VÀ ĐỊNH HƯỚNG HOÀN THIỆN
2.1. QUY ĐỊNH CỦA PHẦN CHUNG BLHS 1999 VỀ HÌNH PHẠT TỬ HÌNH VÀ THỰC TIỄN ÁP DỤNG
2.1.1. Điều kiện áp dụng hình phạt tử hình
Với tư cách là hình phạt nghiêm khắc nhất trong hệ thống hình phạt, tước đi quyền sống của người bị kết án, BLHS quy định các điều kiện rất chặt chẽ liên quan đến việc áp dụng hình phạt tử hình.
Điều 35 BLHS 1999 quy định: “Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội, đối với phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội hoặc khi xét xử. Không thi hành án tử hình đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Trong trường hợp này hình phạt tử hình chuyển thành tù chung thân”.
Điều 52 BLHS 1999 quy định: “Đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội, nếu điều luật áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng là không quá 20 năm tù”.
Qua quy định trên của BLHS, chúng ta rút ra các điều kiện áp dụng và thi hành hình phạt tử hình như sau:
* Hình phạt tử hình chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng
Theo quy định tại Điều 8 BLHS: “Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; … Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm
48
gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình”.
Như vậy, trong số các loại tội phạm, hình phạt tử hình chỉ được áp dụng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, hành vi phạm tội có tính nguy hiểm cho xã hội cao nhất, gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội. Nhưng không phải mọi trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng BLHS đều quy định hình phạt tử hình. Trong số 95 tội phạm đặc biệt nghiêm trọng của BLHS 1999, chỉ có 29/95 (31%) tội phạm có quy định mức cao nhất của khung hình phạt là tử hình. 66/95 (69%) các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng còn lại, BLHS không quy định hình phạt tử hình thì tuyệt đối không được áp dụng. Với tư cách là một loại hình phạt “đặc biệt”, tử hình chỉ được áp dụng khi nó được quy định trong phần chế tài của điều luật. Điều 47 BLHS quy định: “Khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1 Điều 46 của Bộ luật này, Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật; trong trường hợp điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất của điều luật, thì Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn”. Vậy nên, nếu điều luật đó không quy định hình phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn, chúng ta vẫn có thể áp dụng các loại hình phạt này khi có đủ các căn cứ theo quy định tại Điều 47. Nhưng tử hình là hình phạt nặng nhất trong hệ thống hình phạt, nên không thể áp dụng Điều 47 để “chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn”. Vì vậy, nếu điều luật áp dụng không quy định hình phạt tử hình thì chúng ta không thể áp dụng.
Trong BLHS, hình phạt tử hình luôn được quy định dưới dạng chế tài lựa chọn (… thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình). Qua đó chúng ta thấy Nhà nước luôn coi việc áp dụng hình phạt tử hình là phương án lựa chọn cuối cùng, khi việc áp dụng các loại hình phạt khác như tù chung thân không phù hợp với tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, không đạt được mục đích phòng ngừa chung và phòng ngừa riêng của hình phạt. Tuy nhiên, căn cứ để
49
áp dụng hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân hay tử hình là một vấn đề rất phức tạp mà trong BLHS chưa thể hiện được.
Trong thực tiễn xét xử, ngay từ đầu thập niên 1970, Toà án nhân dân tối cao đã chú trọng đến việc hướng dẫn áp dụng hình phạt tử hình. Trong Bản tổng kết số 452-HS2 ngày 10.8.1970, Toà án nhân dân tối cao đã tự đặt câu hỏi: “Khi nào thì có thể và nên áp dụng mức hình phạt tối đa (tử hình)?”. Trả lời câu hỏi này, Toà án nhân dân tối cao đã hướng dẫn: “Tử hình là hình phạt đặc biệt, chỉ áp dụng trong những trường hợp hết sức cá biệt…”. Đó là những trường hợp phạm tội như: tập trung nhiều tình tiết tăng nặng (không kể các tình tiết tăng nặng bình thường, phần lớn có đến vài ba tình tiết tăng nặng đặc biệt); không có tình tiết giảm nhẹ hoặc không có tình tiết giảm nhẹ đáng kể [64; tr.38].
Đến Báo cáo tổng kết công tác ngành Toà án năm 1975, Toà án nhân dân tối cao một lần nữa lưu ý: “Tử hình là một loại hình phạt đặc biệt thường có thể áp dụng đối với những tên phản cách mạng, lưu manh chuyên nghiệp, phần tử xấu cướp của, giết người, hiếp dâm, phạm tội với những tình tiết rất nghiêm trọng, can phạm là phần tử nguy hiểm bậc nhất cho an ninh chính trị và cho xã hội. Còn đối với nhân dân lao động phạm tội về kinh tế và trị an, hình phạt này phải hạn chế.
