Chương 2: NHẬN THỨC LUẬN, NHẬN THỨC LUẬN PHẬT GIÁO VÀ DUY THỨC HỌC
2.2. Nhận thức luận Phật giáo
2.2.1. Hoàn cảnh ra đời triết học Phật giáo và nhận thức luận trong triết học Phật giáo
Cách Duy thức tông 1000 năm, người Ấn Độ cổ đại đã chứng kiến sự ra đời của một hệ tư tưởng, sau này, đó là Phật giáo. Trải qua hơn 26 thế kỷ, tư tưởng của đạo Phật không những vẫn tồn tại, có ảnh hưởng ngày càng lớn trên thế giới, mà còn được mọi người biết đến với nhiều phát hiện mới mẻ.
Tất nhiên, sự hình thành và phát triển của một hệ tư tưởng bao giờ cũng là sự tiếp thu, kế thừa và phát triển những tư tưởng triết học trước đó, cũng như từ những cuộc đấu tranh, giao thoa giữa các hệ tư tưởng và bối cảnh kinh tế - chính trị xã hội đương thời. Triết học Phật giáo không đi ra ngoài quy luật đó.
Ấn Độ là một quốc gia có một nền văn minh xuất hiện từ rất sớm. Vùng đất phía bắc của tiểu lục Ấn Độ, có hai con sông lớn, sông Hằng và sông Yamuna. Khi mới bắt đầu, hai con sông này là hai dòng riêng lẻ, dần dần, chúng gặp nhau và hợp nhất tại đồng bằng Bắc Ấn. Dư địa và dòng chảy của hai con sông này giúp ta liên tưởng đến sự hình thành tư tưởng Ấn Độ, như
một sự dung hợp của hai luồng tư tưởng khác nhau nhưng rồi tiến sát với nhau và tiếp tục chảy chung một dòng cho đến ngày nay.
Khoảng những năm 1800 đến 1500 trước Công nguyên, Thung lũng Indus bị người Aryan xâm lược từ phía Tây Bắc và sụp đổ. Không lâu sau, nền văn minh của người Aryan dần dần thống trị vùng đất này. Người Aryan mang đến một nền văn minh hoàn toàn khác với văn minh của thung lũng Indus và vùng đất này đã diễn ra một sự tiếp biến nhanh chóng.
Sau khi đã thống trị phần lớn thung lũng Indus, người Aryan bắt đầu chuyển sang sống định cư. Những thành phố bằng đất nung được dựng lên một cách có quy hoạch, được phân chia thành những khu riêng biệt cho người giàu và người nghèo. Đặc biệt, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy chữ viết;
những dự đoán về thiên văn học sơ khai như trái đất có hình cầu và tự xoay quanh trục của nó; về toán học, số đếm được tìm ra… Những đặc điểm nổi bật nhất trong sự phát triển của loài người giai đoạn chuyển từ cuối xã hội nguyên thủy sang xã hội chiếm hữu nô lệ đều được tìm thấy tại đây.
Sự phát triển của đất nước Ấn Độ về kinh tế, đặc biệt là phát minh ra chữ viết, toán học… hay sự phân hóa giai cấp trong xã hội thành người giàu và người nghèo có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự hình thành những tư tưởng triết học thời cổ đại, mặc dù đang còn rất sơ khai.
Chế độ tư hữu xuất hiện, xã hội Ấn Độ dần phân chia đẳng cấp. Để biện minh cho sự thống trị và phân chia đẳng cấp khắc nghiệt, giai cấp thống trị đã xây dựng nên kinh Veda làm tín điều tôn giáo Bàlamôn. Upanisad thuộc kinh Veda được xem là cơ sở lý luận và cũng là công cụ cai trị của đạo Bàlamôn.
