CHƯƠNG II: QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM HIỆN HÀNH VỀ CHẾ ĐỊNH HÌNH PHẠT TÙ CÓ THỜI HẠN
2.2. Các quy định chung về hình phạt tù có thời hạn
2.2.6. Án tích và xóa án tích đối với người chấp hành xong hình phạt tù có thời hạn
tù có thời hạn
Án tích được coi là hậu quả pháp lý của việc bị kết án. Đây được xem là một trong những đặc điểm nhân thân xấu của người phạm tội, điều này gây bất lợi cho người phạm tội đã chấp hành án xong, sau khi mãn hạn tù trở về với xã hội, họ sẽ gặp khó khăn khi đi xin việc làm, bởi hồ sơ lí lịch bị vướng vào án tích. Ngoài ra, đây còn được xem là căn cứ để xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm theo quy định tại Điều 49 BLHS – một trong những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự của người phạm tội. Xuất phát từ nguyên tắc nhân đạo, Nhà nước tạo mọi điều kiện cho người phạm tội tái hòa nhập cộng đồng, hướng họ vào con đường làm ăn lương thiện, trở thành những công dân có ích cho xã hội. Quy định xóa án tích cho họ là hoàn toàn hợp lý, bảo đảm quyền và lợi ích của họ một cách tối đa nhất.
Theo quy định tại Điều 63 BLHS: “người được xóa án tích coi như chưa bị kết án và được Tòa án cấp giấy chứng nhận”. Như vậy, kể từ thời điểm được xóa án tích thì người đó được xóa đi hậu quả sau cùng của việc bị kết án, coi như chưa phạm tội, quy định như vậy có ý nghĩa về mặt pháp lý và xã hội rất lớn. Về mặt pháp lý, sẽ tạo hành lang pháp lý cho những chủ thể áp dụng pháp luật hình sự có căn cứ rõ ràng khi giải quyết vụ án, giúp các chủ thể có liên quan có thể giám sát hiệu quả việc áp dụng pháp luật hình sự, giúp hoàn thiện hệ thống pháp luật hình sự về mặt lí thuyết và thực tiễn. Về mặt xã hội, quy định này sẽ giúp người phạm tội có động lực để chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước để sớm được xóa đi án tích.
Theo đó, với các quy định ở chương IX từ Điều 64 đến Điều 66 BLHS thì có ba trường hợp được xóa án tích như sau:
- Đương nhiên xóa án tích (Điều 64 BLHS 1999):
Trường hợp này được hiểu là sau khi hết thời hạn quy định thì án tích của người phạm tội sẽ mặc nhiên mất đi, mà không đòi hỏi phải có quyết định của Tòa án hay một chủ thể nào khác. Theo Điều 64 BLHS hiện hành thì những đối tượng là: người
GVHD: Th.S MAI KHẮC PHÚC SVTH: NGUYỄN THỊ THÙY được miễn hình phạt; người bị kết án không phải về các tội xâm phạm an ninh quốc gia và các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XI và Chương XXIV sau khi chấp hành bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, mà không phạm tội mới trong thời hạn sau: Với người chấp hành HPTCTH thì thời hạn như sau: phạt tù nhưng được hưởng án treo thì thời hạn xóa án tích là một năm; hình phạt tù đến ba năm thì thời hạn xóa án tích là ba năm; hình phạt tù từ trên ba năm đến mười lăm năm thì thời hạn xóa án tích là năm năm; hình phạt tù trên mười lăm năm thì thời hạn xóa án tích là bảy năm.
- Xóa án tích theo quyết định của Tòa án (Điều 65 BLHS 1999):
Trường hợp này áp dụng đối với những người đã bị kết án và đã chấp hành về các tội xâm phạm an ninh quốc gia và các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XI và Chương XXIV BLHS. Xuất phát từ tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội ở những tội này là rất cao, xâm phạm nghiêm trọng đến lợi ích chung của xã hội, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị và đặc biệt là nền hòa bình thế giới. Do vậy, với những người phạm tội này thì không thể cho họ đương nhiên được xóa án tích, mà cần phải xem xét nhiều điều kiện cụ thể như về: tính chất của tội phạm đã thực hiện, nhân thân người phạm tội, thái độ chấp hành pháp luật, thái độ lao động của người bị kết án.
Ngoài ra, họ còn phải bảo đảm điều kiện không phạm tội mới trong thời hạn nhất định sau khi chấp hành xong bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, thời hạn cụ thể như sau: Nếu bị phạt tù đến ba năm thì thời hạn là ba năm; nếu bị phạt tù từ trên ba năm đến mười lăm năm thì thời hạn là bảy năm; nếu bị phạt tù trên mười lăm năm thì thời hạn là mười năm.
