được xây dựng trên cơ sở phân tích, đánh giá hiệu quả của những khoản chi các năm trước, mọi khoản chi về NSNN đều phải được xác định một cách chi tiết trước trong dự toán và đúng với chế độ, định mức, tiêu chuẩn của Nhà nước.
4.2.2. Giải pháp hoàn thiện công tác chấp hành dự toán chi ngân sách nhà nước
Cần thực hiện đổi mới cơ cấu chi NSNN theo 4 nhóm mục chi: Cơ cấu nhóm mục chi trong chi thường xuyên ảnh hưởng đến việc thực hiện các hoạt động thường xuyên diễn ra ở các cơ sở, đơn vị văn hoá cấp xã, phường, thị trấn.
Các khoản chi cho lĩnh vực văn hoá, thông tin và truyền thông phần lớn là liên quan đến con người. Phần chi cho các sự kiện văn hoá, thể thao chiếm tỷ trọng chưa lớn. Do đó cần phải xây dựng một cơ cấu chi theo 4 nhóm mục chi một cách hợp lý.
Cần phải dành nguồn đáp ứng đủ mức chi cho con người nhằm đảm bảo điều kiện tái tạo sức lao động của cán bộ văn hoá. Đồng thời để hạn chế được những nhân tố ảnh hưởng đến làm tăng chi cho con người, Phòng Văn hoá và thông tin, các xã, phường nên có kế hoạch rà soát, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ
hiện có, tinh giản biên chế với các cán bộ chưa đủ điều kiện sức khoẻ cũng như trình độ, tuyển mới cán bộ phù hợp với nhu cầu, tránh hiện tượng tuyển dụng không phù hợp với nhu cầu, tuyển dụng do quen biết…
Nâng dần tỷ trọng chi nghiệp vụ, chuyên môn để nâng cao chất lượng các chương trình văn hoá. Việc mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác tuyên truyền, cổ động, vận động phải dựa trên nhu cầu sử dụng của các đơn vị, tránh hiện tượng một số thiết bị mua về không sử dụng dẫn tới việc lãng phí trong chi tiêu ngân sách.
Giảm dần tỷ trọng các khoản chi phí quản lý hành chính, kiểm soát chặt chẽ các khoản chi hội nghị, tiếp khách tránh lãng phí trong chi tiêu ngân sách.
Cần tăng dần tỷ trọng các khoản chi dành cho mua sắm, sửa chữa của ngành văn hoá, thông tin để từng bước khắc phục sự xuống cấp của các hạ tầng truyền thông.
4.2.3. Giải pháp hoàn thiện công tác quyết toán chi ngân sách nhà nước Tăng cường kỷ luật tài chính trong công tác lập báo cáo định kỳ và quyết toán NSNN. Các đơn vị sử dụng ngân sách chậm nộp báo cáo tài chính và báo cáo khác theo thời gian quy định thì cơ quan tài chính có quyền áp dụng một trong hai biện pháp: thông báo cho KBNN nơi giao dịch tạm ngừng cấp phát thanh toán; áp dụng hình thức phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán theo quy định tại Nghị định số 105/2013/NĐ-CP ngày 06/9/2013 của Chính phủ.
Các cán bộ chuyên quản lý phải thường xuyên bám sát đơn vị được giao phụ trách để hướng dẫn, kiểm tra, uốn nắn sai sót, giúp đỡ các đơn vị ngay trong quá trình thực hiện chi ngân sách. Trong quá trình giám sát cần kịp thời phát hiện, ngăn ngừa sai phạm có thể xảy ra. Bên cạnh đó, cần có cơ chế quy định rõ chế độ trách nhiệm của cán bộ chuyên quản khi xảy ra sai sót tại đơn vị được giao phụ trách.
Kiên quyết xuất toán các khoản chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, đơn
giá, định mức hiện hành. Thực hiện quyết toán theo số thực chi được chấp nhận.
Trong công tác quyết toán NSNN phải thuyết minh chi tiết, phân tích nguyên nhân tăng, giảm so với dự toán đã phân bổ làm cơ sở cho việc đánh giá, xây dựng dự toán năm sau. Quyết toán NSNN phải báo cáo được tính hiệu lực, hiệu quả của các khoản thu, chi ngân sách. Thông qua việc đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả có thể biết được việc phân bổ ngân sách có hợp lý hay không, có đảm bảo nguồn lực cho việc thực thi chính sách một cách tốt nhất hay không.
Từ đó nâng cao chất lượng công tác thẩm tra, phê duyệt quyết toán của các đơn vị dự toán đối với các đơn vị dự toán trực thuộc.
4.2.4. Giải pháp hoàn thiện công tác thanh tra, kiểm tra, xử lí vi phạm liên quan đến chi ngân sách nhà nước
Thực hiện phối kết hợp chặt chẽ giữa cơ quan thanh tra, kiểm toán, thanh tra tài chính tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với đơn vị sử dụng ngân sách. Mặt khác cần xử lý đầy đủ, kịp thời đối với những cá nhân, tập thể vi phạm theo kết luận của các cơ quan có thẩm quyền về thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.
Thực hiện công khai kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và kết quả xử lý. Thực hiện chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công. Theo đó người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những khoản chi sai chế độ, thất thoát, lãng phí ở đơn vị được giao phụ trách.
Để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra quản lý chi NSNN trên địa bàn huyện cần tập trung vào các giải pháp sau:
- Xác định các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm cần tập trung thanh tra, đặc biệt là các lĩnh vực dễ xảy ra lãng phí, thất thoát vốn như: công tác mua sắm trang thiết bị tài sản, tình hình sử dụng ngân sách của các đơn vị dự toán.
- Nâng cao trình độ năng lực và phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra, thường xuyên đào tạo, cập nhật các kiến thức mới không chỉ trên lĩnh vực kinh tế, tài chính, quản lý nhà nước mà còn nhiều kiến thức tổng hợp khác.
- Phải đổi mới phương thức thanh tra, kiểm tra theo dự toán chi ngân sách và thực tế đã chi. Qua thanh tra, kiểm tra cần kết hợp với việc đánh giá hiệu quả sau thực hiện chi ngân sách.
- Tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan có chức năng thanh tra ở địa phương để tránh chồng chéo, trùng lặp trong quá trình thanh tra, gây khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đơn vị được thanh tra.
- Xử lý nghiêm minh các sai phạm được phát hiện để nâng cao hiệu quả của công tác thanh tra. Tuỳ theo tính chất, mức độ sai phạm mà kiến nghị xử lý cho phù hợp nhằm làm cho công tác quản lý tài chính đi vào nề nếp, răn đe sai phạm.