Tổng hợp hình phạt tử hình với các hình phạt khác

Một phần của tài liệu Hình phạt tử hình trong luật hình sự việt nam (Trang 64 - 67)

VÀ ĐỊNH HƯỚNG HOÀN THIỆN

2.1. QUY ĐỊNH CỦA PHẦN CHUNG BLHS 1999 VỀ HÌNH PHẠT TỬ HÌNH VÀ THỰC TIỄN ÁP DỤNG

2.1.3. Tổng hợp hình phạt tử hình với các hình phạt khác

Khi một người phạm nhiều tội hay có nhiều bản án, trong đó có ít nhất một tội (bản án) bị áp dụng hình phạt tử hình thì Toà án cần tổng hợp các loại hình phạt của các tội (bản án) này với hình phạt tử hình.

Như chúng ta đã biết, tử hình là hình phạt nghiêm khắc nhất trong hệ thống hình phạt, nó tước đi quyền sống là quyền thiêng liêng và quan trọng nhất của người bị kết án. Chính vì vậy, việc áp dụng một số loại hình phạt (cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, tù chung thân) cùng với hình phạt tử hình sẽ không phát huy được tác dụng của cả hình phạt tử hình và các loại hình phạt đó. Trong trường hợp này, chỉ cần áp dụng một hình phạt duy nhất là tử hình thì nhà nước đã đạt được mục đích cao nhất của các loại hình phạt được áp dụng. Khoa học luật hình sự gọi phương pháp tổng hợp hình phạt này là phương pháp “thu hút” vào hình phạt

30 Bản tổng kết số 452-HS2 của Tòa án nhân dân tối cao về tực tiễn xét xử tội giết người, năm 1970 [64;

tr.38].

61

nặng nhất. Điều 50 BLHS quy định: “Khi xét xử cùng một lần một người phạm nhiều tội, Toà án quyết định hình phạt đối với từng tội, sau đó tổng hợp hình phạt theo quy định sau đây: (…) Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tử hình thì hình phạt chung là tử hình”. Điều 51 BLHS quy định về Tổng hợp hình phạt trong trường hợp có nhiều bản án. Đó là trường hợp một người đang chấp hành một bản án mà lại bị đưa ra xét xử về một tội đã phạm trước khi có bản án đó hoặc là về một tội phạm mới thì Toà án phải quyết định hình phạt đối với tội đang xét xử, sau đó tổng hợp hình phạt với bản án trước.

Mỗi hình phạt được quy định và áp dụng trong luật hình sự có điều kiện áp dụng, mục đích và ý nghĩa riêng. Nếu buộc người phạm tội phải chấp hành các loại hình phạt khác (cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, tù chung thân), sau đó mới thi hành hình phạt tử hình thì mục đích áp dụng của tất cả các loại hình phạt này đều không đạt được. Bởi vì các loại hình phạt như: cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, tù chung thân… đòi hỏi phải có thời gian nhất định để chấp hành. Trong khi đó, hình phạt tử hình cần được thi hành sớm để đảm bảo tính răn đe và hiệu quả của hình phạt. Nếu chờ thi hành các loại hình phạt trên xong mới thi hành hình phạt tử hình thì hiệu quả của án tử hình không đạt được. Hơn nữa, hình phạt tù, cải tạo không giam giữ… chỉ áp dụng đối với người phạm tội mà nhà nước cho rằng có khả năng cải tạo, giáo dục được và nhà nước đặt ra mục đích cải tạo, giáo dục người phạm tội này. Trong khi đó, hình phạt tử hình chỉ áp dụng đối với người phạm tội mà nhà nước cho rằng không có khả năng cải tạo, giáo dục được, nếu để họ tồn tại thì sẽ tiếp tục gây nguy hiểm cho xã hội, nên khi áp dụng hình phạt tử hình, nhà nước không thể đặt ra và sẽ không bao giờ đạt được mục đích này. Như vậy, chúng ta không thể cố gắng, nỗ lực, bỏ tiền bạc, công sức của xã hội ra để cải tạo, giáo dục một người mà chúng ta cho rằng không thể cải tạo, giáo dục được; để rồi kết thúc quá trình cải tạo giáo dục này, nhà nước vẫn mang họ ra thi hành án tử hình. Điều đó chẳng khác nào người nông dân trồng cây mà họ biết rõ rằng đó là cây đu đủ đực, qua bao mùa chăm bón, cây không ra trái và họ lại chặt đi. Chưa kể trường hợp trong thời gian chấp hành các loại hình phạt khác (cải tạo không giam

62

giữ, tù có thời hạn, tù chung thân), người bị kết án tử hình với tâm lý “không còn gì để mất”sẽ trở nên hung hãn hơn, tìm mọi cách trốn trại hoặc tiếp tục gây án...