Đặc biệt, với trường hợp này, muốn được xóa án tích thì người phạm tội phải làm đơn xin xóa án tích, chứ không mặc nhiên được xóa hoặc một chủ thể nào đó giúp người phạm tội làm đơn xin xóa án tích. Theo quy định tại khoản 2 Điều 65 BLHS hiện hành, nếu đơn xin xóa án tích của người phạm tội lần đầu bị Tòa án bác bỏ thì kết thúc một năm sau mới được xin xóa án tích trở lại, tiếp đến bị bác bỏ lần
GVHD: Th.S MAI KHẮC PHÚC SVTH: NGUYỄN THỊ THÙY thứ hai thì phải kết thúc hai năm sau mới được xin xoá án tích trở lại. Với trình tự, thủ tục khắt khe như vậy sẽ đảm bảo cho việc áp dụng pháp luật đúng đắn, người phạm tội phải có ý thức tuân thủ pháp luật để sớm đủ điều kiện được xóa án tích.
- Xóa án tích trong trường hợp đặc biệt (Điều 66 BLHS 1999):
Với các quy định trong pháp luật hình sự nước ta, thể hiện rõ chính sách nhân đạo và khoan hồng của Nhà nước, nhằm khuyến khích người phạm tội sớm hoàn lương, cải tạo tốt thì Nhà nước có rất nhiều chính sách để tạo động lực cho họ phấn đấu học tập, lao động và cải tạo. Một trong số chính sách đó là quy định về việc xóa án tích trước thời hạn cho người phạm tội. Theo quy định tại Điều 66 BLHS hiện hành: “Trường hợp người bị kết án có những biểu hiện tiến bộ rõ rệt và đã lập công, được cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú đề nghị, thì có thể được Tòa án xóa án tích nếu người đó đã bảo đảm được ít nhất một phần ba thời hạn quy định”. Theo đó, để được xóa án tích trong trường hợp này phải bảo đảm ba điều kiện: người đó đã chấp hành được ít nhất một phần ba thời hạn quy định; người bị kết án có những tiến bộ rõ rệt, đã lập công; được cơ quan, tổ chức nơi họ công tác hoặc chính quyền địa phương nơi họ thường trú đề nghị xóa án tích. Một điểm lưu ý, do luật không quy định đối tượng nào sẽ được áp dụng trường hợp này, cho nên ta mặc nhiên hiểu rằng tất cả các đối tượng ở Điều 64, 65 đều có thể xóa án tích trước thời hạn nếu đủ các điều kiện đã nêu ở trên.
Cách tính thời hạn để xóa án tích
Điều 67 quy định thời hạn xóa án tích đương nhiên và theo quyết định của Tòa án quy định tại Điều 64, 65 BLHS hiện hành phải căn cứ vào hình phạt chính đã tuyên. Theo đó, một người phạm tội có thể bị áp dụng cả hình phạt chính và hình phạt bổ sung, do vậy Tòa án phải căn cứ vào hình phạt chính là loại nào để dựa vào đó tính thời hạn xóa án tích cho chính xác.
Thời hạn để tính xóa án tích sẽ được tính sau khi người bị kết án chấp hành xong bản án hoặc hết thời hiệu thi hành bản án. Theo đó, việc chấp hành xong bản án
GVHD: Th.S MAI KHẮC PHÚC SVTH: NGUYỄN THỊ THÙY bao gồm việc chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung và các quyết định khác của Tòa án. Ví dụ, A 20 tuổi phạm tội cướp giật tài sản quy định ở khoản 1 Điều 136 BLHS, bị Tòa án tuyên phạt tù 4 năm và áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền 10.000.000 đồng. Sau khi chấp hành án xong 4 năm, nhưng A chưa trả 10.000.000 đồng đó thì vẫn chưa xem là A đã chấp hành xong bản án để tính thời hạn xóa án tích cho A.
Trường hợp người bị kết án chưa được xóa án tích mà tiếp tục phạm tội mới, thì thời hạn để tính xóa án tích của tội cũ sẽ được tính lại từ ngày chấp hành xong bản án của tội mới phạm. Với quy định này thể hiện tính nghiêm khắc, giúp răn đe người phạm tội không phạm tội mới sau khi chấp hành án xong. Ví dụ: A 20 tuổi, phạm tội trộm cắp tài sản bị áp dụng hình phạt tù 3 năm quy định tại Khoản 1 Điều 138 BLHS. Theo quy định tại Điểm b khoản 1 Điều 64 BLHS hiện hành thì thời hạn xóa án tích cho A là 3 năm. Sau khi A chấp hành xong bản án được 1 năm, thì A lại tiếp tục phạm tội cướp tài sản quy định tại Điều 133 BLHS bị Tòa án tuyên phạt 7 năm tù giam. Như vậy, theo khoản 2 Điều 67 BLHS thì thời hạn tính xóa án tích cho A về tội trộm cắp tài sản sẽ được tính lại sau khi A chấp hành xong bản án về tội cướp tài sản.