Giải pháp quản lý, hạn chế rủi ro cho vay tiêu dùng tại các ngân hàng thương mại

Một phần của tài liệu Phát triển hoạt động cho vay tiêu dùng tại ngân hàng thương mại cổ phần phương đông luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng (Trang 36 - 40)

CHƯƠNG 1:LÝ LUẬN CHUNG VỀ HOẠT ĐỘNG CHO VAY TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI

1.1. Lý luận chung về hoạt động cho vay tại ngân hàng thương mại

1.1.7. Rủi ro và giải pháp quản lý, hạn chế rủi ro trong hoạt động cho vay tiêu dùng tại ngân hàng thương mại

1.1.7.3. Giải pháp quản lý, hạn chế rủi ro cho vay tiêu dùng tại các ngân hàng thương mại

Để hoạt động cho vay tiêu dùng tăng trưởng mạnh mẽ và ngày càng minh bạch hơn, an toàn cho cả nhà đầu tư và khách hàng đòi hỏi sự nỗ lực tổng thể từ các cơ quan quản lý nhà nước, các ngân hàng thương mại và chính bản thân người đi vay.

Về phía các cơ quan nhà nước, Ngân hàng Nhà nước được cho là đã cơ bản hoàn thiện khung pháp lý về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, tạo thuận lợi cho cả khách hàng và công ty tài chính trong việc thực hiện giao dịch. Tuy nhiên, sự vận động của thị trường là không ngừng nên sẽ liên tục đặt ra đòi hỏi cần các cơ quan nhà nước thường xuyên rà soát, hoàn thiện các quy định liên quan.

Bên cạnh đó, để tránh được các rủi ro thì việc quản lý thông tin hệ thống dữ liệu công dân nói chung và dữ liệu tài chính cá nhân nói riêng cần phải phát triển và ổn định, hỗ trợ cho các hoạt động tín dụng tiêu dùng cũng như đảm bảo an toàn cho các tổ chức tín dụng.

Về phía các tổ chức tín dụng, để giảm thiểu rủi ro trong hoạt động vay tiêu dùng, các tổ chức tín dụng cần kiện toàn hệ thống kỹ thuật quản lý hồ sơ khách hàng, cần thực hiện tốt hơn việc minh bạch thông tin cho khách hàng. Các tổ chức tín dụng cần thực hiện nghiêm túc các quy định về cho vay và quản lý vay, đặc biệt lưu ý đến các quy tắc về đòi nợ, đây là vấn đề đang gặp khá nhiều tranh cãi với khách hàng trong thời gian qua.

Ngoài ra, các tổ chức tín dụng cũng cần truyền thông cho người dân hiểu hơn về tài chính tiêu dùng bởi hoạt động này là cơ hội cho người nghèo, người thu nhập thấp có thể tích lũy tài sản, cải thiện đời sống, dòng lưu thông hàng hóa của xã hội được lưu thông tốt hơn.

Để đối phó với các rủi ro đối với người cho vay thì người cho vay cần có nhiều lựa chọn về các biện pháp phòng ngừa rủi ro như nắm giữ tài sản đảm bảo, thực hiện nghiệp vụ chia sẻ rủi ro với các định chế tài chính khác, tăng dự phòng rủi ro thông qua tăng lãi suất cho vay,… và người đi vay phải trả phí phòng ngừa rủi ro cho người cho vay, ví dụ như các khoản phí bảo hiểm.

Người đi vay cần hiểu rõ về tài chính tiêu dùng, có kế hoạch tài chính cá nhân thật tốt để tối ưu giá trị của những khoản vay. Người tiêu dùng phải hiểu được quyền lợi và nghĩa vụ của mình trước khi quyết định sử dụng dịch vụ.

1.2. Giải pháp đẩy mạnh hoạt động cho vay tiêu dùng tại ngân hàng thương mại

Đúng là mức lãi suất cao hiện vẫn là một vấn đề gây ra nhiều lo ngại đối với hoạt động cho vay tiêu dùng, song theo nhận định của giới chuyên gia, khó có thể cản trở sự phát triển tất yếu của loại hình sản phẩm tài chính này. Sự phát triển này không chỉ mở rộng về quy mô dư nợ cho vay, mà tính chất phức tạp của thị trường cũng sẽ tăng theo, cùng với sự xuất hiện của các sản phẩm mới như: Các khoản cho vay theo lương, hoạt động cho vay B2B, P2P… những sản phẩm hiện đã được phát triển mạnh ở rất nhiều quốc gia trên thế giới.

Hiện các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này đang rất nỗ lực để có thể quản lý hiệu quả hoạt động cho vay tiêu dùng với hai mục tiêu chính, đó là bảo vệ người đi vay và thúc đẩy thị trường cho vay tiêu dùng phát triển lành mạnh, cung cấp các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của mọi người dân.

Tuy nhiên, để thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam theo kịp với sự phát triển của thị trường thế giới, cần phải hoàn thiện các vấn đề pháp lý cho kênh tài chính tiêu dùng, để tạo nền tảng cho hệ thống ngân hàng thương mại và các công ty tài chính hoạt động, tạo ra một thị trường cạnh tranh lành mạnh.

Nếu lãi suất cho vay tiêu dùng giảm thấp hơn cũng sẽ thu hút được sự tham gia của nhiều đối tượng khách hàng. Và vấn đề này cũng chỉ có thể được giải quyết triệt để, khi khâu pháp lý được kiện toàn và thị trường thực sự khởi sắc hơn.

Bên cạnh đó, cần phải có thêm thời gian để nâng cao nhận thức cho người dân về dịch vụ tài chính tiêu dùng. Để làm tốt công tác này, cơ quan chức năng cần phải triển khai các chiến dịch tư vấn tốt cả trước, trong và sau quá trình khách hàng sử dụng dịch vụ. Bởi vì, thay đổi thói quen của người dân không chỉ trong một sớm một chiều mà làm được, hiện nay vẫn còn không ít người dân có thói quen chưa tìm hiểu tường tận các quy định cho vay tiêu dùng, nghĩa vụ và ý thức trả nợ lại kém, dẫn đến những mâu thuẫn, gây nên những cách nhìn không hay về dịch vụ cho vay tiêu dùng.

Tiểu kết chương 1

Như vậy, trong Chương 1, tôi đã làm rõ lý luận về các ngân hàng thương mại, những định nghĩa, khái niệm về cho vay và cho vay tiêu dùng trong ngân hàng thương mại. Ngoài ra, Chương 1 cũng nhắc đến vai trò, lợi ích mà cho vay tiêu dùng đem lại cho cá nhân người sử dụng dịch vụ, các ngân hàng và nền kinh tế đất nước nói chung.

Đặt trong bối cảnh xã hội phát triển không ngừng, cùng với sự bùng nổ của khoa học kĩ thuật, Chương 1 cũng đã bước đầu nêu rõ những yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của hoạt động cho vay tiêu dùng của các ngân hàng thương mại.

Những nội dung nêu trên là cơ sở lý thuyết để tác giả tiến hành Chương 2 và Chương 3.

Một phần của tài liệu Phát triển hoạt động cho vay tiêu dùng tại ngân hàng thương mại cổ phần phương đông luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng (Trang 36 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(96 trang)