CHƯƠNG 3. GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ XỬ LÝ NỢ XẤU CỦA CÔNG TY QUẢN LÝ TÀI SẢN CỦA CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG VIỆT
3.2. GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ XỬ LÝ NỢ XẤU CỦA CÔNG TY QUẢN LÝ TÀI SẢN CỦA CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG VIỆT NAM
3.2.4. Nhóm giải pháp hoàn thiện khuôn khổ pháp lý
- Khung pháp luật hiện nay cần bổ sung và hoàn thiện các quy định liên quan đến việc xử lý nợ xấu, xử lý TSBĐ của khoản nợ xấu cho VAMC, cụ thể:
* Chính phủ cần nghiên cứu, xem xét quyết định bổ sung trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong việc phối hợp, hỗ trợ VAMC hoàn thiện thủ tục pháp lý của TSBĐ là Dự án xây dựng, bao gồm cả việc điều chỉnh công năng, điều chỉnh/gia hạn/cấp lại giấy phép xây dựng công trình theo đề nghị của VAMC. Thực tế VAMC mua nhiều khoản nợ hiện nay là các dự án bất động sản đang thực hiện dang dở, chủ đầu tư là các con nợ, sau khi mua về, VAMC gặp khó khăn trong việc tiếp tục triển khai dự án do liên quan đến việc chủ đầu tư dự án không thiện chí phối hợp với VAMC trong việc hoàn thiện các thủ tục liên quan như điều chỉnh, gia hạn, cấp lại giấy phép xây dựng. Nếu không giải quyết được vấn đề này thì VAMC không thể chủ động xử lý bán các TSBĐ là dự án hình thành trong tương lai, do đó, nhu cầu về việc tạo ra cơ sở pháp lý để VAMC được quyền yêu cầu Bộ Xây dựng tạo điều kiện trong việc điều chỉnh công năng, điều chỉnh/gia hạn/cấp lại giấy phép xây dựng công trình là cần thiết nhằm góp phần tạo cơ sở cho VAMC khi xử lý tài sản bảo đảm cũng như góp phần cho các Dự án bất động
sản không bị đình trệ, tiếp tục được triển khai theo đúng tiến độ và khơi thông được thị trường bất động sản. Đây là một biện pháp điều chỉnh pháp luật cần thiết xuất phát từ chính thực tiễn vướng mắc trong quá trình mua nợ và xử lý nợ của VAMC. Vì vậy, tác giả thiết nghĩ, việc tạo ra cơ sở pháp lý cho hoạt động này không phức tạp nên Chính Phủ cần có biện pháp chỉ đạo tháo gỡ nhanh nhằm tăng cường quyền chủ động trong hoạt động quản lý tài sản của các TCTD cho VAMC.
* Đối với TSBĐ chỉ là một phần của dự án đầu tư bất động sản, VAMC gặp khó khăn khi bán tài sản cho nhà đầu tư do tính thanh khoản của các dự án bất động sản phụ thuộc vào yếu tố vị trí, chất lượng, tiến độ hoàn thiện, năng lực của chủ đầu tư. Do đó, để dự án bất động sản loại này tiếp tục hoạt động, các quy định của pháp luật cần có hướng dẫn giải quyết cụ thể theo hướng cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần thu hồi dự án và giao lại cho VAMC bán cho chủ đầu tư mới, thực hiện thủ tục pháp lý đối với việc chuyển nhượng dự án cho các chủ đầu tư có nhu cầu mua có năng lực triển khai dự án, số tiền thu hồi được từ việc bán tài sản sẽ chia theo tỷ lệ đóng góp tương ứng cho các bên liên quan. Do đó, Chính Phủ cần bổ sung quy định cho phép VAMC được đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi dự án, giao lại cho VAMC và VAMC có thể bán TSBĐ là một phần của dự án bất động sản cho các chủ đầu tư quan tâm, có khả năng triển khai dự án. Để thực hiện quyền này, pháp luật cũng cần giải quyết được vấn đề hoàn thiện hồ sơ pháp lý cho việc bán một phần dự án bất động sản của VAMC cho các chủ đầu tư mới sau khi mua từ VAMC để tạo niềm tin, động lực cho các chủ đầu tư trên thị trường quan tâm nhiều hơn đến các dự án bất động sản là TSBĐ của khoản nợ xấu vì nếu không xác lập được quyền pháp lý thực sự với việc mua một phần dự án bất động sản thì sẽ khiến cho việc xử lý bán tài sản trong trường hợp này của VAMC gặp khó khăn và không khả thi trong thực tế. Việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về chuyển nhượng TSBĐ của VAMC là dự án bất động sản dở dang cho các nhà đầu tư sẽ góp phần giúp VAMC có thể xử lý nhiều TSBĐ, đồng thời góp phần chống xuống cấp các dự án bất động sản dở dang, các nhà đầu tư sẽ tiếp tục hoàn thiện và đưa dự án vào phục vụ nhu cầu dân sinh, phục vụ tăng trưởng kinh tế xã hội.
* Hoàn thiện các quy định của pháp luật cho phép VAMC được chuyển đổi mục đích sử dụng đất của TSBĐ trước/trong/sau khi bán TSBĐ cho nhà đầu tư vì theo quy định của Luật đất đai 2013, người sử dụng đất bị giới hạn theo mục đích sử dụng đã
được quyết định tại thời điểm giao đất hoặc được thuê từ Nhà nước nhưng thực tế có nhiều nhà đầu tư sau khi mua khoản nợ xấu có TSBĐ đã có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất khác với mục đích ban đầu để sử dụng vào mục đích phục vụ tăng trưởng kinh tế xã hội thì cần có cơ chế tạo điều kiện thuận lợi để VAMC chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo nhu cầu của nhà đầu tư.
* Tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động mua tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất đối với trường hợp người mua là tổ chức nước ngoài vì theo Luật Đất đai 2013 hiện nay, tổ chức nước ngoài không được đăng ký quyền sử dụng đất tại Việt Nam mà chỉ có thể thực hiện thuê đất, điều này gây ra rào cản đối với việc người nước ngoài có nhu cầu quan tâm mua tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất của các khoản nợ xấu từ VAMC do quyền lợi của họ không được xác lập thực sự, trong khi đó, với tình hình kinh tế hiện nay, thị trường bất động sản còn hoạt động cầm chừng do nhu cầu mua không có thì các tổ chức nước ngoài thực sự có tiềm lực về tài chính để có thể mua bất động sản. Chính vì vậy, việc tháo gỡ các vướng mắc này cũng là một giải pháp có tính khả thi nhằm giúp VAMC thực hiện được mục tiêu hoạt động là mua nhanh và xử lý dứt điểm nợ xấu. Để hiện thực hóa điều này, tác giả nhận thấy Chính Phủ sẽ phải cân nhắc kỹ vì liên quan đến mục tiêu và định hướng của pháp luật đất đai, tuy nhiên, cũng không nên gạt bỏ mà có thể xem xét nghiên cứu xây dựng theo hướng đưa ra các điều kiện nhất định để thị trường (nhất là tổ chức nước ngoài có nhu cầu) có thể chấp nhận được để tham gia mua bán tài sản trong trường hợp này.
- Xây dựng khuôn khổ pháp lý điều tiết toàn bộ các hoạt động liên quan đến việc xử lý nợ xấu, tạo lập một môi trường hoạt động minh bạch, bình đẳng, thông suốt, đặc biệt chú ý đến việc hoàn tất thủ tục pháp lý TSĐB, thu hồi, thu giữ tài sản, phát mại tài sản, định giá tài sản, phát triển khung pháp lý cho thị trường mua- bán và xử lý TSĐB.
- Để triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 42/2017/QH14, VAMC đề nghị các Bộ, ngành có liên quan sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về các nội dung:
Bộ Tài nguyên- môi trường hướng dẫn thủ tục chuyển nhượng TSBĐ của khoản nợ xấu là dự án bất động sản đang dở dang.
Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn việc áp dụng các thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến TSBĐ tại Tòa án.
Đề nghị thành lập Tổ công tác liên ngành về xử lý nợ xấu theo Đề án cơ
cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu đã được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt tại Quyết định số 1058/QĐ-TTg.
- Hoàn thiện quy định pháp luật về xử phạt Bên nợ cung cấp thông tin sai lệch về nợ xấu: Khi thực hiện xử lý TSBĐ, Bên nợ thường cố gắng che giấu tài sản của mình hoặc không thiện chí trong việc cung cấp thông tin hoặc cố ý cung cấp thông tin sai lệch về nợ xấu khiến cho việc xử lý nợ xấu không được triệt để và không hiệu quả. Các quy định của pháp luật hiện nay chưa có quy định về việc VAMC được quyền xử phạt bên nợ do việc không cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin sai lệch liên quan đến khoản nợ xấu, do đó, các Bên nợ không có tâm lý phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào nếu thực hiện các hành vi này, điều này dẫn đến việc VAMC không có đầy đủ thông tin chính xác để có thể đưa ra quyết định về phương án xử lý nợ, thậm chí, căn cứ vào các thông tin sai lệch cho Bên nợ cung cấp, VAMC có thể gián tiếp tiếp tay cho Bên nợ tiếp tục che giấu nợ xấu hoặc có biện pháp hỗ trợ Bên nợ khôi phục kinh doanh trong khi Bên nợ không thực sự có khả năng khôi phục khiến cho các biện pháp xử lý nợ không phù hợp với thực tế.
Việc tạo ra chế tài đối với Bên nợ trong việc cung cấp thông tin không đúng hoặc sai lệch là cần thiết nhằm nâng cao trách nhiệm của chính Bên nợ trong quá trình phối hợp với TCTD, VAMC xử lý nợ. Do đó, Chính Phủ cần xem xét tăng cường cho VAMC thẩm quyền xử lý việc Bên nợ che giấu tài sản để đối phó với hành vi đó của Bên nợ bằng việc sửa đổi bổ sung Nghị định 53/2013/NĐ-CP và Thông tư số 19/2013/TT- NHNN. Một số biện pháp khả thi là: được quyền kiểm tra sổ sách tài chính của Bên nợ, được hợp tác với cơ quan công an trong việc rà soát tài sản của Bên nợ, được khấu trừ một khoản tiền phạt từ số tiền thu hồi nợ…
Để việc trao quyền năng này cho VAMC không khiến cho VAMC lạm dụng quyền năng này trong quá trình xử lý nợ và tạo sự minh bạch trong việc áp dụng cơ chế xử phạt đối với trường hợp này, Chính Phủ có thể quy định các điều kiện cụ thể hoặc VAMC chỉ được thực hiện quyền này khi có đầy đủ cơ sở để chứng minh hành vi vi phạm của Bên nợ.
- Sửa đổi quy định pháp luật theo hướng cho phép các TCTD được khấu trừ giá trị TSBĐ khi trích lập dự phòng đối với trái phiếu đặc biệt: Một vấn đề cũng cần được quan tâm và có phương án giải quyết là các quy định của pháp luật hiện nay về xử lý nợ
qua VAMC đang vô hình chung làm phát sinh thêm chi phí về tài chính cho các TCTD bán nợ cho VAMC, điều này gây tâm lý e ngại của các TCTD khi bán nợ cho VAMC do phát sinh thủ tục và chi phí trong khi khoản nợ xấu không được giải quyết triệt để, TCTD có thể lại phải nhận ủy quyền của VAMC trong việc xử lý nợ mà các khoản chi phí để bán nợ cho VAMC vẫn phải thực hiện theo quy định. Theo các quy định hiện nay thì TCTD bán nợ cho VAMC và nhận trái phiếu đặc biệt thì phải thực hiện trích lập dự phòng đối với trái phiếu đặc biệt ở mức 20%/năm mà không được khấu trừ giá trị TSBĐ, đây là một quy định có sự bất cập vì thực tế theo các quy định về phân loại nợ hiện nay, khi thực hiện phân loại nợ đối với khoản nợ xấu, TCTD được quyền trích khấu trừ giá trị TSBĐ (tỷ lệ khấu trừ tương ứng với loại tài sản bảo đảm) trước khi trích lập dự phòng nên việc thực hiện trích lập cũng khiến TCTD cảm thấy công bằng hơn. Tuy nhiên, khi bán nợ cho VAMC và nhận về trái phiếu đặc biệt, TCTD không được khấu trừ giá trị TSBĐ khi trích lập dự phòng đối với trái phiếu đặc biệt khiến cho chi phí xử lý nợ của TCTD tăng lên, cầm trái phiếu đặc biệt (không được Chính phủ bảo lãnh) để thực hiện tái cấp vốn tại NHNN, TCTD vẫn phải chịu lãi suất theo quy định của NHNN để có vốn hỗ trợ thanh khoản, chính các quy định này khiến cho hoạt động xử lý nợ bán qua VAMC không tạo động lực cho các TCTD và ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả xử lý nợ của VAMC.
Do đó, Chính phủ cần giao NHNN xem xét lại quy định về việc TCTD bán nợ cho VAMC và nhận trái phiếu đặc biệt phải trích lập dự phòng đối với trái phiếu đặc biệt ở mức 20%/năm mà không được khấu trừ giá trị TSBĐ để giảm thiểu gánh nặng về tài chính cho TCTD, không ảnh hưởng đến kế hoạch lợi nhuận của TCTD khi bán nợ cho VAMC. Do đó, cần xem xét quy định linh hoạt vấn đề này, có thể xem lại quy định về thời hạn trái phiếu, tỷ lệ trích lập dự phòng theo hướng dẫn của NHNN trong từng thời kỳ để đảm bảo phù hợp với thực tế.
- Hoàn thiện các quy định pháp luật về đăng ký khoản vay nước ngoài đối với nhà đầu tư nước ngoài mua nợ xấu tại Việt Nam: Thực tế khi VAMC bán nợ cho các tổ chức nước ngoài thì khách hàng vay sẽ đương nhiên trở thành con nợ của các tổ chức nước ngoài và trường hợp này khoản vay của khách hàng sẽ được coi là khoản vay nước ngoài, trong khi đó, pháp luật Việt Nam hiện nay chưa có quy định cụ thể về các thủ tục đăng ký khoản vay nước ngoài đối với trường hợp này. Để tạo thuận lợi cũng như cơ
chế cho các nhà đầu tư nước ngoài mua các khoản nợ xấu tại VAMC, Chính phủ và NHNN cần cụ thể hóa thành các quy định của pháp luật cụ thể về thủ tục đăng ký khoản vay nước ngoài đối với cá nhân, tổ chức có nợ xấu được VAMC bán cho các nhà đầu tư nước ngoài để tăng cường khả năng giải quyết nợ xấu cho VAMC, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua nợ xấu tại VAMC. Giải quyết triệt để được vấn đề này sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài có sự yên tâm và cơ sở để tham gia đầu tư mua nợ xấu tại thị trường Việt Nam thông qua VAMC.
- Hoàn thiện các quy chế nội bộ của VAMC phù hợp với các quy định mới của Nghị quyết Quốc Hội về xử lý nợ xấu, Luật đấu giá tài sản và các văn bản pháp luật có liên quan để triển khai nhanh và có hiệu quả hoạt động mua nợ theo GTTT và xử lý nợ của VAMC.
- Hoàn thiện các quy chế, quy trình nghiệp vụ liên quan đến các nghiệp vụ bảo lãnh, đầu tư vốn góp, mua cổ phần, đầu tư, khai thác, sửa chữa, cho thuê tài sản bảo đảm, tư vấn môi giới…làm cơ sở triển khai thực hiện.
- Thường xuyên cập nhật, rà soát, phát hiện, kiến nghị NHNN, các Bộ ngành sửa đổi, bổ sung, ban hành kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật đối với hoạt động mua, bán và xử lý nợ xấu, góp phần tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp cho hoạt động xử lý nợ an toàn, hiệu quả.