Trong những trường hợp phạm tội có tập trung nhiều tình tiết đặc biệt nghiêm trọng, không có tình tiết đáng chiếu cố giảm nhẹ hình phạt, can phạm là phần tử độc ác và thật nguy hiểm cho xã hội và phải xử với mức án tối đa như vậy mới đáp ứng được đầy đủ yêu cầu phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ kinh tế, bảo vệ trật tự trị an xã hội và yêu cầu của quần chúng nhân dân” [65; tr.70]. Đây là những trường hợp phạm tội “hết sức cá biệt”, mang tính chất đặc biệt nghiêm trọng mà việc áp dụng hình phạt tù chung thân đối với người phạm tội không đạt được mục đích giáo dục, cải tạo người phạm tội, không có tác dụng ngăn ngừa họ phạm tội mới và giáo dục mọi người ý thức tôn trọng pháp luật. Trong trường hợp này, không còn cách nào khác, Nhà nước buộc phải áp dụng hình phạt tử hình.
Qua cách thức quy định hình phạt tử hình trong những chế tài lựa chọn của BLHS và thực tiễn công tác xét xử của ngành Toà án trong những năm qua, chúng ta thấy chỉ những người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, BLHS có quy định hình
50
phạt tử hình và trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng như đã nêu trên mới bị áp dụng hình phạt này. Để đánh giá hành vi phạm tội có thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng hay không, chúng ta cần căn cứ vào:
o Tính chất của quan hệ xã hội bị xâm hại;
o Tính chất của hành vi khách quan, trong đó bao gồm cả tính chất của phương pháp, thủ đoạn, công cụ, phương tiện phạm tội;
o Mức độ thiệt hại gây ra hoặc đe doạ gây ra cho quan hệ xã hội bị xâm hại;
o Tính chất và mức độ lỗi;
o Động cơ, mục đích của người có hành vi phạm tội;
o Hoàn cảnh chính trị, xã hội lúc và nơi hành vi phạm tội xảy ra;
o Nhân thân người phạm tội;
o Những tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng trách nhiệm hình sự khác…
Trên cơ sở các căn cứ nêu trên, chúng ta sẽ xem xét, đánh giá hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng mà BLHS quy định hình phạt tử hình đó có thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng hay không, từ đó cân nhắc việc áp dụng hình phạt tử hình.
* Các đối tượng BLHS quy định không áp dụng hình phạt tử hình
- Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội Trong luật hình sự, Nhà nước quy định chính sách xử lý riêng đối với người chưa thành niên phạm tội (từ Điều 68 đến Điều 77 BLHS). Quy định này xuất phát từ đặc điểm thể chất, tâm – sinh lý của người chưa thành niên. Họ là những người có trình độ nhận thức và kinh nghiệm sống hạn chế, thiếu điều kiện và bản lĩnh tự lập, khả năng tự kiềm chế chưa cao. Họ có xu hướng muốn tự khẳng định mình, được nhìn nhận và đánh giá cao, được đối xử và tôn trọng như một người đã trưởng thành. Họ cũng là người dễ tự ái, tự ti, hiếu thắng, thiếu kiên nhẫn, xốc nổi, nhiều hoài bão, phi thực tế; dễ bị kích động, lôi kéo vào những việc làm có tính phiêu lưu,
51
mạo hiểm; dễ bị tổn thương, dễ thay đổi, thích nghi với môi trường mới, dễ uốn nắn… Qua các đặc điểm tâm sinh lý đó, chúng ta thấy nổi bật hai khuynh hướng: 1.
Họ dễ bị người khác kích động, dụ dỗ, lôi kéo, thúc đẩy vào con đường phạm tội và chịu sự tác động mạnh mẽ của môi trường sống; 2. Họ là người dễ uốn nắn, có nhiều khả năng cải tạo, giáo dục trở thành người có ích cho xã hội [30; tr.240].
Xuất phát từ đặc điểm tâm – sinh lý trên của người chưa thành niên phạm tội, Điều 69 BLHS quy định nguyên tắc xử lý riêng đối với nhóm người này: việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Trong mọi trường hợp điều tra, truy tố, xét xử hành vi phạm tội của người chưa thành niên, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải xác định khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm… Việc truy cứu trách nhiệm hình sự và áp dụng hình phạt đối với họ chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết.
Tử hình là một loại hình phạt đặc biệt, chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và khi người phạm tội không còn khả năng cải tạo giáo dục.
Người chưa thành niên là người dễ bị tác động, chi phối, ảnh hưởng bởi môi trường sống25, vì vậy xã hội cũng có một phần trách nhiệm do còn thiếu sót trong quản lý giáo dục những người ở lứa tuổi này; đồng thời họ là người dễ uốn nắn, cải tạo giáo dục trở thành người có ích cho xã hội, nên không “cần thiết” áp dụng hình phạt nghiêm khắc như tử hình đối với họ.
Điều 6.5 Công ước quốc tế về các quyền Dân sự, chính trị, 1966 quy định:
“Không được phép tuyên án tử hình đối với người phạm tội dưới 18 tuổi”. Điều 37 Công ước quốc tế về quyền trẻ em26, 1989 cũng quy định: “Những người dưới 18 tuổi nếu gây ra những hành động phạm pháp sẽ không bị xử tử hình”. Trên cơ sở các điều ước quốc tế này, pháp luật hình sự của hầu hết các quốc gia trên thế giới
25 Ông Robert Cloninjer, nhà tâm lý học thuộc Đại học Washington (Mỹ) đã nghiên cứu 1.500 trẻ em và nhận thấy: Ở những trẻ mà bố mẹ có tiền án tiền sự, nếu sống trong môi trường tương đối tốt, tỷ lệ phạm tội là 12%; nếu sống trong môi trường không lành mạnh, tỷ lệ phạm pháp tăng vọt tới 40% (Tội ác có khả năng di truyền?, Website: http://vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2006/09/3B9EE2A1/).
26 Công ước này đã được Chính phủ Việt Nam phê chuẩn ngày 20.02.1990 và có hiệu lực ngày 02.9.1990.
52
đã xoá bỏ hình phạt tử hình đối với người phạm tội dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, theo thống kê của Tổ chức Ân xá quốc tế, từ năm 1990 đến nay, vẫn có một số quốc gia thi hành hình phạt tử hình với đối tượng này, như: Trung Quốc, Cộng hoà dân chủ Congo, Iran, Pakistan, Yemen, Nigeria, Saudi Arabia và Mỹ27.
Ở Việt Nam, ngay từ năm 1970, trong Bản tổng kết số 452-HS2 của Toà án nhân dân tối cao về thực tiễn xét xử loại tội giết người đã hướng dẫn: “Đối với tất cả các loại can phạm này (can phạm là vị thành niên) nói chung không nên áp dụng mức án tử hình”. Đến BLHS 1985, kế thừa tư tưởng nhân đạo trên và cụ thể hoá nội dung Công ước quốc tế về các quyền Dân sự, chính trị 196628, Điều 27 quy định: “Không áp dụng tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội”. Và quy định này đã được tái khẳng định trong Điều 35 và Điều 69 BLHS 1999.
Điều 12 BLHS quy định: “1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm; 2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”. Như vậy, mức tuổi tối thiểu phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS Việt Nam là “người từ đủ 14 tuổi trở lên”. Điều 18 Bộ luật dân sự 2005 quy định: “Người chưa đủ 18 tuổi là người chưa thành niên”. Từ những quy định trên, chúng ta kết luận: Người chưa thành niên phạm tội là người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 18 tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, thì không bị áp dụng hình phạt tử hình.
Cách tính tuổi theo luật định là “đủ 14 tuổi” hoặc “chưa đủ 18 tuổi”, theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/HĐTP/1986 của Toà án nhân dân tối cao, là “tính theo tuổi tròn”. Thí dụ: nếu sinh ngày 01.01.1992 thì đến ngày 01.01.2006 mới đủ 14 tuổi; nếu sinh ngày 01.01.1989 thì từ ngày 31.12.2006 trở về trước là “chưa đủ 18 tuổi”. Nếu trong trường hợp không biết ngày, tháng, năm sinh của bị can, bị cáo, theo hướng dẫn của Công văn 81/CV/2002 của Toà án nhân dân tối cao, chúng ta xác định như sau:
27 Xem Phụ lục 5.
28 Công ước này có hiệu lực ngày 23.3.1976 và Việt Nam gia nhập ngày 24.9.1982.
53
“a- Nếu xác định được tháng cụ thể, nhưng không xác định được ngày nào trong tháng đó thì lấy ngày cuối cùng của tháng đó làm ngày sinh của bị can, bị cáo để xem xét trách nhiệm hình sự đối với bị can, bị cáo;
b- Nếu xác định được quý cụ thể của năm, nhưng không xác định được ngày, tháng nào trong quý đó thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng của quý đó làm ngày sinh của bị can, bị cáo để xem xét trách nhiệm hình sự đối với bị can, bị cáo;
c- Nếu xác định được cụ thể nửa đầu năm hay nửa cuối năm, nhưng không xác định được ngày, tháng nào trong nửa đầu năm hay nửa cuối năm thì lấy ngày 30 tháng 6 hoặc ngày 31 tháng 12 tương ứng của năm đó làm ngày sinh của bị can, bị cáo để xem xét trách nhiệm hình sự đối với bị can, bị cáo;
d- Nếu không xác định được nửa năm nào, quý nào, tháng nào trong năm thì lấy ngày 31 tháng 12 của năm đó làm ngày sinh của bị can, bị cáo để xem xét trách nhiệm hình sự đối với bị can, bị cáo”.
