CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN - PHÁP LUẬT VỀ BIỆN PHÁP KÊ BIÊN TÀI SẢN CÓ GIÁ TRỊ TƯƠNG ỨNG VỚI SỐ TIỀN PHẠT ĐỂ BÁN ĐẤU GIÁ
1.2. Quy định pháp luật về biện pháp kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá
1.2.3. Nguyên tắc áp dụng biện pháp kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá
Theo từ điển tiếng Việt phổ thông của Viện ngôn ngữ học, “nguyên tắc”
được hiểu là những điều cơ bản định ra, nhất thiết phải tuân theo trong một loạt các việc làm17. Nguyên tắc áp dụng biện pháp cưỡng chế KBTS là những quan điểm pháp lý có tính chỉ đạo, làm nền tảng cho việc áp dụng biện pháp KBTS. Nghiên cứu Luật XLVPHC 2012 và Nghị định số 166/2013/NĐ-CP có thể thấy việc áp dụng biện pháp cưỡng chế KBTS có giá trị tương ứng với số tiền phạt để BĐG phải tuân thủ các nguyên tắc sau:
Thứ nhất, việc cưỡng chế KBTS chỉ được thực hiện khi có quyết định cưỡng chế KBTS bằng văn bản của người có thẩm quyền18.
Như đã trình bày ở nội dung 1.1.2, KBTS có đặc điểm là một hoạt động cưỡng chế hành chính đối với TS của cá nhân, tổ chức VPHC để buộc họ phải chấp hành quyết định xử phạt VPHC. Đây là hoạt động thực thi quyền lực của Nhà nước, chỉ được thực hiện bởi các chủ thể có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Với đặc thù là biện pháp pháp lý bất lợi mang tính áp đặt, việc áp dụng biện pháp KBTS
17 Viện ngôn ngữ học (2002), tlđd, tr. 630.
18 Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP.
có khả năng gây ra thiệt hại nhất định cho các đối tượng bị áp dụng. Vì lẽ đó, việc áp dụng biện pháp cưỡng chế này cần phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về mặt nội dung cũng như thủ tục theo quy định của pháp luật. Do đó, để hạn chế những sai sót trong quá trình áp dụng, bảo đảm tính hợp pháp của việc cưỡng chế, pháp luật quy định biện pháp KBTS chỉ được thực hiện khi có quyết định cưỡng chế KBTS bằng văn bản của người có thẩm quyền.
Thứ hai, việc quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế KBTS phải căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ, điều kiện thi hành quyết định cưỡng chế và tình hình thực tế ở địa phương19.
Mục đích chính của việc áp dụng biện pháp cưỡng chế KBTS là bảo đảm thi hành quyết định xử phạt VPHC trên thực tế. Tuy nhiên, khi áp dụng biện pháp cưỡng chế này, chủ thể có thẩm quyền phải căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ, điều kiện thi hành quyết định cưỡng chế và tình hình thực tế ở địa phương nơi xảy ra việc cưỡng chế để đảm bảo việc cưỡng chế được thực hiện một cách khách quan, hợp pháp, hợp lý và đạt được mục đích là bảo đảm thi hành quyết định xử phạt VPHC.
Dựa trên việc đánh giá một cách toàn diện nội dung, tính chất, mức độ, điều kiện thi hành cưỡng chế KBTS và tình hình thực tế ở địa phương sẽ giúp chủ thể có thẩm quyền nhận định được một cách đa chiều về vụ việc bị cưỡng chế để có thể áp dụng biện pháp KBTS một cách phù hợp,
Thứ ba, biện pháp KBTS có giá trị tương ứng với số tiền phạt để BĐG chỉ được áp dụng khi không thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập; khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm hoặc đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế này nhưng chưa thu đủ số tiền bị cưỡng chế theo quyết định cưỡng chế.
Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP quy định người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế quyết định áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo thứ tự quy định tại khoản 2 Điều 86 Luật XLVPHC 2012, chỉ áp dụng các biện pháp tiếp theo khi không thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế đó hoặc đã áp dụng nhưng chưa thu đủ số tiền bị cưỡng chế theo quyết định cưỡng chế.
Dựa vào quy định này có thể thấy cá nhân, tổ chức bị xử phạt VPHC không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt sẽ bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo
19 Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP.
thứ tự: 1. Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập; 2. Khấu trừ tiền từ tài khoản; 3. KBTS có giá trị tương ứng với số tiền phạt để BĐG; 4. Thu tiền, TS khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán TS; 5. Buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.
Như vậy, có thể thấy rằng, biện pháp cưỡng chế KBTS có giá trị tương ứng với số tiền phạt để BĐG chỉ được áp dụng sau khi chủ thể có thẩm quyền không thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập;
khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm hoặc đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế này nhưng chưa thu đủ số tiền bị cưỡng chế theo quyết định cưỡng chế.
Thứ tư, chỉ được KBTS của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế tương ứng với số tiền đã ghi trong quyết định xử phạt, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả và chi phí cho việc tổ chức thi hành cưỡng chế20.
KBTS là một biện pháp cưỡng chế hành chính đánh vào TS của cá nhân, tổ chức VPHC để buộc họ phải chấp hành quyết định xử phạt VPHC. Do vậy, việc áp dụng biện pháp cưỡng chế này có khả năng gây ảnh hưởng đến quyền sở hữu TS của các chủ thể này. Do đó, để thể hiện tính nhân đạo của Nhà nước khi áp dụng biện pháp cưỡng chế KBTS, đồng thời hạn chế tình trạng chủ thể có thẩm quyền lạm dụng quyền hạn tiến hành KBTS một cách tràn lan, tùy tiện gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế, pháp luật quy định khi tiến hành KBTS chỉ cho phép KBTS của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế tương ứng với số tiền đã ghi trong quyết định xử phạt, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả và chi phí cho việc tổ chức thi hành cưỡng chế. Tuy nhiên, như đã nói ở phần đặc điểm thứ ba của biện pháp KBTS trong mục 1.1.2, việc xác định TS nào có giá trị tương ứng với số tiền phạt để kê biên BĐG là điều không hề đơn giản, tác giả sẽ trình bày cụ thể trong nội dung của mục 2.1.
Thứ năm, chỉ kê biên những TS thuộc sở hữu chung của cá nhân bị cưỡng chế với người khác nếu cá nhân bị cưỡng chế không có TS riêng hoặc TS riêng không đủ để thi hành quyết định cưỡng chế.
Các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC nói chung và biện pháp KBTS nói riêng được áp dụng để đánh vào các quyền lợi của cá nhân, tổ
20 Đoạn 2 khoản 2 Điều 18 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP.
chức VPHC để buộc họ phải chấp hành một cách nghiêm túc quyết định xử phạt VPHC. Chủ thể phải gánh chịu những hậu quả pháp lý bất lợi trong trường hợp này chính là các cá nhân, tổ chức VPHC nhưng không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt VPHC của chủ thể có thẩm quyền.
Với tinh thần đó, để hạn chế việc cưỡng chế gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức khác, Nghị định số 166/2013/NĐ-CP quy định khi KBTS thì cho phép cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế có quyền đề nghị KBTS nào trước, người được giao chủ trì kê biên phải chấp nhận nếu xét thấy đề nghị đó không ảnh hưởng đến việc cưỡng chế. Nếu cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế không đề nghị cụ thể việc KBTS nào trước thì TS thuộc sở hữu riêng được kê biên trước. Chỉ kê biên những TS thuộc sở hữu chung của cá nhân bị cưỡng chế với người khác nếu cá nhân bị cưỡng chế không có TS riêng hoặc TS riêng không đủ để thi hành quyết định cưỡng chế. Trường hợp TS có tranh chấp thì vẫn tiến hành kê biên và giải thích cho những người cùng sở hữu TS kê biên về quyền khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự21.
Nguyên tắc này vừa mang tính nhân văn vừa thể hiện sự thượng tôn pháp luật trong điều kiện nước ta đang trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền.
Sự nhân văn thể hiện ở chỗ việc cưỡng chế KBTS phải hạn chế tới mức tối đa việc gây ra thiệt hại cho chính cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế và các cá nhân, tổ chức khác. Trong khi đó, sự thượng tôn pháp luật thể hiện ở chỗ trong trường hợp việc cưỡng chế có khả năng gây thiệt hại tới quyền và lợi ích của các chủ thể thì phải ưu tiên thi hành quyết định cưỡng chế KBTS bằng việc kê biên cả TS chung của người bị cưỡng chế với người khác. Nếu có tranh chấp thì vẫn tiến hành kê biên và giải thích cho những người cùng sở hữu TS kê biên về quyền khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự để bảo đảm quyền lợi cho họ.