Nội dung chủ yếu của Upanisad là nhằm biện hộ, cổ vũ học thuyết duy tâm tôn giáo của kinh Veda, đặc biệt là tư tưởng về cái gọi là - Tinh thần sáng tạo tối cao (Brahman). Bàlamôn giáo cho rằng, chế độ đẳng cấp là sự an bài tự nhiên của một trật tự có sẵn theo luật của thánh.
Đánh giá về giai đoạn này của lịch sử Ấn Độ, Phùng Bộ nhận định:
“Vào khoảng 1500 năm TCN, chế độ công xã nông thôn dần dần tan vỡ thay
vào đó là chế độ công xã thị tộc. Chế độ tư hữu mới dẫn đến sự phân chia đẳng cấp xã hội rất sâu sắc, xã hội Ấn Độ lúc đó được chia thành bốn đẳng cấp… Sự phân chia đẳng cấp theo luật Ma-nu rất nghiệt ngã… gây ra một sự bất an trong nội bộ nhân dân, người ta hoài nghi các luật lệ, tôn ty trật tự mà xã hội đã tạo nên gây cho con người nhiều đau khổ” [7, tr.9-10].
Giữa màn đêm cai trị nghiệt ngã của giai cấp thống trị, xã hội Ấn Độ nảy sinh mâu thuẫn và sự phản kháng của người lao động để đòi tự do và công lý. Chính lúc ấy, triết học Phật giáo xuất hiện. Tuy giáo lý Đức Phật không trực tiếp đề cập những nội dung cụ thể để phản kháng lại những thế lực thống trị, chống lại thần quyền, phản kháng sự phân chia đẳng cấp trong xã hội, nhưng giáo lý ấy giúp con người nhận ra sự bất bình đẳng để hướng dẫn họ xây dựng một xã hội công bằng hơn, đạo đức hơn.
Con người có xu hướng tìm đến sự bình yên trong đau khổ. Đức Phật xuất hiện giữa lúc giai cấp bị trị của Ấn Độ bị áp đặt bởi sự cai trị nghiệt ngã.
Ngài đã cố gắng xây dựng một học thuyết giúp con người nhận thức sự bình đẳng, quay vào nhìn sâu trong Tâm thức để hiểu thấu những gì đang diễn ra xung quanh mình và dùng tâm thức ấy điều chỉnh cuộc sống cho mình và người khác. Con đường này dường như hoàn toàn khác với việc thừa nhận sự tồn tại của một Đấng sáng thế tối cao như sự rêu rao của giai cấp thống trị. Đức Phật nói: “Không cha mẹ, trời đất hay ai làm cho ta cao thượng hay thấp hèn, chỉ có hành động của ta làm cho ta cao thượng hay thấp hèn thôi; không phải ai khác làm cho ta ô nhiễm hay trong sạch, mà chỉ do ta làm cho ta ô nhiễm hay trong sạch mà thôi” [74, tr 148]; “Làn sóng tư tưởng mới khởi động xã hội Ấn Độ thời bấy giờ, người dân thức tỉnh tự nhận định trách nhiệm thiêng liêng của mình, tự đặt mình vào cái thế tự chủ hành động…” [62, tr.11- 12]. Ở đây, Đức Phật bắt đầu chú ý đến hành động và vai trò của việc điều chỉnh hành động trong tiến trình nhận thức.
Để triển khai học thuyết của mình, Đức Phật tập trung gần như mọi sự chú ý của mình vào cuộc sống hiện thực, ít bàn đến những hiện tượng tự nhiên, Ngài muốn tìm cách trả lời câu hỏi, vì sao con người khổ, mặc dù tất cả đều có nguồn gốc và xuất phát điểm giống nhau; làm thế nào để cứu khổ cho con người để rồi họ có một cuộc sống an lạc, hạnh phúc? Cách tiếp cận này hoàn toàn phù hợp với quần chúng, khi mà trình độ nhận thức của họ còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy, đạo Phật thực sự trở thành chỗ dựa tinh thần cho một bộ phận đông đảo quần chúng trong xã hội, nhanh chóng được người dân bị trị ở Ấn Độ tiếp nhận và có một sức lan tỏa rất lớn so với các trào lưu triết học cùng thời.
Mục đích xuyên suốt trong triết học Phật giáo là xác định cho con người một niềm tin, một thái độ sống, hay đi tìm và xác định cái ý nghĩa đích thực của nhân sinh. Vì vậy, nội dung bao trùm và cơ bản trong nền triết học này là những vấn đề về nhân sinh, về đạo đức, về con người và đời người. Để giải quyết những vấn đề này, triết học Phật giáo đã dựa trên cơ sở của lý luận nào, vấn đề nhận thức luận được giải quyết như thế nào để tạo ra tính thống nhất cho toàn bộ nền triết học ấy, bởi trong lịch sử triết học, trường phái tư tưởng nào khi xây dựng được một lý luận nhận thức chắc chắn, đó mới là điều kiện đảm bảo sự tồn tại vững chắc và lâu dài của chính nó.
Nghiên cứu Phật giáo cũng như vậy, nếu như nghiên cứu toàn hệ thống này, phải cần lý giải sáng tỏ vấn đề lý luận nhận thức, từ đó những vấn đề về vũ trụ luận, nhân sinh quan, bản thể luận… của Phật giáo cũng dễ dàng hiểu rõ. Chẳng hạn trong triết học Phật giáo, “Tính không” của bản thể hay tính
“Vô thường, Nhân quả” của thế giới sự vật hiện tượng luôn được nhận thức thông qua mối quan hệ với “Tâm thức”… Vì vậy, việc tách lý luận nhận thức ra để nghiên cứu cũng chỉ có tính tương đối, đi sâu tìm hiểu những nội dung của nhận thức luận Phật giáo cũng chỉ nhằm hiểu rõ hơn những vấn đề của nhân sinh quan, bản thể luận trong nền triết học ấy. Hay nói cách khác, toàn bộ
nội dung nhận thức luận trong triết học Phật giáo chủ yếu được đề cập gắn liền với những vấn đề bản thể luận và nhân sinh quan.
Một điểm cần chú ý nữa, mục đích của nhận thức luận Phật giáo là giác ngộ, là giải thoát con người khỏi sự đau khổ. Vì vậy, bản chất của nhận thức luận Phật giáo là nhận ra bản thể, chân tâm của chính mình để đạt đến sự giác ngộ. Phương pháp nhận thức ấy là phù hợp với mục đích của đạo: giải thoát những đau khổ tinh thần nơi trần thế cho con người. Vì vậy, về thực chất,
“Nhận thức luận Phật giáo là một môn học thuộc bộ phận của triết học Phật giáo, nghiên cứu về nguồn gốc (khởi nguyên), bản thể, phạm vi, giá trị, phương pháp của tâm thức qua quan điểm của Phật giáo” [44].
Quá trình phát triển của triết học Phật giáo thường được chia thành ba thời kỳ chính:
Nguyên thủy Phật giáo, thời kỳ Phật tại thế cho đến sau 100 năm khi Phật nhập Niết bàn.
Phật giáo Bộ phái, đây là thời kỳ phân hóa do bất đồng quan điểm khi luận giảng các tư tưởng của Đức Phật.
Phật giáo Đại thừa, đây là thời kỳ Long Thọ bổ sung và hoàn thiện thêm về tư tưởng bản thể luận với các khái niệm: chân không, bản thể tuyệt đối, sắc không… và Vô Trước, Thế Thân với sự ra đời của Duy thức - bổ sung thêm phần nhận thức luận nhằm lý giải con đường giải thoát, tập trung vào Tâm thức để lý giải quá trình nhận thức trong mối quan hệ giữa chủ thể và khách thể nhận thức.
Tác giả dựa trên sự phân chia của ba giai đoạn này để tiến hành khái quát tư tưởng về nhận thức của Phật giáo qua các thời kỳ phát triển.