Chương 2: THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VÀ ÁP DỤNG PHÁP LUẬT VỀ BIỆN PHÁP KÊ BIÊN TÀI SẢN CÓ GIÁ TRỊ TƯƠNG ỨNG VỚI SỐ TIỀN PHẠT ĐỂ BÁN ĐẤU GIÁ VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN
2.1. Thực trạng pháp luật và áp dụng pháp luật về các nội dung cụ thể của biện pháp kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá và giải pháp hoàn thiện
2.1.1. Về tên gọi biện pháp và điều kiện áp dụng
Biện pháp KBTS để cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC lần đầu tiên được pháp luật quy định tại Pháp lệnh XPVPHC 1989 với tên gọi “KBTS để BĐG”40, đến Pháp lệnh XLVPHC 1995 thì biện pháp cưỡng chế này có tên gọi “Kê biên phần TS có giá trị tương ứng với số tiền phạt để BĐG”41, sau đó Pháp lệnh XLVPHC 2002 và Luật XLVPHC 2012 bỏ đi chữ “phần” và sửa thành “KBTS có giá trị tương ứng với số tiền phạt để BĐG”42. Như vậy, có thể thấy so với tên gọi đầu tiên trong Pháp lệnh XPVPHC 1989 thì trong các văn bản quy phạm pháp luật sau này bổ sung thêm bộ phận “có giá trị tương ứng với số tiền phạt” trong tên gọi của biện pháp KBTS.
Sự thay đổi về mặt tên gọi như đã nêu cho thấy quan điểm rõ ràng của nhà làm luật khi quy định về biện pháp cưỡng chế này đó là pháp luật chỉ cho phép chủ thể có thẩm quyền tiến hành kê biên các TS của cá nhân, tổ chức VPHC có giá trị tương ứng với số tiền phạt để BĐG nhằm đảm bảo thi hành quyết định xử phạt VPHC. Nội dung này đã được cụ thể hóa bằng nguyên tắc quy định tại các Nghị định hướng dẫn cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC từ trước đến nay.
40 Điểm b khoản 1 Điều 32 Pháp lệnh XPVPHC 1989.
41 Điểm b khoản 1 Điều 55 Pháp lệnh XLVPHC 1995.
42 Điểm b khoản 1 Điều 66 Pháp lệnh XLVPHC 2002, Điểm b khoản 2 Điều 86 Luật XLVPHC 2012.
Theo đó, chủ thể có thẩm quyền chỉ được KBTS của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế tương ứng với số tiền đã ghi trong quyết định xử phạt và chi phí cho việc tổ chức thi hành cưỡng chế43.
Nội dung nguyên tắc này thể hiện tính nhân đạo của Nhà nước khi áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC, đồng thời hạn chế tình trạng chủ thể có thẩm quyền lạm dụng quyền hạn tiến hành KBTS một cách tràn lan, tùy tiện gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế. Tuy nhiên, quy định có vẻ tiến bộ này lại gây ra không ít khó khăn cho các chủ thể có thẩm quyền khi thực hiện KBTS trong thực tế. Bởi vì:
Một là, các quy định pháp luật hiện hành không đưa ra giải thích hay hướng dẫn cụ thể để giúp chủ thể có thẩm quyền xác định yếu tố “tương ứng” giữa giá trị TS bị kê biên với số tiền phạt. Do đó việc xác định giá trị TS kê biên thường chỉ mang tính định tính chứ không mang tính định lượng, trong nhiều trường hợp gây ra tranh cãi giữa chủ thể có thẩm quyền cưỡng chế với cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế.
Về mặt thuật ngữ, theo từ điển tiếng Việt phổ thông, “tương ứng” nghĩa là có sự phù hợp với nhau44. Còn theo từ điển Từ và ngữ Việt Nam, “tương ứng” (ứng: đáp lại) là phù hợp với sự đòi hỏi45. Nếu dựa vào giải thích này có thể hiểu chủ thể có thẩm quyền chỉ được KBTS có giá trị ngang bằng hoặc gần ngang bằng với số tiền phạt, chi phí cưỡng chế để phù hợp với yêu cầu cưỡng chế. Tuy nhiên, nếu giải thích thế này cũng chưa bao quát được hết các trường hợp bởi không phải trường hợp nào giá trị TS kê biên cũng ngang bằng với số tiền phạt, chi phí cưỡng chế. Nếu nói “gần ngang bằng” thì giới hạn của điều này là gì. Do vậy, thiết nghĩ các nhà làm luật cần có hướng dẫn cụ thể về nội dung này46.
Hai là, không chỉ khó khăn về việc xác định sự “tương ứng” giữa giá trị TS kê biên với số tiền phạt, chi phí cưỡng chế mà quy định này vô tình làm giảm hiệu quả của hoạt động cưỡng chế, thậm chí trở thành lỗ hổng để cá nhân, tổ chức né tránh bị cưỡng chế.
Xin dẫn ra một ví dụ như sau: Võ Văn Thịnh (sinh năm 1993) có TS riêng là
43 Điều 19 Nghị định số 37/2005/NĐ-CP, Điều 18 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP.
