Tiến trình nhận thức trong Duy thức học

Một phần của tài liệu Nhận thức luận trong duy thức học (Trang 101 - 108)

Chương 3: NHẬN THỨC LUẬN TRONG DUY THỨC HỌC - MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN

3.5. Tiến trình nhận thức trong Duy thức học

Có thể nói, vấn đề quan hệ giữa chủ thể nhận thức và khách thể nhận thức đã được các luận sư Duy thức quan tâm bàn luận. Theo quan điểm của họ, tri

thức (Thức) chủ yếu là kết quả của sự hòa hợp, ăn nhập giữa lục căn và lục trần (thuộc về cảnh). Ðối tượng của nhận thức không thuần túy do chủ thể tạo ra. Cả chủ thể (Kiến phần) lẫn khách thể (Tướng phần) nương vào nhau mà hiện hữu và xuất hiện đồng thời như là đối tượng chuyển hiện của Thức. Quá trình nhận thức phát khởi khi có sự hội tụ các điều kiện chủ quan và khách quan.

Chính vì vậy, các yếu tố chủ quan và khách quan được bàn một cách chi tiết, rõ ràng trong Tám thức, Tam cảnh, Tam lượng và Tam tự tính,… chúng là chìa khóa để tác giả khi đi vào nghiên cứu Duy thức, sử dụng từng loại công cụ, thiết lập một quá trình nhận thức cho Tâm thức.

Mở đầu tác phẩm Bát thức quy củ tụng, Huyền Trang viết:

“ Tánh cảnh hện lượng thông ba tính” [110, tr.11]

Câu tụng đầu tiên bàn về cảnh, lượng và tính của năm thức, khi năm căn (nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, thân) tiếp xúc với năm trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc) thì sản sinh ra năm thức. “Năm thức đồng nương tịnh sắc căn” [109, tr.24] - tức năm thức trước có được là do nương vào các căn để phát sinh sự hiểu biết về sự vật. Đối tượng chủ yếu trong nhận thức của năm thức là năm trần, theo Bát thức quy củ tụng là Tính cảnh - cảnh chân thật, là thật tính của sự vật, cảnh trần ở đây còn nguyên vẹn, chưa hề qua một sát na phân biệt nào của Ý thức. Hoạt động của năm thức khi thì độc lập nhưng cũng có lúc liên hệ trực tiếp đến Ý thức hay hiện hành trên căn bản của dòng Ý thức, khi ấy đối tượng của chúng không còn là Tính cảnh nữa.

Hình thái nhận thức của năm thức này là Hiện lượng – tức là nhận diện sự vật bằng trực giác trong giây phút hiện tại, ở sát - na nhận thức đầu tiên trong khi năm căn tiếp xúc năm trần không cần phải suy tính, chỉ nhận thức sự vật trước mắt một cách trực giác, chưa qua Ý thức phân biệt. Phân biệt này chỉ trong giới hạn từng khu vực của mỗi thức. Ở đây, căn nương vào Tính cảnh biến ra đối tượng của năm thức. Vì năm thức phải tuân theo Căn và Trần để phát khởi, nên dù công phu tập luyện có đạt được Chân hiện lượng đi nữa thì cũng chỉ là nhận

thức được Hữu chất tánh cảnh chứ chưa nhận thức được Vô chất tánh cảnh (tức là Chân như).

Khi Tiền ngũ thức chuyển sang sát-na thứ hai, nhận thức bắt đầu có sự kết hợp với Ý thức, tức là có sự so sánh, phân biệt…, Hình thái nhận thức của năm thức và Ý thức sẽ chuyển sang Tỷ lượng. Trong trường hợp này, Duy thức học gọi là Ngũ câu ý thức. Bát thức quy củ tụng của Huyền Trang viết:

“Tam tánh tam lượng thông tam cảnh” [110, tr.34].

