Nghiên cứu về cơ sở lý luận về việc quy định và áp dụng hình phạt tử hình giúp chúng ta hiểu được các quan điểm khác nhau về hình phạt tử hình và những lập luận đưa ra để bảo vệ quan điểm đó. Tuy nhiên, để đánh giá quan điểm nào hợp lý, chúng ta phải đặt vấn đề này trong bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội của từng quốc gia. Đó chính là cơ sở thực tiễn của việc quy định và áp dụng hình phạt tử hình. Ở Việt Nam hiện nay, việc duy trì hình phạt tử hình ở một giới hạn nhất định, theo quan điểm của tác giả là cần thiết, với những lý do sau:
- Thứ nhất, do đặc điểm của điều kiện kinh tế, xã hội ở Việt Nam hiện nay, chúng ta chưa thể loại bỏ hình phạt tử hình
Nền kinh tế Việt Nam hiện nay đang từng bước chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường, theo định hướng xã hội chủ nghĩa và trên đà hội nhập quốc tế. Xuất phát điểm của nước ta vẫn là nền kinh tế kém phát
20
triển, sản xuất nhỏ, manh mún. Quản lý xã hội còn lỏng lẻo, hệ thống pháp luật vừa thiếu, vừa yếu, chồng chéo và mâu thuẫn… Các thế lực thù địch ở trong và ngoài nước vẫn tìm cách cống phá chính quyền nhân dân, phá hoại chính sách đoàn kết Dân tộc. Vì vậy, “nếu loại trừ hình phạt tử hình thì không những sẽ gây khó khăn trong việc đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội mà còn cản trở tiến trình hội nhập của đất nước theo xu thế phát triển chung của nhân loại” [42; 74].
- Thứ hai, yêu cầu khách quan của cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm
“Tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, với tính chất và hậu quả ngày càng nghiêm trọng” [4]. Theo Báo cáo tổng kết công tác năm 2005 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2006 của ngành Toà án nhân dân: trong năm 2005, các tội phạm về ma tuý, giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích, mua bán phụ nữ, trẻ em… chiếm tỷ lệ lớn. Mặc dù số lượng các vụ án hình sự mà Toà án các cấp đã thụ lý, giải quyết giảm hơn 2.220 vụ so với cùng kỳ năm trước, nhưng các tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng còn xảy ra nhiều, đặc biệt là các tội phạm phá hoại chính sách đoàn kết Dân tộc, tham nhũng trong các lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai, thương mại, dầu khí, bảo hiểm, xây dựng cơ bản; các tội phạm về ma tuý vẫn diễn ra rất nghiêm trọng, còn xảy ra nhiều vụ án lớn… Vì vậy, việc loại bỏ một số cá nhân đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, theo quy định của pháp luật là cần thiết để ngăn ngừa họ phạm tội mới và răn đe, giáo dục người khác ý thức tôn trọng pháp luật.
- Thứ ba, do ý thức pháp luật của người dân chưa cao, một số người suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống… Không ít người trong số này có tính vị kỷ, đố kỵ, cục bộ, sống buông thả, thấp hèn, sa đoạ, không từ bất kỳ thủ đoạn nào, sẵn sàng phạm những tội ác dã man, tàn bạo hoặc tham nhũng và gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho xã hội [42; tr.74]. Họ có thái độ coi thường tính mạng, sức khoẻ của người khác; coi thường pháp luật và các lợi ích chung của cộng đồng. Vì vậy, nếu không áp dụng loại hình phạt nghiêm khắc nhất là tử hình đối với các đối tượng này thì không những không ngăn chặn được hành vi phạm tội của họ mà còn tạo tâm lý coi thường pháp luật chung trong cộng đồng.
21
- Cuối cùng, việc áp dụng hình phạt tử hình còn xuất phát từ nhu cầu đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người dân. Khi chúng ta chưa xây dựng được cơ chế hữu hiệu kiểm soát hành vi của con người và ý thức tôn trọng pháp luật của một số người chưa cao, thì việc loại trừ khỏi xã hội các phần tử đặc biệt nguy hiểm, làm cho họ không có khả năng và cơ hội tiếp tục phạm tội mới, là chúng ta đã tạo một môi trường sống lành mạnh, bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.
Việc áp dụng và thi hành hình phạt tử hình xuất phát từ yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm hiệu quả, ổn định trật tự, trị an xã hội. Trước tình hình tội phạm xảy ra trên thực tế, trong bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội của nước ta hiện nay, phần lớn người dân nhận thức được yêu cầu khách quan của việc áp dụng hình phạt này. Theo khảo sát của tác giả đối với 348 người làm việc trong các doanh nghiệp, cơ quan hành chính, sự nghiệp, luật sư, viên chức ngành Toà án… thì có 317 người đồng ý với việc duy trì hình phạt tử hình ở Việt Nam, chiếm tỷ lệ 92 %;
chỉ có 31 người được hỏi cho rằng không nên duy trì hình phạt tử hình, chiếm tỷ lệ 8%. Về lý do ủng hộ việc duy trì hình phạt tử hình, hầu hết các ý kiến cho rằng nó có tác dụng ngăn ngừa tội phạm, làm giảm tình hình phạm tội đặc biệt nghiêm trọng (279 ý kiến). Ngoài ra, có 91 ý kiến cho rằng hình phạt tử hình có tác dụng làm cho người bị kết án tử hình không có khả năng tiếp tục gây nguy hiểm cho xã hội; 44 ý kiến cho rằng điều kiện áp dụng và thi hành hình phạt tử hình rất chặt chẽ, khó xảy ra oan sai và 28 ý kiến cho rằng gia đình nạn nhân cảm thấy được an ủi khi người phạm tội bị kết án tử hình8. Phần lớn người ủng hộ án tử hình cho rằng nên giảm hình phạt tử hình trong BLHS (208/317 ý kiến; 66%); 65/317 ý kiến cho rằng nên giữ nguyên các tội phạm quy định hình phạt tử hình trong BLHS như hiện nay (20%) và 44/317 ý kiến đề nghị tăng các tội phạm quy định hình phạt tử hình (14%).
Quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam hiện nay: duy trì hình phạt tử hình nhưng hạn chế áp dụng. Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ chính trị năm 2002 về Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới đã nhấn mạnh cần
“hạn chế án tử hình trong BLHS”. Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ chính trị năm
8 Xem Phụ lục 2.
22
2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã tái khẳng định vấn đề này:
“hạn chế áp dụng hình phạt tử hình theo hướng chỉ áp dụng đối với một số loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.
Theo quan điểm của tác giả, trong tình hình kinh tế, chính trị, xã hội ở Việt Nam hiện nay, định hướng trên của Đảng và Nhà nước về hình phạt tử hình là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, hạn chế đến đâu, áp dụng hình phạt tử hình đối với những hành vi phạm tội nào là một vấn đề chúng ta cần có sự nghiên cứu thấu đáo, khách quan và khoa học.