Chương 2: NHẬN THỨC LUẬN, NHẬN THỨC LUẬN PHẬT GIÁO VÀ DUY THỨC HỌC
2.3. Duy thức học và nhận thức luận trong Duy thức học
2.3.1. Khái quát về tác giả và kinh điển của Duy thức học
Khoảng 900 năm sau thời kỳ Đức Phật, Phật giáo xuất hiện hai nhà tư tưởng là Vô Trước và Thế Thân. Hai ông đã lập ra Duy thức học, trở thành một trong những tông phái lớn của Phật giáo Đại thừa Ấn Độ.
Vô Trước, Thế Thân là hai anh em, theo truyền sử của Phật giáo, hai ông được xem là những người sáng lập Duy thức học. Vô Trước và Thế Thân có công trong việc sưu tầm, đúc kết về tư tưởng về Tâm thức, phân tích một cách mạch lạc, trình bày rõ ràng hơn nhiều luận điểm của Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo Bộ phái. Căn cứ lý thuyết trong các bộ kinh luận ẩn chứa triết lý Tâm thức của Đức Phật và các luận sư thời kỳ trước, Vô Trước và Thế Thân khéo léo dùng tài ba biện luận của mình sáng tác những bộ luận rất có giá trị dùng làm căn bản cho pháp tướng Duy thức tông, từ đó sáng lập ra trường phái này.
Vô Trước (310 - 390) sống trong khoảng thời gian thế kỷ thứ IV sau công nguyên. Thời đại của Vô Trước, giáo lý Đại thừa bị Tiểu thừa cho là dị giáo, là giáo lý ngoại đạo, vì vậy hệ tư tưởng mới đó bị chỉ trích mạnh mẽ.
Trong bối cảnh ấy, Vô Trước đã tìm cách chứng minh tính phù hợp, tiếp nối và phát triển giáo lý mới. Trong Nhiếp đại thừa luận, Vô Trước chủ trương rằng, tất cả những cảnh giới để hiểu biết đều được thiết lập và nương tựa từ nơi thức Alạida và Mạt na thức. Vô Trước viết nhiều tác phẩm nhưng liên quan đến Duy thức gồm có: “Du già sư địa luận, Hiển dương thánh giáo luận – nghiên cứu về duy thức và nêu thuyết Alạida duyên khởi” [80, tr.24].
Thế Thân (320 - 400) là em trai của Vô Trước, sống vào thế kỷ thứ IV sau công nguyên. Ban đầu, Ngài tu học theo giáo lý của Tiểu thừa và đả kích giáo lý của Đại thừa, nhưng về sau, được Vô Trước khuyên giải, Thế Thân
tập trung nghiên cứu tư tưởng của Đại thừa. “Hồi này Thế Thân vẫn còn xương minh A Tỳ Đạt Ma và giáo lý của Tiểu thừa trong khi đó người anh đã theo giáo lý Đại thừa rồi. Nhưng sau đó, thầy Thế Thân khám phá được cái hay của Đại thừa. Nghe nói trong đêm đó thầy Thế Thân đang đi thiền hành, trời rất trong, trăng rất đẹp. Thầy thấy thầy Vô Trước đang ngồi ngắm trăng và đang đọc bài kệ và khi mà thầy nghe được bài kệ đó, đang trong khung cảnh đó thì thầy rất cảm động và bắt đầu hiểu được chân nghĩa của Đại thừa. Từ đó, thầy sáng tác những tác phẩm về Duy thức” [38, tr.12-13].
Khi mới xuất hiện, Duy Thức được gọi là tông Du già (Yogacana) - là sự tập quán tư tưởng. Thế Thân đã thâu tóm quan điểm triết học của Yogacana và đặt tên cho trường phái này là Duy thức, tức đặt mọi sự hiện hữu của ngoại cảnh nơi Thức. Theo Duy thức, tất cả vạn pháp và con người đều do thức biến, mọi cảm nhận của con người đối với hoàn cảnh bên ngoài chỉ là do Tâm tạo tác, vốn là không thực có. Những gì mà con người nhận thức về thế giới khách quan không gì khác hơn là sự phóng chiếu của Tâm thức. Con người thường nhầm lẫn sự nhận biết về thế giới với chính bản thân thế giới. Từ đó ông đề nghị con người cần phải giác ngộ, tránh khỏi những phóng chiếu sai lầm của Thức thông qua việc xây dựng lý thuyết Tam tự tính.
