VÀ ĐỊNH HƯỚNG HOÀN THIỆN
2.3. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ NHẰM HOÀN THIỆN CÁC QUY ĐỊNH
2.3.2. Hoàn thiện quy định của Phần các tội phạm BLHS về hình phạt
Định hướng hoàn thiện các quy định của BLHS Phần các tội phạm về hình phạt tử hình được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu đặc điểm, mục đích, cơ sở lý luận và thực tiễn của việc quy định và áp dụng hình phạt tử hình, quán triệt chủ trương của Đảng: “Hạn chế áp dụng hình phạt tử hình theo hướng chỉ áp dụng đối với một số ít loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng” [4]. Theo quan điểm của tác giả, trong giai đoạn hiện nay, chúng ta chỉ cần duy trì hình phạt tử hình đối với một số tội đặc biệt nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của con người và một số tội phạm đặc biệt nguy hiểm khác xâm phạm nghiêm trọng đến hoạt động bình thường của bộ máy nhà nước, các tội phạm mà tất cả các quốc gia đang tập trung đấu tranh phòng chống, bị xã hội cực lực lên án.
Đối với các tội phạm đề nghị xoá bỏ hình phạt tử hình, chúng ta cần cân nhắc trên cơ sở các tiêu chí sau:
- Các tội phạm về kinh tế, chỉ xâm phạm đến tài sản và có khả năng thu hồi các tài sản này; đồng thời nếu áp dụng hình phạt tử hình sẽ gây khó khăn cho việc thi hành án dân sự, không đảm bảo được quyền lợi của người bị hại, nguyên đơn dân sự…
- Các tội phạm mà các cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể kiểm soát được tình hình tội phạm, hạn chế được tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội đó;
- Các tội phạm trong thực tế rất ít khi xảy ra, hoặc tuy có xảy ra nhưng do sự chuyển biến của tình hình kinh tế, chính trị, xã hội… đã làm giảm tính nguy hiểm của hành vi phạm tội và trên thực tế nhiều năm qua Toà án không áp dụng hình phạt tử hình;
- Các tội phạm mà nhiều nước trên thế giới không quy định hình phạt tử hình hoặc đang có xu hướng xoá bỏ hình phạt tử hình [6; tr.28];
94
- Các tội phạm được sự ủng hộ cao của dư luận xã hội nếu xoá bỏ hình phạt tử hình.
Trên cơ sở đó, tác giả kiến nghị xoá bỏ hình phạt tử hình đối với các tội phạm sau:
* Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 136 BLHS 1999)
Các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong thời gian qua diễn biến phức tạp, tài sản bị lừa đảo có giá trị đặc biệt lớn, có khi lên đến hàng nghìn tỷ đồng (vụ án Epco-Minh Phụng, tài sản chiếm đoạt trị giá trên 3.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, những bị cáo phạm tội này chủ yếu do xuất phát từ lòng tham, muốn làm giầu một cách nhanh chóng; trong các mối quan hệ gia đình, xã hội, bị cáo thông thường vẫn là người tốt, sống có trách nhiệm, nhân ái, yêu thương đồng loại; có thể cải tạo, giáo dục được. Ngoài ra, người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản chỉ nhằm chiếm đoạt được tài sản, giống như tội cướp giật tài sản, trộm cắp tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản… Trong khi các tội phạm này quy định mức hình phạt cao nhất là tù chung thân, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định hình phạt tử hình là không công bằng. Thậm chí, nếu xét tính nguy hiểm thì hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản không nguy hiểm bằng hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Vì ngoài xâm phạm quyền sở hữu, hành bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản còn xâm phạm quyền nhân thân của người bị hại. Việc nhà làm luật quy định mức hình phạt cao nhất của tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là tù chung thân, lừa đảo chiếm đoạt tài sản là tử hình là bất hợp lý.
Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản xâm phạm quan hệ sở hữu, gây thiệt hại về tài sản, có thể khắc phục, thu hồi được. Trong nhiều trường hợp, áp dụng hình phạt tử hình đối với người lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ gây khó khăn cho việc thi hành án dân sự, bồi thường thiệt hại cho người bị hại. Người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản xuất phát từ động cơ vụ lợi, nên chúng ta có thể áp dụng các loại hình phạt bổ sung như phạt tiền, tịch thu tài sản để triệt tiêu động cơ phạm tội đó.
