Hình phạt tử hình trong luật hình sự Việt Nam thời kỳ trước năm

Một phần của tài liệu Hình phạt tử hình trong luật hình sự việt nam (Trang 26 - 34)

1.3 HÌNH PHẠT TỬ HÌNH TRONG LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM QUA CÁC THỜI KỲ

1.3.1. Hình phạt tử hình trong luật hình sự Việt Nam thời kỳ trước năm

* Hình phạt tử hình trong luật hình sự Việt Nam từ thời Hùng Vương đến Nhà nước Âu Lạc

Thời kỳ này bắt đầu từ khi hình thành nhà nước đầu tiên - Nhà nước Văn Lang của các Vua Hùng và kết thúc bằng cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Tần. Trong bộ Hậu Hán Thư của Trung Quốc được biên soạn vào thế kỷ thứ V sau công nguyên (s.CN), trong quyển 54 với nhan đề “Mã Viện liệt truyện” có đề cập đến pháp luật của thời kỳ này như sau: “Có điều trần tấu về luật của người Việt, so sánh với luật Hán hơn 10 điều. Rồi ban bố phép cũ cho người Việt biết để bó buộc dân Việt. Từ đó về sau, dân Lạc Việt phải tuân theo phép cũ của Mã Viện”

[63; tr.8]. Ngoài tài liệu trên, chúng ta không có thông tin nào khác để làm sáng tỏ 10 điều khác nhau giữa Việt luật và Hán luật. Vì vậy, chúng ta không có đủ căn cứ để nghiên cứu về luật hình sự nói chung và hình phạt tử hình nói riêng trong thời kỳ này.

23

* Hình phạt tử hình thời kỳ Bắc thuộc

Thời kỳ này bắt đầu từ thế kỷ thứ II tr.CN (khi Triệu Đà xâm lược nước ta) đến thế kỷ thứ X s.CN (khi Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, năm 938). Đây là thời kỳ nghìn năm Bắc thuộc trong lịch sử Dân tộc ta.

Trong thời kỳ này, pháp luật của nhà nước Trung Quốc phong kiến được áp dụng tại Việt Nam, trong đó có hai bộ luật chủ yếu là Bộ luật nhà Hán (năm 111 tr.CN – 385 s.CN) và Bộ luật nhà Đường (năm 385– 938 s.CN). Mặc dù không có nhiều tài liệu để nghiên cứu về luật hình sự Việt Nam thời kỳ này, nhưng chúng ta có thể khẳng định rằng hệ thống hình phạt “ngũ hình” của luật hình sự Trung Quốc cổ đại đã được áp dụng ở Việt Nam, trong đó có hình phạt tử hình.

* Hình phạt tử hình trong luật hình sự Việt Nam thời kỳ nhà Ngô, nhà Đinh và nhà Tiền Lê (939 – 1010)

Thời kỳ này bắt đầu từ năm 939, sau khi Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, giành lại độc lập hoàn toàn cho đất nước, xưng vương đến năm 1010 – khi Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế.

Trong thời kỳ này, không có bộ hình luật nào được ban hành. Có thể Bộ luật nhà Đường vẫn tạm thời được áp dụng vì hồi đó nước ta mới thoát khỏi sự đô hộ của Trung Quốc [74; tr.41]. Đây là thời kỳ đầu của nền quân chủ phong kiến tự chủ. Để bảo vệ nền thống trị mới được thành lập, trấn áp lực lượng đối địch, gây uy thế cho mình, nhà nước phong kiến đã sử dụng các biện pháp chuyên chính bạo lực với các hình phạt hà khắc. Để răn đe kẻ phản loạn, Đinh Tiên Hoàng đã “đặt vạc dầu ở trước điện, nuôi hổ báo ở trong vườn, tuyên cáo rằng ai phạm tội thì bỏ vạc dầu hoặc cho hổ báo ăn thịt. Dù chưa phải dùng hình phạt ấy nhưng mọi người sợ oai, phép nước được tuân thủ” [75; 61]. Hình phạt đó vẫn được vua Lê Đại Hành duy trì. Đến thời vua Lê Long Đĩnh, với bản chất bạo ngược, tàn ác, lấy việc giết người làm thú tiêu khiển, hình phạt tử hình được áp dụng tuỳ tiện, phổ biến và hết sức man rợ: “Vua tính hiếu sát, phàm người bị hành hình, hoặc sai lấy cỏ gianh quấn vào người mà đốt, để cho lửa cháy gần chết, hoặc sai kép hát người nước Tống là Liêu Thủ Tâm lấy dao ngắn, dao cùn xéo từng mảnh, để cho không được

24

chết chóng… Người ấy đau đớn kêu gào thì Thủ Tâm nói đùa rằng: “Nó không quen chịu chết”. Vua cả cười. Đi đánh dẹp, bắt được tù thì giải đến bờ sông, khi nước triều rút, sai người làm lao dưới nước, dồn cả vào trong ấy, đến khi nước triều dâng lên, ngập nước mà chết; hoặc bắt trèo lên ngọn cây cao rồi chặt gốc cho cây đổ, người rơi xuống chết... Có lần vua đi đến sông Ninh, sông ấy nhiều rắn, vua sai trói người vào mạn thuyền, đi lại giữa dòng muốn cho rắn cắn chết… Vua róc mía lên đầu sư Quách Quang, giả vờ nhỡ tay bổ dao vào đầu sư bị thương chảy máu rồi cả cười” [34; tr.242]Nhận xét về pháp luật thời kỳ này, các sử gia cho rằng đây là chính sách “bàn tay sắt” của một quân vương độc tài vừa dẹp xong nội loạn, muốn thị uy để củng cố quyền lực. Vì thế chỉ nên coi đây như những biện pháp cá biệt, nhất thời, không phản ánh hoàn toàn nền hình luật [74; tr.41].

* Hình phạt tử hình trong luật hình sự thời kỳ nhà Lý (1010 – 1225)

Năm 1010, Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu là Thuận Thiên, lập nên triều đại nhà Lý. Trong thời kỳ này, quyền thống trị của giai cấp phong kiến đã được thiết lập, tổ chức cai trị có quy củ hơn. Tuy nhiên, do quan lại vẫn giữ cách làm tuỳ tiện cũ nên tình trạng xét xử oan sai ngày càng nhiều.

Để củng cố quyền lực của mình, ổn định tình hình xã hội, năm 1042, Lý Thái Tông sai trung thư sảnh san định luật lệnh, châm chước cho thích dụng với thời thế, chia ra muôn loại, biên thành điều khoản, lập ra Hình thư - đây là bộ luật thành văn đầu tiên của nước ta. Hiện nay, bộ luật này không còn vì khi nhà Minh đô hộ nước ta (1407 – 1427) đã thu nhiều sách quý, trong đó có bộ Hình thư đem về Kim Lăng, Trung Quốc tiêu huỷ. Tuy nhiên, qua một số chiếu chỉ do các vua Lý ban hành vào thời kỳ này chúng ta có thể thấy được một số quy định của triều đại này về hình phạt tử hình: Nhà Lý xử nghiêm đối với các hành vi ảnh hưởng đến uy quyền và sự tồn vong của Hoàng tộc như cấm bọn hoạn quan tự tiện vào trong cung, ai phạm thì bị tội chết; nếu canh giữ không cẩn thận để cho người khác vào trong cung cũng bị tội chết; kẻ nào vào trong hành lang chứa khí giới của đô phụng quốc vệ thì bị xử tử; lính phụng quốc vệ trong hành lang ấy không có chiếu chỉ mà tự tiện mang khi giới đi quá ra ngoài phía đầu hành lang thì bị xử tử… Cách thức thi hành hình phạt tử hình của nhà Lý cũng tàn khốc: người phạm tội bị cắt thịt, róc

25

xương ở chợ, hoặc bị đưa lên “ngựa gồ” – tức là bị đóng vào một tấm bán đưa đi bêu chợ, sau đó mới đem đi tùng xẻo hoặc bị chặt hết chân tay… [63; tr.16].

Mặc dù quy định hình phạt hà khắc như vậy, nhưng trên thực tế, các vua nhà Lý do ảnh hưởng sâu sắc tinh thần từ bi của đạo Phật nên rất hạn chế áp dụng hình phạt tử hình. Điển hình là năm 1096, Lê Văn Thịnh mưu làm phản, nhưng vua Lý Nhân Tông nghĩ Thịnh là đại thần có công, không nỡ giết, đày lên trại đầu Thao Giang. Về việc này, sử thần Ngô Sĩ Liên đã nhận xét: “Kẻ làm tôi [phạm tội] giết vua cướp ngôi mà được miễn tội chết, thế là sai trong việc hình, lỗi ở vua tin sùng đạo Phật” [34; tr.300]. Hay năm 1174, thái tử Long Xưởng thông dâm với cung phi, đáng tội chết, nhưng vua Lý Anh Tông chỉ phế làm thứ dân và bắt giam [34;

tr.346].

