Thuyết Tám thức của Duy thức học

Một phần của tài liệu Nhận thức luận trong duy thức học (Trang 75 - 81)

Chương 3: NHẬN THỨC LUẬN TRONG DUY THỨC HỌC - MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN

3.1. Thuyết Tám thức của Duy thức học

Mỗi khi bàn về vấn đề nhận thức, các câu hỏi sau đây thường được đặt ra:

Thứ nhất, nhận thức của con người do đâu mà có?

Thứ hai, bản chất của nhận thức là gì?

Thứ ba, nếu phân loại những gì mình nhận thức được thì tất cả có bao nhiêu đối tượng được nhận biết?

Thứ tư, có bao nhiêu hình thức để nhận thức?...

Những câu hỏi lần lượt được đặt ra song không phải trường phái triết học nào cũng có thể trả lời và trả lời thấu đáo được. Duy thức học Phật giáo thì sao?

Để trả lời cho những câu hỏi này, trước hết, cần tìm hiểu những quan niệm khái quát của Duy thức học qua giáo lý Tám thức.

Con người qua sự khảo sát của Duy thức học là một trong những hiện tượng bao gồm hai yếu tố kết hợp với nhau: phần vật chất và phần tâm thức.

Thân thể con người thuộc về vật chất. Tâm thức gồm Tám thức: Alạida thức, Mạt na thức, Ý thức, Thân thức, Thiệt thức, Tỵ thức, Nhĩ thức, Nhãn thức.

Trong tám thức, Duy thức học chia thành ba phần: Tâm, Ý và thức.

Trong đó, Tâm  Alạida thức  Căn bản thức Ý  Mạtna thức

Thức gồm 6 thức

(Ý thức, Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỵ thức, Thiệt Thức và Thân thức)

Theo Duy thức học, thức thứ tám là Alạida, có tác dụng chính trong việc tàng trữ, bảo tồn và tạo dựng vạn pháp. “A lại da thức: là thức căn bản bao gồm bảy thức trên, còn gọi Năng tàng và sở tàng, vì nó có công năng hàm chứa tất cả pháp hữu vi, vô vi… Nó có khả năng cất chứa hạt giống, tức là những ý tưởng lành dữ, ưa ghét… thức này là cội gốc phát sinh ra muôn pháp” [96, tr.26].

Duy thức Tam Thập Tụng của Thế Thân viết:

“Một thức A lại gia,

Dị thục, nhất thiết chủng” [99, tr.32-33].

Theo Tam Thập Tụng, Alạida thức còn gọi là Dị thục thức “là phần thức năng biến thứ nhất. Alạida có nghĩa là chứa nhóm, tàng trữ…, tự nó có công năng thu thập dung chứa, tàng trữ tất cả mầm móng chủng tử, dù là mầm thiện hay ác” [62, tr.77]. Các sự vật tồn tại đều có chủng tử (hạt giống) của chính mình, những chủng tử đó đều chứa trong Alạida thức. Do những chủng tử chứa trong thức này làm nhân, từ đó mới hiện hành thành quả của tất cả các sự vật.

Alạida thức còn được dịch là Tàng thức với ba tính nghĩa:

1. Năng tàng: là chủ thể dung chứa

2. Sở tàng: là đối tượng được dung chứa hay sự dung chứa

3. Ngã ái chấp tàng: nghĩa là thức này thường bị Mạt na thức chấp làm ngã, như là một đối tượng bản ngã, là cái tôi của nó.

Như vậy, công dụng của Alạida thức là chuyên chứa các hạt giống của tất cả các sự vật hiện tượng, trong đó bao gồm các ảnh tượng, kinh nghiệm, hoạt động, tư duy, khái niệm, tri giác và ngôn từ... sự vật ở ngoài và các thức

7 chuyển thức

trước thu nhận được cái gì thì nó giữ cái đó, nhưng chúng ở dạng ngủ yên, tĩnh lặng. Khi các hạt giống đang ngủ yên trong Tàng thức thì gọi là nhân và sự hiện khởi của nó thì gọi là quả. Những hạt giống (chủng tử) ở trạng thái ngủ yên, khi gặp thuận duyên và hoàn cảnh phù hợp, nó hiện khởi (hiện hành).

Thức thứ bảy là Mạt na thức, “đối tượng của mạtna, là ngã tướng đới chất, phát sinh từ giao thoa, giữa ý và tàng thức” [38, tr.161], là “khả năng bắt lấy chỗ thấy biết, ảnh hưởng trên hai phần nhiễm, tịnh. Hai phần này nương nhau giữ gìn” [96, tr.26]. Duy thức Tam Thập Tụng của Thế Thân viết:

“Hai, đệ nhị năng biến Thức này tên Mạt na Nương kia lại chuyển kia Tư lương làm tướng tánh.

