KHÁI QUÁT TRÀO LƯU VĂN HỌC LÃNG MẠN
II. CÁC TRÀO LƯU VĂN HỌC LÃNG MẠN (1932 - 1945)
1. Tự lực văn đoàn
1.1. Nhóm tự lực văn đoàn và tiểu thuyết Tự lực văn đoàn
- Tự lực văn đoàn là tổ chức văn hóa xã hội, chủ trương đổi mới văn hóa xã hội theo kiểu Âu Tây, cổ vũ lối sống phù hợp với tâm lí thanh niên, trẻ trung.
- Tự Lực văn đoàn được Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh) khởi xướng và bắt đầu hình thành vào cuối năm 1932, chính thức tuyên bố thành lập vào ngày thứ Sáu, 2 tháng 3 năm 1934 (tuần báo Phong Hóa số 87). Đây là một tổ chức văn học đầu tiên của Việt Nam mang đầy đủ tính chất một hội đoàn sáng tác theo nghĩa hiện đại, và là một tổ chức văn học đầu tiên trong lịch sử văn học của dân tộc Việt do tư nhân chủ xướng, không dính líu đến vua quan, thân hào như các thi xã kiểu cũ (như Tao đàn Nhị thập bát Tú, Tao đàn Chiêu Anh Các, Mặc Vân thi xã), và cũng không phát ngôn cho tiếng nói của quyền lực (như các nhóm Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí,...). Đứng về mặt xã hội, các thành viên trong văn đoàn ấy đều là dân thường, nhưng họ lại tập hợp nhau lại vì một lý tưởng muốn cống hiến cho văn học, thông qua văn học mà đóng góp cho xã hội, và cùng chung sức nhau xã hội hóa hoạt động sáng tác của họ, trong sự vận hành của cơ chế thị trường văn học nghệ thuật đang dấy lên từ Nam ra Bắc thuở bấy giờ.
Trong khoảng 10 năm (1932 - 1942) tồn tại, văn đoàn ấy với những sáng tác văn học, hoạt động báo chí, xuất bản sách, trao giải thưởng, v.v...đã tạo nhiều ảnh hưởng đến văn học và xã hội Việt Nam ở thời kỳ đó.
* Dẫn thêm: Trong khoảng thời gian sống tại Pháp, ngoài việc học khoa học, Nguyễn Tường Tam còn chuyên tâm nghiên cứu về nghề báo, và ông nhận thấy loại báo
trào phúng là khá thích hợp với sở thích của nhiều người. Năm 1930, ông đỗ bằng Cử nhân khoa học, và trở về nước trong bối cảnh "cả xứ Đông Dương như sống trong đêm dài trung cổ. Mọi hình thức đấu tranh vũ trang hầu như bị thực dân Pháp triệt tiêu"
Về ở Hà Nội, để thực hiện ước vọng của mình, Nguyễn Tường Tam nộp đơn xin Sở Báo chí cho phép ra báo Tiếng cười, và chuẩn bị bài vở cho số báo đầu tiên. Tuy nhiên, lần nào hỏi thăm đều nghe người của sở ấy bảo rằng “chờ xét”. Trong thời gian đợi giấy phép ra báo, Nguyễn Tường Tam xin dạy học tại trường tư thục Thăng Long. Tại đây, ông quen biết với hai đồng nghiệp là Trần Khánh Giư (Khái Hưng) và Phạm Hữu Ninh
Khi biết ông Ninh cùng Nguyễn Xuân Mai đang làm chủ tờ tuần báo Phong Hóa, đã ra 13 số báo, nhưng sắp sửa phải đình bản vì không có gì mới mẻ để bạn đọc chú ý. Chớp thời cơ, Nguyễn Tường Tam ngỏ ý mua lại. Sau đó, ông Tam, với vai trò Giám đốc (Directeur) tờ báo, liền cùng với một nhóm anh em bạn hữu gồm có: Khái Hưng (Trần Khánh Giư, vốn là cây bút cốn cán giữ nhiêu mục quan trọng trên báo Phong Hóa suốt từ số 1 cho đến số 14), Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu), Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long), Thạch Lam (Nguyễn Tường Lân), tạo thành một ban biên tập hoàn toàn mới”
Bắt đầu ngày 22 tháng 09 năm 1932, báo Phong Hóa số 14 ra 8 trang khổ lớn, và được đánh giá là "một quả bom nổ giữa làng báo".
Sau khi tờ báo "bán chạy như tôm tươi ngay từ những số đầu", Nguyễn Tường Tam cùng với các cộng sự quyết định thành lập một bút nhóm lấy tên là Tự Lực văn đoàn. Một thành viên của bút nhóm là Tú Mỡ kể lại (lược trích):
...Tất cả những gì dự định cho báo "Tiếng cười", anh Tam dồn cả cho báo "Phong Hóa mới"...Báo làm ăn phát đạt, và mặc dù anh em làm việc quên mình, không vụ lợi, nhưng anh Tam vẫn phải chạy tiền khá chật vật để mỗi tuần kịp trả đủ cho nhà in và tiền mua giấy...Cuối năm đó (1932), tính sổ mới ngã ngữa ra: lời lãi chia theo số vốn, phần lớn chui vào két của nhà tư sản...Anh Tam bèn họp bàn với anh em, và đồng ý với nhau rằng:
Không thể chơi với nhà tư sản được. Quyết định thành lập “Tự lực văn đoàn” trên nguyên tắc làm ăn dựa vào sức mình, theo tinh thần anh em một nhà; tổ chức không quá 10 người nên không phải xin phép Nhà nước; không cần có văn bản điều lệ: lấy lòng tin nhau làm cốt, chỉ nêu ra trong nội bộ mục đích tôn chỉ, anh em tự giác tuân theo...
Về sau, khi điều kiện đã tốt hơn để mở rộng tầm hoạt động, bút nhóm ấy mới chính thức tuyên bố thành lập, với một tôn chỉ gồm 10 điều trên tuần báo Phong Hóa số 87 ra ngày thứ Sáu, 2 tháng 3 năm 1934 .
Theo GS. Nguyễn Văn Xuân, mặc dù Tự Lực văn đoàn "ra đời trong thời kỳ khó khăn mọi mặt: nghèo tiền, không thế lực, tinh thần quốc gia dao động, thực dân Pháp chèn ép đủ mặt; vậy mà các thành viên vẫn hợp tác được để dẫn dắt nhau ngang nhiên tiến bộ"...
1.2. Tuyên ngôn và tôn chỉ
Trong tuần báo Phong Hóa số 87 ra ngày 2 tháng 3 năm 1934, có in lời tuyên ngôn và tôn chỉ (10 điều) của Tự Lực văn đoàn như sau:
Tuyên ngôn
Tự lực văn đoàn họp những người đồng chí trong văn giới; người trong đoàn đối với nhau cốt có liên lạc về tinh thần, cùng nhau theo đuổi một tôn chỉ, hết sứ giúp nhau để đạt được mục đích chung, hết sức che chở nhau trong những công cuộc có tính cách văn chương.Người trong Văn đoàn có quyền để dưới tên mình chữ Tự Lực văn đoàn và bao nhiêu tác phẩm của mình đều được Văn đoàn nhận và đặt dấu hiệu.Những sách của người ngoài, hoặc đã xuất bản, hoặc còn bản thảo, gửi đến Văn đoàn xét, nếu hai phần ba người trong Văn đoàn có mặt ở Hội đồng xét là có giá trị và hợp với tôn chỉ thì sẽ nhận đặt dấu hiệu của Đoàn và sẽ tùy sứ cổ động giúp. Tự Lực văn đoàn không phải là một hội buôn xuất bản sách.Sau này nếu có thể được, Văn đoàn sẽ đặt giải thưởng gọi là giải thưởng Tự Lực văn đoàn để thưởng những tác phẩm có giá trị và hợp với tôn chỉ của Đoàn.
Tôn chỉ
1. Tự sức mình làm ra những sách có giá trị về văn chương chứ không phiên dịch sách nước ngoài nếu những sách này chỉ có tính cách văn chương thôi: mục đích là để làm giàu thêm văn sản trong nước.
2. Soạn hay dịch những cuốn sách có tư tưởng xã hội. Chú ý làm cho người và xã hội ngày một hay hơn.
3. Theo chủ nghĩa bình dân, soạn những sách có tính cách bình dân và cổ động cho người khác yêu chủ nghĩa bình dân.
4. Dùng một lối văn giản dị, dễ hiểu, ít chữ nho, một lối văn thật có tính cách An Nam.
5. Lúc nào cũng mới, trẻ, yêu đời, có trí phấn đấu và tin ở sự tiến bộ.
6. Ca tụng những nết hay vẻ đẹp của nước mà có tính cách bình dân, khiến cho người khác đem lòng yêu nước một cách bình dân. Không có tính cách trưởng giả qúi phái.
7. Trọng tự do cá nhân
8. Làm cho người ta biết rằng đạo Khổng không hợp thời nữa.
9. Đem phương pháp khoa học thái tây ứng dụng vào văn chương Việt Nam.
10. Theo một trong 9 điều này cũng được miễn là đừng trái ngược với những điều khác.
Theo GS. Nguyễn Huệ Chi, qua 10 điều ấy, có thể thấy văn đoàn đã đề ra 4 chủ trương lớn, đó là:
Về văn học: Nhắm tới 3 mục tiêu lớn:
-1. Dấy lên một phong trào sáng tác làm cho văn học Việt Nam vốn đang nghèo nàn có cơ hưng thịnh.
-2. Xây dựng một nền văn chương tiếng Việt đại chúng.
-3. Tiếp thu phương pháp sáng tác của châu Âu hiện đại để hiện đại hóa văn học dân tộc.Về xã hội: Đề cao chủ nghĩa bình dân và bồi đắp lòng yêu nước trên cơ sở lấy tầng lớp bình dân làm nền tảng.
Về tư tưởng:Vạch trần tính chất lỗi thời của những tàn dư Nho giáo đang ngự trị trong xã hội
Về con người: Lấy việc giải phóng cá nhân làm tâm điểm của mọi sáng tác.
1.3 Khuynh hướng tư tưởng và mô hình của tiểu thuyết Tự lực văn đoàn a. Khuynh hướng tư tưởng:
- Đấu tranh cho chủ nghĩa cá nhân, khẳng định và giương cao lá cờ của chủ nghĩa cá nhân tư sản (ở đây chưa bị đẩy tới mức cực đoan)
+ Chặng đầu, tiểu thuyết TLVĐ phản ánh mâu thuẫn xung đột giữa cái mới và cái cũ là xung đột cá nhân, chủ nghĩa cá nhân và đại gia đình phong kiến; những tập tục phong kiến hủ lậu trói buộc quyền sống và hạnh phúc cá nhân con người. TLVĐ đứng về phía cá nhân, đoạn tuyệt chống lại chế độ đại gia đình phong kiến gia trưởng, những hủ tục lạc hậu nhất là luân lí phong kiến với người phụ nữ.
+ Giương cao lá cờ giải phóng cá nhân, đấu tranh cho quyền lợi chân chính đặc biệt là của người phụ nữ.
+ Khẳng định hành động tích cực chống lại những cái cũ.
- Khẳng định lí tưởng xã hội mang tinh thần dân chủ nhân đạo trong cuộc cải cách xã hội, cải tạo nông thôn.
- Có tinh thần dân tộc và màu sắc vị nhân sinh.
b. Mô hình tiểu thuyết
- Về đề tài: chủ yếu viết về tình yêu. Trong 19 cuốn tiểu thuyết TLVĐ chỉ có Thừa tự của Khái Hưng không đề cập đến.
- Nhân vật: kiểu nhân vật thanh niên tân, tên gọi chàng và nàng.
- Nghệ thuật viết theo lối hiện đại.
Mười năm tồn tại của Tự lực văn đoàn đã để lại những dấu ấn đậm nét trên tiến trình hiện đại hóa văn chương - học thuật Việt Nam thế kỷ XX