CHƯƠNG 2:THỰC TRẠNG VỀ HOẠT ĐỘNG CHO VAY TIÊU DÙNG TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN PHƯƠNG ĐÔNG
2.3. Đánh giá thực trạng về hoạt động cho vay tiêu dùng tại Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông
2.3.3. Các mặt hạn chế và nguyên nhân
- Mặc dù hoạt động cho vay tiêu dùng của OCB trong mấy năm vừa qua đã phát triển nhanh chóng nhưng nếu đem so sánh với tổng dư nợ của cả hệ thống OCB thì tỷ lệ này vẫn chiếm một phần rất nhỏ, tương ứng với nó doanh thu từ hoạt động này cũng không cao. Bên cạnh đó, tuy tổng dư nợ cho vay có vượt kế hoạch đề ra nhưng riêng cho vay tiêu dùng thì dư nợ đều chưa đạt so với kế hoạch. Mặc dù đã được lãnh đạo Ngân hàng hết sức quan tâm và thường xuyên đưa ra các giải pháp để đổi mới và hoàn thiện, song trong quá trình hoạt động vẫn cho thấy những khó khăn, tồn tại cần được khắc phục. Những tồn tại này có thể xuất phát từ nguyên nhân chủ quan hoặc nguyên nhân khách quan, nhưng dù từ nguyên nhân nào thì chúng đều gây ảnh hưởng xấu tới chất lượng hoạt động của ngân hàng.
- Tỷ lệ nợ quá hạn: như đã phân tích ở các phần trên, tuy tỷ lệ nợ quá hạn nói chung và tỷ lệ nợ quá hạn của cho vay tiêu dùng nói riêng ở OCB chưa phải ở mức cao, nhưng với tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, dự báo sự gia tăng nhanh các khoản nợ quá hạn so với sự gia tăng của tổng dư nợ thì tỷ lệ nợ quá hạn cũng là một vấn đề đáng quan tâm đối với không chỉ OCB mà còn là toàn hệ thống ngân hàng. Dưới sợ tác động của dịch Covid 19 hiện nay, dự kiến đến cuối năm 2020, nguy cơ nợ quán hạn đối với nhóm khách hàng tiêu dùng sẽ có xu hướng gia tăng do tình trạng thu nhập của khách hàng vay đa số bị ảnh hưởng khá nhiều. Hơn nữa, việc xử lý chỉ đạo thu hồi nợ còn có nhiều hạn chế, mặc dù
Ngân hàng đã tập trung nhiều công sức nhưng kết quả thu nợ còn thấp, tình hình tài chính của những khách hàng có nợ quá hạn rất khó khăn, không có nguồn trả nợ, tài sản đảm bảo tiền vay còn nhiều vướng mắc, tranh chấp, phát mại khó khăn.
- Về đội ngũ cán bộ tín dụng: mặc dù chất lượng cán bộ tín dụng nhìn chung đã đáp ứng được yêu cầu về trình độ chuyên môn, tác phong nghề nghiệp, nhưng hạn chế nằm ở chỗ hầu hết nhân viên tín dụng của Ngân hàng có tuổi đời và tuổi nghề trẻ nên kinh nghiệm thẩm định cũng như xử lý các vấn đề phát sinh còn nhiều hạn chế, số lượng cán bộ tín dụng còn ít so với khối lượng công việc cần làm. Khối lượng công việc lớn như vậy cũng là một trong những nguyên nhân khiến cán bộ tín dụng không có thời gian kiểm tra, nắm bắt đầy đủ thông tin về tình hình hoạt động của khách hàng, từ đó phát sinh rủi ro tín dụng.
- Mặt dù đã áp dụng hệ thống BPM trong quá trình vận hành cho vay nhưng vẫn còn khá nhiều bất cập về hệ thống vận hành, nhân sự như đã nêu ở mục 2.2.1.1.
- Sản phẩm cho vay tiêu dùng của OCB mặc dù đã có nhiều cải thiện, nắm bắt xu thế của thị trường nhưng hiện tại vẫn chưa đa dạng, đối với cho vay tín chấp chỉ tập trung ở các đối tác hoặc công ty chi lương, đây vẫn là một hạn chế khá lớn trong hoạt động cho vay tiêu dùng của OCB.
- Do việc huy động vốn đầu vào với lãi suất khá cao nên lãi suất cho vay OCB hiện tại vẫn chưa có sức hấp dẫn cao trên thị trường.
2.3.3.2. Nguyên nhân
- Môi trường kinh tế: Xuất phát từ những khó khăn chung của nền kinh tế, dưới sợ tác động của dịch Covid 19 hiện nay, dự kiến đến cuối năm 2020. Tình trạng doanh nghiệp khó khăn, làm ăn thua lỗ diễn ra khá phổ biến. Nền kinh tế đi vào suy giảm, sức cầu yếu. Sản xuất lưu thông hàng hóa bắt đầu trì trệ. Đây là những yếu tố gây bất lợi cho hoạt động Ngân hàng. Điều này sẽ dẫn đến ảnh hường đến tất cả các phân khúc của ngân hàng, từ nhóm khách hàng doanh nghiệp cho đến nhóm khách hàng cá nhân, vay tiêu dùng. Cụ thể, khi tình hình kinh tế giảm, thu nhập người dân giảm, người dân sẽ không mặn mà sắm sửa hay mua các vật dụng gia đình, các nhu cầu tiêu dùng cá nhân nữa.