44 Viện Ngôn ngữ học (2002), tlđd, tr. 995.
45 Nguyễn Lân (2000), tlđd, tr. 1975.
46 Tại trang 33 Phụ lục 3 Báo cáo số 172/BC-BTP ngày 11/7/2016 của Bộ Tư pháp về công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC 06 tháng đầu năm 2016 cũng nêu lên khó khăn về vấn đề này như sau: tại thời điểm kê biên tài sản, người tiến hành kê biên tài sản không thể xác định được chính xác giá trị của tài sản mà phải thông qua Hội đồng định giá, do đó tài sản kê biên có thể có giá trị thấp hơn hoặc cao hơn số tiền ghi trong quyết định cưỡng chế. Tuy nhiên hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể vấn đề này.
quyền sử dụng đất đối với thửa đất có diện tích 30m2 tại thị xã Đồng Xoài. Ngày 20/05/2017, Thịnh thực hiện hành vi treo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên cột điện và cây xanh nơi công cộng bị Chủ tịch UBND thị xã Đồng Xoài ra Quyết định 3093/QĐ-XPVPHC xử phạt VPHC số tiền 1.500.000 đồng47. Tuy nhiên vì Thịnh là sinh viên chưa có thu nhập nên hết thời hạn thi hành quyết định xử phạt VPHC Thịnh vẫn không thực hiện nộp phạt. Qua xác minh, chủ thể có thẩm quyền xác định giá trị thửa đất của Thịnh có giá trị khoảng 300.000.000 đồng. Câu hỏi đặt ra là trường hợp này Chủ tịch UBND thị xã Đồng Xoài có ban hành quyết định cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất đối với thửa đất có diện tích 30m2 để thi hành quyết định xử phạt VPHC đối với Thịnh hay không? Nếu dựa vào quy định nói trên thì rõ ràng giữa số tiền phạt 1.500.000 đồng với giá trị thửa đất 300.000.000 đồng là không tương ứng về mặt giá trị nên không thể kê biên được. Ngược lại, nếu không kê biên thì không bảo đảm thi hành được quyết định xử phạt VPHC đối với Thịnh, điều này tỏ ra không hợp lý khi Thịnh hoàn toàn có TS để thi hành quyết định xử phạt VPHC. Thực tế này cũng không đảm bảo tuân thủ triệt để một trong các nguyên tắc xử phạt VPHC được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Luật XLVPHC 2012: “Mọi VPHC phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do VPHC gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật”. Thiết nghĩ đây là bài toán cần lời giải từ các nhà làm luật để bảo đảm quyết định xử phạt VPHC được thi hành một cách hiệu quả cũng như không gây thiệt hại đến quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế.
Do vậy, tác giả kiến nghị nhà làm luật cần xem xét thay đổi tên gọi của biện pháp cưỡng chế KBTS trong Luật XLVPHC năm 2012 theo hướng bỏ đi bộ phận
“có giá trị tương ứng với số tiền phạt” mà chỉ sử dụng tên gọi như trong quy định của Pháp lệnh XPVPHC 1989 trước đây với tên gọi “KBTS để BĐG”. Đồng thời quy định điều kiện để thực hiện KBTS theo các trường hợp sau đây để bảo đảm quyền lợi của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế:
(i) Đối với cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế có nhiều TS hoặc chỉ có một TS duy nhất nhưng có thể tách ra từng phần mà không làm mất hoặc giảm một cách đáng kể giá trị sử dụng của TS thì chỉ được KBTS hoặc phần TS có giá trị tương ứng với số tiền đã ghi trong quyết định xử phạt và chi phí cho việc tổ chức thi hành
47 Điểm a khoản 42 Điều 2 Nghị định số 28/2017/NĐ-CP quy định: “Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi treo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên cột điện và cây xanh nơi công cộng”.
cưỡng chế. Giá trị TS bị kê biên tối đa gấp 1,5 lần so với số tiền phạt, chi phí cho việc cưỡng chế.
(ii) Đối với cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế chỉ có một TS duy nhất và TS đó là một thể thống nhất nếu tách ra từng phần sẽ làm mất hoặc giảm một cách đáng kể giá trị sử dụng của TS thì vẫn tiến hành KBTS. Trường hợp số tiền phải nộp phạt thấp (có thể quy định dưới 10 triệu đồng) và có sự chênh lệch lớn giữa số tiền nộp phạt với giá trị tài sản bị kê biên (có thể quy định gấp 10 lần trở lên) thì có thể cho phép cá nhân, tổ chức vi phạm “ghi nợ” số tiền nộp phạt kèm theo cam kết về thời gian thực hiện nộp phạt (có thể quy định tối đa là 06 tháng) có xác nhận của UBND cấp xã nơi cá nhân cư trú hoặc nơi tổ chức đóng trụ sở; nếu sau khi hết thời gian cam kết mà cá nhân, tổ chức vi phạm vẫn không thực hiện nộp phạt đầy đủ theo cam kết thì chủ thể có thẩm quyền tiến hành kê biên tài sản duy nhất đó48.
Trường hợp số tiền BĐG TS trong hai trường hợp trên nhiều hơn số tiền ghi trong quyết định xử phạt và chi phí cho việc cưỡng chế thì phần chênh lệch được trả lại cho cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế.