CHƯƠNG 3: THỰC TRẠNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CÁC TRƯỜNG MẦM NON CÔNG LẬP TRÊN ĐỊA BÀN TP.THÁI NGUYÊN
3.5. Đánh giá chung về thực trạng công tác quản lí tài chính tại trường Mầm non trên địa bàn Thành phố Thái Nguyên
3.5.1. Những kết quả đạt được
- Nhìn chung về công tác quản lí tài chính các trường mầm non công lập trên địa bàn Thành phố Thái Nguyên ngày càng được hoàn thiện hơn cụ thể như việc điều hành phân cấp quản lý, phân công trách nhiệm rõ ràng, công khai cho các thành viên quản lý đúng chức trách và năng lực,…Đầu tư nguồn lực cho quản lý tài chính của các trường, cơ bản đảm bảo điều kiện cho hoạt động của bộ máy quản lý tài chính đảm bảo vận hành thuận lợi, đáp ứng yêu cầu công việc.
- Ngay từ đầu năm, nhà trường đã xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ trong việc quản lý và sử dụng kinh phí thường xuyên nhằm tiết kiệm kinh phí để có tăng thêm thu nhập cho công nhân viên lao động trên cơ sở về định mức, tiêu chuẩn, chế độ đúng quy định được ban hành, đồng thời cũng là thực hiện công khai minh bạch các hoạt động thu, chi; tạo quyền chủ động cho người lao động hoàn thành nhiệm vụ được giao và là căn cứ để đơn vị quản lý, thanh toán các khoản chi tiêu, Kho bạc Nhà nước, cơ quan quản lý cấp trên, cơ quan tài chính.
- Sử dụng kinh phí quản lý hành chính giao để thực hiện chế độ tự chủ theo đúng chế độ kinh phí quản lý hành chính được giao, do ngân sách nhà nước cấp, sử dụng kinh phí đúng nội dung và mục đích theo quy định chi hiện hành.
- Các trường đã chú ý xây dựng kiện toàn bộ máy quản lý hoạt động tài chính đảm bảo tinh gọn, chất lượng, hiệu quả; coi trọng tuyển dụng nhân sự kế toán, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn; đáp ứng tốt nhất về điều kiện làm việc cho cán bộ quản lý về tài chính để giải quyết, xử lý công việc được tối ưu nhất.
- Việc ban hành các quy chế, quy định được lãnh đạo các trường chú ý thực hiện, nhất là xây dựng Quy chế chi tiêu, quản lý tài chính nội bộ; Quy chế công
khai, minh bạch tài chính, các khoản thu chi; Quy chế quản lý và sử dụng tài sản.
Quá trình xây dựng quy chế, quy định tài chính nội bộ được xây dựng theo quy định chung của nhà nước về công tác tài chính, kế toán.
- Việc thực hiện lập kế hoạch tài chính, dự toán tài chính theo quy định đã được nhà trường chú trọng quan tâm. Trong quá trình xây dựng kế hoạch tài chính, công tác thu thập thông tin phục vụ lập kế hoạch, dự toán tài chính và việc phân bổ ngân sách cho các hoạt động đã được các trường triển khai thực hiện. Cụ thể, là công tác xây dựng kế hoạch và phân bổ hợp lý nguồn NSNN cấp đảm bảo một phần các hoạt động chi thường xuyên của nhà trường đã đạt hiệu quả tốt, đúng mục đích sử dụng và tiết kiệm. Kế hoạch tài chính được xây dựng, ban hành và thực hiện theo đúng quy định pháp luật, đúng lộ trình và thủ tục, đảm bảo các hoạt động của nhà trường luôn được vận hành thông suốt. Dự toán tài chính được xây dựng chi tiết, cụ thể, phù hợp với mục đích sử dụng đã giúp nhà trường chủ động hơn trong quản lý tài chính và thanh kiểm tra, quyết toán theo quy định.
- Hoạt động về tài chính và các hoạt động của nhà trường đã được chấp hành và tuân thủ đúng theo Công văn số 849/GDĐT ngày 24 tháng 9 năm 2018 của Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thái Nguyên về việc tăng cường thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục theo Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28/12/2017 của Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo và đã có báo cao chi tiết về quy chế và kế hoạch thực hiện quy chế công khai trong năm học tiếp theo. Cụ thể: Thành lập ban chỉ đạo thực hiện quy chế công khai gồm các đ/c: Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, CT công đoàn, Bí Thư đoàn thanh niên, Trưởng ban thanh tra nhân dân, tổ trưởng các tổ, kế toán. Phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong ban. Triển khai Thông tư 36/2017 ban hành Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Triển khai kế hoạch thực hiện quy chế công khai thu học phí, các khoản thu khác theo từng năm học và dự kiến cho cả cấp học năm học 2019 - 2020 tới toàn thể CBGV, NV trong trường và công khai theo quy định. Công tác công khai, minh bạch nguồn tài chính đã phần nào tạo nên sự tin tưởng trong toàn thể cán bộ, nhân viên, giáo viên về hoạt động tài chính.
- Các trường thực hiện thu, chi ngân sách thường xuyên theo các văn bản hướng dẫn hiện hành, chấp hành tốt luật ngân sách nhà nước và các văn bản
hướng dẫn. Thực hiện đúng các quy định về quản lý tài chính trong các trường mầm non; Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân.
- Các khoản thu khác ngoài quy định của nhà nước, nhà trường tổ chức họp bàn thống nhất từ Ban giám hiệu, Hội đồng sư phạm, phụ huynh học sinh đồng thuận nhất trí cao từ nội dung cần đầu tư đến kinh phí huy động. Báo cáo xin chủ trương UBND phường và phòng Giáo dục thành phố trên địa bàn. Thực hiện công khai, dân chủ theo đúng văn bản quy định.
- Nghiêm túc thực hiện theo Quyết định số 1098/QĐ-SGDĐT ngày 21/7/2017 của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên Ban hành Quy chế quản lý các khoản thu trong các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
- Công tác thanh kiểm tra, giám sát nguồn tài chính trong nhà trường được thực hiện theo quy định; đảm bảo thực hiện đúng các nguyên tắc về quản lý tài chính của nhà nước và các quy định của cấp trên.
Trên thực tế các khoản thu, chi trong các trường mầm non công lập tại thành phố Thái Nguyên đã được quản lý nhưng chưa chặt chẽ về một số mặt:
- Cán bộ, giáo viên chưa hiểu rõ được tầm quan trọng của công tác tài chính đối với đơn vị.
- Các khoản chi không thường xuyên là khoản không có kế hoạch trước do đó có khả năng chi không đúng, không chính xác.
- Công tác lập kế hoạch chưa được chú trọng.
- Công tác kiểm tra, thanh tra chư được quan tâm chặt chẽ.
Các giải pháp đưa ra phải dựa trên cơ sở đã được kiểm chứng khoa học, khảo nghiệm thực tế. Cần xem xét và đưa ra các giải pháp quản lý phù hợp, có tính khả thi, mỗi biện pháp cần phải có tính độc lập tương đối và tác động qua lại lẫn nhau tạo thành khối thống nhất. Cần có cái nhìn tống quát hơn và có cách đánh giá khách quan nhưng có chiều sâu, để trên cơ sở đó đề ra được các giải pháp phù hợp góp phần hoàn thiện công tác quản lý tài chính.
Cần xem xét, đánh giá các vấn đề để đưa ra được các giải pháp phù hợp, thiết thực trong điều kiện của nhà trường, điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, của địa phương. Cần đề ra, xác định được các mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ trong thời
gian tới để từng bước triển khai và thực hiện. Để hoàn thành tốt các kế hoạch đó cần phải có tầm nhìn đủ xa, đủ rộng để làm cơ sở cho việc xây dựng một chiến lược phát triển lâu dài, khả thi.
3.5.2. Những hạn chế và nguyên nhân ảnh hưởng tới công tác quản lý nguồn tài chính các trường
Bên cạnh những ưu điểm tại 5 cơ sở mầm non nghiên cứu còn có những nhược điểm cần khắc phục.
3.5.2.1 Sự công khai dân chủ trong công tác xây dựng kế hoạch tài chính
Sự công khai dân chủ trong công tác xây dựng kế hoạch tài chính hàng năm chưa thực sự được quan tâm.
Tại các trường việc xây dựng kế hoạch tài chính chưa có sự tham gia góp ý của từng giáo viên trong trường. Do đó, giáo viên chưa nhận thức được trách nhiệm, nhiệm vụ của cá nhân đối với công tác xây dựng kế hoạch tài chính. Do vậy tình trãng lãng phí dễ xảy ra trong đơn vị.
3.5.2.2 Quản lý tiền mặt
Các yếu tố Quản lý tiền mặt tại các đơn vị nhìn chung chưa tốt. Bởi tiền mặt là khoản tiền cần thiết lúc cấp bách nhưng theo đánh giá của kết quả khảo sát về tiền mặt chỉ được đánh giá ở mức điểm chung bình.
3.5.2.3 Công tác thanh kiểm tra tài chính nội bộ, kiểm toán
Công tác thanh kiểm tra tài chính nội bộ, kiểm toán chỉ có kế hoạch kiểm tra theo định kỳ (1 năm 1 lần hoặc đột xuất) để tiến hành giám sát hoạt động tài chính và công tác quản lý tài chính của trường. Do đó, công tác thanh kiểm tra tài chính chưa được cụ thể, chưa có xây dựng kế hoạch chặt chẽ, dễ sảy ra nhiều sai sót đối với kết quả kiểm tra.
3.5.2.4 Quản lý thực hiện kế hoạch
Việc quản lý kế hoạch chi chưa tốt so với dự toán được duyệt, tình trạng chi vượt dự toán quá nhiều ở một số năm như năm 2019 tại Trường MN 19/05 TP.
* Nguyên nhân ảnh hưởng tới công tác quản lý nguồn tài chính các trường:
Một là: Hệ thống văn bản pháp quy về quản lí tài chính tại các đơn vị sự nghiệp chưa ban hành kịp thời, thiếu đồng bộ. Sự đôn đốc, theo dõi, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật chưa được coi trọng đúng mức. Việc phân công, phân
cấp, và cơ chế phối hợp giữa ngành chủ quản và các ngành, các cấp chưa thể chế hoá một cách cụ thể.
Hai là: Các nhà quản lí của nhà trường đa số xuất phát từ GV nên thường không hiểu một cách sâu sắc về các chỉ tiêu tài chính, cũng như không đánh giá cao tầm quan trọng của các vấn đề trong quản lí tài chính và yêu cầu bức thiết của việc nâng cao hệ thống thông tin để phục vụ cho việc đưa ra quyết định quản lí. Nghiệp vụ về tài chính và quản lý tài chính chưa được đào tạo, bồi dưỡng đầy đủ, kịp thời cho đội ngũ cán bộ tham gia quản lý tài chính của các nhà trường để nâng cao vai trò trách nhiệm của họ đối với hoạt động quản lý tài chính để sử dụng các nguồn vốn đúng mục đích, hiệu quả hơn.
Ba là: Quy trình về công tác kiểm tra, giám sát nói chung, về tài chính nói riêng chưa chặt chẽ điều kiện làm việc kiêm nhiệm của cán bộ, nhân viên, giáo viên của nhà trường khi tham gia hoạt động này; việc đầu tư về thời gian để nghiên cứu, thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát của cán bộ nhà trường còn hạn chế do công việc chuyên môn nhiều.
Bốn là: Công tác thanh kiểm tra còn mang tính hình thức, rời rạc, chưa phân bổ hợp lý nguồn lực đúng vị trí, chức trách, năng lực. Công tác điều hành, phân bổ nguồn lực và quản lí tài chính còn yếu dẫn đến tình trạng giải quyết công việc còn trì trệ, tồn đọng, rườm rà, thiếu tính chính xác cao và phù hợp.
Để khắc phục được những yếu kém và hạn chế về quản lý tài chính trên của các trường mầm non công lập cần nghiên cứu đề ra các giải pháp pháp cơ bản nhất nhằm hoàn thiện quản lý tài chính của các trường và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn phục vụ hoạt động giáo dục, đào tạo hiện nay góp phần mang đến cho trẻ một môi trường giáo dục chất lượng tốt nhất.
3.5.2.5 Tại 5 trường mầm non
Tại trường MN 19/5: Quyết toán thu chi năm 2017, 2019, 2020 chưa đạt hiệu quả, chi vượt thu.
Tại trường MN Tân Thịnh và trường MN Quang Vinh: năm 2018, 2019 quyết toán chi vượt tình hình thu thực tế.
Tại trường MN Quang Trung: năm 2017 và 2019 chi vượt thu.
Tại Trường MN Trưng Vương: năm 2016, 2017 và 2019 chi vượt thu.