…Là ngã si, ngã kiến

Và ngã mạn, ngã ái” [99, tr.33-34].

Mạt na thức thường đóng vai trò liên kết, là trung gian giữa Alạida thức và Ý thức. Khi Ý thức thu nhận những tín hiệu từ 5 thức giác quan, Mạt na có vai trò chuyển vào Alạida thức, vì thế Mạt na cho rằng toàn bộ những gì ý thức đưa vào cất giữ trong Alạida đều là cái tôi của mình.

Mạt na và Ý thức đều có tên gọi là Ý, vì cả hai thức này đều có tác dụng phân tích, suy luận, nhưng phạm vi của chúng không giống nhau: “Mạt na thức chỉ tư lương17 chấp Alạida thức làm bản ngã. Có nghĩa là tư lự nội tâm mà không tư lự bên ngoài. Đến như ý thức thứ sáu không những tư lự suy tư liên quan nội tâm mà còn tư lự liên quan với các thức bên ngoài” [62, tr.90].

Vì chuyên về chấp thủ, chấp ngã nên Mạt na thường suy xét, nghiền ngẫm về cái ngã tướng của nó (ngã si: quan niệm sai lầm về ngã, ngã kiến: cái thấy sai lạc về ngã , ngã mạn: thái độ tự cho mình hơn người, ngã ái: Yêu bản

17 Tư lương: suy tư và lượng định đối tượng

thân), từ đó dẫn đến những nhận thức sai lầm, những hành vi không tốt đẹp.

Tính chất của Mạt na là luôn cố hữu, so sánh, yêu ghét thiên lệch. Duy thức học cho rằng, nguồn gốc của khổ não, tội lỗi, những nhận thức sai lầm trong đời sống của con người đều xuất phát từ thức này. Thế Thân nhận định: “Khi tu chứng diệt tận định, tâm vương tâm sở của bảy thức trước đều diệt hết… Mạt na thức không còn xuất hiện nữa” [62, tr.94].

“Ba, đệ tam năng biến

Có sáu thứ sai biệt” [99, tr.34-35].

Nhóm năng biến thứ 3 không phải chỉ một như hai thức trước mà gồm một nhóm có 6 thức: Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỵ thức, Thiệt thức, Thân thức và Ý thức.

Trước tiên là Ý thức - là tư tưởng, so sánh, phân biệt và suy luận... Ý thức khi kết hợp với năm thức còn lại (Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỵ thức, Thiệt thức, Thân thức), nhận thức tất cả sự vật, tổng hợp những điều tai nghe, mắt thấy... để nhận biết sự vật. “Ý thức: khả năng tư tưởng, phân biệt hình tướng, cảm xúc, ưa thích, chịu được hay không chịu được…” [96, tr.26]. Thức thứ sáu lấy ý căn của Mạt na làm cơ sở, lấy pháp trần làm đối tượng.

“Nương vào ý làm căn.

Pháp trần làm đối tượng Ý thức được phát sinh

Phạm vi nhận thức rộng” [38, tr.192].

Căn của Ý thức gọi là Ý, tức là cả thần kinh hệ có liên quan đến cái biết, đến trí thông minh. Trần của Ý thức gọi là pháp, tức là sự vật. Một pháp tức là một sự vật. Ý thức nảy sinh bởi hoạt động của ý căn không có hình chất, nó nhận thức đối tượng một cách gián tiếp, vì vậy công năng nhận thức của Ý thức rất phức tạp và rộng rãi.

Năm thức được hình thành từ ngũ giác. Đó là các phạm vi thấy biết qua mắt, tai, mũi, lưỡi và thân thể - là khả năng nhận thức trực tiếp của chủ thể về đối tượng. Ni trưởng Như Thanh viết:

“1. Nhãn thức: khả năng thấy biết sự vật trước mắt.

2. Nhĩ thức: khả năng nghe biết các loại âm thanh xa gần.

3. Tỉ thức: khả năng ngửi biết các mùi thơm, hôi...

4. Thiệt thức: khả năng nếm biết các vị ngọt, đắng…

5. Thân thức: khả năng nhận biết do xúc chạm sinh ra cảm giác nóng, lạnh…Năm thức này được gọi chung là “Tiền ngũ thức” [96, tr.26].

Duy thức học cho rằng, khi mắt chúng ta nhìn, cái mà mắt thấy được gọi là Trần hay Cảnh. Chẳng hạn như khi mắt chúng ta nhìn cành hoa thì mắt chúng ta gọi là Căn, tức là cơ quan hoạt động để thu hình ảnh; cành hoa là Trần hay Cảnh. Cái biết cành hoa là thức của con mắt cùng bộ máy thần kinh não, hay là Nhãn thức. Bát Thức Quy Củ Tụng viết:

“Ngũ thức đồng y tịnh sắc căn” [110, tr.24]

Có nghĩa năm thức trước có được là do nương vào căn (nhãn căn, nhĩ căn, tỵ căn, thiệt căn, thân căn) mà có tên gọi. Như vậy, khi Nhãn căn tiếp xúc với sắc trần làm đối tượng thì phát sinh ra Nhãn thức; Nhĩ căn lấy thính trần làm đối tượng thì phát sinh ra Nhĩ thức; Tỵ căn lấy hương trần làm đối tượng thì phát sinh ra Tỵ thức; Thiệt căn lấy vị trần làm đối tượng thì sản sinh ra Thiệt thức; Thân căn lấy xúc trần làm đối tượng thì sản sinh ra Thân thức.

Xây dựng giáo lý “Tám thức”, Vô Trước và Thế Thân đã có bước tiến xa hơn so với cơ cấu Tâm thức của thời kỳ trước, hai ông đề nghị thiết lập một cơ cấu Tâm thức gồm 8 thành tố gồm:

Sáu thức đầu thường được các luận sư Duy thức ghép chung với nhau để chủ thể nhận thức các cảnh vật của thế giới bên ngoài, từ đó chuyển những

Ý thức Mạt na thức

Alạida Thức

Nhãn thức Nhĩ thức

Tỵ thức Thiệt thức Thân thức

cảm nhận, cái biết này vào thế giới bên trong. Nhưng Ý thức khác với các thức còn lại ở chỗ, nó lấy Mạt na thức làm cơ sở thẩm định những tri thức tiếp nhận bên ngoài vào. Ý thức lấy chấp ngã ở Mạt na để phân biệt, đánh giá, yêu ghét,… Mạt na thức là ý thức nhầm lẫn về cái tôi, cho rằng cái tôi là thật. Nếu Mạt na thức là ý thức của con người về cái tôi thì thức thứ sáu là Ý thức của con người về thế giới xung quanh. Trong tám thức, Alạida thức được xem là thức căn bản nhất và là cội nguồn của các thức còn lại. Thức này được xem như là cái kho chứa đựng các hạt giống của dòng tâm thức. Các thức khi tiến hành quá trình nhận thức sẽ kết hợp các hạt giống này để kiểm tra, đối chiếu và so sánh.

Đi vào nhận thức, các thức không thay thế được chức năng và nhiệm vụ của nhau, song với hoạt động tâm thức, các thức kết hợp nhau cùng nhận thức về đối tượng. Nếu không có năm thức giác quan, Ý thức không có được những thông tin cần về đối tượng để nhận thức. Nếu không có Alạida thức, Ý thức không có những chủng tử thức để so sánh với cái đang nhận thức và nếu không có Mạt na thức thì những chủng tử không thể được đưa ra so sánh, suy luận.

Như vậy về thực chất, Tâm thức là một cấu trúc vận động, tương tác giữa các thức cho chủ thể cái biết về đối tượng trong tính toàn thể.

Trong tám thức, Alạida là thức căn bản, bảy thức trước là chuyển thức. Ví như mối quan hệ giữa nước và sóng của biển. Bản chất của nước là sự vận động lên xuống của sóng. Chúng thật ra là một nhưng biểu hiện ở các trạng thái khác nhau. Sóng chính là nước, nước cũng chính là sóng. Quan hệ phụ thuộc ở đây tạo ra sự tồn tại. Cũng giống như Tám thức, tuy mỗi thức có vai trò khác nhau nhưng xét đến tận cùng, chúng bổ sung cho nhau và làm nên nhau.

Chính việc phân chia rõ ràng và cụ thể vai trò của từng thức trong quá trình nhận thức, giáo lý “Tám thức” đã tìm ra một cách thức riêng, giúp chủ thể xác định những công cụ cần thiết trong quá trình nhận thức thế giới, từ đó chỉ ra, con người phải dựa vào đâu trong cơ chế tâm thức ấy để điều chỉnh hoạt động nhận thức và hành vi sống của mình một cách phù hợp.

Một phần của tài liệu Nhận thức luận trong duy thức học (Trang 75 - 81)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(166 trang)