2.2 Rủi ro tín dụng của khách hàng cá nhân
2.2.4 Nguyên nhân và hậu quả của rủi ro tín dụng đối với khách hàng
2.2.4.1 Rủi ro tín dụng do nguyên nhân khách quan a. Rủi ro do môi trường kinh doanh:
Sự cạnh tranh gay gắt giữa các NHTM trong nước và các ngân hàng nước ngoài có tiềm lực mạnh khiến cho các ngân hàng trong nước gặp phải nguy cơ rủi ro các khách hàng có tiềm lực tài chính lớn sẽ bị các ngân hàng nước ngoài thu hút.
Nền kinh tế Việt Nam vẫn còn lệ thuộc quá nhiều vào sản xuất nông nghiệp và công nghiệp phục vụ nông nghiệp (nuôi trồng, chế biến thực phẩm và nguyên liệu), vốn rất nhạy cảm với rủi ro thời tiết và giá cả thế giới, nên dễ bị tổn thương khi thị trường thế giới biến động xấu.
Hàng lậu, hàng giả làm điêu đứng các doanh nghiệp trong nước và các ngân hàng đầu tư vốn cho các doanh nghiệp này. Các mặt hàng kim khí điện máy, gạch men, đường cát, vải vóc, quần áo, mỹ phẩm, … là những ví dụ tiêu biểu cho tình hình hàng lậu ở nước ta.
Sự cạnh tranh và lợi nhuận kỳ vọng đối với các nhà đầu tư làm chuyển dịch vốn từ ngành này qua ngành khác. Việc thiếu quy hoạch và điều tiết hợp lý của Nhà nước dẫn đến sự gia tăng vốn đầu tư quá mức vào một số ngành, dẫn đến khủng hoảng thừa, lãng phí tài nguyên quốc gia.
b. Rủi ro do môi trường tự nhiên và xã hội: ví dụ như bão, lụt, động đất, nước ngập mặn, dịch bệnh như Covid 19.
c. Rủi ro do môi trường pháp lý:
Môi trường pháp lý của Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập, các chính sách quản lý kinh tế thường thay đổi đột ngột dẫn đến việc ra đời các văn bản pháp lý chưa phù hợp làm ảnh hưởng đến môi trường hoạt động tại Việt Nam, khiến nhiều thành phần kinh tế không điều chỉnh kịp thời phương án kinh doanh.
Tuy hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại đã được luật hóa trong các văn bản Luật và các văn bản pháp lý của Chính phủ, Ngân hàng nhà nước nhưng trong thực tế hoạt động của các ngân hàng thương mại cho thấy vẫn còn những rủi ro tiềm ẩn, xuất phát từ nhiều nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến rủi ro tín dụng của các ngân hàng thương mại.
Công tác ban hành văn bản pháp luật chưa thật sự có hiệu quả, cần sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của mỗi ban, ngành, đoàn thể và chính quyền các cấp. Mỗi năm, Quốc hội thông qua hàng chục văn bản luật đề cập nhiều lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống. Các luật, bộ luật được ban hành tương đối đầy đủ, kịp thời, nhưng văn bản dưới luật nhiều khi lại quá chậm. Khi đưa ra thi hành thì điều luật đã trở nên lỗi thời, không còn phù hợp, buộc phải chỉnh sửa hoặc hủy bỏ.
d. Rủi ro do hệ thống thông tin
Những thách thức cho hệ thống ngân hàng là việc thiếu thông tin tương xứng để làm cơ sở trọng việc mở rộng và kiểm soát tín dụng cho nền kinh tế, do đó nếu các ngân hàng chạy mở rộng tín dụng trong điều kiện môi trường thông tin chưa cân xứng sẽ gia tăng nguy cơ nợ xấu cho hệ thống ngân hàng.
Việt Nam chưa có một cơ chế công bố thông tin đầy đủ, đáng tin cậy về khách hàng và ngân hàng. Trung tâm thông tin tín dụng ngân hàng (CIC) cũng chỉ cung cấp thông tin về tình hình hoạt động tín dụng nhưng chưa phải là cơ quan xác định mức tín nhiệm khách hàng một cách độc lập và hiệu quả, thông tin cung cấp còn đơn điệu, chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu tra cứu thông tin.
So với các doanh nghiệp thông tin của cá nhân còn nhiều hạn chế; đối với cá nhân sản xuất kinh doanh thường không có các báo cáo liên quan đến sản xuất và tài chính. Còn đối với người tiêu dùng thì chủ yếu chỉ dựa vào tiền lương và tài sản đảm bảo còn các thông tin khác hầu như rất khó thu thập.
2.2.4.2 Rủi ro tín dụng do nguyên nhân chủ quan a. Rủi ro do các nguyên nhân từ phía khách hàng vay:
- Sử dụng vốn sai mục đích, không có thiện chí trong việc trả nợ vay: Đa số các khách hàng khi vay vốn ngân hàng đều có các phương án kinh doanh cụ thể. Số lượng các khách hàng sử dụng vốn sai mục đích, có ý lừa đảo ngân hàng để chiếm đoạt tài sản không nhiều. Tuy nhiên những vụ việc phát sinh lại hết sức nặng nề, liên quan đến uy tín của các cán bộ, làm ảnh hưởng xấu đến các khách hàng khác.
- Khả năng quản lý kinh doanh, quản lý tài chính cá nhân kém.
- Tình hình tài chính khách hàng yếu kém, thiếu minh bạch.
b. Rủi ro do các nguyên nhân từ phía ngân hàng:
- Do các quy trình, quy định thiếu chặt chẽ, chưa đầy đủ; bộ máy quản trị và kiểm soát rủi ro hoạt động chưa hiệu quả.
- Cho vay và đầu tư vốn quá nhiều vào một khách hàng hoặc một ngành kinh tế hoặc một địa bàn nào đó.
- Do thiếu am hiểu thị trường, thiếu thông tin hoặc phân tích thông tin không đầy đủ dẫn đến cho vay hoặc đầu tư không hợp lý.
- Do không phát hiện khách hàng vay vốn thiếu năng lực pháp lý, năng lực tài chính.
- Lỏng lẻo trong công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ ngân hàng.
- Bố trí cán bộ thiếu đạo đức và trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
- Thiếu giám sát và quản lý sau khi cho vay;
- Sự hợp tác giữa các NHTM còn lỏng lẻo, vai trò của CIC chưa thực sự hiệu quả.
Tóm lại, rủi ro tín dụng có thể phát sinh do rất nhiều nguyên nhân chủ quan hoặc khách quan. Các biện pháp phòng chống rủi ro có thể nằm trong tầm tay của các NHTM nhưng cũng có những biện pháp vượt ngoài khả năng của riêng từng ngân hàng, liên quan đến vấn đề nội tại của bản thân nền kinh tế đang chuyển đổi, đang định hướng mô hình phát triển. Trong phạm vi của các ngân hàng, rủi ro tín dụng phụ thuộc vào năng lực của bộ máy cấp quản lý tín dụng trong việc phát hiện và hạn chế rủi ro từ lúc xem xét quyết định cho vay cũng như trong suốt thời gian vay. Năng lực cấp tín dụng phụ thuộc vào chuyên môn của cán bộ tín dụng và các nguồn lực của ngân hàng về nhân sự cũng như về cơ sở vật chất. Do vậy biện pháp phòng ngừa rủi ro tín dụng sâu sắc nhất vẫn là các biện pháp liên quan đến việc đào tạo, bố trí cán bộ và cơ chế kiểm tra, giám sát hành vi của cán bộ trong quá trình xử lý công việc. Thực hiện tốt các biện pháp này có thể cho rằng con đường quản lý rủi ro tín dụng của ngành ngân hàng coi như đã đi được hơn một nửa.
2.2.4.3 Những thiệt hại từ rủi ro tín dụng
Rủi ro tín dụng luôn tiềm ẩn trong kinh doanh ngân hàng và đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng nhiều mặt đến đời sống, kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, thậm chí có thể lan rộng trên phạm vi toàn cầu.
Đối với ngân hàng bị rủi ro: Do không thu hồi được nợ (gốc, lãi và các loại phí) làm cho nguồn vốn ngân hàng bị thất thoát, trong khi ngân hàng vẫn phải chi trả tiền lãi cho nguồn vốn hoạt động, làm cho lợi nhuận bị giảm sút, thậm chí nếu trầm trọng hơn thì có thể bị phá sản.
Đối với hệ thống ngân hàng: Hoạt động của ngân hàng trong một quốc gia có liên quan đến hệ thống ngân hàng và các tổ chức kinh tế, xã hội và cá nhân trong nền kinh tế. Do vậy, nếu một ngân hàng có kết quả hoạt động xấu, thậm chí dẫn đến mất khả năng thanh toán và phá sản thì sẽ có những tác động dây chuyền ảnh hưởng xấu đến các ngân hàng và các bộ phận kinh tế khác. Nếu không có sự can thiệp kịp thời của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ thì tâm lý sợ mất tiền sẽ lây lan đến toàn bộ người gửi tiền và họ sẽ đồng loạt rút tiền tại các Ngân hàng thương
mại làm cho các ngân hàng khác vô hình chung cũng rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán.
Đối với nền kinh tế: Ngân hàng có mối quan hệ chặt chẽ với nền kinh tế, là kênh thu hút và bơm tiền cho nền kinh tế, vì vậy rủi ro tín dụng gây nên sự phá sản một ngân hàng sẽ làm cho nền kinh tế bị rối loạn, hoạt động kinh tế bị mất ổn định và ngưng trệ, mất bình ổn về quan hệ cung cầu, lạm phát, thất nghiệp, tệ nạn xã hội gia tăng, tình hình an ninh chính trị bất ổn,…
Trong quan hệ kinh tế đối ngoại: Làm ảnh hưởng đến vị thế và hình ảnh của hệ thống ngân hàng – tài chính quốc gia cũng như toàn bộ nền kinh tế của quốc gia đó.
Tóm lại, rủi ro tín dụng của một ngân hàng xảy ra sẽ gây ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau. Nhẹ nhất là ngân hàng bị giảm lợi nhuận khi phải trích lập dự phòng, không thu hồi được lãi cho vay, nặng nhất khi ngân hàng không thu được vốn gốc và lãi vay, nợ thất thu với tỷ lệ cao dẫn đến ngân hàng bị lỗ và mất vốn.
Nếu tình trạng này kéo dài không khắc phục được, ngân hàng sẽ bị phá sản, gây hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng. Chính vì vậy đòi hỏi các nhà quản trị ngân hàng phải hết sức thận trọng và có những biện pháp thích hợp nhằm giảm thiểu rủi ro trong cho vay.