Thực tiễn thực hiện chuẩn bị mở phiên tòa sơ thẩm

Một phần của tài liệu Giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hành chính (Trang 39 - 44)

CHƯƠNG II THỰC TIỄN TIẾN HÀNH XÉT XỬ SƠ THẨM VỤ ÁN HÀNH CHÍNH,

2.1.1 Thực tiễn thực hiện chuẩn bị mở phiên tòa sơ thẩm

Về thời gian chuẩn bị mở phiên tòa sơ thẩm

Theo quy định của khoản 6 Điều 37 PLTTGQCVAHC thì thời gian để thực hiện việc chuẩn bị mở phiên tòa sơ thẩm là 20 ngày, trong trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này có thể kéo dài không quá 30 ngày (tính từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử). Như vậy trong khoảng thời gian này thì Tòa án phải hoàn tất các thủ tục để để phục vụ cho việc mở phiên tòa sơ thẩm, bao gồm chuẩn bị về mặt nội dung, thủ tục và các điều kiện vật chất khác. Thời gian này là để Tòa án mà cụ thể là Thư ký Tòa án thực hiện công tác tổng kết các kết quả của giai đoạn chuẩn bị xét xử trước đó và thực hiện các thủ tục liên hệ với đương sự và những người tham gia tố tụng khác, chuẩn bị phòng xét xử và các thiết bị cần thiết cho việc xét xử, gửi thông báo đến cơ quan công an để được hổ trợ về lực lượng cảnh sát bảo vệ phiên tòa sơ thẩm. Khoảng thời gian này trong thực tiễn cũng chỉ mang tính phù hợp tương đối, vì có những vụ án đơn giản thì không cần hết thời gian này thì Tòa án đã có thể mở phiên tòa sơ thẩm. Tuy nhiên, đối với những vụ án có nhiều tình tiết phức tạp cần có nhiều thời gian để tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ thì ngay cả kéo dài thời hạn thành 30 ngày thì cũng không đủ để Tòa án hoàn tất các công việc và không thể mở phiên tòa. Trong trường hợp này Tòa án bắt buộc phải vi phạm về mặt thời gian tố tụng, nhưng điều này chỉ xảy ra đối với những trường hợp cần làm rõ các chứng cứ thật sự có ý nghĩa đối với việc xét xử. Điều này cũng phù hợp với thực tế xét xử vì tính chất của các vụ án là khác nhau, khối lượng công việc phải thực hiện đối với từng vụ án sẽ không giống nhau nên về mặt thời gian có thể đối với vụ án này sẽ được đảm bảo nhưng đối với vụ án khác thì không. Mặc dù Tòa án không đảm bảo đúng thời gian chuẩn bị mở phiên tòa theo luật định, nhưng nếu việc kéo dài thời gian ấy lại có ý nghĩa trong việc xác định chứng cứ để phục vụ cho việc xét xử và đưa ra phán quyết đúng đắn thì điều này nên được coi là sự hợp lý trong thực tiễn áp dụng pháp luật tố tụng hành chính.

Về công tác chuẩn bị

37

- Chuẩn bị về nội dung xét hỏi: điều này là bắt buộc đối với Thẩm phán, tất cả các Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án hành chính đều có sự chuẩn bị kỹ về vấn đề cần hỏi, có Thẩm phán viết sẵn những câu hỏi cụ thể để hỏi tại phiên tòa sơ thẩm. Vì trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, Thẩm phán sẽ có những vấn đề chưa được xác định rõ ràng cần phải hỏi trực tiếp đương sự. Nhưng phần lớn mục đích chuẩn bị nội dung xét hỏi là để Thẩm phán có thể huớng cho đương sự và những người tham gia tố tụng khác đưa ra được những thông tin và chứng cứ chứng minh cho yêu cầu và quyền lợi của từng bên, để cho nội dung xét hỏi và phần trả lời của người được hỏi có ý nghĩa làm sáng tỏ tình tiết vụ án, không lan man sang các vấn đề không liên quan, và quan trọng là để kiểm chứng lại các tài liệu, chứng cứ đã được cung cấp hoặc thu thập được trong các giai đoạn trước một cách công khai tại phiên tòa. Trừ những vụ án khá đơn giản, thông tin, tình tiết vụ án không nhiều cũng như là liên quan đến ít văn bản pháp luật thì việc chuẩn bị trước nội dung có thể thời gian chuẩn bị này cũng không nhiều, đặc biệt là đối với các Thẩm phán đã có nhiều kinh nghiệm xét xử, còn đối với những vụ án phức tạp hơn thì các Thẩm phán thường có sự đầu tư về mặt thời gian để chuẩn bị kỹ nội dung xét hỏi. Thực tế cho thấy đối với vụ án phức tạp nhiều thông tin, tình tiết, liên quan đến nhiều văn bản pháp luật Thẩm phán sẽ lúng túng trong việc đặt câu hỏi hoặc câu hỏi không trọng tâm, không được sắp xếp theo trật tự vấn đề nếu không có chuẩn bị sẵn nội dung xét hỏi.