Đây là chính sách khoan hồng của nhà nước đối với người chưa thành niên phạm tội. Vì vậy, nếu tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, họ đủ 14 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi và khi xét xử họ đã đủ 18 tuổi thì vẫn được áp dụng chính sách khoan hồng này.
- Không áp dụng hình phạt tử hình đối với phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội hoặc khi xét xử.
Khoa học chứng minh rằng: trong tình trạng mang thai, nội tiết tố (hoóc- môn) của phụ nữ có sự biến đổi làm ảnh hưởng đến tâm - sinh lý của họ, làm cho họ bị rối loạn cảm xúc, có cảm giác lo lắng, bất an, dễ nóng nảy, cáu giận, bị trầm cảm… “Đôi khi thai nghén kèm theo loạn cảm kéo dài. Trong lúc thai nghén, bệnh tâm thần phân liệt có thể xuất hiện” [38; tr.179]. Ngay cả khi đã sinh con, tâm lý của người mẹ cũng có sự biến đổi đáng kể. Theo chuyên viên tâm lý Lê Minh Công (Phó trưởng khoa Tâm lý lâm sàng, Bệnh viện Tâm thần T.Ư 2, Biên Hoà, Đồng Nai): Hơn 5% bà mẹ sau khi sinh rơi vào trạng thái trầm cảm và có các rối loạn tâm
54
thần [16]. Bên cạnh đó là những xáo trộn trong sinh hoạt và môi trường gia đình, làm giảm khả năng kiểm soát và điều khiển hành vi của người mang thai và người mới sinh con. Vì vậy, đôi khi vì những lý do nhỏ nhặt có thể làm cho họ bị mất bình tĩnh nên phạm tội, ảnh hưởng đến mức độ lỗi của họ. Khi quy định và áp dụng hình phạt đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con nhỏ, nhà nước cần cân nhắc đến yếu tố này để có đường lối xử lý phù hợp.
Đồng thời, khoa học ngày nay cũng chứng minh rằng, ngay từ khi còn trong bụng mẹ, bào thai đã có khả năng giao tiếp; tâm lý của người mẹ mang thai sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bình thường về thể chất, tâm lý, tình cảm, trí tuệ của đứa trẻ sau này (các bác sĩ ngày nay thường khuyên các bậc cha mẹ cần nói chuyện với bào thai từ tháng thứ sáu, cho thai nghi nghe nhạc cổ điển…). Và khi đã sinh ra, trong những năm đầu đời, vai trò của người mẹ đối với trẻ là vô cùng quan trọng mà không ai có thể thay thế được; trẻ cảm nhận được và bị ảnh hưởng trực tiếp bởi tâm trạng của người mẹ. Vì vậy, nếu người mẹ luôn lo lắng về bản án tử hình sẽ được áp dụng hoặc thi hành đối với mình thì tâm lý đó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tâm sinh lý của trẻ sau này. Hơn nữa, nếu ngay từ khi sinh ra, trẻ đã thiếu vắng sự chăm sóc của mẹ là một thiệt thòi lớn mà không gì có thể bù đắp được. Trong khi đó, bản thân những đứa trẻ này vô tội, chúng cũng có quyền được hưởng tình thương yêu, chăm sóc, dưỡng dục của mẹ như bao đứa trẻ khác. Vì vậy, chúng ta không vì những lỗi lầm của người lớn (dù người đó là mẹ của đứa trẻ) mà tước quyền thiêng liêng này của trẻ.
Dựa vào cơ sở khoa học và thể hiện chính sách hình sự nhân đạo sâu sắc đối với bà mẹ và đặc biệt là trẻ em, ngay từ khi ban hành BLHS 1985, Nhà nước ta đã quy định: không áp dụng hình phạt tử hình đối với phụ nữ có thai khi phạm tội hoặc khi bị xét xử. Đến BLHS 1999, Nhà nước vẫn giữ quy định này, đồng thời mở rộng phạm vi không áp dụng hình phạt tử hình đối với phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội hoặc khi bị xét xử. Như vậy, BLHS 1999 cấm áp dụng hình phạt tử hình đối với phụ nữ trong những trường hợp sau:
o Phụ nữ đang có thai tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội;