CHƯƠNG 2. ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG VÀ HIỆU QUẢ XỬ LÝ NỢ XẤU CỦA CÔNG TY QUẢN LÝ TÀI SẢN CỦA CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG VIỆT NAM
2.3. PHÂN TÍCH CƠ CHẾ XỬ LÝ NỢ XẤU CỦA CÔNG TY QUẢN LÝ TÀI SẢN CỦA CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG VIỆT NAM
2.4.1.1. Phương thức hỗ trợ khách hàng vay
Mục tiêu hoạt động của VAMC theo hình thức mua nợ xấu và nhanh chóng xử lý dứt điểm nợ xấu. Xuất phát từ tính chất hoạt động quản lý tài sản của VAMC như trên nên pháp luật cũng quy định VAMC thực hiện một số biện pháp quản lý nợ xấu theo phương thức hỗ trợ khách hàng vay như sau:
Cơ cấu lại nợ đối với các khoản nợ xấu đã mua:
Việc cơ cấu lại nợ đối với các khoản nợ xấu đã mua được VAMC xem xét quyết định trên cơ sở đề nghị của khách hàng vay nếu đáp ứng điều kiện, trước khi quyết định, VAMC sẽ trao đổi với TCTD đã bán khoản nợ xấu đó. Việc thực hiện các biện pháp cơ cấu lại nợ nhằm hỗ trợ khách hàng vay: Điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, thời hạn trả nợ phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh của khách hàng vay; Áp dụng lãi suất của khoản nợ đã mua phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng vay và điều kiện thị trường và giảm một phần hoặc miễn toàn bộ số lãi đã quá hạn thanh toán mà khách hàng vay chưa có khả năng trả nợ.
Điều chỉnh lãi suất của các khoản nợ xấu đã được VAMC mua:
VAMC xem xét, điều chỉnh lãi suất đang áp dụng đối với khoản nợ xấu đã mua về mức lãi suất hợp lý, phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng vay, lãi suất trên thị trường trong từng thời kỳ và các thỏa thuận tại hợp đồng cấp tín dụng, khế ước nhận nợ, hợp đồng
ủy thác, hợp đồng mua trái phiếu doanh nghiệp, hợp đồng mua, bán nợ. VAMC có trách nhiệm phải công bố công khai các mức lãi suất hợp lý trên hàng quý. Các điều kiện để khoản nợ xấu được VAMC xem xét điều chỉnh lãi suất như: Khách hàng vay hợp tác tốt với VAMC, TCTD được ủy quyền; Khách hàng vay có phương án trả nợ khả thi hoặc phương án cơ cấu lại tài chính, hoạt động khả thi; Khách hàng vay thực sự khó khăn tạm thời về tài chính và việc giảm lãi suất của khoản nợ xấu góp phần giúp khách hàng vay giảm bớt khó khăn tài chính, phục hồi sản xuất kinh doanh; Khoản nợ xấu không vi phạm quy định tại Điều 126 Luật các tổ chức tín dụng 2010 tại thời điểm ký kết HĐTD (vi phạm quy định về các trường hợp cấm cấp tín dụng). Trong trường hợp xem xét, điều chỉnh mức lãi suất áp dụng đối với khoản nợ xấu được mua bằng TPĐB, VAMC trao đổi với TCTD bán nợ trước khi quyết định và TCTD phải trả lời ý kiến trong thời hạn luật định (05 ngày làm việc). Khi quyết định điều chỉnh lãi suất của khoản nợ xấu, VAMC có trách nhiệm thông báo cho khách hàng vay để biết và thực hiện, đồng thời thông báo cho TCTD bán nợ (đối với khoản nợ xấu được mua bằng TPĐB).
Đây có thể coi là một quyền chủ động của VAMC trong việc đánh giá khoản nợ, khách hàng vay để có biện pháp quản lý phù hợp, tạo cơ hội cho khách hàng vay giảm chi phí lãi suất, để có động lực tiếp tục hoạt động SXKD.
Miễn, giảm lãi suất phạt, phí và lãi vay đã quá hạn thanh toán:
VAMC xem xét giảm một phần hoặc miễn toàn bộ lãi phạt, phí, lãi vay đã quá hạn thanh toán mà khách hàng vay chưa trả của khoản nợ xấu đã mua khi khoản nợ xấu và khách hàng vay đáp ứng các điều kiện như điều kiện đối với trường hợp được điều chỉnh lãi suất nêu trên và khách hàng vay trả nợ ngay hoặc cam kết trả nợ trong vòng 60 ngày tối thiểu 5% số dư nợ gốc khách hàng vay chưa trả tại thời điểm xem xét miễn, giảm lãi phạt, phí, lãi vay đã quá hạn thanh toán.
Quy định trên tưởng chừng là một cơ chế rất thuận lợi cho khách hàng vay nhưng thực tế hiện nay các TCTD khi xem xét miễn, giảm lãi phạt, phí và lãi vay đã quá hạn thanh toán cho khách hàng vay cũng không bị áp dụng các điều kiện chặt chẽ như trên.
Trong khi đó các khoản nợ do VAMC mua từ TCTD thuộc nhóm nợ xấu, khách hàng vay khó/không đủ khả năng trả nợ nên việc áp dụng các điều kiện này gây khó khăn cho VAMC trong việc xử lý, nhiều khi chính TCTD cũng muốn miễn, giảm lãi phạt, phí và lãi vay đã quá hạn thanh toán cho khách hàng vay để khuyến khích khách hàng trả nợ.
Do vậy, chính sự khó khăn này cũng là nguyên nhân dẫn đến việc thực hiện các biện pháp quản lý khoản nợ xấu của VAMC không tích cực, không tháo gỡ được cho khách hàng vay mà còn khiến cho các quy định của pháp luật chỉ là bề mặt mà không phù hợp với thực tế.
Cơ cấu lại thời hạn trả nợ:
VAMC xem xét, cơ cấu lại thời hạn trả nợ dưới các hình thức điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ đối với khoản nợ xấu đã mua khi khách hàng vay đáp ứng các điều kiện: Khách hàng vay có phương án trả nợ khả thi; Đối với trường hợp điều chỉnh kỳ hạn trả nợ gốc và/hoặc lãi vay, khách hàng vay không có khả năng trả nợ đúng kỳ hạn nợ gốc và/hoặc lãi vay trong phạm vi thời hạn trả nợ đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng, hợp đồng ủy thác, hợp đồng mua trái phiếu doanh nghiệp và VAMC đánh giá là có khả năng trả nợ trong các kỳ hạn tiếp theo sau khi được cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ; Đối với trường hợp gia hạn nợ, khách hàng vay không có khả năng trả hết nợ gốc và/hoặc lãi vay đúng thời hạn trả nợ đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng, hợp đồng ủy thác, hợp đồng mua trái phiếu doanh nghiệp và được VAMC đánh giá là có khả năng trả hết nợ trong một khoảng thời gian nhất định sau thời hạn trả nợ đã thỏa thuận; Đối với khoản nợ xấu được mua bằng TPĐB, thời gian gia hạn nợ đối với khoản nợ xấu không được vượt quá thời hạn còn lại của TPĐB tương ứng với khoản nợ xấu đó.
VAMC trao đổi với TCTD bán nợ trước khi quyết định và TCTD phải trả lời ý kiến cho VAMC trong vòng 5 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu về vấn đề này. Khi quyết định cơ cấu lại thời hạn nợ, VAMC có trách nhiệm thông báo cho khách hàng vay để biết và thực hiện, đồng thời thông báo cho TCTD bán nợ (đối với khoản nợ xấu được mua bằng TPĐB).
Các quy định trên hiện nay cũng được đánh giá là gây khó cho VAMC trong việc xem xét gia hạn nợ cho khách hàng vay vì nếu áp dụng đúng quy định về các điều kiện trên thì không thể gia hạn được nợ đối với khách hàng vay bởi thời gian gia hạn phải phù hợp với dòng tiền trên cơ sở phương án trả nợ của khách hàng mà phương án trả nợ của khách hàng có thể có thời gian dài hơn so với thời gian còn lại của trái phiếu đặc biệt tương ứng với khoản nợ xấu đó. Do đó, VAMC không đạt được mục tiêu cơ cấu lại nợ đối với khách hàng để xử lý nợ xấu.
Ngoài các biện pháp quản lý nợ xấu như trên, VAMC còn được thực hiện một số
biện pháp hỗ trợ tài chính cho khách hàng vay như: bảo lãnh cho khách hàng vay vốn của TCTD nếu khách hàng vay có khả năng phục hồi sản xuất, phương án kinh doanh hiệu quả và có tài sản bảo đảm hợp pháp cho việc vay vốn…; Cho vay, mua trái phiếu doanh nghiệp và các hình thức đầu tư, cung cấp tài chính khác sau khi được Thống đốc NHNN chấp thuận. VAMC tự sử dụng tài sản (không bao gồm các khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt) và nguồn vốn hợp pháp để thực hiện các biện pháp hỗ trợ tài chính trên.