Chương 2: NHẬN THỨC LUẬN, NHẬN THỨC LUẬN PHẬT GIÁO VÀ DUY THỨC HỌC
2.3. Duy thức học và nhận thức luận trong Duy thức học
2.3.2. Nhận thức luận trong Duy thức học
“Duy thức nguyên gốc tiến Phạn là Vijnãpti – màtratà. Dịch Hán là Duy thức. Thức là bản thể của tâm, ngoài sự biến hiện của thức không có bất cứ vật gì thực sự tồn tại nên gọi là Duy thức” [28, tr.1350]. Duy thức học thường đề cập luận điểm: “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức” tức “ba cõi
do tâm, muôn pháp do thức”. Tam giới duy tâm – ý nói các pháp trong tam giới nằm trọn vẹn trong Tâm, mà đặc tính của Tâm là vô phân biệt, bình đẳng.
Chỉ khi nào Tâm bị vô minh chi phối, khi ấy Tâm vô phân biệt hiện khởi tác dụng phân biệt thức (nhận thức phân biệt), vì vậy “vạn pháp duy thức”.
Lấy Thức làm trung tâm trong hệ thống tư tưởng của mình, cho nên những luận giải của trường phái này chủ yếu xoay quanh những vấn đề của thức như: ngũ vị bách pháp, tam cảnh (bản thể luận); bát thức, tam tính, tam lượng (nhận thức luận)… và cả vấn đề nhân sinh quan. Trong đó, nhận thức luận được xem là vấn đề triết học nổi bật: “Vô Trước và Thiên Thân thành công trong nhiệm vụ triết học hóa tư tưởng Duy thức qua sự trình bày tâm pháp, tâm sở hữu pháp, sắc pháp… chủ thể, khách thể, đối tượng. Ngài phân tích hiện tượng tâm lý và vật lý cũng như sinh lý, kết quả do từ tâm thức tác động và phân biệt” [62, tr.36-37].
Bản thể luận của Duy thức học trả lời cho các câu hỏi: thế giới là gì, thế giới được hình thành như thế nào, nguyên tắc hoạt động của thế giới…?
Bàn về thế giới và những bộ phận cấu thành thế giới, giáo lý Duy thức tập trung chủ yếu ở lý thuyết Bách pháp. Duy thức thâu tóm Bách pháp trong năm vị gồm: tâm vương pháp, tâm sở hữu pháp, sắc pháp, tâm bất tương ưng hành pháp và vô vi pháp. 100 pháp được tóm tắt như sau:
I. Tâm pháp – còn gọi là Tâm vương gồm 8 pháp hay 8 thức gồm:
Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỵ thức, Thiệt thức, Thân thức, Ý thức, Matna thức, Alạida thức.
Tám thức này được Duy thức học gọi là tám thức Tâm vương, nó có vai trò chủ đạo, có mối quan hệ với nhau, là sức mạnh chính yếu trong hệ thống tác dụng của Thức.
II. Tâm sở hữu pháp, gồm có 51 pháp, chia làm 6 nhóm:
A. Biến Hành, gồm 5 pháp: Xúc, Tác ý, Thọ, Tưởng, Tư B. Biệt Cảnh gồm 5 pháp: Dục, Thắng giải, Niệm, Định, Tuệ
C. Thiện Tâm gồm 11 pháp: Tín, Tàm, Quý, Vô tham, Vô sân, Vô si, Tinh tấn, Khinh an, Bất phóng dật, Hành xã, Bất hại.
D. Căn Bản Phiền Não gồm 6 pháp: Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi, Ác kiến (bất chánh kiến)
E. Tùy phiền não có 20 pháp, được chia làm 3 loại: Phẩn, Hận, Phú, Não, Tật, San, Cuống, Xiểm, Hại, Kiêu, Vô tàm, Vô quý, Trạo cử, Hôn trầm, Bất tín, Giải đãi, Phóng dật, Thất niệm, Tán loạn, Bất chánh tri.
G. Bất Định có 4: Hối, Miên, Tầm, Tư
III. Sắc pháp, là do hai món tâm vương và tâm sở mà hiện ra cảnh tượng. Sắc pháp có 11 pháp:
A. Năm căn: Nhãn căn, Nhĩ căn, Tỷ căn, Thiệt căn, Thân căn.
B. Sáu trần: Sắc trần, Thinh trần, Hương trần, Vị trần, Xúc trần, Pháp trần IV. Tâm bất tương ưng hành pháp, do 3 nhóm Tâm vương, Tâm sở và Sắc pháp mà thành ra 24 món sai khác gọi là Tâm bất tương ưng hành, gồm:
Đắc, Mạng căn, Chúng đồng phận, Dị sanh tánh, Vô tưởng định, Diệt tận định, Vô tưởng báo, Danh thân, Cú thân, Văn thân, Sanh, Trụ, Lão, Vô thường, Lưu chuyển, Định dị, Tương ưng, Thế tốc, Thứ đệ, Thời, Phương, Số, Hòa hiệp tánh, Bất hòa hiệp tánh.
V. Vô vi pháp, do bốn nhóm tâm vương, Tâm sở, Tâm bất tương ưng hành và Sắc pháp nên hiện ra 6 pháp Vô vi, gồm:
Hư không vô vi, Trạch diệt vô vi, Phi trạch diệt vô vi, Bất động diệt vô vi, Tưởng thọ diệt vô vi, Chân như vô vi.
Bách pháp ngũ vị được phân định ở thế giới Tục đế15 và Chân đế16. Trong đó, 94 pháp ở 4 vị đầu tiên gồm Tâm pháp, Tâm sở hữu pháp, Sắc pháp, Tâm bất tương ưng hành pháp là những pháp được luận bàn ở thế giới Tục đế. Vị thứ năm - Vô vi pháp (6 pháp) là những pháp thuộc thế giới Chân
15 Tục đế: tri thức quy ước, ở thế giới thường tục – chân lý tương đối
16 Chân đế: tri thức đúng đắn, không còn hư vọng – chân lý tuyệt đối, chân như.
đế. 94 pháp đầu thuộc pháp Hữu vi, là những pháp sinh diệt biến thiên. Nếu các pháp Hữu vi chấm dứt sẽ hiển bày ra các pháp Vô vi.
Trong Bách pháp ngũ vị, Tâm pháp là chủ, Tâm sở là khách. Tâm sở luôn phải dựa vào tâm vương để sinh khởi, tương ứng và lệ thuộc vào tâm vương. Tâm sở và tâm vương đều thuộc tâm, không thể nhìn thấy, quan sát thấy và chỉ có thể tri giác. Sắc pháp lại là kết quả tương ưng của tâm vương và tâm sở mới có thể biến hiện. Tâm vương, tâm sở là năng biến, sắc pháp là sở biến.
Theo Duy thức, thế giới bao gồm vô số sự vật và hiện tượng với các hình thái khác nhau. Tuy nhiên, nếu không có Thức thì sự vật không thể được nhận biết. Vì vậy, mọi hiện hữu theo Duy thức đều do Thức tạo tác. Không có gì hiện hữu độc lập hay hiện hữu bên ngoài Thức. Sự vật mà chúng ta gọi là
“có” chỉ là kết sản phẩm đến từ nhận thức của chúng ta. Tất cả mọi đối tượng của thế giới ngoại tại đều chỉ là những biểu hiện, những “đại diện” của Thức. Do đó, các hiện tượng sinh khởi đều không có tự tính nội tại. Nhìn nhận sự vật là
“có thật” chẳng qua chỉ là do ý thức bị dính mắc vào những biểu hiện ấy, phát sinh ra phân biệt nhị nguyên mà chấp vào đó, gọi là chấp ngã và chấp pháp.
Vạn pháp không có tự tính, không có bản ngã cố định, chỉ là sự hòa hợp của nhân duyên và bị chi phối bởi luật nhân quả. Theo Duy thức, vạn pháp vận hành theo nguyên lý: “Chủng tử sinh hiện hành, hiện hành sinh chủng tử”. Đó là hệ thống nhân quả tương sinh tương duyên của các pháp trong vũ trụ. Thế giới được cấu thành bởi một hệ thống nhân duyên trùng trùng điệp điệp. Các pháp không có tự tính, do nhân duyên nên hợp lại, ở đó chủng tử là cơ sở sinh hiện hành, hiện hành là điều kiện để huân tập thành những chuẩn tử mới. Tính biện chứng này được giải thích bằng Alạida thức.
Mục đích của Duy thức học là khai thác vạn pháp cũng như loài người từ đâu sinh ra, con người vì sao khổ và giải thoát khỏi nỗi khổ bằng cách nào.
Để trả lời cho những câu hỏi đó, trường phái này đã dùng Thức và tìm hiểu Thức biến hiện bằng cách nào để biện minh cho lập trường nhận thức của họ.
Duy thức học cho rằng, con người có khả năng nhận thức thế giới, và hoạt động nhận thức này gắn liền với hai yếu tố: chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức. Chính vì thế, nội dung cốt lõi của Duy thức là nói về tương quan không thể tách rời giữa chủ thể nhận thức và đối tượng được nhận thức.
Đó là mối quan hệ bất khả phân ly, nghĩa là tâm thức không thể tách lìa khỏi thực tại khách quan và ngược lại, không thể có thực tại khách quan nếu không có tâm thức. Thực tại khách quan trong Duy thức học được xem như là biểu hiện của thức, đó là thế giới hiện tượng, là các pháp nói chung. Vì vậy, Duy thức học đã cố công tìm ra mối quan hệ nhận thức phức tạp giữa con người và thế giới ngoại cảnh, ngang qua những luận điểm rất đặc trưng của Phật giáo như: căn, trần và thức, cũng như các loại Tâm. Duy Thức Học sử dụng phương pháp phân tích tâm (hay thức), và xây dựng lý thuyết Bát thức, còn gọi là tám thức tâm vương gồm: Alạida thức, Mạt na thức, Ý thức, Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỵ thức, Thiệt thức và Thân thức.
Tư tưởng của Tiểu thừa chỉ dừng lại ở việc phân tích 6 thức và đóng khung trong phạm vi hẹp đó, do đó chỉ mới tìm hiểu được mặt tầng chứ chưa soi thấu vào mặt đáy trong tâm hồn của con người. Duy thức học xuất hiện, với giáo lý Tám thức, đặc biệt là thức thứ tám – Alạida thức, Vô Trước và Thế Thân đã len lỏi vào tận sâu thế giới tâm thức của con người để rồi luận giải những diễn biến của tâm lý con người một cách sâu sắc và hợp lý. “Phật giáo thuộc Vô Trước và Thế Thân hệ, đứng về phương diện tổ chức, tuy cực kỳ phức tạp, nhưng trung tâm điểm là thuyết Alaida thức” [94, tr.142-143].
Đặc điểm quan trọng nhất trong tư tưởng triết học của Vô Trước và Thế Thân ở chỗ lập nên thức Alaida thứ tám để giải quyết vấn đề Thức. Theo các ông - Alaida thức là nguồn gốc của vạn vật, là nơi nương tựa của vạn vật, là nguyên lý của cá nhân, đồng thời cũng là nguyên lý của vũ trụ.
Để biện luận cho những lý thuyết của mình, Thế Thân biên soạn nhiều tác phẩm nổi tiếng như: “Duy thức Tam Thập Tụng, Duy thức Nhị Thập Tụng, Đại thừa bách pháp minh môn luận, mấy quyển trên là căn bản cho Duy thức học” [80, tr.25]. Trong đó, Duy Thức tam thập tụng (30 bài tụng về Duy thức) được xem là nền tảng cơ sở lý luận của tông phái Duy thức. “Tác phẩm Duy thức tam thập tụng quả là tác phẩm căn bản nhất của học phái Duy thức…diễn bày một cách tích cực hệ thống triết lý Duy thức” [39, tr.15]. “Bồ tát Thế Thân dựa vào các kinh Đại thừa A Tỳ Đạt Ma, Nhập lăng già, Giải thâm mật, đặc biệt là Du già sư địa… để viết ra 30 bài tụng ngắn gọn nhưng nội dung hết sức phong phú để xiển dương đạo lý Duy thức. Phần đầu bàn về thức biến để phá chấp ngã chấp pháp, phần hai giải thích về Duy thức tướng, phần ba bàn về Duy thức tánh” [117, tr.5].
Nhận thức luận của Duy thức học Vô Trước và Thế Thân được Huyền Trang bổ sung và lý giải một cách rõ ràng hơn với tác phẩm Bát thức quy củ tụng, bởi tác phẩm này: “… chú trọng đến hình thái và đối tượng của nhận thức và do đó đã lấy khởi điểm từ quan niệm tam lượng, tam cảnh và tam tánh” [39, tr.16]. “Tác phẩm Bát Thức Quy Củ Tụng có thể gọi là Duy thức mới. Tại vì khi thầy Huyền Trang qua Ấn Độ học Duy thức của thầy Vô Trước và thầy Thế Thân thì thầy cũng được tiếp xúc với học phái của Trần Na (Dinangha, 400-480). Thầy Trần Na rất giỏi về luận lý học. Vì vậy nên Duy thức của Bát Thức Quy Củ có màu sắc của luận lý học (logic) và của nhận thức luận (epistemology)” [38, tr.11].
Như vậy, công lao của Vô Trước và Thế Thân là đã tạo ra một sự chuyển hướng từ tư tưởng A tỳ đạt ma của Tiểu Thừa sang Duy thức của Đại thừa. Để làm công việc này, hai ông đã đưa ra những tư tưởng mới về lý luận nhận thức, xác lập nên giáo lý Tám thức, bàn sâu hơn về Tam cảnh, Tam lượng và Tam tự tính…từ đó giải thích một cách chi tiết và có hệ thống về đối tượng nhận thức, hình thái nhận thức và con đường nhận thức. Những nội dung này, tác giả sẽ đề cập một cách chi tiết ở chương tiếp theo: “Những nội dung cơ bản của nhận thức luận Duy thức học”.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2
Phần trình bày khái quát về sự hình thành và phát triển của nhận thức luận Phật giáo, đã mang lại cái nhìn rõ hơn về bức tranh Phật giáo Ấn Độ từ khi Đức Phật xuất hiện đến giai đoạn Phật giáo Đại thừa sơ kỳ với sự ra đời của Duy thức học. Đó chính là những biến thiên, thăng trầm của Phật giáo qua ba thời kỳ phát triển, Phật giáo Nguyên Thủy, Phật giáo Tiểu thừa và Phật giáo Đại thừa. Bức tranh này được biểu hiện sinh động gắn liền với những biến đổi trong đời sống kinh tế, chính trị và xã hội của đất nước Ấn Độ.
Phật giáo là hệ tư tưởng, do đó vận động để thích ứng là một yêu cầu tất yếu. Cho dù có những lúc phân hóa dường như rất phức tạp với nhiều tông phái với những luận giải khác nhau, nhưng nội dung cốt lõi của giáo lý Phật giáo không hề thay đổi. Kể cả, cho dù pháp môn có khác, nhưng tất cả đều cùng chung một mục đích duy nhất, hướng đến giải thoát con người. Đây được xem là mục đích tối thượng trong tiến trình phát triển của triết học Phật giáo.
Nắm bắt tinh thần cốt lõi ấy, Duy thức học đã mở ra một đường lối nghiên cứu mới, tìm hiểu tư tưởng của các bậc tiền bối nhưng trên tinh thần bổ sung để Phật giáo Đại thừa trở nên thích ứng với thời đại. Sự ra đời của Duy thức vì vậy không phải là phát triển một triết lý mới, mà là để khai sáng một nhận thức mới về sự giác ngộ qua hành trình tìm hiểu Tâm thức, từ đó thiết lập con đường thực hành, tạo nên một triết thuyết đưa nội dung tư tưởng Đại thừa đến chỗ toàn vẹn.
Chương 3