Tuy nhiên, trong BLHS, có một số loại hình phạt, do tính chất đặc thù nên khi áp dụng chung với hình phạt tử hình thì không ảnh hưởng đến mục đích và hiệu quả của việc áp dụng hình phạt tử hình nên chúng ta không tổng hợp với hình phạt tử hình. Điểm đ khoản 1 Điều 50 BLHS quy định: “phạt tiền không tổng hợp với các loại hình phạt khác;các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung”.

Như vậy, nếu một người bị tuyên án phạt tiền và tử hình thì họ phải đồng thời chấp hành cả hai loại hình phạt này.

Trong hệ thống hình phạt của luật hình sự Việt Nam, còn một loại hình phạt khác, tuy nhà làm luật không quy định, nhưng theo quan điểm của tác giả, chúng ta không nên “thu hút” vào hình phạt tử hình - đó là hình phạt cảnh cáo. Cảnh cáo là sự khiển trách công khai của nhà nước đối với người phạm tội nên khi áp dụng hình phạt này không chỉ nhằm mục đích cải tạo, giáo dục người phạm tội mà còn có mục đích phòng ngừa chung đối với xã hội; việc chấp hành loại hình phạt này đơn giản, độc lập, không kéo dài thời gian thi hành và không ảnh hưởng đến hiệu quả và mục đích của việc áp dụng hình phạt tử hình. Vì vậy, chúng ta nên quy định: “Cảnh cáo không tổng hợp với các loại hình phạt khác”, kể cả hình phạt tử hình.

Ngược lại, có hình phạt, tuy BLHS quy định “không tổng hợp với các loại hình phạt khác”, nhưng theo quan điểm của tác giả, chúng ta nên tổng hợp (thu hút) với hình phạt tử hình – đó là hình phạt trục xuất. Trục xuất là “buộc người nước ngoài bị kết án phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”

(Điều 32 BLHS). Thông thường, khi Toà án đã áp dụng hình phạt tử hình đối với người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam thì sẽ không áp dụng hình phạt trục xuất.

Nhưng thực tế vẫn có trường hợp người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam, bị áp dụng hình phạt trục xuất và bản án đã có hiệu lực pháp luật. Nhưng chưa thi hành hình phạt trục xuất thì họ lại bị xét xử về một tội đã phạm trước khi có bản án này hoặc phạm tội mới; trong bản án mới Toà án tuyên phạt tử hình, thì chúng ta cần phải tổng hợp hình phạt trục xuất của bản án trước (thu hút) vào hình phạt tử hình

63

của bản án sau và tuyên hình phạt chung là “tử hình” thì mới đảm bảo sự lôgic và hiệu quả của hình phạt tử hình. Nếu giữ nguyên quy định như hiện nay (“trục xuất không tổng hợp với các loại hình phạt khác” – Điều 50), khi người phạm tội bị áp dụng hai hình phạt là tử hình và trục xuất, chúng ta không thể thi hành hình phạt trục xuất xong rồi tử hình (không đảm bảo tính khả thi) và cũng không thể tử hình xong rồi trục xuất (không thể áp dụng hình phạt đối với người đã chết). Đồng thời chúng ta cũng không thể chỉ tuyên hình phạt chung là tử hình mà không đưa ra căn cứ pháp lý giải thích lý do không áp dụng hình phạt trục xuất đã tuyên.

Với những phân tích trên đây, tác giả đề xuất ý kiến sửa đổi Điều 50 BLHS (tác giả chỉ kiến nghị sửa đổi phần liên quan hình phạt tử hình) như sau:

“Điều 50. Quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội

Khi xét xử cùng một lần, một người phạm nhiều tội, Toà án quyết định hình phạt đối với từng tội, sau đó tổng hợp hình phạt theo quy định sau đây:

1. Đối với hình phạt chính:

…. d. Nếu các hình phạt đã tuyên là cải tạo không giam giữ, trục xuất, tù có thời hạn, tù chung thân, tử hình thì hình phạt chung là tử hình;

đ. Cảnh cáo không tổng hợp với các loại hình phạt khác;

... g. Trục xuất không tổng hợp với các loại hình phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ và tù có thời hạn.”

Một phần của tài liệu Hình phạt tử hình trong luật hình sự việt nam (Trang 64 - 67)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(135 trang)