* Hình phạt tử hình trong luật hình sự thời kỳ nhà Trần (1225 – 1400)

Năm 1225, Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, khởi nghiệp triều đại nhà Trần; năm 1400, Hồ Quý Ly tiếm vị, vương nghiệp nhà Trần chấm dứt.

Trong thời kỳ này, có hai bộ hình luật được ban hành dưới đời vua Trần Thái Tông (bộ “Quốc triều thống chế”) và Trần Dụ Tông (bộ “Hình thư”). Giống như bộ luật triều Lý, hai bộ luật này cũng đã bị quân Minh mang về Kim Lăng tiêu huỷ.

Tuy nhiên, qua các chiếu do các vua Trần ban hành chúng ta thấy hình luật triều Trần nghiêm khắc hơn hình luật triều Lý. Trong số các tội thập ác, hình luật triều Trần quy định tội mưu phản phải chịu hình phạt nặng nhất là bị giết hết thân tộc.

Đối với hành vi trộm cắp hoặc nô tì đi trốn bị bắt lại thì bị chặt hết ngón chân tay và giao cho chủ cũ hay cho voi dầy chết… Khi so sánh tính khoan hồng của hình luật triều Lý với tính ác nghiệt của hình luật triều Trần, các sử gia giải thích: các vua Trần phải đặt ra các hình phạt nặng nề, khắc nghiệt vì nhà Trần thoán đoạt ngôi vua của nhà Lý nên muốn biểu thị uy quyền trong dân gian để củng cố ngai vàng [74; 43].

26

* Hình phạt tử hình trong luật hình sự thời kỳ nhà Hồ (1400 – 1407)

Cuối thế kỷ XIV, vương triều Trần mục ruỗng, thối nát, đất nước lâm vào tình trạng rối ren. Là người có chức vụ cao về quân sự, chính trị, có uy thế lớn trong triều đình, Hồ Quý Ly đã tiếm đoạt ngôi vua của nhà Trần vào năm 1400, lập nên nhà nước Đại Ngu.

Mặc dù chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, nhưng cha con Hồ Quý Ly đã thực hiện một số cải cách quan trọng về kinh tế, chính trị, pháp luật. Năm 1401, Hồ Hán Thương đã “định quan chế và hình luật nước Đại Ngu”. Nếu pháp luật nhà Lý khoan dung, pháp luật nhà Trần nghiêm khắc hơn, thì đến triều đại nhà Hồ, pháp luật hình sự hà khắc, nặng nề hơn các triều đại trước đó rất nhiều. Để khôi phục kỷ cương và củng cố uy quyền, bảo vệ tiền giấy mới được phát hành, nhà Hồ quy định: kẻ làm tiền giả bị tội chết, ruộng đất, tài sản bị tịch thu; cấm tuyệt tiền đồng, không được chứa lén, tiêu vụng, kẻ nào vi phạm cũng bị trị tội như làm tiền giả.

Năm 1399, Hồ Quý Ly sai Trần Ninh đốc suất người phủ Thanh Hoá trồng tre gai vây quanh làm toà thành lớn bọc phía ngoài, dân chúng ai lấy trộm măng thì bị xử tử. Cũng năm này, Trần Khát Chân mưu giết Quý Ly không thành, tất cả 370 người gồm liêu thuộc, thân thích đều bị giết, tịch thu gia sản, con gái bắt làm nô tì, con trai từ 1 tuổi trở lên hoặc bị chôn sống, hoặc bị dìm nước chết [35; tr.209-210].

Năm 1402, Nhân sĩ Nguyễn Bẩm dâng thư cho rằng Hồ Quý Ly nên nhường ngôi lui về Kim Âu, Hồ Hán Thương lên làm thượng hoàng, thái tử Nhuế lên ngôi vua.

Hồ Quý Ly cho là Nguyễn Bẩm chỉ trích nhà vua, sai đem chém. Năm 1403, Hồ Hán Thương sai giết người phương thuật là Trần Đức Huy, xử tội lăng trì… [35;

tr.218]. Mặc dù chỉ tồn tại một thời gian ngắn, nhưng nhà Hồ đã thi hành chính sách hình sự vô cùng khắc nghiệt, hình phạt tử hình được áp dụng tràn lan, mang tính trấn áp, “thị uy”, làm cho lòng dân oán hận.

