CHƯƠNG II THỰC TIỄN TIẾN HÀNH XÉT XỬ SƠ THẨM VỤ ÁN HÀNH CHÍNH,
2.1.2 Hội đồng xét xử và người tham gia tố tụng tại phiên tòa sơ thẩm
2.1.2.1 Hội đồng xét xử vụ án hành chính
Việc từ chối và thay đổi người tiến hành tố tụng: thực tiễn xét xử tại các tỉnh, thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng… thì việc thay đổi
42
người tiến hành tố tụng thường xảy ra đối với Thẩm phán với lý do thay đổi thuộc các trường hợp quy định tại Điều 16 của Pháp lệnh. Tuy nhiên, thực tế tại các địa phương này còn có trường hợp người khởi kiện yêu cầu thay đổi Thẩm phán với lý do họ không tin tưởng vào năng lực của Thẩm phán. Người khởi kiện, đặc biệt những người có trình độ học vấn cao, có thể đánh giá được năng lực của Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án hành chính thông qua quá trình tiếp xúc trước khi mở phiên tòa sơ thẩm. Qua quá trình này họ tự đưa ra đánh giá về khả năng xét xử của Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án hành chính có liên quan đến quyền lợi của họ. Uy tín và năng lực của Thẩm phán trong vụ án hành chính có ý nghĩa quan trọng, ảnh hưởng lớn đến niềm tin của đương sự, nhất là với người khởi kiện. Bởi người khởi kiện nhận thức được bên bị kiện chính là cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước nên phải là Thẩm phán có đủ bản lĩnh, năng lực thì mới có thể xét xử công tâm, không bị chi phối hay e ngại, như vậy quyền lợi ích của họ mới có thể được bảo vệ. Nguyên nhân nữa là trong ý thức của người tham gia tố tụng vẫn cho rằng Chủ tọa mới là người quyết định, do đó có thay đổi thì người cần thay đổi nhất là Chủ tọa phiên tòa nếu họ nhận thấy rằng vị Chủ tọa không khách quan, không vô tư khi xét xử.
Nguyên tắc tố tụng: dù là tố tụng hành chính hay hình sự, dân sự thì quá trình xét xử đều phải quán triệt các nguyên tắc: Hội thẩm nhân dân ngang quyền với Thẩm phán; Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Trong thực tế, để đảm bảo được nguyên tắc này là rất khó bởi nhiều lý do. Trước hết để Hội thẩm nhân dân có thể đóng vai trò
“ngang quyền” với Thẩm phán thì bản thân Hội thẩm phải ý thức được điều đó. Hội thẩm có quyền như Thẩm phán trong việc nghiên cứu hồ sơ trước khi mở phiên tòa, tại phiên tòa Hội thẩm cũng sẽ được xét hỏi, được đưa ra ý kiến đánh giá các tình tiết của vụ án…. Nhưng phần lớn các Hội thẩm không thể hiện được vai trò này của mình với nhiều lý do khác nhau. Vì đặc thù của VAHC là ở đối tượng xét xử là các khiếu kiện QĐHC, HVHC của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước, do đó yêu cầu đối với Hội thẩm tham gia xét xử vụ án hành chính cũng ở mức độ cao hơn. Nội dung các vụ án hành chính liên quan đến nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước, trong đó có những lĩnh vực rất phức tạp như đất đai, thuế, sở hữu trí tuệ…Và cũng có nghĩa là liên quan đến hệ thống các văn bản pháp luật
43
trong các lĩnh vực đó. Vì vậy, Hội thẩm được mời tham gia xét xử VAHC cảm thấy không tự tin có thể đảm nhận được vai trò trong HĐXX. Chính vì vậy mà sự phụ thuộc vào Thẩm phán là điều dễ hiểu. Thẩm phán là người hướng dẫn cho Hội thẩm cách nghiên cứu hồ sơ vụ án, trong quá trình này sự ảnh hưởng của Thẩm phán đến Hội thẩm là điều không thể tránh khỏi.
Thông thường cách thức mời Hội thẩm tham gia xét xử là theo lượt luân phiên để đảm bảo là các Hội thẩm trong nhiệm kỳ đều tham gia xét xử.
Nhưng có một thực trạng là có những Hội thẩm thường xuyên tham gia nhưng cũng có những người cả năm không tham gia xét xử vụ án nào. Thực tiễn tại Tòa án nhân dân TP Đà Nẵng, số lượng Hội thẩm được bầu trong mỗi nhiệm kỳ là khoản 20 người nhưng số người tham gia xét xử VAHC thường xuyên chỉ khoản 5 - 7 người. Những người này là những người đa số hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến pháp luật hoặc có sự hiểu biết nhiều về pháp luật. Lý do những người còn lại không tham gia xét xử là do họ không tự tin về khả năng của mình và chủ động từ chối khi được mời.
Như vậy trình độ có ảnh hưởng đến việc tham gia xét xử và chất lượng xét xử của Hội thẩm. Thực tế thống kê cho thấy chất lượng Hội thẩm không đồng đều giữa các địa phương, có nơi Hội thẩm chỉ là những người tốt nghiệp trung học phổ thông nhưng có những nơi, đặc biệt là các thành phố lớn thì trình độ Hội thẩm khá cao. Ví dụ như TP Hồ Chí Minh trong nhiệm kỳ năm 1999-2004 có 95 vị, đến cuối nhiệm kỳ còn 91 vị trong đó có 83 vị trình độ đại học, còn lại trung cấp [35-tr.26]. Điều này xuất phát từ đặc điểm kinh tế, trình độ văn hóa của từng địa phương là khác nhau nên chất lượng của các Hội thẩm của từng nơi cũng sẽ có sự chêch lệch. Tuy nhiên các Hội thẩm khi đã tham xét xử, họ rất nghiêm túc và dành thời gian để nghiên cứu hồ sơ vụ án.
Sự độc lập của HĐXX: khi nói đến sự độc lập của HĐXX trong vụ án hành chính thì yêu cầu trước tiên là độc lập với cơ quan nhà nước, cán bộ công chức nhà nước đã ban hành các QĐHC, thực hiện HVHC. “Trong quá trình giải quyết các VAHC, Tòa án cũng gặp không ít trường hợp người bị kiện (hoặc là người đại diện cho người bị kiện) – là người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan hành chính nhà nước, vì cho rằng Tòa án “xử” chính quyền là “đối trọng” của chính quyền, nên khi
44
được thông báo về việc Tòa án thụ lý VAHC theo đơn kiện của người khởi kiện (đặc biệt là trong trường hợp khi được Tòa án trao đổi về tính không hợp pháp của quyết định hành chính hay hành vi hành chính bị khiếu kiện), đã có thái độ phản ứng, thậm chí có trường hợp không cung cấp tài liệu hoặc có ý kiến giải trình bằng văn bản gửi cho Tòa án theo như quy định của pháp luật. Có không ít trường hợp thái độ phản ứng của người bị kiện đã gây sức ép về tâm lý nặng nề đối với Thẩm phán được giao giải quyết VAHC. Do vậy, tình trạng một số Tòa án còn có thái độ dè dặt, chậm trễ thậm chí có tư tưởng ngại không muốn thụ lý đơn kiện để giải quyết vì ngại va chạm với cơ quan hành chính nhà nước và người có thẩm quyền trong cơ quan hanh chính nhà nước đã ban hành QĐHC hay có HVHC bị khiếu kiện” [22].
Sự độc lập với báo chí: hiện nay báo chí có ảnh hưởng rất lớn đến việc phản ánh các thông tin về tố tụng cũng như là hoạt động xét xử của Tòa án đến quần chúng. Xuất phát từ bản chất và nhiệm vụ báo chí là tiếng nói của nhân dân, do đó đôi lúc sự phản ánh của báo chí sẽ thiên vị cho người dân trong khi chưa nắm cặn kẽ thông tin về vụ án và hiểu rõ về quy định của pháp luật. Về mặt tâm lý trước phản ứng của báo chí và dư luận, HĐXX có thể sẽ có những do dự hoặc có thể bị ảnh hưởng của ý kiến dư luận. Điều này đối với Thẩm phán vững vàng trong tâm lý xét xử và có kinh nghiệm và nắm vững pháp luật có thể không bị ảnh hưởng, nhưng với các Hội thẩm thì rất dễ xảy ra.