1.4. Khái quát về hình phạt tù có thời hạn trong pháp luật hình sự Việt Nam
1.4.3. Hình phạt tù có thời hạn sau 1975
Trong giai đoạn này, nước ta ban hành bản Hiến pháp mới vào năm 1980, đánh dấu một bước ngoặt mới trong lịch sử nước ta, nó có ý nghĩa thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam trong giai đoạn mới của cách mạng –
“Nhà nước quản lí xã hội theo pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa”. Sau khi ban hành Hiến pháp, Quốc hội tiếp tục cho ra đời những văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực hình sự như: Pháp lệnh ngày 20/5/1981 trừng trị các tội hối lộ; Pháp lệnh ngày 30/6/1982 trừng trị các tội đầu cơ, làm hàng giả, kinh doanh trái phép… Tuy nhiên, tác giả xin giới hạn nghiên cứu nội dung này ở BLHS năm 1985 – Bộ luật đã đánh dấu sự phát triển cao trong pháp luật hình sự Việt Nam. Có thể nói, đây là Bộ luật đầu tiên quy định đầy đủ và cụ thể nhất về tội phạm, hệ thống hình phạt và các quy định liên quan tính từ thời điểm trước đó đến mốc 1985. BLHS 1985 ban hành ngày 27/6/1985, có hiệu lực vào ngày 01/01/1986 và hết hiệu lực vào thời điểm 00 giờ ngày 01/7/2000 – thời điểm BLHS 1999 có hiệu lực.
Hệ thống hình phạt được quy định tại Điều 21, bao gồm hình phạt chính và hình phạt bổ sung. Trong đó, hình phạt chính bao gồm: Cảnh cáo; phạt tiền; CTKGG, cải tạo ở đơn vị kỉ luật quân đội, TCTH; tù chung thân; tử hình. Hình phạt bổ sung bao gồm: Cấm đảm nhiệm những chức vụ, làm những nghề hoặc công việc nhất định,
GVHD: Th.S MAI KHẮC PHÚC SVTH: NGUYỄN THỊ THÙY cấm cư trú, quản chế, tước một số quyền công dân, tước danh hiệu quân nhân, tịch thu tài sản, phạt tiền khi không áp dụng là hình phạt chính. Như vậy, so với BLHS 1999 thì BLHS 1985 có quy định nhiều hơn một số loại hình phạt như hình phạt cải tạo ở đơn vị kỉ luật quân đội, tước danh hiệu quân nhân.
HPTCTH quy định tại Điều 25 Bộ luật này như sau: “Tù có thời hạn là hình phạt buộc người bị kết án phải bị giam trong thời hạn từ ba tháng đến hai mươi năm. Thời gian tạm giam được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù”. Như vậy, nội hàm của khái niệm hình phạt này tương đương với quy định của BLHS hiện hành tại Điều 33. Tuy nhiên, quy định của BLHS 1985 còn sơ sài hơn, chưa nêu rõ được bản chất của loại hình phạt này. Thêm vào đó, BLHS 1985 chỉ quy định trừ thời hạn tạm giam vào thời hạn chấp hành hình phạt tù, mà không quy định trừ thời hạn tạm giữ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù, đây là một thiếu sót lớn của Bộ luật, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người chấp hành án. Bởi lẽ, tạm giam và tạm giữ tuy khác nhau về thời hạn và đối tượng áp dụng, nhưng đều có điểm chung là tước tự do của người bị giam giữ trong một thời hạn nhất định, để phục vụ cho công tác điều tra, xử lý tội phạm. Vì vậy, cả hai biện pháp trên đều ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người chấp hành án, do vậy cần quy định trừ thời hạn tạm giữ vào thời hạn chấp hành án của người phạm tội. Khắc phục thiếu sót trên của BLHS 1985 thì BLHS hiện hành đã có quy định này.
Trong phần các tội phạm cụ thể, TCTH đóng vai trò quan trọng trong hệ thống hình phạt, bởi lẽ tất cả các tội phạm quy định trong BLHS 1985 đều có quy định về loại hình phạt này. Trong suốt thời gian có hiệu lực từ năm 1986 đến giữa năm 2000 thì BLHS 1985 đã qua bốn lần sửa đổi, bổ sung ở những năm 1989, 1991, 1992 và 1997. Theo đó, có một số tội phạm mới được bổ sung có quy định HPTCTH, và một số tội phạm cũ được sửa đổi giảm mức hình phạt thấp hơn hoặc nâng mức hình phạt tù cao hơn. Cụ thể như sau:
- Trong lần sửa đổi, bổ sung đầu tiên được Quốc hội thông qua ngày 28/12/1989, các nhà lập pháp đã bổ sung thêm Điều 96a – “Tội sản xuất,
GVHD: Th.S MAI KHẮC PHÚC SVTH: NGUYỄN THỊ THÙY tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy”, mức tù lần lượt tăng lên theo khung hình phạt; Nâng mức hình phạt tù cao nhất trong khung tăng nặng của tội giết người quy định tại khoản 2 Điều 101 BLHS 1985 từ mười lăm năm lên hai mươi năm; Giảm mức HPTCTH cao nhất trong khung cơ bản của tội cướp tài sản công dân quy định tại khoản 1 Điều 151 từ mười hai năm xuống còn bảy năm…
- Trong lần sửa đổi, bổ sung thứ hai được Quốc hội thông qua ngày 12/8/1991, các nhà lập pháp đã kế thừa các quy định trước, tiếp tục giảm mức tù cho một số tội phạm cụ thể, như tội tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép (Điều 88 Khoản 1) từ mức ba năm đến mười hai năm xuống còn hai năm đến bảy năm; quy định rõ mức TCTH cho khung tăng nặng của tội hiếp dâm (khoản 4 Điều 112) là từ mười hai đến hai mươi năm; Tăng nặng mức hình phạt tù có thời hạn cao nhất trong khung cơ bản của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân (Khoản 1 Điều 157) từ ba năm lên năm năm…
- Trong lần sửa đổi, bổ sung lần thứ ba được Quốc hội thông qua ngày 22/12/1992, mức TCTH lại được nâng lên ở một số tội như: Tội buôn lậu hoặc vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới (Điều 97) khung cơ bản tăng từ mức một năm đến năm lên hai năm đến bảy năm; Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản xã hội chủ nghĩa (Điều 139) tăng mức TCTH ở khung cơ bản từ sáu tháng đến năm năm lên một năm đến bảy năm…
- Trong lần sửa đổi, bổ sung thứ tư được Quốc hội thông qua ngày 10/5/1997, các nhà lập pháp tiếp tục nâng mức TCTH ở một số tội phạm điển hình, như:
Tội tham ô chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa ở Điều 133, nâng mức tối thiểu TCTH ở khung cơ bản từ một năm lên hai năm, mức tối thiểu ở khung tăng nặng tại khoản 2 từ năm năm đến bảy năm; Bổ sung thêm Điều 134a –
GVHD: Th.S MAI KHẮC PHÚC SVTH: NGUYỄN THỊ THÙY
“Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa” với mức phạt tù ở khung cơ bản từ hai năm đến bảy năm…
Như vậy, trong suốt mười lăm năm có hiệu lực, với những quy định của BLHS 1985 đã thống nhất, tạo cơ sở nền tảng rõ ràng trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Đặc biệt, hình phạt nói chung và TCTH nói riêng đã góp phần không nhỏ vào sự hoàn thiện của pháp luật hình sự nước ta. Đảm bảo ổn định về mặt an ninh trật tự, bảo đảm an toàn xã hội, tiến tới xã hội văn minh, giàu đẹp, sánh vai với các cường quốc năm châu.