* Hình phạt tử hình trong luật hình sự thời kỳ nhà Lê (1428 – 1788)

Triều đại nhà Lê trị vì đất nước ta 360 năm, bắt đầu từ khi Lê Lợi đánh bại quân Minh lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu là Lê Thái Tổ (năm 1428) đến khi Lê Chiêu

27

Thống bị nghĩa quân Tây Sơn đánh đuổi, phải chạy sang Trung Quốc cầu cứu (năm 1788).

Bộ luật quan trọng và sáng giá nhất của nhà Lê là “Quốc triều hình luật”

được biên soạn và ban hành dưới triều vua Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức (năm 1470–1497), vì vậy còn gọi là Bộ luật Hồng Đức. Đây là bộ luật được phỏng theo bộ luật nhà Đường, nhưng có nhiều điểm độc đáo, tiến bộ hơn.

Về hình phạt, Bộ luật Hồng Đức cũng đặt ra chế độ ngũ hình là xuy (đòn roi), trượng (đòn gậy), đồ (bắt làm việc nặng nhọc), lưu (đày đi nơi xa), tử (chết).

Trong đó hình phạt tử hình được chia làm ba loại từ nhẹ đến nặng là: giảo (thắt cổ) hay trảm (chém đầu); trảm khiêu (chém bêu đầu) và lăng trì (tùng xẻo). Hình phạt tử hình thường được quy định đối với các tội trong nhóm “thập ác” – đó là các tội xâm phạm đến các quan hệ xã hội quan trọng nhất của chế độ phong kiến như: 1.

Mưu phản (mưu mô làm nguy đến xã tắc); 2. Mưu đại nghịch (mưu phá huỷ tông miếu, lăng tẩm, cung điện của nhà vua); 3. Mưu chống đối (mưu phản nước theo giặc); 4. Ác nghịch; 5. Bất đạo; 6. Đại bất kính; 7. Bất hiếu; 8. Bất mục; 9. Bất nghĩa; 10. Nội loạn. Qua đó ta thấy, bên cạnh việc bảo vệ nghiêm ngặt quyền thống trị của nhà nước phong kiến tập quyền, pháp luật hình sự triều Lê cũng rất coi trọng việc bảo vệ trật tự xã hội phong kiến và hệ tư tưởng Nho giáo.

* Hình phạt tử hình trong luật hình sự thời kỳ nhà Nguyễn (1802-1883) Thời kỳ này bắt đầu từ năm 1802, sau khi đánh bại quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh lên ngôi vua, lấy hiệu là Gia Long, đặt kinh đô ở Phú Xuân (Huế) và kết thúc vào năm 1883, khi nhà Nguyễn ký “Hiệp ước Hoà bình” với thực dân Pháp, thừa nhận Pháp đặt quyền thống trị trên toàn bộ đất nước Việt Nam, đánh dấu sự đầu hàng hoàn toàn của triều Nguyễn. Đây là thời kỳ độc lập của nhà Nguyễn và pháp luật còn chịu ảnh hưởng của Trung Quốc (mặc dù về hình thức, triều Nguyễn còn tồn tại đến năm 1945, nhưng trong giai đoạn sau này hình luật triều Nguyễn đã thay đổi tính chất, chịu ảnh hưởng của hình luật phương Tây).

Sau khi lên ngôi hoàng đế, vua Gia Long đã điển chế lập pháp. Năm 1812, Bộ “Hoàng Việt luật lệ” (hay còn gọi là Bộ luật Gia Long) được ban hành. Đây là

28

Bộ luật gần như được sao chép từ hình thức đến nội dung Bộ “Đại Thanh luật lệ”

của nhà Thanh (Trung Quốc).

Về hình phạt, Bộ luật Gia Long vẫn quy định hệ thống hình phạt “ngũ hình”

(xuy, trượng, đồ, lưu, tử). Đối với hình phạt tử hình, Bộ luật Gia Long vẫn giữ ba hình thức tử hình là chém hay thắt cổ, chém bêu đầu và lăng trì nhưng xử lý nghiêm khắc hơn so với hình luật triều Lê. Ví như tội mưu phản, luật Hồng Đức chỉ quy định chém bêu đầu, trong khi luật Gia Long quy định hình phạt lăng trì [74; 45- 46].

* Hình phạt tử hình trong luật hình sự Việt Nam thời kỳ Thuộc địa (1883 – 1945)

Ngày 01.09.1858, Pháp tấn công bán đảo Sơn Trà, mở đầu thời kỳ chiếm đóng Việt Nam. Sau đó, Thực dân Pháp nhanh chóng chiếm đóng ba tỉnh miền Đông Nam kỳ (1862) và ba tỉnh miền Tây Nam kỳ (1867), đánh ra đất Bắc, buộc triều đình nhà Nguyễn phải ký “Hiệp ước Hoà bình” (1883) và Hiệp ước Patenotre (1884) trong đó quy định Pháp thay mặt triều đình nhà Nguyễn trong mọi quan hệ đối ngoại. Sự kiện này đã mở đầu cho thời kỳ Thức dân Pháp xâm lược và đặt ách thống trị lên đất nước ta. Giai đoạn này kết thúc vào ngày 02.9.1945, khi Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Trong giai đoạn này, thực dân Pháp thực hiện chính sách “chia để trị”, chia đất nước ta ra làm ba kỳ với ba chế độ chính trị, pháp luật khác nhau:

- Nam kỳ là đất thuộc địa, không còn quan hệ phụ thuộc vào triều đình Huế, áp dụng pháp luật hình sự của Pháp (Hình luật canh cải), ngoại trừ trường hợp luật hình sự Pháp chưa dự liệu được thì áp dụng Bộ luật Gia Long.

Để bảo vệ chế độ thực dân và đàn áp phong trào cách mạng của nhân dân Việt Nam, Hình luật Canh cải cũng quy định hình phạt tử hình và thi hành bằng cách chém đầu đối với tất cả các hành vi chống lại thực dân Pháp (Điều 75 Bộ luật này quy định: những người thuộc địa của Pháp quốc hay người bảo hộ của Pháp quốc mà cầm khí giới làm nghịch chống Pháp quốc thì sẽ bị xử tử).

29

- Bắc kỳ là đất “nửa thuộc địa”, đặt dưới quyền cai trị của một viên thống sứ người Pháp. Theo Nghị định ngày 2.12.1921 của Toàn quyền Đông Dương đã cho áp dụng Luật hình An Nam ở Bắc kỳ.

Về mặt nội dung, Hình luật An Nam không khác nhiều so với Hình luật canh cải. Về hình phạt tử hình, hình luật An Nam ngoài việc quy định mọi hành vi chống lại thực dân Pháp đều bị xử tử hình còn quy định thêm: mọi sự biểu lộ ý định lôi kéo nhân dân hay xâm phạm tính mạng nhà vua đều bị xử tử.

- Trung kỳ vẫn duy trì triều đình với danh hiệu “Chính phủ Nam triều”

nhưng thực tế quyền hành nằm trong tay viên Khâm sứ người Pháp là Chủ tịch Hội đồng Bảo hộ Trung kỳ. Về pháp luật, áp dụng Bộ Hoàng Việt hình luật.

Mặc dù ngay trong Điều 1 của Bộ Hoàng Việt hình luật tự nhận rằng: “các thể lệ trong luật này đều là trích lấy trong luật Gia Long và giữ theo những điều lưu truyền của nước Nam, chỉ châm chước sửa lại”, nhưng nội dung thực chất sao chép lại Hình luật canh cải.

Hình phạt tử hình được quy định trong hệ thống hình phạt chính, áp dụng đối với các tội đại hình, nhất là các tội xâm phạm chế độ quân chủ và sự cai trị của thực dân Pháp (các tội xâm phạm đến đức Hoàng đế, Hoàng thân và cuộc trị yên của nhà nước) nhằm vào phong trào yêu nước, đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam. Để phù hợp với truyền thống của người Việt, Hoàng việt luật lệ quy định: tội tử không đem thi hành trong những ngày lễ Vạn Thọ, ba ngày trước và ba ngày sau lễ Nam Giao, tám ngày đầu tháng Giêng Việt Nam, ngày mồng hai, mồng năm tháng Năm, ngày rằm tháng Giêng, tháng Bảy, tháng Tám và tháng Mười, ngày mồng một và năm ngày cuối cùng tháng Chạp [63; tr.78-79].

Như vậy, mặc dù thực hiện chính sách “chia để trị”, nhưng thực chất pháp luật hình sự thời kỳ Thực dân Pháp xâm lược nước ta, trên cả ba miền đều chịu ảnh hưởng nặng nề của pháp luật hình sự Pháp (bộ Hình luật canh cải). Nó là công cụ hữu hiệu để thực dân Pháp và triều đình nhà Nguyễn đàn áp các cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân ta.

Một phần của tài liệu Hình phạt tử hình trong luật hình sự việt nam (Trang 26 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(135 trang)