CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN - PHÁP LUẬT VỀ BIỆN PHÁP KÊ BIÊN TÀI SẢN CÓ GIÁ TRỊ TƯƠNG ỨNG VỚI SỐ TIỀN PHẠT ĐỂ BÁN ĐẤU GIÁ
1.2. Quy định pháp luật về biện pháp kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá
1.2.8. Chi phí thực hiện biện pháp kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá
Theo quy định tại Điều 41 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP, cá nhân, tổ chức bị áp dụng biện pháp cưỡng chế KBTS phải chịu mọi chi phí cho các hoạt động cưỡng chế. Nếu cá nhân, tổ chức không tự nguyện hoàn trả hoặc hoàn trả chưa đủ chi phí cưỡng chế thì người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế có thể ra quyết định cưỡng chế bằng các biện pháp quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều 86
Luật XLVPHC 2012 để thu hồi chí phí thực hiện cưỡng chế.
Chi phí cưỡng chế được xác định trên cơ sở các chi phí thực tế đã phát sinh trong quá trình thi hành quyết định cưỡng chế phù hợp với giá cả ở từng địa phương. Chi phí cưỡng chế bao gồm: Chi phí huy động người thực hiện quyết định cưỡng chế; chi phí thù lao cho các chuyên gia định giá để tổ chức đấu giá, chi phí tổ chức BĐG TS; chi phí thuê phương tiện tháo dỡ, chuyên chở đồ vật, TS; chi phí thuê giữ hoặc bảo quản TS đã kê biên; chi phí thực tế khác (nếu có)37.
Chi phí cưỡng chế được tạm ứng từ ngân sách nhà nước và được hoàn trả ngay sau khi thu được tiền của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế. Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn việc quản lý, cấp phát, tạm ứng và hoàn trả chi phí cưỡng chế theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước38.
Mặc dù Nghị định số 166/2013/NĐ-CP đã trao cho Bộ Tài chính trách nhiệm hướng dẫn việc quản lý, cấp phát, tạm ứng và hoàn trả chi phí cưỡng chế nhưng Bộ Tài chính lại rất chậm chạp trong việc ban hành văn bản hướng dẫn vấn đề này.
Thực trạng này đã gây ra nhiều khó khăn cho các chủ thể có thẩm quyền khi thực hiện trên thực tế. Đơn cử, trong Báo cáo số 245/BC-UBND ngày 09/10/2015 của UBND thành phố Biên Hòa báo cáo công tác thi hành pháp luật xử lý VPHC năm 2015 có đề cập việc thu tiền của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế trên thực tế hầu như không thực hiện được, chi phí cưỡng chế này do ngân sách nhà nước ứng ra để thực hiện và hiện nay Bộ Tài chính cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về việc quản lý, cấp phát, tạm ứng và hoàn trả chi phí cưỡng chế theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước39.
Sau nhiều lần kiến nghị thì đến ngày 16/01/2017 Bộ Tài chính mới ban hành Thông tư số 05/2017/TT-BTC hướng dẫn việc quản lý, tạm ứng và hoàn trả chi phí cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02/03/2017). Thông tư này đã có những hướng dẫn khá chi tiết về đối tượng áp dụng (Điều 2), nguyên tắc quản lý chi phí cưỡng chế (Điều 3), các chi phí cưỡng chế và mức chi (Điều 4), tạm ứng chi phí cưỡng chế (Điều 5), hoàn trả tạm ứng chi phí cưỡng chế (Điều 6), lập dự toán, chấp hành và quyết toán chi phí cưỡng chế (Điều 8). Sự ra đời của Thông tư này sẽ góp phần khắc phục những bất cập đã nêu khi thi hành quy định của pháp luật liên quan đến chi phí cưỡng chế trong thực tế.
37 Điều 39 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP.
38 Điều 40 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP.
39 Xem trang 11 Báo cáo số 245/BC-UBND ngày 09/10/2015 của Ủy ban nhân dân thành phố Biên Hòa báo cáo công tác thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính năm 2015.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1
Qua nghiên cứu các vấn đề lý luận và pháp luật về biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản, tác giả đi đến một số kết luận sau đây:
Thứ nhất, biện pháp kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá là một biện pháp cưỡng chế của Nhà nước đối với tài sản của cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nhưng không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt thông qua việc các chủ thể có thẩm quyền liệt kê các tài sản của họ có giá trị tương ứng với số tiền phạt vào danh sách tài sản bị bán đấu giá để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Thứ hai, biện pháp kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá có những đặc điểm như: (i) là một biện pháp cưỡng chế hành chính; (ii) tài sản bị kê biên phải thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính; (iii) tài sản bị kê biên phải có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá; (iv) chỉ được áp dụng bởi các chủ thể có thẩm quyền; (v) được áp dụng để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; (vi) được áp dụng theo thủ tục hành chính.
Thứ ba, việc áp dụng biện pháp kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá hướng đến các mục đích sau: (i) đảm bảo cho các quyết định xử phạt vi phạm hành chính được thi hành một cách hiệu quả trên thực tế, hạn chế tình trạng thất thu ngân sách nhà nước; (ii) thể hiện sự thượng tôn pháp luật;
(iii) là tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước của các cơ quan hành chính nhà nước, nâng cao trách nhiệm của các chủ thể có thẩm quyền.
Thứ tư, pháp luật hiện hành đã quy định khung pháp lý khá đầy đủ về biện pháp kê biên tài sản như: đối tượng bị áp dụng; nguyên tắc áp dụng; các loại tài sản không được kê biên; thẩm quyền ra quyết định kê biên tài sản; tổ chức thi hành quyết định kê biên tài sản... Tuy nhiên, các quy định này vẫn còn tồn tại những bất cập nhất định và sẽ được tác giả phân tích cụ thể trong nội dung của Chương 2.
CHƯƠNG 2