2.3.1 Khả năng trả nợ của khách hàng cá nhân
Để xác định và định lượng các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng, trước hết cần làm rõ khả năng trả nợ của khách hàng là như thế nào.
Hiện tại, vẫn chưa có định nghĩa chính thức nào về khả năng trả nợ của khách hàng mà chỉ tập trung vào biểu hiện của khách hàng được đánh giá là không có khả năng trả nợ. Như trong tài liệu Basel Committee on Banking Super Vision - điều 452
(2006), định nghĩa khách hàng không có khả năng trả nợ là những khách hàng thuộc một trong các dấu hiệu hoặc tất cả dấu hiệu như sau:
Khách hàng không có khả năng thực hiện nghĩa vụ thanh toán đầy đủ khi ngân hàng chưa thực hiện hành động để thu hồi tương tự như giải chấp chứng khoán (nếu đang nắm giữ).
Khách hạn đã quá hạn trên 90 ngày dựa trên nghĩa vụ bắt buộc đối với ngân hàng.
Đồng thời, quỹ tiền tệ thế giới IMF đưa ra định nghĩa tương đồng về nợ không có khả năng hoàn trả hay nợ xấu tại IMF’s Compilation Guide on Financial Soudness Indicator - điều 4.84 (2006), một khoản vay được coi là nợ xấu khi quá hạn thanh toán gốc hoặc lãi 90 ngày hoặc; khi các khoản lãi đã quá hạn 90 ngày hoặc hơn đã được vốn hóa, cơ cấu lại hoặc trì hoãn theo thỏa thuận; khi các khoản thanh toán đến hạn dưới 90 ngày nhưng có thể nhận thấy các dấu hiệu rõ ràng cho thấy người vay sẽ không thể hoàn trả nợ đầy đủ (ví dụ khi người vay phá sản). Sau khi khoản vay được xếp vào danh mục nợ xấu, nó hoặc bất cứ khoản vay thay thế nào cũng nên được xếp vào danh mục nợ xấu cho tới thời điểm phải xóa nợ hoặc thu hồi được lãi và gốc của khoản vay đó hoặc thu hồi được khoản vay thay thế.
Tại Việt Nam từ khi quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng ban hành theo Quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN ngày 22/4/2005 của Thống đốc NHNN quy định nợ đủ tiêu chuẩn là nợ có khả năng thu hồi đầy đủ cả nợ gốc và lãi đúng hạn. Theo phương pháp định lượng được trình bày trong Quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN, nợ được phân loại thành 5 nhóm như sau:
Nhóm 1: Nợ đủ tiêu chuẩn (Đủ khả năng thu hồi nợ đúng hạn) Nhóm 2: Nợ cần chú ý (Nợ quá hạn <90 ngày, nợ cơ cấu)
Nhóm 3: Nợ dưới tiêu chuẩn (Nợ quá hạn từ 90-180 ngày; nợ cơ cấu) Nhóm 4: Nợ nghi ngờ (Nợ quá hạn từ 181-360 ngày; nợ cơ cấu)
Nhóm 5: Nợ có khả năng mất vốn (nợ quá hạn > 360 ngày)
Cụ thể theo Quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN, Thông tư số 02/2013/TT- NHNN và Thông tư 09/2014/TT-NHNN sửa đổi của Thông tư 02/2013/TT-NHNN quy định nợ xấu bao gồm các khoản nợ từ nhóm 3 cho đến nhóm 5, là các khoản nợ bị đánh giá là có khả năng mất một phần vốn và lãi (nợ nhóm 3), có khả năng tổn thất cao (nợ nhóm 4), và không còn khả năng thu hồi nợ (nợ nhóm 5). Nợ nhóm 2 được cho là suy giảm khả năng trả nợ , tuy nhiên đây có thể chỉ là những khoản vay cần chú ý, khách hàng vẫn còn khả năng thanh toán nợ. Thông thường các ngân hàng Việt Nam thường căn cứ vào trình trạng trả nợ thực tế của khách hàng để đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng.
Như vậy, có thể nói khả năng trả nợ của khách hàng là việc đánh giá khách hàng có thực hiện đầy đủ và đúng hạn nghĩa vụ nợ cho bên cấp tín dụng trong toàn bộ thời gian quan hệ tín dụng hoặc trong một khoảng thời gian xác định hay không.