Bản thân người phạm tội là người có thể cải tạo, giáo dục được, nên chỉ cần cách ly họ ra khỏi xã hội để họ không có khả năng phạm tội mới và có tác dụng phòng
95
ngừa chung. Việc xoá bỏ án tử hình đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được dư luận xã hội ủng hộ47. Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, xóa bỏ hình phạt tử hình đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là phù hợp với tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm và vẫn đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm.
* Nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế
Trong thời gian qua, nền kinh tế nước ta ngày càng ổn định, tốc độ phát triển nhanh, năng lực quản lý kinh tế nâng cao, hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện.
Hơn nữa, trong nền kinh tế thị trường, vai trò quản lý trực tiếp các hoạt động kinh doanh của nhà nước giảm, thay vào đó là các quy luật thị trường điều tiết nền kinh tế. Tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm phạm trật tự quản lý kinh tế ngày càng giảm. Người phạm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế thông thường không phải là người xấu, có khả năng cải tạo giáo dục được. Bên cạnh đó, ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn bị phạt tiền, tịch thu tài sản, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định hoặc bị áp dụng biện pháp tư pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm. Các biện pháp này kết hợp với hình phạt chính, có khả năng triệt tiêu động cơ phạm tội, đạt được mục đích phòng ngừa chung và phòng ngừa riêng của hình phạt. Phần đông dư luận xã hội tán thành việc xoá bỏ hình phạt tử hình đối với các tội phạm kinh tế. Vì vậy, trong nhiều năm qua chúng ta không áp dụng và thi hành hình phạt tử hình đối với các tội phạm này. Việc quy định hình phạt tử hình đối với các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế trong giai đoạn hiện nay không cần thiết, không phù hợp với tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm nên chúng ta cần xoá bỏ [6; tr.29]. Tán thành quan điểm này, ông Nguyễn Quốc Việt, Vụ trưởng Vụ pháp luật hình sự, Bộ Tư pháp nhận định: “Tội phạm kinh tế chưa đáng phải tử hình, vì dù sao đó cũng là những người có phần tốt, có những cống hiến nhất định cho xã hội và ở một góc độ nào đó, họ vẫn còn lương tri”48.
Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế cần xoá bỏ hình phạt tử hình gồm:
47 Trong cuộc thăm dò dư luận của tác giả vào tháng 9.2006, số người ủng hộ việc xóa bỏa án tử hình như sau (sắp xếp theo thứ tự ủng hộ cao nhất đến tấp dần): Tội đưa hối lộ (121 người), Tội buôn lậu (116 người), Tội chống mệnh lệnh (105 người), Tội lừa đảo chiếm doạt tài sản (101 người), Tội nhận hố lộ (70 người), Tội cướp tài sản 962 người), Tội đầu hàng địch (58 người)… (Xem Phụ lục 2, Bảng 2).
48 Ý kiến của ông Nguyễn Quốc Việt – Vụ trưởng vụ Pháp luật hình sự, Bộ Tư pháp, trả lời báo điện tử VietNam Net, ngày 29.4.2004.
96
- Tội buôn lậu (Điều 153 BLHS 1999)
Hành vi buôn lậu chỉ được thực hiện và thực sự nguy hiểm cho xã hội khi nhà nước bảo hộ nền sản xuất trong nước, đánh thuế cao hàng hoá xuất - nhập khẩu, tạo ra sự chênh lệnh về giá cả giữa hàng hoá trong nước và thế giới. Trong bối cảnh hội nhập nền kinh tế quốc tế, với những cam kết giảm thuế, tự do hoá thương mại của AFTA, WTO, hàng rào thuế quan sẽ giảm dần từng bước, mở cửa thị trường, giảm bảo hộ, giá cả hàng hoá trong nước ngang bằng với các nước khác trên thế giới… Hơn nữa, thị trường tín dụng ngày càng mở cửa, thanh toán quốc tế thuận lợi, hành vi buôn bán trái phép tiền tệ qua biên giới được hạn chế. Khi đó, cơ sở kinh tế - xã hội cho hành vi phạm tội buôn lậu bị thu hẹp; tội buôn lậu không còn đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, nên việc áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội buôn lậu không cần thiết và không có tác dụng phòng ngừa tội phạm. Dư luận xã hội tán thành việc xoá bỏ án tử hình đối với tội buôn lậu (trong 29 điều luật quy định hình phạt tử hình, số người đồng ý bỏ án tử hình đối với tội buôn lậu chỉ đứng sau tội đưa hối lộ)49.
- Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 157 BLHS 1999)
Đây là hành vi phạm tội rất nguy hiểm cho xã hội, đe doạ gây thiệt hại về sức khoẻ, thậm chí về tính mạng cho cộng đồng. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, năng lực quản lý chất lượng hàng hoá của các cơ quan chức năng (công an, quản lý thị trường…) được nâng cao; nhiều tổ chức xã hội rất quan tâm đến việc chống hàng giả (Hội bảo vệ người tiêu dùng, Hiệp hội doanh nghiệp…). Cạnh tranh gay gắt, bản thân các công ty sản xuất hàng thật luôn coi trọng các biện pháp chống hàng giả, hàng nhái, thậm chí họ có bộ phận chuyên phát hiện và yêu cầu xử lý hàng giả trên thị trường để bảo vệ uy tín của mình. Người tiêu dùng có nhiều thông tin về hàng hoá, sản phẩm; họ có ý thức cao trong việc bảo vệ sức khoẻ nên rất quan tâm đến chất lượng hàng hoá, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh. Vì vậy, trong thời gian qua, tuy có hành vi sản xuất hàng giả là lương thực,
49 Xem Phụ lục 2, Bảng 2.
97
thực phẩm, thuốc chữa bệnh, phòng bệnh, nhưng chưa đến mức đặc biệt nguy hiểm cho xã hội nên thực tế không ai bị kết án tử hình. Trong tương lai, khi cơ chế quản lý của nhà nước, của doanh nghiệp đối với chất lượng hàng hoá được nâng cao, hiệu quả hơn thì người phạm tội khó có khả năng thực hiện hành vi này. Hơn nữa, nếu chúng ta thi hành án tử hình đối với người phạm tội này thì sẽ rất khó buộc người phạm tội bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng. Vì vậy, việc quy định hình phạt tử hình đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh không còn cần thiết.
- Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả (Điều 180 BLHS)
Khoa học ngày càng phát triển, công nghệ chống làm tiền giả được cải tiến;
người dân có thể trang bị các máy phát hiện tiền giả nhanh, chính xác, dễ dàng sử dụng với giá thành thấp; họ có nhiều thông tin phát hiện tiền thật với tiền giả…
Hơn nữa, trong tương lai, các giao dịch bằng tiền, ngân phiếu, công trái sẽ ngày càng giảm, thay vào đó là các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt và giấy tờ có giá như chuyển khoản, thẻ tín dụng… Vì vậy, cơ sở thực tế cho hành vi phạm tội giảm, tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm chưa đến mức bị kết án tử hình, việc áp dụng hình phạt tù cũng đủ để cải tạo, giáo dục người phạm tội và phòng ngừa tội phạm.
* Các tội phạm về ma tuý
Hiện nay, BLHS quy định các hành vi phạm tội liên quan đến ma tuý với mức hình phạt cao nhất là tử hình gồm: hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuý, tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý.
Sáu loại hành vi phạm tội này có tính nguy hiểm cho xã hội khác nhau: hành vi sản xuất, mua bán trái phép và chiếm đoạt chất ma tuý có tính nguy hiểm cho xã hội cao hơn hành vi tàng trữ, vận chuyển hoặc tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý.
Vì vậy, chúng ta cần phân hoá đường lối xử lý đối với các hành vi phạm tội này sao cho phù hợp với tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm. Theo tác giả, chúng ta nên duy trì hình phạt tử hình đối với hành vi sản xuất, mua bán trái phép hoặc
98
chiếm đoạt chất ma tuý; đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển hoặc tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý (không kèm theo hành vi hoặc mục đích sản xuất, chiếm đoạt hay mua bán) có tính nguy hiểm cho xã hội hạn chế hơn, thực tế những năm qua chưa ai bị kết án tử hình về tội phạm này thì chúng ta nên xoá bỏ hình phạt tử hình, chỉ cần quy định hình phạt tù chung thân đã có khả năng cải tạo, giáo dục người phạm tội và phòng ngừa tội phạm. Nếu người phạm tội thực hiện hành vi này và đồng thời thực hiện hành vi sản xuất, mua bán trái phép, chiếm đoạt chất ma tuý thì chúng ta có thể áp dụng hình phạt tử hình về tội sản xuất, mua bán trái phép, chiếm đoạt chất ma tuý.
Trên cơ sở đó, tác giả kiến nghị sửa đổi Điều 194, 197 BLHS như sau:
- Tách Điều 194 BLHS thành hai tội phạm khác nhau:
Điều 194. Tội mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuý
Tội phạm này, về cơ bản vẫn giữ nguyên như hiện nay, trong khoản 4 vẫn duy trì hình phạt tử hình.
Tội tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma tuý có các dấu hiệu cơ bản giống như Điều 194 BLHS hiện hành. Riêng khung hình phạt cần sửa đổi như sau:
Điều 194a. Tội tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma tuý
1. Người nào tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma tuý, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
2. (…), thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm.
3. (…), thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.
4. (…), thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.
- Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý (Điều 197) quy định các khung hình phạt tương tự như Điều 194a, trong đó xoá bỏ hình phạt tử hình trong khoản 4, quy định mức hình phạt cao nhất là tù chung thân.
* Tội đưa hối lộ (Điều 289 BLHS)
99
Hiện nay ở nước ta, tham nhũng đang là một vấn đề bức xúc trong dư luận, được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng đạt hiệu quả chưa cao, nhất là hành vi nhận hối lộ. Một phần vì người đưa hối lộ không dám tố giác hành vi của người nhận hối lộ. Bởi vì, theo quy định của BLHS hiện hành, hành vi đưa hối lộ bị xử lý nghiêm khắc ngang với hành vi nhận hối lộ, họ có thể phải chịu mức án cao nhất là tử hình. Quy định này thể hiện sự bất hợp lý: hành vi nhận hối lộ nguy hiểm hơn rất nhiều so với hành vi đưa hối lộ; thông thường một người chỉ đưa hối lộ khi bị người có chức vụ, quyền hạn sách nhiễu, vòi vĩnh, để giải quyết nhanh công việc của mình thì buộc họ phải đưa hối lộ. Nếu người có chức vụ quyền hạn làm việc công tâm, theo đúng chức năng, nhiệm vụ, đúng pháp luật, không nhũng nhiễu thì hành vi đưa hối lộ rất ít khi xảy ra. Vì vậy, quy định hình phạt tử hình đối với hành vi đưa hối lộ sẽ làm giảm hiệu quả của công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, làm cho nó rơi vào một vòng luẩn quẩn: người đưa hối lộ sợ bị tử hình nên không dám tố cáo, người nhận hối lộ không bị xử lý nên càng sách nhiễu, vòi vĩnh trắng trợn hơn, người đưa hối lộ lại càng phải đưa nhiều tiền hơn, nguy cơ chịu án tử hình cao hơn và họ càng không dám tố cáo hành vi nhận hối lộ… Hậu quả là tình hình tham nhũng ngày càng trầm trọng. Bỏ án tử hình đối với tội đưa hối lộ sẽ là một giải pháp tốt, tạo động lực cho người đưa hối lộ tố giác tội phạm, nâng cao hiệu quả của công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Thực tế nhiều năm qua, chúng ta có tuyên án tử hình với hành vi đưa hối lộ, nhưng không có người nào phạm tội đưa hối lộ bị thi hành án tử hình. Theo kết quả thăm dò dư luận xã hội của tác giả, trong số 208 người ủng hộ việc duy trì án tử hình nhưng giảm số tội phạm quy định hình phạt tử hình, có 121 người đề nghị bỏ hình phạt tử hình đối với tội đưa hối lộ50. Trong số 29 điều luật có quy định hình phạt tử hình trong BLHS hiện nay, đây là tội phạm được dư luận xã hội đề nghị bỏ án tử hình cao nhất.
Ngoài ý kiến đề nghị bỏ án tử hình đối với tội đưa hối lộ, hiện nay một số người cho rằng nên xoá bỏ hình phạt tử hình đối với cả hành vi tham ô tài sản và
50 Xem Phụ lục 2, Bảng 2.