Lấy duy tâm luận của Phật giáo Nguyên thủy làm điểm xuất phát, phân tích những luận giải của các Bộ phái Phật giáo, dựa trên lý thuyết Tam giới duy tâm của Phật giáo Đại thừa, rồi đem tổng hợp tất cả những kết quả đó lại, vì vậy, Duy thức học của Vô Trước và Thế Thân là một thuyết tổng hợp của cả Đại thừa lẫn Tiểu thừa.
Sau khi Thế Thân mất, từ cuối thế kỷ thứ IV đến thế kỷ thứ VI (khoảng 200 năm), tư tưởng của Duy thức được nhiều triết gia và Phật học chú trọng và bắt tay vào nghiên cứu để phát triển. Các luận sư tiêu biểu bao gồm:
Hộ Pháp (439-507), người có công truyền bá Duy thức sau khi Thế Thân qua đời, trung tâm lớn nhất lúc bấy giờ là đại học Na-lan-đà.
Đức Huệ, người sáng lập trung tâm Valabhi, song song với Na-lan-đà, tập trung nghiên cứu Duy thức, được xem là một trong hai trung tâm lớn nhất.
An Huệ (sống vào khoảng thế kỷ thứ tư), ở miền Nam Ấn Độ. Ông đã chú thích bộ Duy thức Tam Thập Tụng để tuyên dương giáo nghĩa của Duy thức. An Huệ có ý muốn dung hòa quan điểm "thực tướng" của Long Thọ với quan niệm "nhất thiết duy tâm tạo" của Duy thức.
Trần - Na và Pháp Xứng là hai luận sư kết hợp Duy thức với Kinh lượng bộ, lập ra môn Nhân minh học nổi tiếng của Ấn Độ và Phật giáo, với cách tranh luận bằng nhân minh để đả phá các học thuyết ngoại đạo và phát triển chánh pháp, đây là một phương pháp tranh luận bằng lý luận và lôgic.
Vào thế kỷ VII đời vua Đường Thái Tông, Huyền Trang sang du học ở Ấn Độ, tại trung tâm Na-lan-đà. Huyền Trang được học với Giới Hiền - là giám đốc trung tâm lúc ấy, một người chuyên nghiên cứu Du Già Phật giáo.
Tại đây, Huyền Trang đã thâu tóm toàn bộ giáo lý Duy thức, đặc biệt là Duy Thức Tam Thập Tụng của Thế Thân. Ông về nước và dịch sang tiếng Hán các tác phẩm của Duy thức đặt dưới tên gọi mới là Thành Duy thức luận. Khi tiến hành cấu trúc lại kết cấu và tâm lý của Duy thức, Huyền Trang viết tác phẩm Bát Thức Quy Củ Tụng rất nổi tiếng, trình bày tiến trình diễn biến nhận thức của tâm lý con người thông qua Tám thức.
Học trò xuất sắc của Huyền Trang là Khuy Cơ đã dịch Duy thức Nhị thập tụng và Duy Thức tam thập tụng ra chữ Hán, hệ thống hóa lại tư tưởng của Duy thức. Ông viết nhiều bộ luận, tiêu biểu là bộ Thành Duy thức luận thuật ký.
Sau một thời gian phát triển mạnh mẽ, Phật giáo Trung Quốc cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX rơi vào tình trạng suy thoái. Đại sư Thái Hư chủ trương thực hiện một phong trào chấn hưng Phật giáo. Ông đã tích cực nghiên cứu và truyền bá Duy thức, và cho ra đời tác phẩm Tân Duy thức luận.
Cùng với Thái Hư, luận sư Đường Đại Viên viết “Duy thức phương tiện đàm”. Hai tác phẩm của Thái Hư và Đường Đại Viên được đánh giá là những tài liệu rất quan trọng, như là ngọn đuốc sáng trên con đường tìm hiểu Duy thức.
Duy thức tiếp tục được truyền bá mạnh mẽ ở đất nước Trung Hoa và trở thành một tông phái rất lớn, nhưng chẳng bao lâu thì tông phái này chia thành hai, một mặt phát triển ở phương Bắc và mặt khác tiến về phương Nam. Đến năm 653, Duy thức được truyền bá đến Nhật Bản.
Đạo Chiêu (628-700) được xem là dòng truyền thừa thứ nhất, có công khởi sự truyền bá Duy thức vào Nhật Bản. Tiếp theo Đạo Chiêu là Trí Thông, Trí Đạt, Trí Phụng, Huyền Phảng, thuộc dòng thứ 2, 3, 4 tiếp tục đến Trung Hoa nghiên cứu Duy thức và sau đó mở rộng và phát triển ở Nhật Bản. Hiện nay, Duy thức vẫn hưng thịnh và được nghiên cứu nhiều ở Nhật Bản.
Ở Việt Nam, tông Duy thức không được thành lập nhưng tư tưởng Duy thức đã được du nhập vào Phật giáo Việt Nam. Theo Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận viết: “Có thể Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma, 470 – 543) - tổ thứ 28 của dòng thiền Ấn Độ, cùng với một vị sư Ấn khác là Pháp Thiên (Dharmadeva) sang Giao Châu giảng giải giáo nghĩa của Kinh Lăng già, và tư tưởng Duy thức học” [55, tr.134]. Đến thời Lý – Trần, Duy thức học đã hiện diện thực sự qua các bài kệ của các thiền sư. Nhưng phải đến những năm đầu của thế kỷ XX, xuất phát từ phong trào vận động chấn hưng Phật giáo của đại sư Thái Hư, một trào lưu nghiên cứu về Duy thức được tiến hành và phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam. Những tác phẩm nghiên cứu và dịch thuật về Duy thức của các tác giả lần lượt xuất hiện, như tác phẩm “Duy thức học” của Thích Thiện Hoa, Tuệ Sỹ, Thích Thiện Siêu, Tuệ Quang, Ni trưởng Như Thanh…, hay Nhất Hạnh với tác phẩm Duy biểu học.
Những kinh luận chủ yếu mà Duy thức học lấy làm căn cứ trực tiếp trong quá trình thành lập trường phái này bao gồm sáu kinh và mười một luận.
Sáu kinh gồm: Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Giải Thâm Mật, Kinh Như Lai xuất hiện công đức trang nghiêm, Kinh A-tỳ-đạt-ma, Kinh Lăng Già, Kinh Hậu nghiêm. Sáu bộ kinh này được Duy thức học lấy làm kinh điển chính.
Mười một bộ luận bao gồm:
1. Du già sư địa luận, Thế Thân tạo, Huyền Trang dịch
2. Đại thừa bách pháp minh môn luận, Thế Thân tạo, Huyền Trang dịch 3. Nhiếp đại thừa luận, Vô Trước tạo, Chân Đế dịch
4. Biện trung biên luận, Thế Thân tạo, Huyền Trang dịch
5. Đại thừa A - tỳ - đạt - ma tạp tập luận, Vô Trước tạo, Huyền Trang dịch 6. Đại thừa trang nghiêm kinh luận, Vô Trước tạo, Ba-la-phả-mật-đa-la dịch 7. Phân biệt Du già luận, Di – lặc thuyết
8. Hiển dương thánh giáo luận, Vô Trước tạo, Huyền Trang dịch 9. Duy thức nhị thập tụng, Thế Thân tạo, Huyền Trang dịch 10. Duy thức Tam thập tụng, Thế Thân tạo, Huyền Trang dịch 11. Thập địa kinh luận, Thế Thân tạo, Bồ đề lưu chi dịch, 4 quyển Trong 6 kinh và 11 bộ luận này, Duy thức lấy Kinh Giải Thâm Mật làm bản kinh gốc và Du già sư địa luận làm bản luận chính yếu.
Căn cứ vào lý thuyết Tâm thức được trình bày trong 6 bộ kinh, Vô Trước và Thế Thân đã dùng tài biện luận của mình để tạo nên những tác phẩm rất quan trọng của Duy thức. Hai ông đã triết học hóa tư tưởng Duy thức qua sự trình bày các vấn đề về tâm pháp, tâm sở, chủ thể, khách thể…từ góc độ
“Thức” để bàn về thế giới, con người và nhận thức của con người thông qua giáo lý Bát thức.