Trong khi nhận thức, Ý thức lấy dữ liệu của năm thức trước làm tướng phần nhận thức của mình, nghĩa là cái biết hay là sản phẩm của năm thức trước trở thành đối tượng nhận thức để nó nhận biết sự vật. Nhưng sự kết hợp ấy có một cường độ không hề giống nhau. Nếu Ý thức cùng lúc phân tán cho nhiều thức khác nhau, lúc ấy tác dụng nhận thức của từng lĩnh vực không rõ ràng lắm. Còn nếu ý thức chỉ tập trung, đắm chìm vào một việc gì đó, chẳng hạn, chủ thể nhắm mắt lại, đắm chìm trong một bản nhạc… lúc ấy, tác dụng nhận thức của Nhĩ thức rất mạnh mà Nhãn thức, Tỵ thức, Thiệt thức… sẽ trở nên mờ nhạt. Vì vậy, khi nói sản phẩm nhận thức của năm thức trở thành đối tượng nhận thức của Ý thức, không có nghĩa là Ý thức luôn cùng lúc kết hợp cả năm mặt trần cảnh của tiền ngũ thức làm thành đối tượng nhận thức của nó.

Nếu đối tượng của Tiền ngũ thức chỉ là Tính cảnh, hình thái nhận thức là Hiện lượng thì Ý thức có đủ ba lượng (Hiện lượng, Tỷ lượng và Phi lượng) và thông với ba cảnh (Tính cảnh, Đới chất cảnh và Độc ảnh cảnh).

Trong khi Ý thức kết hợp với năm thức trước (ngũ câu Ý thức), nó dùng Hiện lượng (nhận thức trực tiếp) để duyên thẳng với đối tượng thì đó chính là Tánh cảnh. Chuyển sang hình thức Tỷ lượng, Ý thức nhận biết thông qua phân tích, so sánh, đối chiếu…, đối tượng nhận thức trong trường hợp này là Đới chất cảnh. Nếu Ý thức dựa trên dữ liệu cung cấp của tiền ngũ thức, đây chỉ là những dữ liệu riêng lẻ, tiếp đó tiến hành tổng hợp, hệ thống lại thành một đối tượng toàn vẹn, nhận định, đánh giá, phân tích một cách đúng đắn về

đối tượng thì đó gọi là Chân tỷ lượng. Tuy nhiên, Chân tỷ lượng cũng chỉ giúp chủ thể nhận thức gần đúng với thực tại chứ không phải là bản thân của thực tại. Không chỉ thế, trong tiến trình nhận thức, Ý thức còn bị chi phối bởi thức Mạt na. Đặc tính của Mạt na là luôn luôn có sự chấp ngã và chấp thủ về đối tượng (Biến kế sở chấp), những suy luận hay sự nhận biết của Ý thức về đối tượng dần mang tính chủ quan, hình ảnh hay thông tin của Ý thức về đối tượng dưới sự điều khiển của Mạt na thức ngày càng trở nên xa với tự tướng, nên đối tượng của Ý thức trong trường hợp này gọi là Tợ đới chất cảnh và hình thái nhận thức tương ứng là Tợ tỷ lượng hay còn gọi là Phi lượng.

Có khi Ý thức hoạt động độc lập, không kết hợp trực tiếp với các dữ liệu của năm thức trước – đối tượng nhận thức lúc ấy là Độc ảnh cảnh.

Với phạm vi nhận thức rộng, gồm nhiều loại đối tượng (Tính cảnh, đới chất cảnh và Độc ảnh cảnh) và sử dụng nhiều hình thái nhận thức khác nhau (Hiện lượng, Tỷ lượng và Phi lượng) nên Ý thức được các luận sư Duy thức đánh giá là thức tinh xảo và năng động nhất trong hệ thống Tám thức. Mọi hành động của chủ thể và những lời nói phát ra từ chủ thể đều do Ý thức điều khiển, “Động thân phát ngữ độc vi tối” [110, tr.48].

Đánh giá về thức thứ sáu, Duy thức học Phật giáo cho rằng, đời sống con người khổ hay sung sướng đều do nghiệp nhân tạo ra. Nhưng nghiệp nhân ấy suy cho cùng đều do Ý thức. “Công vi thủ, tội vi khôi” (công và tội nó đều đứng đầu để chỉ Ý thức) [26, tr.39]. Ý thức luôn đóng vai trò chủ động trong hoạt động nhận thức, nhưng nguyên nhân vì đâu? Các luận sư Duy thức cho rằng, đằng sau nó luôn có một tác nhân chi phối – đó là thức Mạt na. Những tư tưởng phát sinh nơi Ý thức đều dựa trên một trực giác về bản ngã, nếu không có trực giác ấy thì tư tưởng cũng không phát sinh. Mạt na trở thành căn cứ phát sinh cho Ý thức, vì vậy Duy thức học gọi nó là Ý căn. Bát thức quy củ tụng viết:

“Đới chất hữu phú thông tình bản”

Tùy duyên chấp ngã lượng vi phi” [110, tr.53-54].

Mạt na chỉ dừng lại ở tác dụng nhận thức nội tâm, nên phạm vi nhận thức của thức này rất hẹp. Đối tượng nhận thức của nó chỉ riêng có là Đới chất cảnh. Khi duyên với tướng phần của Alạida, Mạt na biến ra một ngã tướng làm đối tượng cho mình, chân tướng thực sự của một phần Alạida thức dưới sự chấp ngã của Mạt na bị che lấp. Vì vậy, kết quả nhận thức được đưa lại từ Mạt na là sai lầm (Phi lượng).

Đặc chất của thức Mạt na là chấp ngã. Khi Ý thức tiếp cận và xử lý các thông tin do Tiền ngũ thức cung cấp, đến lượt mình, Mạt na đóng vai trò chuyển nối các tri thức đó vào Alạida thức. Chính vì thế, nó luôn nhầm tưởng rằng, tất cả những tri thức chủ thể có được là do cái tôi của mình, từ đó chấp lấy một phần của Alạida thức làm ngã nên Duy thức học nhận định thức này là:

“Hằng thẩm tư lương ngã tương tùy” [110, tr.57]. “Hằng là thường hằng, Thẩm là thẩm sát” [26, tr.59], tư lương là suy đoán so đo. Alạida thức thì có hằng mà không có thẩm, nó sinh hoạt thường hằng và không ngừng nghỉ, nó có đặc tính sinh hoạt một cách tự nhiên chứ không thẩm xét sự việc như Ý thức. Ý thức có thẩm lại không có hằng. Thức này luôn thẩm xét mọi việc nhưng lại không sinh hoạt một cách thường hằng. Khi nó hoạt động thì con người tỉnh thức còn nếu không chủ thể ngủ nghỉ. Chỉ riêng Mạt na vừa hằng vừa thẩm, một đằng nó quan hệ với Alạida thức, đằng khác lại duyên với Ý thức. Nên khi Mạt na nhận thức bị sai lầm thì Ý thức vì thế cũng bị ô nhiễm lây.

Như vậy, đời sống con người là khổ, nhận thức sai lầm chỉ vì Mạt na chấp ngã, phá được ngã chấp của Mạt na mới có thể giải thoát khỏi nhận thức sai lầm, bởi nó là nguyên nhân của tất cả những tác động sai lầm của Ý thức.

Huyền Trang viết: “Mạt-na nhiễm ô làm y chỉ của thức. Khi nó chưa diệt thì…

các tướng chưa thể được giải thoát. Sau khi Mạt - na diệt, sự triền phược bởi tướng được giải thoát” [111, tr. 350-351]. Ý thức khi chứng ngộ được lý phân

biệt ngã không và pháp không thì nhận thức đạt đến chân lý. Trong tiến trình giải thoát này, Mạt na thức đóng vai trò thụ động, động lực chính vẫn là Ý thức.

Thức đóng vai trò chủ đạo và cơ bản nhất trong hệ thống Tám thức là Alạida. Theo Duy thức học, bảy thức trước sở dĩ có được công năng hoạt động là nhờ có thức này chuyển sinh.

Năm thức trước tiếp nhận những hình ảnh, âm thanh, cảm xúc… của thế giới bên ngoài, sau khi được Ý thức gia cố thành những sự vật và hiện tượng cụ thể, hoàn chỉnh, Mạt na đưa tất cả chúng vào tàng trữ trong thức thứ tám này, chúng được gọi là các chủng tử. Những chủng tử này do bảy thức trước Huân tập vào và có thể phát hiện trở lại trên Ý thức để rồi lại được Huân tập trở lại trong Alạida thức. Theo Duy thức học, những chủng tử này là rất cần thiết, bởi chủ thể nhận thức được các sự vật ở bên ngoài là nhờ chúng. Có thể nói đó là những chủng tử phát sinh hiện hành Ý thức, hay cũng có thể là những hiện hành giúp cho sáu thức trước nhận biết sự vật ở thế giới bên ngoài.

Hạt giống được cất trữ trong Alạida thức không chỉ đơn thuần là sự vật hiện tượng mà là công năng hay năng lực sinh ra sự vật hiện tượng. Alạida thức có vai trò chấp giữ và duy trì các công năng ấy cho sự tồn tại, các công năng ấy chỉ đợi nhân và duyên là được phát khởi và hình thành các sự vật. Sự vật là do năng lực phát hiện, mà năng lực này có trong các chủng tử của Alạida, cho nên không có Alạida thì không có sự vật. Mọi thức đều có chủng tử Alạida. Những chủng tử này là nhân, tức là nguồn gốc chính; với sự cộng tác của những điều kiện khác gọi là duyên như thân, căn, trần... thì những chủng tử ấy được hiện phát thành thức. Bát Thức Quy Củ tụng viết:

“Thọ huân trì chủng căn thân khí

Khứ hậu lai tiên tác chủ ông” [110, tr.79,82].

Tiền ngũ thức và Ý thức bị gián đoạn, thức thứ bảy thì bị ô nhiễm. Tiếp nhận sự huân tập, duy trì các chủng tử, thân thể, giác quan … Alạida là vị chủ

nhân tới trước hết và bỏ đi sau hết. “Chủ ông” – có nghĩa Alạida là ông chủ của các thức, làm nền tảng của bảy thức còn lại.

Với Triết học Phật giáo, sự sống của con người cần phải có ba điều kiện:

sức nóng (noãn), sự tồn tại liên tiếp (thọ) và năng lực chủ động của sự sống (thức). Và năng lực chủ động sống ấy thuộc vào Alạida thức. Sự sống của con người có khác với sự sống của các loài khác như động vật và thực vật là ở chổ nó có đầy đủ ba điều kiện trên. Có thể nói rằng, động vật và thực vật sống nhưng sự sống ấy chỉ mang sức nóng và sự tồn tại liên tiếp thôi chứ không có Thức. Alạida thức duy trì vạn hữu, mà căn thân là một trong vạn hữu. Nếu không có sự duy trì đặc biệt ấy, nếu không có Alạida thì bảy thức sẽ không từ đâu để chuyển sinh. Không có Thức thì không có cảm giác phân biệt, mà không có cảm giác phân biệt thì không có sự sống.

Điều quan trọng trong hệ thống triết học Duy thức là muốn chuyển Thức thành Trí, tức là thay đổi toàn bộ nền tảng cơ cấu nội tại của tâm thức, giải trừ các hạt giống tạp nhiễm trong diễn biến tâm lý của chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức. Đó là cái cơ cấu được thiết lập bởi dục vọng, chấp thủ, tham ái… Tất cả những hiện hành sở dĩ bị tạp nhiễm là vì chủng tử bị tạp nhiễm. Nếu các chủng tử được thanh tịnh thì hiện hành cũng thanh tịnh. Nếu Alạida muốn giải thoát nghĩa là muốn khỏi bị chấp làm ngã, và muốn biến đổi tất cả các công năng của mình thành thanh tịnh thì cần phải Chuyển y.

Chuyển y nghĩa là đổi nhiễm thành tịnh, đổi tác dụng xấu thành tác dụng tốt.

Chuyển có nghĩa là biến đổi chứ không có nghĩa là xóa bỏ. Toàn bộ vai trò ấy thuộc về Ý thức. Ý thức là nguyên nhân đưa nhận thức của con người đến với sai lầm, nhưng cũng chính nó sẽ đảm nhiệm vai trò chuyển đổi đưa tri thức trở về tồn tại ở dạng thức đúng. Chính vì vậy, Thích Nhất Hạnh từng nhận xét rằng “thức thứ tám như một khu vườn chứa đựng tất cả vào đó, thức thứ bảy như những lực lượng làm cho khu vườn tối tăm, còn thức thứ sáu chính là người làm vườn”. Vậy muốn khu vườn sạch đẹp hay tối tăm, đầy cỏ dại, điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào hành động của người làm vườn hay thức thứ sáu.

Một phần của tài liệu Nhận thức luận trong duy thức học (Trang 101 - 108)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(166 trang)