Chương 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ KINH NGHIỆM THỰC TIỄN VỀ QUẢN LÝ THU CHI TÀI CHÍNH TẠI CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP Y TẾ CÔNG LẬP
1.1. Cơ sở lý luận về quản lý thu chi tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập
1.1.4. Các yếu tố ảnh hưởng tới công tác quản lý thu chi trong các đơn vị sự nghiệp y tế công lập
1.1.4.1. Các yếu tố khách quan
Công cuộc đổi mới đất nước đã tạo nên sự chuyển biến quan trọng trong tất cả các các lĩnh vực hoạt động của xã hội. Quá trình đổi mới này đã tạo thuận lợi cho sự phát triển của hệ thống y tế nói chung và đơn vị sự nghiệp y tế công lập nói riêng.
* Về đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương
Đặc điểm KT-XH có ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động tài chính của các cơ sở y tế nói chung và với các TTYT nói riêng. Nó có tác động 2 chiều. Nếu địa phương có KT-XH phát triển và ổn định sẽ tạo điều kiện tăng thu NSNN, từ đó giúp cho Nhà nước và địa phương có thêm nguồn lực tài chính để thực hiện các nhiệm vụ về y tế. Đồng thời, cùng với sự phát triển kinh tế của đất nước, của địa phương, đời sống vật chất của đại đa số nhân dân được cải thiện so với trước thời kỳ đổi mới. Nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ tăng lên. Số lượt người đến các cơ sở y tế khám chữa bệnh tăng vọt so với trước. Do đó, nguồn thu viện phí cũng tăng.
Mặt khác, khi thu nhập của người dân tăng lên, yêu cầu về chất lượng khám chữa bệnh của người dân cũng sẽ tăng theo. Do đó, đòi hỏi các Trung tâm cũng phải chi nhiều hơn cho đầu tư phát triển, không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu của người dân.
* Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về quản lý thu chi tài chính Nhà nước đã chú ý đến đầu tư phát triển văn hoá xã hội nhằm từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, cố gắng thực hiện công bằng xã hội. Với chính sách “xã hội hoá, đa dạng hoá” đã tạo điều kiện tăng các nguồn lực để phát triển các mặt xã hội và kết quả bước đầu đã có nét khởi sắc. Chính sách này cho phép các đơn vị sự nghiệp y tế công lập đa dạng hoá việc khai thác các nguồn tài chính phục vụ cho công tác khám chữa bệnh của mình: phát triển thành đơn vị sự nghiệp y tế bán công; xây dựng khoa khám và điều trị tự nguyện…
Cùng với các chính sách mới về kinh tế, xã hội, trong những năm qua Nhà nước đã ban hành một hệ thống các chính sách để củng cố, phát triển hệ thống y tế, nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế đồng thời đảm bảo công bằng và hiệu quả trong công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân nói chung và các chính sách về tài chính áp dụng cho quản lý trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập nói riêng. Các chính sách này tạo hành lang pháp lý cho đơn vị tổ chức thực hiện tốt quản lý tài chính trong đó phải kể đến chính sách viện phí và BHYT.
Trước thời kỳ đổi mới, các đơn vị sự nghiệp y tế công lập được Nhà nước bao cấp hoàn toàn, nhân dân được khám chữa bệnh miễn phí. Bước sang thời kỳ đổi mới, nguồn NSNN không thể đảm bảo cho công tác chăm sóc sức khoẻ nên vấn đề
tài chính cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập càng trở nên bức xúc. Để có thêm nguồn kinh phí cho hoạt động khám chữa bệnh, từ năm 1989 Nhà nước đã ban hành chính sách thu một phần viện phí. Chính sách này đã tăng nguồn ngân sách cho hoạt động của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Viện phí cũng là một chính sách tăng cường sự tham gia đóng góp của cộng đồng nhất là các đối tượng có khả năng chi trả từ đó có thêm nguồn ngân sách để tăng cường khám chữa bệnh cho người nghèo.
Về BHYT, BHYT được triển khai ở Việt Nam từ năm 1993. Trong những năm qua BHYT đã thu được nhiều kết quả khả quan. Song 89% tổng thu BHYT là từ BHYT bắt buộc; 2,4% từ thẻ khám chữa bệnh cho người nghèo; 8,6% từ BHYT tự nguyện. Các loại hình BHYT tự nguyện chưa đa dạng, phong phú và chưa thu hút được các đối tượng tham gia.
Tóm lại, các nhân tố khách quan vừa có ảnh hưởng tích cực vừa có những hạn chế đến việc quản lý tài chính tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập.
1.1.4.2. Các yếu tố chủ quan
* Yếu tố conngười
Con người là nhân tố trung tâm trong hoạt động của một tổ chức. Đặc biệt do đặc thù của đơn vị sự nghiệp y tế công lập là cung cấp các dịch vụ phục vụ cho chăm sóc sức khoẻ con người thì yếu tố con người lại càng quan trọng. Nó đòi hỏi con người phải vừa có Tâm vừa có Tài. Trong yếu tố con người ở đây cần nhấn mạnh đến cán bộ quản lý. Người làm quản lý có ảnh hưởng trực tiếp đến tính kịp thời, chính xác của các quyết định quản lý. Do vậy, nó ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng hoạt động của bộ máy quản lý nói chung cũng như quản lý tài chính nói riêng.
Một đơn vị có cán bộ quản lý tài chính có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có kinh nghiệm, hiểu biết sẽ đưa ra được những biện pháp quản lý phù hợp, xử lý thông tin kịp thời và chính xác làm cho công tác kế toán tài chính ngày càng có kết quả tốt.
Và một đội ngũ cán bộ kế toán tài chính có trình độ nghiệp vụ, có kinh nghiệm, năng động sáng tạo là điều kiện tiền đề để công tác quản lý tài chính đi vào nền nếp, tuân thủ các chế độ quy định của Nhà nước về tài chính góp phần nâng cao hiệu quả quản lý tài chính của đơn vị.
* Khả năng ứng dụng công nghệthông tin trong quản lý thu chi tài chính Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý cơ sở y tế nói chung và đơn vị sự nghiệp y tế công lập nói riêng đã trở thành một yêu cầu cấp bách nhằm nâng cao chất lượng của công tác quản lý Trung tâm, góp phần thúc đẩy Trung tâm phát triển toàn diện, từng bước đáp ứng yêu cầu về khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp các Trung tâm quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, thống thất thu viện phí, công khai minh bạch tài chính bệnh nhân, giúp kiểm soát sử dụng thuốc hợp lý an toàn.
Để thực hiện được điều này đòi hỏi Trung tâm phải đầu tư hệ thống trang thiết bị hiện đại như hệ thống máy vi tính cấu hình cao, mạng internet ổn định, có phần mềm quản lý tài chính,… Ngoài ra, để có thể khai thác và ứng dụng được công nghệ thông tin trong quản lý thu chi tài chính, bên cạnh việc đầu tư vào trang thiết bị, Trung tâm cần đào tạo đội ngũ cán bộ tài chính có trình độ tin học nhất định, có khả năng sử dụng thành thạo các phần mềm quản lý tài chính.
* Mối quan hệ giữa đơn vị với bệnh nhân
Trước hết là mối quan hệ giữa đơn vị với bệnh nhân. Trước đây, mối quan hệ này là mối quan hệ của người phục vụ với người được phục vụ theo sự phân công có tổ chức của bộ máy Nhà nước. Mối quan hệ giữa thày thuốc và bệnh nhân không có quan hệ kinh tế, tiền bạc. Trong cơ chế, mối quan hệ giữa đơn vị và bệnh nhân là mối quan hệ giữa người cung cấp dịch vụ và người trả giá cho các dịch vụ đó. Do vậy, quan hệ tốt với bệnh nhân sẽ tạo được uy tín cho đơn vị đồng thời cũng giúp cho việc đưa ra chính sách, chiến lược, kế hoạch tác nghiệp và xu hướng phát triển hoạt động đơn vị trong tương lai.
Cùng với việc xây dựng uy tín trong hoạt động khám chữa bệnh của mình, đơn vị có thể tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế thông qua các dự án viện trợ không hoàn lại. Hoặc liên doanh, liên kết, mở rộng hợp tác đầu tư trong và ngoài nước.
Ngoài ra các yếu tố khác như quy mô đơn vị, vị trí địa lý, hệ thống thông tin…
cũng có ảnh hưởng đến công tác quản lý tài chính đơn vị.