Những giá trị trong quan niệm của I. Kant về chủ thể tiên nghiệm

Một phần của tài liệu Quan niệm của i kant về chủ thể tiên nghiệm (Trang 139 - 145)

Chương 4: NHỮNG GIÁ TRỊ, HẠN CHẾ VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA QUAN NIỆM VỀ CHỦ THỂ TIÊN NGHIỆM TRONG TRIẾT HỌC I. KANT

4.1. Những giá trị trong quan niệm của I. Kant về chủ thể tiên nghiệm

Chủ nghĩa duy tâm tiên nghiệm từ khi được I. Kant đưa ra đã trở thành một bước ngoặt cách mạng trong lịch sử triết học. Nó công phá nhiều quan niệm triết học, đặc biệt là triết học duy lý cực đoan xơ cứng từng ngự trị ở châu Âu suốt thế kỷ XVII, cầm tù tư duy nhân loại từ bao đời nay. Nó mở ra những cách nhìn mới về nhiều lĩnh vực như: tự nhiên, xã hội, con người, đạo đức học, mỹ học. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà triết học của I. Kant được đánh giá có một vị trí to lớn trong lịch sử tư tưởng nhân loại.

Trước hết là những đóng góp quan trọng của quan niệm I. Kant về chủ thể tiên nghiệm.

* Thứ nhất, lần đầu tiên trong lịch sử triết học, I. Kant đã đưa ra quan niệm về con người một cách toàn diện thông qua quan niệm của ông về chủ thể tiên nghiệm (tức con người không chỉ với tư cách là chủ thể nhận thức tiên nghiệm mà còn với tính cách là chủ thể đạo đức tiên nghiệm và chủ thể thẩm mỹ tiên nghiệm) trong hoạt động nhận thức và thực tiễn

Trong lịch sử nhận thức và tự nhận thức của nhân loại, sự quan tâm đến chính con người, con người ý thức về bản thân mình đã có từ rất sớm. Như chúng ta đã rõ từ thời xa xưa Socrates đã nói “Con người hãy tự nhận thức chính mình”, hay câu thần dụ trên đền thờ Apollo “hãy tự biết mình”, Protagoras “con người là thước đo của vạn vật” cho thấy đây là một vấn đề không mới. Tuy nhiên, lần đầu tiên trong lịch sử triết học, kế thừa các thành quả của các trào lưu triết học đối lập (chủ nghĩa duy kinh nghiệm và chủ nghĩa duy lý) và phát triển trên một trình độ cao hơn, I. Kant đã đưa ra một quan niệm khá toàn diện về cấu trúc và những năng lực tiên nghiệm thuần túy của chủ thể trong nhận thức và hoạt động thực tiễn thể hiện ở chỗ ông không tách rời mối quan hệ giữa chủ thể nhận thức tiên nghiệm, chủ thể đạo đức tiên nghiệm và chủ thể thẩm mỹ tiên nghiệm.

Có thể thấy rằng, nếu tách con người với tư cách là chủ thể nhận thức tiên nghiệm ra khỏi con người đạo đức với tư cách là chủ thể đạo đức tiên nghiệm và con người thẩm mỹ với tư cách là chủ thể thẩm mỹ tiên nghiệm thì chúng ta sẽ làm nghèo đi giá trị nhân văn trong triết học của I. Kant, và cũng không thể hiểu hết được giá trị nhân văn trong quan niệm của I. Kant về chủ thể tiên nghiệm nói riêng.

Trước I. Kant, Hume từng cho rằng không thể phân biệt được cái đúng cái sai bởi cái đang có không dẫn đến cái phải có, theo Hume thì lý tính không giúp con người phân biệt được cái đúng cái sai, với ông đó là một vấn đề cảm xúc thuần túy.

I. Kant thấy nền tảng của lý thuyết trong giải quyết sinh hoạt đạo đức của con người như thế là quá lỏng lẻo. I. Kant cho rằng ẩn sau sự phân biệt Thiện - Ác luôn là một cái gì đó có thực. Ở điểm này ông đồng tình với các nhà duy lý chủ nghĩa cho rằng lý tính đã có sẵn khả năng giúp ta lựa chọn đúng sai. Mọi người đều biết điều gì là tốt, điều gì là xấu không phải vì chúng ta học được nó mà bởi nó được khắc ghi trong lý tính của chúng ta. Con người đều được phú cho một lý tính thực hành đạo đức, tức là khả năng riêng của lý tính giúp chúng ta trong mọi trường hợp phân biệt được tốt xấu, Thiện Ác trên bình diện đạo đức. Nghĩa là I. Kant thừa nhận khả năng phân biệt điều tốt điều xấu là khả năng bẩm sinh, cũng như tất cả các thuộc tính khác của lý tính. Cũng như mọi người đều thừa nhận nguyên tắc nhân quả trong vũ trụ, đều đạt đến cùng một quy luật đạo đức phổ quát. Quy luật này cũng tuyệt đối

như những quy luật vật lý đối với các hiện tượng tự nhiên. Nó là nền tảng của đời sống đạo đức chúng ta.

I. Kant quan tâm đến vấn đề vai trò hoạt động cải tạo của con người với tư cách là chủ thể của thế giới, vì con người bản chất là thực thể hoạt động tích cực.

Bản chất này được biểu hiện đầy đủ nhất trong lĩnh vực đạo đức. I. Kant đã nhìn thấy sự không tương hợp nhất định giữa bản chất của con người và vị trí của họ trong hiện thực. Ông vạch rõ những kìm hãm, xuyên tạc khả năng con người trong xã hội phong kiến. Ông đã chỉ ra những điều cần thiết nhằm giúp con người nhận ra vị trí của mình trong thế giới và hiểu đúng đắn mình phải như thế nào để trở thành một con người.

Về lĩnh vực mỹ học, như đã nói ở chương 3, I. Kant không chỉ xác lập một hướng nghiên cứu mới đối với các quan hệ thẩm mỹ trong lịch sử tư tưởng mỹ học trước đó, nó còn thông qua việc phân tích các khả năng phán đoán mà bắc cầu cho các hoạt động nhận thức và hoạt động đạo đức, bắc cầu giữa cái tất nhiên của tự nhiên với cái tự do của thế giới tinh thần của con người. Trong đó quan niệm của I.

Kant về chủ thể thẩm mỹ tiên nghiệm đặc biệt là các năng lực tiên nghiệm vốn có của chủ thể trong việc đánh giá và chiêm ngưỡng về sự vật trong thế giới được xem là bước ngoạt quan trọng nhất mà I. Kant nhằm hướng hoạt động của con người đạt đến giá trị vĩnh cửu Chân - Thiện - Mỹ. Phán đoán thẩm mỹ tiên nghiệm không phải là phán đoán lý tính, nhằm vươn tới cái đúng, cái chân lý, cũng không phải là phán đoán đạo đức nhằm vươn tới cái thiện mà phán đoán thẩm mỹ là một loại năng lực trực cảm đặc biệt của chủ thể, đó là: năng lực cảm thụ thẩm mỹ tiên nghiệm, năng lực đánh giá thẩm mỹ và năng lực thỏa mãn của chủ thể khi xem xét và đánh giá về đối tượng đang chiễm ngưỡng. Như vậy việc quan niệm con người với tư cách là chủ thể tiên nghiệm trong triết học I. Kant không tách rời chủ thể nhận thức tiên nghiệm, chủ thể đạo đức tiên nghiệm và chủ thể thẩm mỹ tiên nghiệm, vì vậy có thể thấy rằng chủ thể tiên nghiệm ấy luôn hướng tới sự phát triển toàn diện với ba giá trị Chân - Thiện - Mỹ. Đây là ba giá trị vĩnh cửu của nhân loại mà I. Kant đã khái quát trong học thuyết của mình một cách độc đáo.Có thể thấy rằng, con người theo quan niệm của I. Kant là con người chân - thiện - mỹ, con người tự do, về nguyên tắc con người phải đạt được tự do trong cả ba lĩnh vực nhưng khi triển khai, ông mới phát hiện chỉ trong lĩnh vực thẩm mỹ con người mới kết hợp được quy luật khách quan và sáng tạo chủ quan.

Vì vậy, chỉ ở lĩnh vực này, chủ thể tiên nghiệm mới đạt tự do đích thực. Cuộc cách mạng Copernicus trong quan niệm về con người chính là ở đây.

Về phương diện này có thể nói, quan niệm của I. Kant về chủ thể tiên

nghiệm đã có ý nghĩa rất tích cực trong việc hình thành nên quan niệm về con người trong các trào lưu triết học sau ông trong đó có triết học Mác.

Thứ hai, quan niệm của I. Kant về chủ thể tiên nghiệm, đặc biệt là quan niệm của ông về cấu trúc và những năng lực của chủ thể nhận thức tiên nghiệm chứa đựng yếu tố biện chứng sâu sắc

Trong quan niệm của I. Kant về cấu trúc và những năng lực của chủ thể nhận thưc tiên nghiệm chẳng hạn như tư tưởng về lý thuyết tiên nghiệm, về phương pháp biện chứng, về nguồn gốc của những khái niệm, phạm trù lôgic chủ yếu và vị trí của chúng trong tư tưởng khoa học cũng như trong quá trình nhận thức chứa đựng những yếu tố biện chứng sâu sắc. Khi xây dựng quan niệm về chủ thể nhận thức tiên nghiệm, I. Kant không chỉ làm hồi sinh phép biện chứng của các nhà tư tưởng cổ đại, mà còn xét nó như là lôgíc của lý tính, như là phương tiện nhận thức quan trọng nhất. Ông viết: “Vậy là có một phép biện chứng tự nhiên và không tránh khỏi của lý tính thuần túy, một phép biện chứng không phải là do ai đó cẩu thả, thiếu kiến thức phạm phải, cũng không phải do một tay ngụy biện bịa đặt ra một cách giả tạo để làm rối các người có đầu óc tỉnh táo, trái lại, là phép biện chứng không thể tách rời của lý tính con người” [51, tr. 591- 592].

Những phỏng đoán biện chứng của I. Kant về các mâu thuẫn, mà có thể xem như là sự đến gần học thuyết Hegel về mâu thuẫn biện chứng, có ý nghĩa quan trọng trong việc vạch ra tính chất biện chứng cả của thế giới khách quan lẫn của tư duy con người. Kant cảm nhận sâu sắc hơn các bậc tiền bối tính hạn chế và khiếm khuyết của lôgíc học hình thức và đã thực hiện ý đồ đầu tiên xây dựng lôgíc học khác, hoàn thiện hơn để đáp ứng tốt những đòi hỏi của sự phát triển khoa học đương thời. Lôgíc học tiên nghiệm (phương pháp phân tích pháp tiên nghiệm trong lĩnh vực giác tính và phép biện chứng tiên nghiệm với tư cách là học thuyết về lý tính) của ông có chứa những yếu tố biện chứng, đặc biệt ở phần “biện chứng pháp tiên nghiệm”. Khi đưa ra quan niệm về chủ thể nhận thức tiên nghiệm, ông đồng thời xây dựng lôgíc học tiên nghiệm, vạch ra một số yếu tố liên hệ biện chứng xác định và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa chúng.

Những phỏng đoán rõ nhất của I. Kant về mâu thuẫn biện chứng thể hiện trong học thuyết của ông về antinomie. Ông coi những mâu thuẫn mà lý tính con người rơi vào khi có ý đồ lĩnh hội thế giới như chỉnh thể duy nhất là những antinomie. Ông nêu ra bốn cặp phán đoán antinomie của lý tính thuần tuý. Theo ông, có thể chứng minh rất chắc chắn rằng, thế giới có khởi đầu về thời gian và hữu hạn về không gian, nhưng cũng có thể chứng minh rất thuyết phục được rằng, thế giới là vô hạn cả về thời gian

và không gian. Có thể chứng minh mọi thực thể phức tạp đều được tạo thành từ các bộ phận đơn giản, nhưng cũng có thể chứng minh điều ngược lại: trong thế giới không có sự vật đơn giản, các sự vật phức tạp không được cấu tạo từ các bộ phận đơn giản. Cũng như vậy, có thể chứng minh sự tồn tại của cái gọi là tự do, và trong thế giới chẳng có thứ tự do nào hết, tất cả đều chỉ diễn ra theo các quy luật tự nhiên. Cuối cùng, nhà triết học cổ điển Đức vĩ đại này nêu ra khả năng chứng minh được trong thế giới có bản chất tất yếu, vô điều kiện, và ngược lại, trong thế giới không có bản chất tất yếu. Công lao của I. Kant thể hiện ở chỗ, ông đã vạch ra mâu thuẫn biện chứng giữa cái hữu hạn và cái vô hạn, tất yếu và tự do, phân chia và không phân chia được… Điều đó có ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển của phép biện chứng. Học thuyết về antinomie của I. Kant đã tiếp cận được bản chất biện chứng của hoạt động nhận thức nhân loại và quy luật biện chứng của lý tính nhân loại. Với cách đặt vấn đề như vậy I. Kant đã đặt những viên gạch đầu tiên cho việc xây dựng phép biện chứng trở thành khoa học mà sau này đã được Hegel hoàn thành.

I. Kant cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của con người với tư cách là chủ thể nhận thức tiên nghiệm. Theo ông, con người là chủ thể sáng tạo ra tri thức của mình chứ không phải chỉ là sự tiếp nhận sự tác động của thế giới bên ngoài. Triết học I.

Kant có thể coi là điển hình cho triết học của những nét đặc thù và độc đáo. Tất nhiên, hầu như nhà triết học vĩ đại nào trên thế giới cũng đều có những nét đặc thù độc đáo trong hệ thống của riêng mình. Tuy nhiên, trong lịch sử triết học khó có nhà triết học nào lại độc đáo và đặc thù đến như I. Kant. Ông độc đáo từ cách đặt vấn đề, cách trình bày, lập luận, phương pháp…thậm chí cả ở cách đặt tên các tác phẩm của mình. Ông là nhà triết học tiêu biểu của thuyết bất khả tri song lại là người đề cao trí tuệ con người, và mong muốn thức tỉnh thời đại bằng trí tuệ.

