CHƯƠNG II THỰC TIỄN TIẾN HÀNH XÉT XỬ SƠ THẨM VỤ ÁN HÀNH CHÍNH,
2.1.3 Diễn biến phiên tòa sơ thẩm
Nhìn chung các phiên tòa hành chính đều diễn ra và tuân thủ đúng các quy trình tố tụng gồm khai mạc phiên tòa, xét hỏi, tranh luận, nghị án, tuyên án. Các thủ tục mà pháp luật quy định bắt buộc phải thực hiện đều được đảm bảo, đặc biệt là đối với các thủ tục liên quan đến quyền lợi của đương sự như nêu và giải thích các quyền về thay đổi người tiến hành tố tụng, về việc đưa ra chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình.
Đối với nội quy của phiên tòa, do pháp luật không có quy định thống nhất mẫu nội quy của phiên tòa hành chính nên hiện nay nội quy của các Tòa án các tỉnh, thành phố là khác
49
nhau. Có Tòa án đưa ra nội quy riêng cho phiên tòa hành chính nhưng cũng có Tòa án lấy nội quy của phiên tòa dân sự làm nội quy cho phiên tòa hành chính. Việc ban hành nội quy riêng cho phiên tòa hành chính tuy không phải là vấn đề cấp bách nhưng cần thiết.
Các vấn đề về thủ tục càng hoàn thiện thì công tác xét xử sẽ được thuận lợi; hơn nữa hoạt động xét xử của phiên tòa hành chính có những khác biệt so với các phiên tòa khác nên có quy định riêng thì sẽ tốt hơn.
Thủ tục xét hỏi tại phiên tòa
Cũng như các phiên tòa khác, khâu xét hỏi trong phiên tòa hành chính là trọng tâm để làm sáng tỏ các tình tiết vụ án, do đó khâu này thường chiếm nhiều thời gian trong quá trình diễn biến của phiên tòa hành chính.
Người được hỏi không chỉ có HĐXX mà còn có đại diện Viện kiểm sát, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và còn có thể hỏi theo yêu cầu của người tham gia tố tụng; người trả lời bao gồm các đương sự, người làm chứng, người giám định (nếu có). Người được hỏi trước là Thẩm phán, do đã có sự chuẩn bị trước về nội dung xét hỏi, và cũng là người nghiên cứu hồ sơ kỹ nhất nên các câu hỏi của Thẩm phán thường hỏi bao quát hết các vấn đề. Điều này nhằm kiểm chứng lại các chứng cứ đã được các đương sự cung cấp, do Tòa án thu thập được, đồng thời đảm bảo thực hiện nguyên tắc công khai về các tình tiết, các chứng cứ của vụ án. Chính vì thế mà nhằm tránh bỏ sót tình tiết của vụ án nên trong hầu hết các phiên tòa, phần xét hỏi của Thẩm phán khá dài và hỏi hết những nội dung cần thiết. Như vậy có tình trạng là đến khi Hội thẩm nhân dân được phép hỏi thì không còn nội dung gì nên trong phần xét hỏi Hội thẩm không hỏi gì. Nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân mà Hội thẩm không đặt câu hỏi gì khi xét hỏi là do Hội thẩm không nắm được tình tiết vụ án, không nghiên cứu kỹ hồ sơ nên khó có thể đặt ra câu hỏi.
Ở phiên tòa hành chính khác với các phiên tòa khác là xét xử liên quan đến việc ban hành các QĐHC, HVHC nên nội dung của các vụ án hành chính cũng sẽ khó nắm bắt hơn so với các vụ án khác nên nếu như không có sự chuẩn bị thì cũng khó để đưa ra câu hỏi cho sát với nội dung vụ án. Nhưng một trong những lý do dẫn đến việc tại phiên tòa Hội thẩm không có câu hỏi cũng là do có những câu hỏi mà Hội thẩm đã chuẩn bị trùng với những gì Thẩm phán đã hỏi. Để tránh lặp lại, Hội thẩm không đặt câu hỏi để việc xét xử được nhanh chóng, không làm mất thời gian.
Tranh luận tại phiên tòa
Về mặt ý nghĩa, tranh luận giúp cho các bên được tự do thể hiện quan điểm về các vấn đề chưa thống nhất. Trong thực tế nội dung phần tranh luận này còn tùy thuộc vào vụ án,
50
nếu vụ án có nhiều vấn đề mà các đương sự còn có ý kiến khác nhau thì khi đến phần tranh luận các nội dung này sẽ được nhắc đến, tính chất của vấn đề sẽ ảnh hưởng đến tính sôi nổi của phần tranh luận, vấn đề càng quan trọng có ý nghĩa quyết định thì các bên càng muốn thể hiện và khẳng định quan điểm để bảo vệ và chứng minh cho yêu cầu của mình. Thế nhưng đối với vụ án đơn giản thì vấn đề không có nhiều nên việc tranh luận cũng chỉ đơn thuần là nhắc lại nhưng gì đã trình bày ở phần xét hỏi mà không có ý kiến gì thêm.
Thế nhưng ý nghĩa của việc tranh luận là tại đây các bên được trực tiếp đối đáp với nhau để giải thích về các vấn đề của vụ án. Có những vụ án người khởi kiện dù thua nhưng thông qua phần tranh luận người ta đã hiểu được vì sao cơ quan nhà nước lại ra quyết định đó, và quyết định là đúng pháp luật, không có sự xâm phạm đến quyền lợi của người khởi kiện như họ vẫn nghĩ trước đó. Lý do là vì cơ quan nhà nước đơn phương ra quyết định, người dân không hiểu được vì sao, cơ sở nào để cơ quan hành chính ra quyết định đó. Khi họ không đồng ý với quyết định, họ đến khiếu nại với cơ quan hành chính đã ra quyết định đó thì cơ quan này giải quyết khiếu nại cũng chỉ trả lời họ bằng văn bản khác mà không có sự giải thích cho người dân được hiểu một cách rõ ràng căn cứ pháp lý và lý do mà cơ quan nhà nước ban hành quyết định (mặc dù theo Điều 37 Luật khiếu nại, tố cáo có quy định: “Trong quá trình giải quyết lần đầu, người giải quyết khiếu nại phải gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với người khiếu nại, người bị khiếu nại để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại”, hoặc điểm d khoản 1 Điều 44 xác định trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai, người giải quyết khiếu nại có quyền “triệu tập người bị khiếu nại, người khiếu nại để tổ chức đối thoại”.
Thế nhưng thực tiễn giải quyết khiếu nại không phải bao giờ cũng đảm bảo thực hiện quy định này). Chỉ đến tại phiên tòa thông qua phần tranh luận phía cơ quan hành chính mới có sự giải thích rõ ràng, chính thức trước người khởi kiện về các vấn đề người đó thắc mắc. Ngoài ra, tranh luận còn là thời điểm cho các bên có điều kiện phản bác lại phần trả lời của người tham gia tố tụng đã trả lời ở phần xét hỏi mà mình cho là không đúng hoặc không đồng ý. Điều này rất hay gặp vì ở phần xét hỏi các bên trả lời theo ý kiến của mình và bảo vệ cho quyền lợi của mình, phần trả lời đó có thể đúng hoặc sai, nhưng không ai được phản bác ở thời điểm đó nếu thấy không đúng khi không được hỏi đến. Tranh luận sẽ giúp cho các bên có cơ hội để lật lại vấn đề ở phần xét hỏi đó. Chính vì vậy dù là vụ án có đơn giản nhưng HĐXX cũng không được phép bỏ qua vì ngoài lý do vi phạm thủ tục tố tụng thì còn tước đi cơ hội để các bên làm rõ vấn đề.
51
Nghị án
Sự quan tâm lớn nhất khi tìm hiểu thực tế của việc nghị án là nguyên tắc “khi xét xử Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” trong việc ra phán quyết có được đảm bảo hay không; bản án có phải là kết quả của quá trình thảo luận và ra kết luận trong thời gian nghị án tại phiên tòa không.
Khi tìm hiểu thực tiễn xét xử ở một số nơi (TAND TP Đà Nẵng, TAND TP Hồ Chí Minh) thì nguyên tắc Hội thẩm và Thẩm phán độc lập khi nghị án được các Thẩm phán hết sức tôn trọng thông qua việc tuân thủ các quy định của pháp luật tố tụng về nghị án cũng như là các kỹ năng theo hướng dẫn nghiệp vụ của Tòa án như Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa sẽ là người nêu vấn đề để các thành viên HĐXX thảo luận, khi phát biểu ý kiến thì Hội thẩm được phát biểu trước, và ý kiến đó được tôn trọng và ghi nhận, dù ý kiến của Hội thẩm khác với ý kiến của Thẩm phán… việc Hội thẩm bị ảnh hưởng bởi ý kiến của Thẩm phán không xuất phát từ việc Thẩm phán áp đặt ý kiến mà từ chính bản thân Hội thẩm cảm thấy không tự tin vào bản thân, đặc biệt tâm lý là người không nắm rõ luật.
Ngoài ra cũng không loại trừ trường hợp là Hội thẩm nhận thấy ý kiến, quan điểm của Thẩm phán là đúng đắn, do đó Hội thẩm có cùng ý kiến với Thẩm phán cũng là điều dễ hiểu.
Không chỉ riêng với vụ án hành chính mà cả các vụ án dân sự hình sự, kinh tế… thì hiện nay dư luận vẫn nghi ngại về việc: thời gian nghị án khá ngắn, chỉ trong vài chục phút mà Tòa án ra được phán quyết thì phán quyết đó có thật sự là kết quả nghị án của HĐXX tại phòng nghị án hay có sự chuẩn bị án trước của Thẩm phán mà báo chí và dư luận vẫn gọi là “án bỏ túi”. Thực tiễn xét xử và kinh nghiệm xét xử của các Chánh án tòa hành chính TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng cho thấy: để đảm bảo được rằng có kết quả xét xử sớm nhất và không kéo dài thì buộc các Thẩm phán phải có sự chuẩn bị và dự đoán các trường hợp có thể xảy ra từ đó sẽ có kết luận cho từng trường hợp. Bởi xuất phát từ đặc điểm của tố tụng của Việt Nam là tố tụng thẩm vấn, HĐXX đã được xem xét trước hồ sơ vụ án nên có thể chuẩn bị được kết quả giải quyết vụ án. Điều này không hề vi phạm tố tụng vì tùy vào tình hình xét xử tại phiên tòa mà HĐXX đưa ra các phương án phù hợp, đảm bảo các quy định về việc nghị án là các thành viên HĐXX phát biểu quan điểm đánh giá vụ án và biểu quyết theo đa số. Việc ra kết luận nhanh chóng hay có thể kéo dài cũng sẽ phụ thuộc vào diễn biến tại phiên tòa và sự chuẩn bị của HĐXX. Nếu tại phiên tòa không có phát sinh vấn đề mới hoặc các bên không đưa ra chứng cứ mới thì khi nghị án HĐXX sẽ quyết định theo phương án đã dự định. Như vậy, thời gian nghị án sẽ được rút ngắn và phiên
52
tòa sơ thẩm cũng nhanh chóng, các bên sẽ biết được kết luận cuối cùng của HĐXX ngay tại phiên tòa trong thời gian đó mà không phải chờ đợi do thời gian nghị án kéo dài.
Bản án hành chính
PLTTGQCVAHC đã có quy định về cơ cấu nội dung nên các bản án được ban hành trong thực tế không có vấn đề sai sót về điều này. Sai sót chủ yếu của các bản án hành chính là cách sử dụng thuật ngữ thiếu chính xác, hoặc phần quyết định của bản án vượt quá thẩm quyền, tuyên hủy cả phần quyết định đúng pháp luật của quyết định hành chính… Ngoài ra, sự đúng đắn của bản án hành chính còn phụ thuộc vào đường lối giải quyết giải quyết của Tòa án thông qua việc đánh giá chứng cứ và áp dụng pháp luật để giải quyết vụ án.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 4 của PLTTGQCVAHC thì đương sự bao gồm người khởi kiện người bị kiện, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan nhưng tòa án vẫn xác định tư cách đương sự không chính xác. Ví dụ: tại bản án hành chính sơ thẩm số 05/HCST ngày 22/09/2004 của TAND tỉnh TH giải quyết vụ án do các ông Lê văn B, Nguyễn Hữu S và Lê Quang V khởi kiện đối với quyết định hành chính của UBND tỉnh TH lại sử dụng thuật ngữ “”bên bị kiện”,”bên khởi kiện” để chỉ người khởi kiện, người bị kiện [13].
Quyết định của bản án vượt quá thẩm quyền: theo quy định tại Điều 2 và Điều 3 của PLTTGQCVAHC thì cá nhân cơ quan tổ chức, cơ quan nhà nước có quyền khởi kiện VAHC đối với các QĐHC, HVHC. Vì vậy khi thụ lý VAHC thì Tòa án chỉ có thẩm quyền phán quyết về tính hợp pháp của các QĐHC, HVHC bị khiếu kiện. Nhưng trong thực tế giải quyết vụ án, nhiều Tòa án khi tuyên án còn vượt quá thẩm quyền này.
Tuyên hủy cả phần quyết định đúng pháp luật: khi cơ quan hành chính ở địa phương ban hành QĐHC và trong quyết định có nhiều nội dung khác nhau thì có nội dung được tòa xác định là đúng pháp luật và có nội dung không đúng pháp luật nhưng Tòa án đã tuyên hủy toàn bộ quyết định.
Quyết định trong bản án hành chính không đúng có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân như đánh giá chứng cứ không đúng đắn, việc xác minh thu thập chứng cứ không đầy đủ, áp dụng pháp luật không đúng.