Những nghiên cứu đánh giá ý nghĩa và vận dụng Duy thức học

Một phần của tài liệu Nhận thức luận trong duy thức học (Trang 24 - 31)

1.1. Lƣợc khảo những nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án

1.1.4. Những nghiên cứu đánh giá ý nghĩa và vận dụng Duy thức học

Không trực tiếp bàn về Duy thức học, nhưng một số tác giả với những tác phẩm như: Lối vào nhân minh học [85], Nhân quả đồng thời [35], Trung luận [86], Siêu lý học [101] và Nietzsche và Đạo Phật [66] đã phần nào chỉ ra giá trị của những tư tưởng triết học trong Phật giáo như quan niệm về Vô ngã;

hay trong Lối vào nhân minh học [85] cho thấy Ngài Vô Trước đã chỉ ra trong Tam Tập luận là: “lập tôn, lập nhân, lập dụ, hiệp, kết, hiện lượng, tỷ lượng, chí giáo lượng. Tám năng lập này gần giống tám năng lập của ngài Di - Lặc trong Du - già - sư - địa Luận” [85, tr.37].

Cũng với nỗ lực hiện đại hóa Duy thức học, Thích Tâm Thiện trong Tâm lý học Phật giáo [104], đã cố gắng trình bày theo một cách thức mới, khác hẳn với logic trong lịch sử Duy thức học. Tác giả thể hiện mong muốn giải quyết các vấn đề có tính quy mô rộng lớn của thực tiễn xã hội hơn là giải quyết các vấn đề chuyên môn thuật ngữ. Toàn bộ nội dung của tác phẩm đặt trọng tâm vào khai thác mảng tâm lý học của Duy thức học.

Với Tư tưởng Phật giáo trong triết học của Gilles Deleuze [36], Hồng Dương Nguyễn Văn Hai đã nỗ lực chỉ ra những so sánh giữa triết học Deleuze và Phật giáo. Deleuze đã đối chiếu tư tưởng của Phật giáo với nhiều tư tưởng triết học thời hiện đại như: Heidegger, Bergson, Spinoza, Kant....Chẳng hạn, trong khi bàn về vận động và hình ảnh, Deleuze bắt đầu với sự tóm lược phương pháp phân tích vận động của Bergson nhằm giải thích khái niệm Tất cả là Vô thường. Bergson nhận định: “Bộ máy nhận thức của chúng ta không chỉ là một máy chiếu phim mà còn là một toán học gia tự nhiên. Quả vậy, ngay cả khi sự liên tục được chấp nhận, các giác quan cũng chỉ có thể khêu ra những cảm giác tức thời, và công việc tái tạo lại sự liên tục là phận sự của lý trí” [36, tr.231]. Khác với tư tưởng của Bergson, theo giáo lý Phật giáo: “Thời tục là một cấu tạo, cảm giác tức thời là thực”, “Cảm giác tức thời, theo Trần Na, là một hình thái nhận thức (hay phương cách nhận thức) mệnh danh là hiện lượng... Hiện lượng trực tiếp nhận thức tự tướng bằng cảm giác đơn thuần, Tỷ lượng gián tiếp nhận thức tổng tướng bằng suy luận”; “Hiện lượng là phương cách nhận thức của năm thức đầu tức năm thức cảm giác: thấy, nghe, nếm, ngửi và xúc chạm; sự lượng biết còn trong sát na thứ nhất nghĩa là chưa qua tư duy phân biệt” [36, tr.231 - 232].

Khi đề cập đến thức Alạida của Duy thức, Garma C.C. Chang trong Triết học Phật giáo Hoa nghiêm tông [9] đã đưa ra những phân tích để đối sánh lý thuyết của Hoa Ngiêm Tông, Duy thức và Berkeley: “Từ tâm được dùng trong Hoa Nghiêm cũng như Duy thức có một ý nghĩa rất rộng. Nó cùng một lúc có tính chất tâm lý và siêu hình, luân lý và tôn giáo. Nó là toàn thể tâm lý của con người, bao gồm cả hữu thức và vô thức” [9, tr.271], “Duy thức dường như đi xa hơn Beckeley khi cả quyết rằng thế giới vật lý là một phóng hiện của Alaida, có thể thực sự chuyển hóa, nếu Alaida được chuyển hóa.

Đấng Thần linh biến tại hay Thượng Đế, đấng bao hàm và truyền sức sống cho “thế giới khách quan” của Beckeley rõ ràng là gợi mở cho chúng ta nhớ

đến Alaida của Duy thức. Sự khác biệt giữa Beckeley và Duy thức có lẽ là ở tính có thể tiếp cận, tính có thể biến cải và phương tiện nhận thức Tâm Pháp Giới6” [9, tr.272].

Trong Tinh hoa và sự phát triển của đạo Phật [15], ED. Conze đã chỉ ra sự không đồng nhất trong tiếp cận về Phật giáo của các học giả phương Tây, và đi đến khẳng định: “tư tưởng Phật giáo tràn đầy cái mà ta gọi là tâm lý học.

Nó pha trộn siêu hình và tâm lý học một cách kỳ diệu đến nỗi ở phương Tây, chúng tôi không có một hình thức tư tưởng nào tương đương” [15, tr.29]. Tác giả tiếp tục nhận định, nếu xem Phật giáo là một học thuyết triết học, thì hệ thống triết học này “ngoài tính chất thực nghiệm và sự nhấn mạnh về phương diện tâm lý, tư tưởng Phật giáo còn nghiêng về thứ mà chúng ta có thể gọi là biện chứng pháp” [15, tr.29-30].

Tác phẩm Đại thừa và sự liên hệ với Tiểu thừa [19], Nalinaksha Dutt cố gắng nối liền lại hai dòng tư tưởng Tiểu thừa và Đại thừa, cũng như giúp chúng ta tìm được sự liên tục giữa hai dòng tư tưởng nhiều khi mâu thuẫn và chống đối này. Khi bàn về các cấp độ nhận thức, tác giả đã chỉ ra sự bổ sung của trường phái Đại thừa để hoàn thiện hơn về các cấp độ nhận thức trong triết học Phật giáo: “Từ đời vô thủy, tâm trí của chúng ta quá bị mê hoặc đến nỗi chúng ta không thể nhận thức, trong những ảo tưởng và hình bóng ấy, một cái gì đó hiện hữu hay một cái gì khác, với sự hiểu biết thông thường của chúng ta, chúng ta không thể vượt lên trên biến kế sở chấp, tức là Tục đế của phái Trung quán và các phái khác. Các nhà Duy thức còn thêm một pháp nữa vào biến kế sở chấp, nói rằng biến kế sở chấp được sanh phải y vào một pháp khác, và như vậy phải luôn y tha khởi” [19, tr. 225]. Tóm lại; “Biến kế sở chấp và Y tha khởi liên hệ tới các pháp thế gian, các pháp vô thường, vô ngã và khổ của các nhà Tiểu thừa mà thôi. Còn Viên thành thực liên hệ tới Niết bàn, Tịnh lạc... mà tất cả phiền não và nghiệp chướng được diệt tận” [19, tr.256].

6 Tâm pháp giới – Tâm vũ trụ

Với Biện chứng giải thoát trong giáo lý Trung Hoa [43], Nghiêm Xuân Hồng tập trung so sánh sự khác nhau giữa hai nền văn minh Phương Đông và Phương Tây: “Trong khi Tây - phương nặng về triết - lý, thì Đông - phương thường chỉ nói đến Đạo... Cũng như trong khi nền luận - lý Tây - phương thường căn cứ tỷ lượng, nền nhân minh học của nhà Phật thường nhấn mạnh vào hiện lượng” [43, tr.9].

Không đề cập trực tiếp đến Duy thức học và nhận thức luận trong Duy thức học nhưng những tác phẩm Cốt tuỷ của đạo Phật của tác giả Suzuki [89], Thích Mãn Giác với Nhân bản và nhân bản Phật giáo [31], hay Những thành tựu lẫy lừng trong tâm lý học hiện đại của Pierre. Daco [17], Murray Stein với Bản đồ tâm hồn con người của Jung [88] và Thăm dò tiềm thức của Carl Gustav Jung [48] đã cho tác giả một cách nhìn nhận mới về triết học Phật giáo, về hành trình nhận thức của con người trong sự đối sánh với một số khái niệm của triết học phương Tây. Tác giả Suzuki trong Cốt tủy đạo Phật [89] cho thấy rằng, chính con người, chúng ta, với khả năng nhận thức của mình mới có thể làm cho thế giới lớn lên, và như vậy là cả chúng ta cũng đang lớn dần lên.

Trong Nhân bản và nhân bản Phật giáo [31]: “Phật giáo thừa nhận con người là khổ…, Heidegger, tuy không dùng dứt khoát danh từ như Phật giáo, nhưng cũng cho rằng con người vốn là khổ” [31, tr.293]. “Phật giáo cũng từ những xuất phát điểm tương trợ như xuất phát điểm của triết học Âu tây hiện đại. Tuy nhiên vẫn có khác là trái với Heidegger “khép”, Phật giáo “mở” trong sự khai triển yếu lý nghiệp báo và luân hồi…”, “Phật giáo “mở” cho con người đi đến điểm đồng nhất bản thể thường tịch, trái với Heghen mượn đường lịch sử cho con người tinh thần đi tìm chính điều nó đã mất, để rồi đồng nhất lý tưởng và lý tính, Phật giáo khai thông lộ trình con người quán thức để chuyển thức thành trí, tức là thức đã giác ngộ” [31, tr. 294 – 295].

Tác giả Minh Niệm với tác phẩm Hiểu về trái tim là tập hợp các bài viết bàn về việc ứng dụng tư duy của triết học Phật giáo và Duy thức học

trong đời sống xã hội, được nhiều bạn đọc quan tâm, bởi đến với tác phẩm này, đọc giả đã tìm thấy phần nào sự bình yên nơi tâm của mỗi người, tự điều chỉnh tâm ấy một cách phù hợp với hoàn cảnh, Giáo sư Tiến sĩ Trần Văn Khê trong lời giới thiệu về cuốn sách đã viết: “Có trái tim để yêu thương, nhưng cũng lắm lúc vì trái tim mà đau khổ, và đau khổ vì nội tâm thì không thể dùng những phương thuốc theo Y học” [72, tr. 6].

Những công trình nghiên cứu đã tổng quan trên - là tài liệu tham khảo quý giá, đã có nhiều gợi ý giúp tác giả nhìn thấy những giá trị và ý nghĩa của nhận thức luận trong Duy thức học đối với lý luận nhận thức nói chung và đối với đời sống xã hội; đồng thời gợi mở nhiều vấn đề cho tác giả trong quá trình thực hiện luận án.

1.2. Những kết quả đƣợc kế thừa và những vấn đề luận án tiếp tục nghiên cứu Trên cơ sở tổng quan những nghiên cứu liên quan đến vấn đề Duy thức học và nhận thức luận trong Duy thức học, có thể nhận thấy rằng, việc nghiên cứu những tư tưởng xung quanh trường phái triết học này đã trở thành một dòng chảy liên tục trong lịch sử. Đã có rất nhiều các dịch phẩm, các công trình khảo cứu, luận giải với số lượng rất đồ sộ về Duy thức học, chúng tôi xin đưa ra một số kết luận như sau:

Thứ nhất, sự ra đời của Duy thức học được xem là tiếp thu và phát huy triết lý Đại thừa, đưa tư tưởng Phật giáo có bước tiến mới trong dòng chảy của bản thân nền triết học này. Những tư tưởng căn bản về Duy thức bắt nguồn từ truyền thống của Phật giáo - tức từ thời Đức Phật tại thế. Trong những bộ Kinh còn lưu lại, chúng ta thấy những tư tưởng sơ khai của Duy thức học đã được Đức Phật đề cập. Tuy nhiên, những tư tưởng ấy còn tản mạn, mờ nhạt chứ chưa tồn tại với tư cách là một hệ thống, một tông phái như hệ thống giáo lý của Duy Thức được trình bày sau này.

Thứ hai, Duy thức học ra đời nhằm giải quyết những mâu thuẫn của xã hội đương thời. Đứng trước những xung đột trong tư tưởng của hai trường

phái Tiểu thừa và Đại thừa, Vô Trước và Thế Thân đã lấy giáo lý của Tiểu thừa, đứng trên nền tảng ấy xây dựng giáo lý Đại thừa. Sự kế thừa và phát triển này không chỉ giải quyết được những mâu thuẫn của xã hội đương thời, mà còn góp phần đưa Phật giáo thành khối thống nhất. Sự ra đời của Duy thức học được đặt trong bối cảnh đặc biệt ấy của xã hội Ấn Độ và đây cũng được xem là một nét đặc sắc trong triết học Phật giáo Đại thừa.

Thứ ba, bàn về Duy thức học và nhận thức luận trong Duy thức học, các tác giả đã tập trung luận giải nhiều khía cạnh khác nhau của vấn đề. Cụ thể, những nghiên cứu về nhận thức luận trong Duy thức học đã tập trung vào việc chỉ đối tượng nhận thức, các cấp độ nhận thức, hình thái của nhận thức, vai trò của các giác quan trong quá trình nhận thức hay mối quan hệ giữa chủ thể và đối tượng nhận thức... Những kết luận, nhận định rút ra từ những nghiên cứu này dường như rất mới, rất riêng và đứng trên lập trường tư tưởng của triết học Phật giáo. Việc thừa hưởng một di sản tư liệu khá đồ sộ từ các nhà nghiên cứu đi trước để lại là một thuận lợi, song cũng là khó khăn rất lớn đối với chúng tôi trong quá trình thực hiện đề tài này.

Thứ tư, khi bàn đến các hình thái nhận thức, các công trình trên đã có những phân tích rất mới về đối tượng nhận thức, hình thái nhận thức và các cấp độ của nhận thức… Dường như đây là một cách nhìn và giải quyết rất riêng về nhận thức luận trên lập trường của Duy thức, gợi mở cho người nghiên cứu một cách thức nhìn mới về trường phái triết học này ; Đặc biệt, việc phát hiện ra thức Mạtna và thức Alạida, bổ sung vào hệ thống sáu thức của Phật giáo Nguyên thủy thành Tám thức.

Thứ năm, mặc dù số lượng các công trình nghiên cứu về Duy thức học, nhận thức luận trong Duy thức học và hai tác phẩm Duy Thức Tam Thập Tụng, Bát Thức Quy Củ Tụng rất nhiều, nhưng nhìn chung, các công trình trên đều chủ yếu tập trung vào phân tích và giảng giải các nội dung cụ thể mà ít chỉ ra những tư tưởng triết học trong nó, ít tập trung phân tích và luận giải những vấn

đề của nhận thức luận, cũng như chỉ ra giá trị và ý nghĩa của nó. Những công trình trên chủ yếu mang đậm màu sắc tôn giáo, đứng trên lập trường tôn giáo để giải quyết vấn đề nhận thức. Do vậy, có nhiều kết luận hay, mới mẻ được đưa ra nhưng những kết luận đó có khi bị đóng khung, bị giới hạn trong khuôn khổ chật hẹp, trên lập trường nhận thức của tôn giáo.

Vì vậy, vấn đề đặt ra là, cần nhìn nhận, phân tích và đánh giá nhận thức luận của Duy thức học một cách có hệ thống trên lập trường triết học, thấy được mặt tích cực, hạn chế để từ đó điều chỉnh và phục vụ cho đời sống con người.

Việc tổng quan những công trình nghiên cứu trên đã góp phần gợi mở cho chúng tôi những cách tiếp cận và hướng đi mới trong quá trình làm luận án. Trên cơ sở đó chúng tôi đặt ra nhiệm vụ là: khái quát quá trình hình thành, nội dung và những giá trị căn bản của nhận thức luận triết học Phật giáo, từ đó thấy được bối cảnh và thời điểm ra đời của Duy thức học. Trong quá trình ấy, tác giả sẽ hướng trọng tâm vào tìm hiểu nội dung nhận thức luận Duy thức học và chỉ ra những đóng góp, giá trị, ý nghĩa của nhận thức luận trong Duy thức học.

Tác giả cũng muốn nhấn mạnh rằng, hướng nghiên cứu của luận án này chỉ là một cách tiếp cận - trên bình diện triết học để giải quyết vấn đề nhận thức luận của Duy thức học. Với mục đích nhận thức là để hành động chứ không phải chỉ dừng lại ở những suy luận mang tính hàn lâm, tác giả ý thức được rằng, điều cốt lõi sau khi nghiên cứu luận án là phải vận dụng và thực hành những giá trị tích cực được rút ra từ luận án nhằm phục vụ cho đời sống xã hội của con người trong giai đoạn hiện nay.

Một phần của tài liệu Nhận thức luận trong duy thức học (Trang 24 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(166 trang)