Hội thẩm nhân dân tại phiên tòa họ cũng sẽ tham gia xét hỏi nên cũng cần phải có sự chuẩn bị trước nội dung xét hỏi. Thế nhưng có thể thấy là thời gian chuẩn bị của mỗi Hội thẩm còn tùy thuộc vào thời gian mà họ “tranh thủ” được. Bởi Hội thẩm là người kiêm nhiệm, họ còn đảm nhiệm các công việc khác nên thời gian để làm công tác xét xử là không nhiều. Tùy vào thời gian của mỗi người mà thời gian nghiên cứu hồ sơ cũng như để chuẩn bị cho nội dung xét hỏi tại phiên tòa là một lượng thời gian mà tự bản thân Hội thẩm thấy đủ. Như vậy sẽ có người thời gian dành cho việc chuẩn bị này là rất hạn chế, có thể chỉ là một buổi để đọc và nắm nội dung mà không cần chuẩn bị sẵn nội dung xét hỏi bởi việc Hội thẩm có hỏi hay không tại phiên tòa không là điều bắt buộc. Tuy nhiên có những Hội thẩm rất chú tâm đến công tác chuẩn bị khi họ được mời tham gia vào HĐXX, chủ yếu những người này là những người đã về hưu nên họ có nhiều thời gian hơn.

- Kiểm tra lại hồ sơ vụ án: khi thực hiện công tác này có thể xảy ra trường hợp sẽ phát hiện ra các vấn đề như vi phạm về điều kiện khởi kiện, vụ án không thuộc thẩm quyền

38

giải quyết của Tòa án, vụ việc đã được giải quyết bằng QĐHC giải quyết khiếu nại hoặc đã có sự thay đổi, bãi bỏ QĐHC bị khiếu kiện.

+ Trường hợp khi kiểm tra lại hồ sơ vụ án phát hiện ra có sự vi phạm về điều kiện tố tụng, vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án: nguyên nhân của điều này là do công tác thụ lý vụ án không chặt chẽ, không xem xét kỹ lưỡng về các điều kiện khởi kiện, cũng như là về thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Thực tế công tác thụ lý ở các Tòa án các địa phương có khác nhau. Một số Tòa án thực hiện rất tốt, do đó tình trạng đến giai đoạn xét xử sơ thẩm mới phát hiện ra có sự vi phạm về điều kiện khởi kiện hay không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án là rất ít. Nhưng một số nơi khác, công tác thụ lý thực hiện qua loa nên Tòa án thụ lý cả những khiếu kiện mà không đáp ứng được các điều kiện khởi kiện hoặc không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

+ Trường hợp vụ việc đã được giải quyết bằng QĐHC giải quyết khiếu nại hoặc đã có sự thay đổi, bãi bỏ QĐHC bị khiếu kiện: thực tiễn cho thấy trong quá trình giải quyết vụ án thì cơ quan hành chính đã nhận ra sai sót của QĐHC đã ban hành bị khiếu kiện nên đã tự động sửa đổi, bãi bỏ QĐHC đó. Trước đây khi chưa có hướng dẫn của Nghị Quyết 04/2006/NQ-HĐTP (tại mục 6) thì “Tòa án sẽ áp dụng một trong hai trường hợp: 1-gọi người khởi kiện đến để động viên, hướng dẫn họ rút đơn khởi kiện nhằm đình chỉ vụ kiện theo điểm b khoản 1 Điều 41; 2-nếu người khởi kiện không đồng ý rút đơn khởi kiện thì Tòa án vẫn phải đình chỉ giải quyết vụ án vì đối tượng bị khiếu kiện không còn” [32].

Theo mục 6 Nghị quyết 04/2006/NQ-HĐTP thì khi người khởi kiện không rút đơn khởi kiện thì Tòa án vẫn tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục chung, Tòa án sẽ xem xét tính hợp pháp của quyết định bị khiếu kiện và quyết định sửa đổi hoặc hủy bỏ quyết định bị khiếu kiện. Tuy nhiên trong thực tế vẫn còn Tòa án áp dụng không đúng, vẫn bác đơn yêu cầu của người khởi kiện vì cho rằng đối tượng khởi kiện không còn.

Ngoài ra, trong thực tế, có trường hợp đồng thời với việc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án, công dân còn gửi đơn khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai hoặc thậm chí gửi đơn đến các cơ quan Đảng, cơ quan thông tin đại chúng. Trong khi Tòa án thụ lý thì cơ quan hành chính cấp trên đã thụ lý và giải quyết khiếu nại lần hai.

Ở một số trường hợp như vậy thì Tòa án có thể đình chỉ giải quyết vụ án theo Điều 41 PLTTGQCVAHC; có Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án. Thiếu sót này lỗi của đương sự nhưng có bất cập trong sự phối hợp giữa Tòa án với cơ quan hành chính. Về phía Tòa án lại không thông báo cho cơ quan tổ chức biết được việc đương sự đã khởi kiện vụ án nên cơ quan hành chính đã thụ lý giải quyết lần hai (nếu thuộc điểm a khoản 1 Điều 13); về

39

phía cơ quan hành chính trước khi giải quyết khiếu nại cũng không là rõ trước khi gửi đơn đến cơ quan hành chính thì đương sự có làm đơn khởi kiện hay không. Đây là lỗi của đương sự nhưng cũng cho thấy giữa Tòa án và cơ quan hành chính giải quyết lần hai đã không có sự kiểm tra kỹ lưỡng và cũng phối hợp không chặt chẽ.

- Chuẩn bị về thủ tục: Thư ký Tòa án được phân công làm Thư ký phiên tòa sẽ là người thực hiện việc tống đạt giấy triệu tập đương sự và giấy mời đại diện Viện kiểm sát để tham gia phiên tòa sơ thẩm. Việc tống đạt này phải thực hiện trong khoảng thời gian chuẩn bị mở phiên tòa, tức là trong khoảng thời gian quy định tại khoản 6 Điều 37 của PLTTGQCVAHC. Trong thực tế việc tống đạt giấy triệu tập đơn giản nếu như đương sự có địa chỉ rõ ràng, đặc biệt là đối với những người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Để đảm bảo sự có mặt của họ tại phiên tòa, tránh tình trạng phiên tòa bị hoãn do người tham gia tố tụng không nhận được giấy triệu tập của Tòa án mà vắng mặt, Thư ký Tòa án phải gửi giấy triệu tập đến đúng địa chỉ nơi họ cư trú hay làm việc, đảm bảo là họ đã nhận được. Do đó khi tống đạt giấy triệu tập đương sự thì ngoài phần nội dung giấy triệu tập luôn có kèm theo phần xác nhận của người nhận. Thực tế có nhiều cách thức tống đạt giấy triệu đối với người tham gia tố tụng bao gồm tống đạt trực tiếp và tống đạt gián tiếp.

Trong đó, tống đạt trực tiếp là Tòa án sẽ chuyển giấy triệu tập đến chính người được triệu tập (hoặc người cùng cư trú với người được triệu tập) bằng phương thức thông qua bưu điện; mời người cần triệu tập đến Tòa án để thông báo trực tiếp. Tống đạt gián tiếp là hình thức mà Toà án sẽ niêm yết giấy triệu tập tại trụ sở của Tòa án hoặc trụ sở của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Trong những trường hợp này thì Tòa án mặc nhiên xem là người được triệu tập đã nhận được thông báo triệu tập (đương nhiên đối với trường hợp thông qua người thứ 3 thì đều phải có biên bản bàn giao). Chẳng hạn, trong thông báo triệu tập của Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh được niêm yết tại trụ sở của Tòa án thì sau phần nội dung triệu tập sẽ có phần kèm theo là “Đề nghị UBND phường quận TP Hồ Chí Minh giao giấy triệu tập này cho đương sự (hoặc người đại diện của đương sự) có tên nói trên và hoàn lại biên bản giao giấy triệu tập (dưới đây) cho TAND TP Hồ Chí Minh, số 26 Lê Thánh Tôn, quận 1.” và biên bản giao giấy triệu tập. Ngoài ra, triệu tập đương sự còn theo hình thức thứ ba là thông báo thông qua phương tiện thông tin đại chúng, báo đài truyền hình có phạm vi trên tòan quốc.

Ngoài ra, Tòa án còn thực hiện việc thông báo công khai về việc xét xử vụ án hành chính như về thời gian, địa điểm vụ án giải quyết và Thẩm phán giải quyết vụ án. Thực tế không phải Tòa án cấp tỉnh nào cũng thực hiện được việc này vì nó còn tùy thuộc vào

40

điều kiện vật chất của Tòa án ở từng địa phương. Hiện nay, chỉ một số địa phương được đầu tư để thực hiện việc thông báo công khai về việc xét xử vụ án hành chính, chẳng hạn như Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh, Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa… Ở các Tòa án này được trang bị hệ thống máy vi tính kết nối nội bộ và tại các hành lang dọc các văn phòng của Tòa án có lắp đặt các màn hình tivi có chạy lịch xét xử cũng như là kết quả xét xử vụ án, riêng tại TP Hồ Chí Minh còn có trang bị thêm máy tính trong đó đã có sự đăng tải các thông tin về hoạt động xét xử của Tòa án gồm xét xử hình sự, dân sự, hành chính…. Để biết được trong thời gian nào có vụ án hành chính nào xét xử thì chỉ cần đến tại các máy vi tính đã có sẵn thông tin để tra cứu. Điều này rất tiện lợi, không chỉ có thể đưa thông tin đến mọi người một cách đầy đủ, chính xác mà còn rất nhanh chóng. Đặc biệt là có thể công bố số lượng vụ án xét xử trong thời gian dài không chỉ trong một ngày, một tuần mà có thể cả một tháng nếu Tòa án đã có lịch xét xử theo dự kiến. Như vậy Tòa án không cần phải dán các thông báo giấy trên các bảng thông báo như ở một số nơi vẫn làm. Thật ra, việc các Tòa án dán các thông báo giấy trên bảng thông báo của Tòa án đã là một sự cố gắng lớn về ý thức công khai thông tin xét xử, vì có một số nơi thậm chí không thực hiện việc này với nhiều lý do, trong đó có lý do là thực ra không có mấy người quan tâm đến, ai cần sẽ vào hỏi trực tiếp tại văn phòng của Tòa án. Ngoài ra, hiện nay có một cách thức khác để thông báo công khai về việc xét xử của Tòa án, đó là thông qua các trang website của Tòa án cấp tỉnh. Nhưng điều này cũng chưa có địa phương nào thực hiện được ngoài Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh. Việc đăng tải lịch xét xử của Tòa án trên website tiện lợi ở chỗ người cần thông tin không phải đến tận Tòa án để truy cập vào hệ thống máy tính tại tòa hay xem thông tin ở bảng thông báo mà họ có thể xem ở bất cứ nơi nào có cài đặt Internet. Tuy nhiên, để có thể sử dụng và khai thác tốt các thông tin từ hệ thống máy tính tại Tòa án cũng như là website của Tòa án thì người đó cần phải biết cách sử dụng chúng, mà như vậy thì không phải ai cũng có thể làm được nếu không có chỉ dẫn và đối với Tòa án thì phải cập nhật liên tục thông tin để thông tin có giá trị kịp thời và trang web thực sự có hiệu quả trong việc chia sẻ thông tin. Nhưng cần phải khẳng định là việc đầu tư trang bị hệ thống máy tính, các tivi hiển thị thông tin hay xây dựng website của Tòa án là một hướng đầu tư hoàn toàn phù hợp với xu thế hiện nay, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Tòa án, đây cũng là triển khai thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ chính trị về “Cải cách tư pháp từ nay đến năm 2020”.

- Chuẩn bị về điều kiện vật chất: để phiên tòa hành chính có thể diễn ra được thuận lợi, Thư ký Tòa án cần phải chuẩn bị phòng xử án cùng với các thiết bị cần thiết khác. Trước

41

hết về phòng xử án, hầu hết các phòng xử án hành chính là rất nhỏ. Nếu ở các tỉnh, thành phố lớn thì do điều kiện tốt hơn nên phòng xử cũng đảm bảo hơn so với các tỉnh kém phát triển. Mặc khác việc đầu tư vào cơ sở vật chất cho Tòa hành chính còn tùy thuộc vào tính hoạt động thường xuyên, vào khối lượng công việc của Tòa hành chính. Thông thường phòng xét xử vụ án hành chính cũng chính là phòng xét xử các vụ án dân sự, kinh tế, lao động. Thực tế cho thấy, các vụ án hành chính hằng năm Tòa án cấp tỉnh xét xử không nhiều nên việc đầu tư phòng xử án riêng cho Tòa hành chính là chưa cần thiết, thậm chí sẽ là lãng phí. Riêng trường hợp của TP Hồ Chí Minh số lượng án hành chính tương đối lớn nên đã có sự quan tâm đúng mực khi dành riêng 2 phòng xét xử để phục vụ cho việc xử án hành chính. Đối với các thiết bị phục vụ cho việc xét xử vụ án hành chính không có gì đặc biệt so với các vụ án khác và cũng khá đơn giản. Vì phòng xét xử khá nhỏ nên việc sử dụng hệ thống âm thanh như micro cũng không cần thiết. Việc ghi biên bản tại phiên tòa thì hiện nay đối với Tòa hành chính của các tỉnh vẫn sử dụng cách thức thông thường là Thư ký phiên tòa sẽ viết tay biên bản phiên tòa.

Một trong những công việc phải chuẩn bị trước khi mở phiên tòa là chuẩn bị về lực lượng bảo vệ phiên tòa. Để thực hiện tốt việc này các tòa án thường có công văn đến cơ quan công an tỉnh, thành phố để có sự phối hợp, hổ trợ về lực lượng bảo vệ trật tự phiên tòa. Tuy nhiên, do tính chất vụ án hành chính không nghiêm trọng hay nguy hiểm như vụ án hình sự nên nhiều tòa án cũng chủ quan mà bỏ qua sự chuẩn bị này. Thực tế là chỉ ở những địa phương nào giữa Tòa án và cơ quan công an đã có sự trao đổi trước thì phiên tòa sơ thẩm nào cũng có lực lượng bảo vệ (ví dụ: TP Đà Nẵng là địa phương mà tất cả các phiên tòa sơ thẩm vụ án hành chính nào cũng có lực lượng bảo vệ), còn lại hầu hết các phiên tòa sơ thẩm vụ án hành chính thường ít có sự tham gia của lực lượng bảo vệ.

Điều này sẽ không phải là sơ xuất lớn nếu tại phiên tòa không xảy ra vấn đề làm mất trật tự, gây rối của những người có mặt. Tuy nhiên, đối với các vụ án liên quan đến đất đai, nhà ở hoặc các vụ án có nhiều đương sự thì tính chất vụ án cũng không còn đơn giản, tâm lý đương sự có nhiều ức chế nên rất dễ mất bình tĩnh làm ảnh hưởng đến việc xét xử của HĐXX, trong những trường hợp này sự có mặt của lực lượng bảo vệ lại là cần thiết.

Một phần của tài liệu Giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hành chính (Trang 39 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(75 trang)