2.3.2 Mối quan hệ giữa khả năng trả nợ của khách hàng và rủi ro tín dụng
Theo Quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN ngày 22/4/2005, rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng là khả năng xảy ra tổn thất trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng cho khách hàng không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình theo cam kết. Hay nói cách khác, rủi ro tín dụng xảy ra khi khách hàng không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện hoàn trả nợ bao gồm lãi và nợ gốc khi đến hạn thanh toán. Như vậy, giữa khả năng trả nợ của khách hàng và rủi ro tín dụng có mối quan hệ liên quan với nhau.
Nếu khả năng trả nợ của khách hàng càng cao thì rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng càng thấp và ngược lại, khách hàng có khả năng trả nợ kém hay không có khả năng trả nợ sẽ làm tăng rủi ro tín dụng cho ngân hàng. Trong phạm vi nghiên cứu của đề tài, luân văn tìm hiểu các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng cá nhân cũng chính là tìm hiều các nhân tố ảnh hưởng tới rủi ro không trả được nợ của khách hàng.
2.3.3 Các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng trả nợ đối với khách hàng cá nhân tại Ngân hàng TMCP Ngoại Thương chi nhánh Cần Thơ.
Để xác định các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng trả nợ vay của khách hàng cá nhân ở VCB Cần Thơ, tác giả đã nghiên cứu các tài liệu tham khảo, các bài nghiên cứu, cụ thể:
Trương Đông Lộc và Nguyễn Thanh Bình (2011) đã xác định 07 yếu tố ảnh hưởng đến khả năng trả nợ đúng hạn của nông hộ ở tỉnh Hậu Giang đó là: mục đích sử dụng vốn vay, thu nhập sau khi vay, lãi suất vay, độ tuổi, ngành nghề chính, số thành viên trong gia đình, trình độ học vấn chủ hộ. Trong đó:
Biến trình độ học vấn của chủ hộ được xác định có giá trị dương với khả năng trả nợ đúng hạn của nông hộ. Trình độ học vấn càng cao người vay càng dễ tiếp cận với thông tin vay vốn, nhanh chóng tiếp cận với khoa học kỹ thuật, có tính toán đến hiệu quả khi vay.
Mục đích sử dụng vốn vay cũng tỷ lệ thuận với khả năng trả nợ của nông hộ.
Vì khi sử dụng vốn đúng mục đích, tức là ngành nghề mà nông hộ có nhiều kinh nghiệm thì hiệu quả sử dụng vốn cao, rủi ro tín dụng xảy ra sẽ thấp hơn.
Thu nhập sau khi vay cũng tỷ lệ thuận với khả năng trả nợ của nông hộ. Thu nhập càng nhiều thì khả năng tài chính càng mạnh cho nên khả năng trả nợ đúng hạn càng cao.
Số thành viên trong gia đình có thu nhập cũng có giá trị dương với khả năng trả nợ đúng hạn của nông hộ.
Nghiên cứu của Lê Khương Ninh và Lê Thị Thu Diềm (2012) Khả năng trả nợ vay ngân hàng của doanh nghiệp ở thành phố Cần Thơ. Nghiên cứu đã trình bày kết quả nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng trả nợ vay ngân hàng của doanh nghiệp bằng cách sử dụng mô hình hồi quy Binary Logistic cụ thể là các yếu tố:
đòn bẩy tài chính, tỷ lệ giữa thu nhập giữ lại và tổng tài sản, ROE, ROA, dòng tiền, vốn lưu động, thanh khoản, khả năng hoạt động, quy mô, kinh nghiệm, ngành nghề.
Bài viết xác định rằng doanh nghiệp có kinh nghiệm hoạt động càng nhiều thì khả năng trả nợ vay của doanh nghiệp càng cao.
Nghiên cứu của Trương Đông Lộc và Nguyễn Thị Tuyết (2011) đã xác định số lần kiểm tra, giám sát các khoản vay của họ càng nhiều thì rủi ro tín dụng càng thấp.
Như vậy, qua tham khảo các tài liệu nghiên cứu và thực trạng, tác giả đã chọn ra 07 biến đưa vào mô hình Binary Logistics để phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng cá nhân tại Vietcombank Cần Thơ là: Kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh, khả năng tài chính của khách hàng vay, tài sản đảm bảo, sử dụng vốn vay đúng mục đích, trình độ học vấn, thu nhập hàng tháng và giám sát/kiểm tra.