Chính phủ và NHNN cũng đã sử dụng nhiều biện pháp để điều hành nền kinh tế, liên tục đưa ra các gói hỗ trợ, như gói hỗ trợ 62,000 tỷ đồng của chính phủ, các chính sách hoãn thuế, giảm thuế cho các doanh nghiệp và người dân nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn khá ảm đạm dẫn đến thị trường tiền tệ diễn biến thất thường cùng với tác động xấu của khủng hoảng tài chính thế giới cũng dười sự tác động của dịch Covid 19 vẫn ảnh hưởng lớn tới hoạt động của các ngân hàng thương mại cổ phần ở Việt Nam nói chung cũng như OCB nói riêng.
- Nguyên nhân từ phía khách hàng: Do khách hàng cho vay tiêu dùng là những thể nhân nên cái khó đầu tiên là xác định nguồn thu để trả nợ vì ít khách hàng khó có thể chứng minh được một nguồn thu rõ ràng để thanh toán nợ vay, đây vẫn là một trong những khó khăn đối với nền kinh tế vẫn chuộng tiền mặt như ở Việt Nam. Vướng mắc thứ hai đối với cho vay tiêu dùng liên quan đến tài sản đảm bảo. Do có một số quy định ngày càng chặt chẽ hơn của các cơ quan quản lý Nhà nước đã khiến nhiều khách hàng không vay được vốn vì giấy tờ tài sản thế chấp chưa hợp pháp và hợp lệ.
Đối tượng khách hàng là thể nhân nên các khoản vay thấp (trung bình 200 triệu đồng cho một khoản vay), có khi chỉ 5-10 triệu đồng, thời hạn vay thường ngắn.
Do đó dư nợ cũng thường không ổn định.
Nhiều người dân vẫn còn tâm lý ngại đến vay ngân hàng vì cho rằng thủ tục phức tạp, phiền hà hoặc do họ chưa thực sự hiểu về hoạt động cho vay tiêu dùng của ngân hàng.
- Tính cạnh tranh giữa các ngân hàng: Có thể nói trong giai đoạn hiện nay, lĩnh vực ngân hàng tài chính đang phát triển hết sức nhanh chóng và giữa các ngân hàng có sự cạnh tranh gay gắt về quy mô, chất lượng dịch vụ, sự đang dạng về sản phẩm… Riêng trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng cũng đã có rất nhiều ngân hàng tham gia, từ các ngân hàng lớn như Vietcombank, Agribank, BIDV, Vietinbank cho tới các ngân hàng có quy mô nhỏ hơn như các ngân hàng cổ phần, bên cạnh đó còn có sự tham gia của các công ty tài chính lớn FE Credit, Home Credit... Sự cạnh tranh giành giật thị trường giữa các tổ chức tài chính đã gây
khó khăn cho OCB trong việc thu hút khách hàng. Trong môi trường cạnh tranh ấy đòi hỏi các ngân hàng cần có những thế mạnh, những ưu thế nổi trội của riêng mình trong chiến lược thu hút khách hàng. OCB trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng đã thành lập hai khối là Khối bán lẻ và Khối khách hàng đại chúng để đáp ứng nhu cầu khách hàng, đây cũng có thể coi là một phương thức mời chào khách hàng hiệu quả của OCB.
- Nguyên nhân từ nội bộ OCB: Quy trình cho vay còn nhiều hạn chế bất cập, tất cả phê duyệt tập trung tại trung tâm phê duyệt; Sản phẩm còn khá hạn chế đối với nhu cầu khách hàng; Lãi suất cho vay tiêu dùng hiện tại vẫn chưa hấp dẫn đối với thị trường; Đội ngũ nhân viên vẫn chưa đạt hiệu suất cao nhất trong quá trình tiếp thị và chăm sóc khách hàng; Tỷ lệ room tín dụng hàng năm thấp, dẫn đến tình trạng cho vay thường xuyên phải đình chỉ do toàn hệ thống OCB hết room tín dụng; Chất lượng nợ một số nhóm khách hàng vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra.
Tiểu kết chương 2
Như vậy, Chương 2 đã tổng quan tình hình thực tiễn hoạt động cho vay tiêu dùng tại Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông. Luận văn cũng chỉ ra những thành tựu đã đạt được, những tồn tại và nguyên nhân của việc cho vay tiêu dùng tại Ngân hàng. Đây là nền tảng cơ sở để chương 3 tiến hành đưa ra những giải pháp và kiến nghị.
CHƯƠNG 3: GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN HOẠT ĐỘNG CHO VAY TIÊU DÙNG TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN PHƯƠNG ĐÔNG