CHƯƠNG 2. ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG VÀ HIỆU QUẢ XỬ LÝ NỢ XẤU CỦA CÔNG TY QUẢN LÝ TÀI SẢN CỦA CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG VIỆT NAM
2.3. PHÂN TÍCH CƠ CHẾ XỬ LÝ NỢ XẤU CỦA CÔNG TY QUẢN LÝ TÀI SẢN CỦA CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG VIỆT NAM
2.4.1.2. Phương thức xử lý nợ dứt điểm
Đối với phương thức xử lý nợ dứt điểm, VAMC thực hiện các biện pháp quản lý và xử lý nợ:
VAMC bán khoản nợ xấu đã mua từ TCTD cho các tổ chức, cá nhân theo GTTT để thu hồi vốn:
Theo biện pháp xử lý này, VAMC bán nợ xấu theo nguyên tắc bảo đảm sự công khai, minh bạch, bảo đảm sự thỏa thuận và tự nguyện. VAMC bán khoản nợ xấu theo hình thức đấu giá hoặc chào giá cạnh tranh với sự tham gia của ít nhất 03 người mua không phải là người mua có liên quan với nhau theo quy định của pháp luật. Trường hợp không thể bán khoản nợ xấu theo hình thức đấu giá, chào giá cạnh tranh thì VAMC bán khoản nợ xấu trên cơ sở thỏa thuận trực tiếp với bên mua nợ. Giá bán nợ là mức giá hợp lý nhất trên cơ sở so sánh với các mức giá chào mua của khoản nợ xấu đó hoặc tham khảo mức giá của khoản nợ xấu có chất lượng tương đương hoặc giá trị khoản nợ xấu do VAMC hay tổ chức có chức năng định giá độc lập xác định để giảm tổn thất trong xử lý nợ xấu. Việc bán nợ phải được lập thành hợp đồng. VAMC có thể ủy quyền cho TCTD bán khoản nợ xấu theo các yêu cầu và điều kiện do VAMC xác định.
Đánh giá của tác giả về biện pháp xử lý nợ xấu này khiến cho VAMC gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện vì theo quy định trường hợp VAMC không thể bán khoản nợ xấu theo hình thực đấu giá, chào giá cạnh tranh, VAMC bán khoản nợ trên cơ sở thỏa thuận trực tiếp với bên mua nợ. Trong khi đó, theo Quy chế mua bán nợ của các TCTD ban hành theo Quyết định số 59/2006/QĐ-NHNN thì khi các TCTD mua bán nợ, các TCTD được lựa chọn theo phương thức mua bán thông qua bán đấu giá hoặc mua bán trực tiếp hoặc thông qua môi giới. Như vậy, quy định trên làm hạn chế quyền lựa chọn của VAMC đối với phương thức bán nợ so với hoạt động mua bán nợ của các TCTD.
Do đó, cần phải nhìn nhận pháp luật cũng có những quy định làm cản trở và gây khó khăn cho hoạt động của VAMC.
Bán nợ xấu được mua bằng TPĐB:
VAMC thống nhất với TCTD bán nợ về điều kiện bán khoản nợ xấu trong đó bao gồm giá khởi điểm (trong trường hợp bán nợ theo phương thức đấu giá) và giá bán (trong trường hợp bán nợ theo thỏa thuận trực tiếp với bên mua nợ). Trong trường hợp TPĐB chưa đến hạn thanh toán, VAMC được bán lại khoản nợ xấu đã mua bằng TPĐB cho TCTD đã bán khoản nợ xấu đó cho VAMC theo nguyên tắc thỏa thuận về điều kiện và giá mua, bán nợ. Biện pháp này được quy định tại Điều 35 Thông tư số 19/2013/TT- NHNN ngày 6/9/2013 của NHNN quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC.
Góp vốn điều lệ, vốn cổ phần của khách hàng vay là doanh nghiệp (tái cấu trúc doanh nghiệp):
VAMC được sử dụng các khoản nợ xấu đã mua và tài sản, nguồn vốn hợp pháp để thực hiện chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng TPĐB thành vốn điều lệ, vốn cổ phần của khách hàng vay là doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, VAMC được sử dụng tài sản (không bao gồm khoản nợ xấu đã mua bằng TPĐB), nguồn vốn hợp pháp để góp vốn điều lệ, vốn cổ phần của khách hàng vay là doanh nghiệp theo quy định của pháp luật sau khi được NHNN chấp thuận.
VAMC góp vốn điều lệ, vốn cổ phần để tham gia cơ cấu lại khách hàng vay. Để thực hiện phương thức này, VAMC phải xây dựng phương án góp vốn điều lệ, vốn cổ phần của khách hàng vay, trong đó phân tích, đánh giá hiệu quả góp vốn điều lệ, vốn cổ phần, tình hình tài chính và hoạt động của khách hàng vay, nguồn vốn để góp vốn, khả năng thu hồi vốn góp và đề xuất các biện pháp thu hồi vốn góp và tham gia cơ cấu lại khách hàng vay. VAMC góp vốn điều lệ, vốn cổ phần của khách hàng vay khi đáp ứng được các điều kiện nhất định:
- Phương án góp vốn điều lệ, vốn cổ phần của khách hàng vay có tính khả thi;
trường hợp góp vốn điều lệ, vốn cổ phần mà khoản nợ xấu không mua bằng TPĐB thì phương án góp vốn điều lệ, vốn cổ phần phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận;
- VAMC có quyền tham gia vào quá trình tái cơ cấu khách hàng vay;
- Việc góp vốn điều lệ, vốn cổ phần không vi phạm giới hạn góp vốn điều lệ, vốn
cổ phần của VAMC không được vượt quá vốn điều lệ của VAMC;
- Khách hàng vay có triển vọng phục hồi về tài chính và hoạt động sau khi được VAMC tham gia góp vốn điều lệ, vốn cổ phần;
- Khách hàng vay không nằm trong quá trình phá sản, giải thể hoặc thu hồi giấy phép hoạt động.
Trường hợp VAMC chuyển khoản nợ xấu được mua bằng TPĐB thành vốn điều lệ, vốn cổ phần của khách hàng vay, trước khi thực hiện, VAMC thống nhất TCTD bán nợ về việc chuyển khoản nợ xấu được mua bằng TPĐB thành vốn điều lệ, vốn cổ phần của khách hàng vay. Sau khi chuyển toàn bộ khoản nợ xấu thành vốn điều lệ, vốn cổ phần của khách hàng vay, VAMC bán lại khoản góp vốn điều lệ, vốn cổ phần cho TCTD bán nợ theo giá trị khoản góp vốn điều lệ, vốn cổ phần và thanh toán TPĐB.
Xử lý tài sản và bán tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu đã mua:
Xử lý theo thỏa thuận: Tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu mà VAMC đã mua được xử lý theo thỏa thuận của các bên; nếu không có thỏa thuận thì TSBĐ được bán đấu giá
Bán đấu giá: Trường hợp không có thỏa thuận của các bên về xử lý TSBĐ, việc xử lý TSBĐ được thực hiện bán đấu giá qua tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp hoặc VAMC bán đấu giá.
VAMC được lựa chọn, quyết định phương thức bán TSBĐ phù hợp với các quy định của pháp luật và bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch. Sau khi thu giữ, tiếp nhận TSBĐ từ bên giữ tài sản bảo đảm, VAMC có quyền bán đấu giá tài sản mà không cần sự đồng ý của bên bảo đảm. VAMC có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về việc bán đấu giá TSBĐ cho bên sở hữu tài sản bảo đảm không muộn hơn 10 ngày làm việc trước ngày tổ chức bán đấu giá. Kết quả đấu giá, hợp đồng bán tài sản của VAMC cho bên mua tài sản là căn cứ xác định nghĩa vụ tài chính, công chứng, chứng thực, làm thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng TSBĐ và chấm dứt quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của bên bảo đảm hoặc bên sở hữu tài sản.
Trong trường hợp VAMC bán đấu giá TSBĐ có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì người nhận chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản. Thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng TSBĐ được thực hiện theo quy định của pháp luật
về đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản. Trong trường hợp pháp luật quy định việc chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản phải có sự đồng ý bằng văn bản của chủ sở hữu, hợp đồng mua bán tài sản giữa chủ sở hữu tài sản hoặc người phải thi hành án với người mua tài sản về việc xử lý TSBĐ thì hợp đồng cầm cố, hợp đồng thế chấp được dùng thay thế cho các loại giấy tờ này.
Đối với TSBĐ của khoản nợ xấu được mua bằng TPĐB, VAMC thống nhất với TCTD bán nợ về: (i) Giá bán TSBĐ trong trường hợp bán theo phương thức thỏa thuận với người mua hoặc giá khởi điểm của TSBĐ trong trường hợp bán theo phương thức đấu giá; (ii) Giá trị TSBĐ trong trường hợp VAMC nhận TSBĐ để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm. Trường hợp VAMC nhận TSBĐ để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm, VAMC phải tự định giá hoặc thuê tổ chức có chức năng định giá độc lập để xác định GTTT của TSBĐ làm cơ sở bù trừ nghĩa vụ trả nợ của khách hàng vay, bên có nghĩa vụ trả nợ.
Điểm c khoản 1 Điều 34 Thông tư 19/2013/TT-NHNN quy định VAMC bán nợ xấu đã mua theo hình thức bán đấu giá, nếu không thể bán đấu giá thì bán trên cơ sở thỏa thuận trực tiếp với bên mua nợ nên đối với hình thức bán đấu giá, pháp luật hiện nay đang tạo ra nhiều sự khó khăn cho VAMC khi thực hiện phương thức này. Mặc dù hiện tại VAMC đã mua nhiều khoản nợ có giá trị gốc lớn trị giá hàng nghìn tỷ đồng, muốn bán được các khoản nợ này phải có sự tham gia mua của các nhà đầu tư lớn mà chủ yếu là nhà đầu tư nước ngoài vì số lượng các nhà đầu tư lớn trong nước rất hạn chế và gần như không có, tuy nhiên nếu VAMC thực hiện bán theo phương thức bán đấu giá rất khó thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài. Tính đến tháng 8/2014, VAMC đã làm việc với 26 nhà đầu tư nước ngoài, quá trình làm việc các nhà đầu tư luôn thể hiện sự quan tâm và mong muốn được mua bán nợ/tài sản bảo đảm trên cơ sở thỏa thuận, đàm phán trực tiếp với VAMC.