Trong các nền triết học trước I. Kant, con người chưa khẳng định được vị trí tích cực, chủ động của mình trong quá trình nhận thức. I. Kant đã không đi theo lối mòn đó, ông khẳng định một cách dứt khoát con người làm chủ quá trình nhận thức và luôn tích cực, chủ động, sáng tạo trong quá trình đó. Sau này, khi đề cập đến tính tích cực, sáng tạo của chủ thể trong hoạt động nhận thức C. Mác đã chỉ ra một cách xác đáng rằng tính tích cực, biện chứng của quá trình nhận thức chủ yếu được chủ nghĩa duy tâm phát triển, chứ không phải chủ nghĩa duy vật, một trong những người có công trong lĩnh vực đó là I. Kant.

Nếu như trước I. Kant tư tưởng biện chứng chủ yếu được các nhà triết học rút ra trên cơ sở phân tích thế giới bản thể, phân tích giới tự nhiên cùng với tính vô hạn và hữu hạn của nó thì trong triết học I. Kant phép biện chứng được chuyển sang

bình diện khác - bình diện biện chứng của quá trình nhận thức. Ông đã nghiên cứu sâu sắc mối quan hệ của đối tượng nhận thức và chủ thể nhận thức, bắt đầu từ triết gia Đức vĩ đại này biện chứng giữa chủ thể nhận thức và khách thể nhận thức trong quá trình nhận thức của con người đã được nghiên cứu một cách đúng nghĩa của nó.

* Thứ ba, quan niệm của I. Kant về chủ thể tiên nghiệm thể hiện một cách độc đáo sự đề cao trí tuệ con người

Như đã nói ở những phần trước, mấu chốt của cuộc cách mạng Copernicus trong nhận thức luận mà I. Kant thực hiện là thay vì trước nay chủ thể bị động hướng tới đối tượng thì nay “bắt” đối tượng phải hướng về mình, phải phù hợp với quan niệm của mình về nó. Nghĩa là con người phải được coi là chủ thể nhận thức tích cực, chủ động, sáng tạo thì mới có tiền đề để giải quyết được vấn đề cơ bản của triết học là “quan hệ giữa tư duy và tồn tại”. Tuy nhiên chủ thể nhận thức tiên nghiệm của I. Kant chưa phải là chủ thể hoạt động thực tiễn (nhất là thực tiễn lao động sản xuất) mới chỉ là chủ thể hoạt động tinh thần và chủ thể hoạt động đạo đức và thẩm mỹ trên cơ sở tinh thần. Chúng ta đều rõ I. Kant có công rất lớn trong việc đặt ra câu hỏi: cầu nối giữa tư duy con người với thế giới bên ngoài (tồn tại) là gì?

Tiếc là ông đã đưa ra câu trả lời sai cho câu hỏi này khi ông cho rằng con người quan hệ với thế giới bên ngoài thông qua nhận thức, đạo đức và thẩm mỹ. Nhưng chính sai lầm này đã gợi mở cho C. Mác tìm ra câu trả lời đúng. Đó là thực tiễn và nhận thức, đạo đức, thẩm mỹ cũng có nguồn gốc từ hoạt động thực tiễn của con người. Con người đã và đang làm thay đổi thế giới xung quanh bằng hoạt động thực tiễn có ý thức của họ. Chính vì thực tiễn ấy là có ý thức nên thế giới mà con người đang sống đã nhuốm đầy lý tính, và hiện hữu với tư cách là hiện thực mang tính người. Ý thức con người không chỉ phản ánh thế giới khách quan mà còn cải tạo thế giới khách quan.

Mặt khác, quan niệm của I. Kant về chủ thể tiên nghiệm lại xuất phát từ lập trường duy tâm nhưng rõ ràng quan niệm về con người với tư cách là chủ thể tích cực, sáng tạo trong mọi hoạt động nhận thức và thực tiễn của I. Kant đã mở đầu cho việc giải quyết vấn đề cơ bản của triết học một cách trọn vẹn. Bế tắc nói trên của I.

Kant (và cả Hegel sau này cũng vậy) được triết học C. Mác giải quyết bằng cách đưa phạm trù thực tiễn vào để lý giải rằng trong thực tiễn này chủ thể người năng động, sáng tạo đã buộc đối tượng phải biến đổi theo sự hình dung của mình về mục đích và qua đó mà nhận thức đối tượng, làm nó phải bộc lộ bản chất, các tính quy luật sinh thành, tồn tại, vận động của nó. Do vậy, ý nghĩa lớn nhất của quan niệm chủ thể tiên nghiệm trong triết học I. Kant nói chung, đặc biệt là quan niệm của ông

Một phần của tài liệu Quan niệm của i kant về chủ thể tiên nghiệm (Trang 139 - 145)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(181 trang)