Chương 3: NHẬN THỨC LUẬN TRONG DUY THỨC HỌC - MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN
3.4. Con đường và phương pháp nhận thức trong Duy thức học
Theo các luận sư Duy thức, trong đời sống hằng ngày, con người thường sống nhiều hơn với thế giới Đới chất cảnh và Độc ảnh cảnh, vì vậy, nhận thức của chủ thể diễn ra chủ yếu ở thế giới Tục đế, thế giới đối tượng có được nhờ sự biến hiện của Tâm thức. Tuy nhiên, những đối tượng này không có tự tính chân thực mà chỉ là pháp tướng của sự vật, chúng không giúp chủ thể có được những tri thức đúng về thế giới. Vì vậy, mục đích của Duy thức là thiết lập một cơ chế nhận thức gồm những cấp độ khác nhau để phá dần những nhận thức sai lầm của con người ở thế giới Tục đế, từ đó hướng nhận thức đạt đến thế giới Chân đế. Con đường và phương pháp nhận thức ấy được Duy thức học đề cập trong lý thuyết Tam lượng, Tam tự tính, Tam vô tính, Duy thức tính.
Bàn về thuyết Tam lượng, Bát thức quy củ tụng của Huyền Trang viết:
“Ý thức khởi tác dụng Gồm thông cả ba tánh Thiện ác và vô ký
Tương quan cả ba lượng
Có mặt trong tam cảnh” [111, tr.19].
Lượng có nghĩa là “đo lường tiêu chuẩn, chỉ cho nguồn gốc tri thức, hình thức nhận thức và tiêu chuẩn để lượng định” [65, tr.321]. Nói cách khác, Lượng là hoạt động của tâm thức chủ thể có khả năng biết phân biệt sự vật, nhưng đây là cái Tâm thức biết so lường thiệt hơn, biết cân nhắc lợi hại, phân biệt đúng sai để chọn lựa cho sự hiểu biết của mỗi chủ thể. Thuyết Tam lượng của Duy thức học bao gồm Hiện lượng, Tỷ lượng và Phi lượng.
Hiện lượng được xem là hình thái nhận thức trực tiếp về khách thể, sự hiểu biết này vào lúc hoàn toàn chưa có ý niệm diễn dịch và suy luận nào,
“Tác dụng nhận thức ở đây thuần tuý trực quan mà chưa có tính cách phán đoán và ước lượng” [39, tr.25]. Nói cách khác, hiện lượng là hoạt động nhận thức xảy ra khi mà “tâm hay ý thức chủ quan” của con người chưa khởi lên sự so sánh, phân tích, tổng hợp; tức chủ thể không dựa vào đối tượng trong quá khứ để tiến hành đối chiếu, so sánh… về một vật hay một sự việc đang diễn ra. Nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, Alạida thức là những tâm thức luôn nhận biết bằng Hiện lượng.
Năm thức giác quan đạt tới sự hiểu biết Hiện lượng khi có tính độc lập, nghĩa là khi chưa có sự cộng tác của Ý thức và cũng không có sự so đo chấp trước hay sự điều khiển nào của thức Mạt na. Tiền ngũ thức hiểu biết cảnh vật hay đối tượng mà không cần suy luận hay xét đoán. Đây là sự hiểu biết đối tượng đúng y như bản thân nó trên thực tế, không có sự tách rời giữa đối tượng với ảnh tượng của nó, và vì thế nhận thức với ảnh tượng của nó là một. Chính vì vậy, đối tượng mà nhận thức Hiện lượng hướng tới là cái riêng, cái đặc thù, là thế giới Tánh cảnh.
Trong tám thức, thức thứ sáu cũng có những thời điểm tồn tại ở hình thái Hiện lượng, đó là ở sát na đầu tiên, khi nó kết hợp với tiền ngũ thức mà chưa có sự suy luận, phán đoán… về đối tượng. Thời điểm này rất ngắn, vì vậy thông thường, Ý thức không tồn tại nhiều ở hình thái Hiện lượng này.
Nhất Hạnh nhận xét: “Cũng có trường hợp năm thức đầu cộng tác với thức thứ sáu là ý thức trong loại tác dụng nhận thức trực tiếp này: tuy yếu tố tri giác được nối tiếp sau mặt cảm giác, ở đây nhận thức vẫn giữ tính cách trực tiếp, không lẫn lộn yếu tố suy luận, cân nhắc. Thức thứ sáu có nhiều hình thái nhận thức khác nhau, nhưng hiện lượng là một trong những hình thái nhận thức ấy” [39, tr.25].
Duy thức học còn cho rằng, Hiện lượng không chỉ có ở năm tâm thức đầu mà còn có ở Alạida thức. Có thể nói, các sự vật trong thế gian đều là Tướng phần của Kiến phần do thức Alạida xây dựng. Hình ảnh của sự vật phát sinh từ nơi thế giới những hạt giống (chủng tử) thuộc về thức Alạida. Trong giai đoạn tạo dựng sự vật, Kiến phần Alạida trực tiếp lấy dữ liệu nơi thế giới hạt giống mà không qua trung gian của các Tâm thức khác. Bởi vậy, sự vật trong thế gian được nhận biết là Hiện lượng của Kiến phần thức do Alạida huân tập và bảo trì.
Hình thái nhận thức thứ hai là Tỷ lượng – nhận thức gián tiếp. Trong tiếng Hán, “tỷ” là so sánh, “tỷ lượng” là nhận thức thông qua sự so sánh:
“Dựa vào đối cảnh đã biết mà so sánh, nhận xét phân biệt tinh tường, để biết một cách chính xác đối cảnh chưa hiện trước và chưa biết” [65, tr.322]. Tỷ lượng là suy tính theo sự so sánh đúng sai, lựa chọn hơn thua... của Tâm thức để hiểu biết, “đối tượng của nhận thức tỷ lượng là cái không hiện hữu ở trước mắt, tức cái vắng mặt hay cái được che dấu. Dấu hiệu của cái không hiện hữu ấy tạo ra sự nhận thức đối tượng, nói cách khác, nguồn gốc của sự nhận thức tỷ lượng nằm ở dấu hiệu của nó” [50, tr.276].
Như vậy, Tỷ lượng là sự nhận thức về một đối tượng bị che giấu, cảm quan không thể nắm bắt trực tiếp được. Chính vì đối tượng bị che giấu nên phải thông qua dấu hiệu, từ đó suy diễn về đối tượng. Paramartha viết: “dựa vào đối cảnh đã biết mà so sánh, nhận xét, phân biệt tinh tường, để hiểu rõ một cách chính xác đối cảnh chưa hiện trước và chưa biết. Như thấy khói thì suy tính biết nơi đó có lửa. Dụ như thấy mây mù, biết trời có mưa trong nay mai. Như một học sinh học giỏi, suy biết học sinh này sẽ đỗ đạt cao” [75, tr.47].
Tỷ lượng là hình thái nhận thức của Ý thức. “Trong tám thức, chỉ có thức thứ sáu có được hình thái nhận thức này” [40, tr.26]. Không giống như sự hiểu biết trực tiếp của tiền ngũ thức, Ý thức thường hiểu biết qua sự suy luận, có khả năng khái quát, tổng hợp về đối tượng nhận thức.
Như vậy, Tỷ lượng và Hiện lượng có đối tượng nhận thức khác nhau.
Đối tượng của Hiện lượng với tính cách là cái riêng, cái đặc thù (tự tướng);
thì đối tượng của Tỷ lượng là cộng tướng với tính cách là cái chung, cái phổ biến, toàn thể. Nếu nhận thức Hiện lượng thường cho chủ thể những nhận thức đúng về tự tính của đối tượng thì nhận thức Tỷ lượng không như vậy. Tỷ lượng không dựa vào tự tính đối tượng mà dựa vào những dấu hiệu, những khái niệm tồn tại với tư cách là công cụ để nhận thức như: vô thường và vô ngã, qua đó chủ thể từng bước nắm bắt được cái bản chất của đối tượng. Tuy nhiên, Cộng tướng có sự ngộ chấp chủ quan của chủ thể nên sự phản ánh của Tỷ lượng về cộng tướng là “giả hữu - giả có” (ước không, ước có). Vả lại, Tỷ lượng là hình thức nhận thức gián tiếp, Ý thức dựa vào những dấu hiệu bề ngoài để suy luận và đưa ra những nhận định về tính chất bên trong đối tượng, vì vậy quá trình suy luận đó có thể đưa đến những nhận thức đúng và ngược lại. Xuất phát từ đó, các luận sư Duy thức cho rằng, Tỷ lượng có hai hình thức: chân tỷ lượng và tợ tỷ lượng.
Chân tỷ lượng có nghĩa là Ý thức hiểu biết chính xác về sự vật bằng sự suy luận và diễn giải. Những hiện tượng ảnh tử do năm thức đầu cung cấp đều
phát sinh từ nơi những sự vật có thực chất trong thế gian nên gọi là chân và Ý thức hiểu biết đúng những hiện tượng ảnh tử đó bằng sự suy luận và diễn giải nên gọi là Chân tỷ lượng.
Nếu Chân tỷ lượng là sự hiểu biết chính xác về tính chất, giá trị và ý nghĩa của Ý thức về những sự vật có mặt trong thế gian bằng sự suy luận và diễn dịch, thì Tợ tỷ lượng là việc Ý thức nhớ lại, hồi tưởng lại các sự vật, hiện tượng đã diễn ra. Quá trình sống của chủ thể đã được đúc kết lại thành những hạt giống và được tàng trữ trong thức Alạida. Khi muốn nhớ lại thì ý thức phải nhờ thức Mạt na mang những hình ảnh của hạt giống này từ trong thức Alạida đưa lên để trình diện cho Ý thức so sánh. Sự so sánh này của Ý thức để hiểu biết được gọi là Tợ tỷ lượng, vì những hình ảnh đem so sánh này có phần không thực chất và cũng không giống những sự vật hiện tượng có mặt trong thế giới.
Hình thái nhận thức thứ ba trong Duy thức học gọi là Phi lượng. Thực ra, đây không phải là một hình thái nhận thức độc lập với hai hình thái nhận thức trước. “Hiện lượng và Tỷ lượng có khi đúng và cũng có khi sai, mà mỗi khi sai thì đều là Phi lượng [39, tr.26].
Như vậy, Phi lượng là sự xét đoán sai lầm của Tỷ lượng và Hiện lượng:
“Phi lượng đó duyên qua độc ảnh cảnh và đới chất cảnh đều chẳng chính xác, thế là cùng sự thật, nó hoàn toàn sai lầm, chẳng phù hợp” [75, tr.55]. Đây thường là sự hiểu biết của Mạt na thức, một nhận biết thường mang tính chất so đo, chấp trước. Sự xét đoán, so lường của Mạtna thức thường chấp trước những điều không đúng chân giá trị của sự vật trong thực tại nên gọi là Phi lượng.
Thức Mạt na luôn chấp trước nên khống chế và điều khiển Ý thức nhận xét mọi việc và thường bóp méo sự thật. Chẳng hạn, người Việt Nam thường có câu:
“Thương nhau thương cả đường đi
Ghét nhau ghét cả tông ti họ hàng” [76, tr. 239].
Đây là hiện tượng so lường mang yếu tố tâm lý chủ quan của chủ thể trong
tiến trình nhận thức.
Những phân tích về giáo lý Tám thức, về đối tượng và các hình thái nhận thức… cho thấy, nhận thức luận của Duy thức học chú trọng khảo sát những tác dụng và hành động hiện phát trong mối quan hệ giữa chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức. Trong mối quan hệ này, Duy thức học đã nhìn thấy những sai lầm trong nhận thức, dẫn đến đời sống khổ của mỗi người; đặc biệt tìm ra được nguyên nhân của những sai lầm ấy, xuất phát từ thức Mạt na.
Duy thức học cho rằng, nhận thức của con người được thực hiện trên cơ sở hoạt động của tám thức, diễn ra đầu tiên trong thế giới Tục đế. Trong tiến trình lượng định ấy, có khi chủ thể sử dụng hình thức nhận thức trực tiếp, có khi là gián tiếp; có lúc nhận thức đúng về sự vật, nhưng đa phần là đưa đến sai lầm, bởi hầu hết nhận thức ấy được điều khiển bởi cái tâm chủ quan, dưới sự chi phối của Mạt na thức. Nhằm điều chỉnh tư duy, đưa đến nhận thức đúng, Duy thức học thiết lập con đường của nhận thức, xem đó là chìa khóa nhận thức trong triết học của mình - lý thuyết Tam tự tính.
Tự tính thứ nhất là biến kế sở chấp. Duy thức Tam thập tụng viết:
“Do biến kế sở chấp, Chấp trước mọi sự vật, Tánh biến kế chấp này,
Tự tánh không có thật” [62, tr.119].
Biến có nghĩa là phổ biến, là biến hiện khắp tất cả vũ trụ. Kế có nghĩa là so đo và suy xét. Sở chấp có nghĩa là do chỗ chấp trước mà sinh ra.
Trong mối quan hệ với sự vật, Ý thức luôn có sự phân biệt, suy đoán.
Chủ thể nhận thức thường dùng cái tâm chủ quan của mình để suy tính, đo lường đối với các sự vật do nhân duyên sinh khởi, rồi chấp thủ chúng là có thật. Khi kết hợp với thức thứ bảy, “ý thức lấy Mạtna nhiễm ô làm chỗ nương” [18, tr.423], nên tự tính của sự vật bị che mờ, Ý thức không nhận biết đúng về sự vật. Trong tám thức, “duy chỉ ý thức là cái biến kế. Ở đây biện
minh ý thức được nói bao gồm cả thức thứ bảy” [109, tr.617], tức chỉ có Ý thức và Mạt na liên quan đến cấp độ nhận thức này.
Ý thức dưới sự chi phối của Mạt na thức đã chấp lấy ngã và pháp và cho đó là thật. Nó thừa nhận có tồn tại cái ta và cái không phải ta. Như vậy, đối tượng nhận thức đã bị Ý thức biến kế, Ý thức gán cho đối tượng những tính chất chủ quan. Đây thường là cái chấp sai lầm, vì sự vật là duyên sinh giả có, mà vọng chấp là thật, cho nên Duy thức học gọi là Biến kế sở chấp tánh.
Như vậy, với Duy thức học, sự vật thông qua nhận thức của chủ thể thường không có thể chất chân thật, từ những sự vật thực tại cho đến những sự vật thuộc khái niệm đều do Ý thức tưởng tượng xây dựng nên dưới sự chỉ đạo của thức Mạt na so đo, chấp trước. Chúng chỉ có mặt trong thế giới này với tính cách giả tạo theo nhu cầu cần thiết của con người. Cho nên những pháp vô thể chất do Ý thức sáng tạo đều được gọi là Biến kế sở chấp tánh.
Nhất Hạnh viết: “vạn pháp không hiện hữu theo cách mà chúng ta khái niệm về chúng, thế giới khái niệm không phải là thế giới thực tại. Đó là ý nghĩa của danh từ biến kế sở chấp… Biến kế sở chấp là nhận thức về sự vật không đúng với tính cách như thị của chúng, gán vào cho chúng những đặc tính, những thuộc tính chúng không có” [39, tr.94].
Trong ba cấp độ của quá trình nhận thức, Biến kế sở chấp là nhận thức có phân biệt, có sự ngộ nhận, là nấc thang nhận thức còn phân biệt chủ thể và đối tượng, đối tượng và thuộc tính…, vì thế mà cần ngôn từ, cần khái niệm để phân biệt. Khi ngôn từ xuất hiện là lúc nảy sinh nhận thức phân biệt và sẽ có phần không chính xác về đối tượng, bởi theo Duy thức học, không ngôn từ nào có thể diễn đạt được toàn vẹn đặc tính vốn có của đối tượng. Thế giới của những khái niệm chủ quan và thế giới khách quan không hoàn toàn giống nhau.
Thế giới tự tính không thể nắm bắt bằng khái niệm hay ngôn từ; nó tồn tại tự thân và theo cách riêng của nó. Vậy là, Thức không thể thấy được mặt mũi chân thực của sự vật, chỉ là vọng tưởng phân biệt. Thực tại mà Thức thấy được
không phải là tự thân mà chỉ là một thế giới do chủ thể vọng tưởng phân biệt và là đối tượng của vọng tưởng phân biệt.
Tự tính thứ hai là Y tha khởi, Tam Thập Tụng viết:
“Y tha khởi tự tánh
Do phân biệt sinh ra” [99, tr.39].
Y là nương tựa, Tha có nghĩa là khác, Khởi tức là sinh ra và phát khởi để lớn lên, Tánh có nghĩa là tính chất, là thể tính. Y tha khởi tánh có nghĩa là, tất cả sự vật muốn tồn tại đều phải nương tựa vào các nhân duyên, sự vật không thể tự sinh mà do nhân duyên hợp thành. Theo Nhất Hạnh: “Y tha khởi gần như đồng nghĩa với danh từ Duyên khởi. Đây là tính cách tương liên, tương sinh và tương thành của vạn vật. Tự tính này gần với tự thân của thực tại” [39, tr.95].
Triết học Phật giáo nói chung và Duy thức học nói riêng đều quan niệm rằng, trong vũ trụ, không có sự vật nào hiện diện một cách độc lập mà không liên hệ với các sự vật khác. Các sự vật nhờ duyên sinh mà thành thì bản thân các pháp không có tự tính. Đã là duyên sinh thì sự vật là một tổng thể, và tổng thể thì không thể đồng nhất với bộ phận. Một hiện hữu luôn chứa cái riêng và cái chung trong đó. Y tha khởi tính chính là tính chất nương tựa vào nhau, tương tác lẫn nhau để cấu thành nên sự vật.
Bàn về Y tha khởi tính, các luận sư Duy thức cho rằng nó có hai phần nhiễm và tịnh. “Nhiễm – tịnh, như dòng sông vừa có sóng vừa không sóng (yên lặng). Từ trong dòng sông nếu không có sóng, tức dòng nước yên lặng.
Nếu từ trên Y tha khởi, thường xa lìa Biến kế chấp tự tánh, thì lúc bây giờ gọi là Viên thành thật tánh” [64, tr.65]. Con người trong quá trình sống thường nhận thấy và sống nhiều ở phần nhiễm (tức là Biến kế sở chấp), ít thấy phần tịnh. Nếu chủ thể nhận thức rời bỏ được phần chấp thủ, chấp ngã và nhận thức được phần tịnh thì Y tha khởi tánh lúc ấy là Viên thành thật tánh. Thế Thân nhận định: