Điều kiện tự nhiên

Một phần của tài liệu Di tích thành hồ phú yên (qua tài liệu khai quật khảo cổ học) (Trang 22 - 27)

CHƯƠNG 1 ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN VÀ QUÁ TRÌNH NGHIÊN CỨU THÀNH HỒ

1.1. Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên

1.1.2. Điều kiện tự nhiên

Huyện Phú Hòa có diện tích tự nhiên 263.24km, phía bắc giáp huyện Tuy An, phía nam giáp huyện Tuy Hòa, phía tây giáp huyện Sơn Hòa, phía đông giáp thành phố Tuy

Hòa. Huyện Phú Hòa có 8 xã và 1 thị trấn: Hòa Định Đông, Hòa Định Tây, Hòa Trị, Hòa Thắng, Hòa An, Hòa Quang Bắc, Hòa Quang Nam, Hòa Hội và thị trấn Phú Hòa.

Thành Hồ nằm ở vị trí hết sức quan trọng: phía tây là Đèo Dinh Ông, phía nam đối diện Hòn Bà, phía đông là Gành Đá và cửa sông Đà Rằng, phía bắc là Núi Sầm.

Đi ngang qua Thành Hồ là quốc lộ 25 từ Tây Nguyên về đồng bằng. Thành Hồ được coi là cửa ngõ của Châu Thượng Nguyên thời bấy giờ.

Sông Đà Rằng là con sông lớn nhất tỉnh Phú Yên có vai trò quan trọng trong việc hình thành đồng bằng Tuy Hòa và là cơ sở xây dựng Thành Hồ. Sách Đại Nam nhất thống chí ghi chép về sông Đà Diễn như sau: “Sông Đà Diễn ở phía nam huyện Tuy Hòa, có tên nữa là sông Đà Lãng, phát nguyên từ trong Man động về phía tây núi Phước Sơn, chảy về phía đông làm sông Thạch Hãn (sông có nhiều đá ngăn cản, nên gọi thế) ngoặt về phía nam đến phía nam xã Thạch Thành có sông Hương Sơn, nguồn ra từ núi Bình Yên chảy về phía đông bắc chừng 2 dặm thì hợp vào; lại chuyển sang phía đông đến thôn Bảo Tháp có sông Bảo Tháp, nguồn ra từ núi Phú Cốc (có tên nữa là núi Bảo Tháp) chảy phía nam mà hợp vào, lại chảy về phía đông 96 dặm rồi đổ ra cửa biển Đà Diễn. Sông này rộng 133 trượng, trong sông có nhiểu bãi, đầu đời Gia Long liệt vào điển thờ” [40, tr.84].

Sông Đà Rằng bắt nguồn từ dãy núi Ngọc Rô, cao trên 1500m thuộc địa phận tỉnh Kon Tum. Từ thượng nguồn tới gần An Khê sông chảy theo hướng tây bắc đông nam qua địa phận núi non hiểm trở, lòng sông hẹp và nhiều gềnh thác. Từ An Khê đến Cheo Reo lòng sông mở rộng và hạ thấp dần nhận thêm nước từ hạ lưu Ayunpa đổ vào bên phải tại Cheo Reo. Từ Cheo Reo đến thị trấn Củng Sơn sông chảy theo hướng đông bắc tây nam, nhận thêm nước của các phụ lưu sông Kraong Năng tại ranh giới Gia Lai - Phú Yên, Sông Hinh tại Đức Bình đổ vào bên phải, hai sông Cà Lúi đổ vào bên trái. Đoạn cuối cùng sông chảy theo hướng gần như tây đông nhưng từ Đồng Bò ra tới cửa biển sông chuyển hướng hơi lệch về phía bắc và đổ ra cửa Đà Diễn. Sông Đà Rằng không những là con sông lớn của tỉnh Phú Yên mà còn là con sông lớn khu vực miền Trung, có diện tích lưu vực 13.220km2 chủ yếu tập trung ở Gia Lai. Phần diện tích ở Phú Yên 2.420km2, chiếm 18.3%, phần

qua địa phận Phú Yên dài 90km, chiếm 25%. Vào mùa nước lũ mực nước sông Ba dâng cao, vào mùa hè nước sông Ba cạn nước chỉ còn dưới lòng sông. Đồng bằng Tuy Hòa cũng là đồng bằng màu mỡ nhất, do sông Đà Rằng chảy qua các vùng đồi bazan ở thượng lưu, đã mang về hạ lưu phù sa gồm nhiều hạt mịn và nhiều phì liệu, nhất là kali, manhê [58, tr. 220].

Sông Đà Rằng có đập Đồng Cam. Tọa độ N: 130 02' 348", và E: 1090 05' 181". Đập Đồng Cam là dạng đập tràn. Một phần nước tràn qua đập, một phần nước chảy theo kênh chính bắc, một phần nước chảy theo kênh chính nam dẫn nước tưới cho đồng bằng Tuy Hòa, chính vì thế mà mùa cạn vẫn có nước. Trong khu vực Thành Hồ có kênh chính Bắc chảy từ đập Đồng Cam mang nước dọc theo quốc lộ 25 cắt ngang khu vực Thành Hồ mang nước về tưới cho cánh đồng Phú Hòa phía bắc, tả ngạn sông Đà Rằng.

Không những sông Đà Rằng có vị trí địa lý quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển tỉnh Phú Yên mà còn là tiềm năng kinh tế, mang phù sa bồi đắp cho cánh đồng Tuy Hòa, là nơi cư trú các loài thủy hải sản: mùa xuân những loại cá đến sinh sống: thài bai, bóng cát, bóng trắng, bóng mú, bóng tượng, bóng lá, bóng đá, cá nghạnh, trắng chỉ, trắng mương, cá cháo, cá nhét... Vào mùa hạ cá ở nước mặn lên vùng sông Ba sinh sản như cá úc, cá lăng… và một số cá nuôi bị vỡ hồ sinh sống lẫn lộn như cá chép, cá sóc lát, cá vầy, cá sãnh, cá lăn. Vào mùa hè: cá chình lịch, bóng tượng, trắng trâu, cá trắng. Đầu đông: nhờ nước lũ, cá đi ngược dòng lên sinh sản như: cá trê, cá tràu, cá chốt, rô phi… kình ngư của sông này là cá trắm cỏ, có con nặng 50 ký.

Bao quanh tường thành Tây Thành Hồ là một dãy núi rất cao gọi là Hòn Mốc, phía bắc là núi Sầm, theo dân địa phương, có rất nhiều đá vôi. Về mặt điều kiện tự nhiên ở khu vực Thành Hồ rất thuận lợi, có cả các yếu tố: sông, núi, đồng bằng… tạo cho Thành Hồ trở thành trung tâm chính trị, quân sự, văn hóa Champa trên vùng đất Phú Yên.

Dọc theo sông, suối lớn, ven biển và các đầm hồ đều có cuội, sỏi, cát, đất phù sa. Dựa vào các đặc điểm Thạch học, địa mạo và vị trí phân bố thì ở thượng nguồn Sông Đà

Rằng thành phần gồm: cuội, sỏi, cát, bột, độ mài từ trung bình đến tốt. Điều này thấy rõ qua các lớp của các hố khai quật, các hiện vật tìm thấy trong quá trình khai quật.

Đất phù sa chiếm 98% diện tích tự nhiên được hình thành do sự bồi đắp phù sa con sông Đà Rằng làm tốt và giàu chất dinh dưỡng (do sông Đà Rằng chảy qua nhiều vùng đất đỏ Tây Nguyên kéo đất về bồi đắp). Qua khai quật tại các lớp thì Thành Hồ có các loại đất phù sa, đất sét, sạn, sét vàng, sét pha cát có tầng loang lổ, đỏ vàng tạo thành vùng đồng bằng màu mỡ ở phía đông nam tây bắc, vùng đồng bằng rộng lớn này chủ yếu trồng lúa.

Đất xám chiếm 6.9% diện tích tự nhiên phân bố từ địa hình trung gian nối giáp với đồi núi và vùng thấp. Qua các hố khai quật và phân tích trữ lượng đá ở các hiện vật thì khu vực Thành Hồ trữ lượng đất sét khá dày bao gồm đất sét, sét pha cát, sét sạn. Đất có màu nâu, màu xám và màu đen, ở khu vực phía bắc có đá vôi.

Do đặc điểm cấu trúc địa chất các hoạt động magma, kiến tạo xảy ra nhiều giai đoạn khác nhau dẫn đến sự hình thành các khoáng sản rất đa dạng và phong phú.

Trong đó có những loại khoáng sản có tiềm năng kinh tế lớn và giá trị kinh tế cao:

Đá xây dựng, sét gạch ngói... ngoài ra, còn có trường quặng Trảng Sim Nưng diện tích nhỏ, trữ lượng thấp.

Ở phía bắc Thành Hồ, có núi đá vôi ở núi Sầm. Qua khai quật thành phía bắc ở độ 2m tìm thấy đá mà theo người dân địa phương thì người Chăm lấy đá vôi ở Núi Sầm về đắp thành. Ở khu vực phía tây Thành Hồ có mỏ nước khoáng Phú Sen, suối nước nóng.

Ở Thành Hồ còn có những cuội đá các loại hay những khối đá nhỏ, được khai thác trong thiên nhiên xung quanh Thành Hồ, sử dụng trong việc xây dựng thành.

Chẳng hạn như: việc gia cố nền móng trong kiến trúc (đá cuội + đất sét). Đặc biệt là việc sử dụng đá vôi + đất sét để tạo móng vững chắc cho bờ thành không bị sạt lở.

Đoàn khai quật đã chọn 31 mẫu và nhờ Trung tâm Phân tích Thí nghiệm thuộc Liên đoàn Bản đồ Địa chất Miền Nam phân tích. Ngày 14-4-2009, cho kết quả như sau:

 9 mẫu là đá Ryolit porphur (Hố 3 có 3 mẫu, Hố 4 có 5 mẫu, Hố 10 có 1 mẫu)

 3 mẫu là đá Felsit porphyr (Hố 3 có 2 mẫu, Hố 4 có 1 mẫu)

 4 mẫu là đá Granite biotit hạt vừa (Hố 1 có 1 mẫu, Hố 3 có 1 mẫu)

 1 mẫu là đá Granite biotit dạng porphyr (Hố 1)

 5 mẫu là đá Tuf ryolit (Hố 1 có 2 mẫu, Hố 3 có 1 mẫu, Hố 4 có 2 mẫu)

 1 mẫu là đá Tuf dacit (Hố 3)

 4 mẫu là đá thạch anh (Quarzit) (Hố 1 có 2 mẫu, Hố 3 có 1 mẫu, Hố 4 có 1 mẫu)

 1 mẫu là đá Greisen (Hố 3)

 1 mẫu là đá sừng thạch anh – cordierit – sericit – biotit (Hố 3)

 2 mẫu là cát bột kết (Hố 1 có 1 mẫu, Hố 4 có 1 mẫu)

Điều chúng tôi lưu ý nhất là mẫu của Hố 10, hố khai quật cắt ngang thành, loại đá mà dân địa phương gọi là đá vôi đáng lẽ phải là đá Limestone, thì được phân chất là đá Ryolit porphur có thành phần khoáng vật sau: Hạt vụn 43% (Plagioclas 4- 5%; thạch anh 5-7%; Felspat kali 3-4%; Biotit ít-1%); Khối nền 57% (Thạch anh – Felspat; Khoáng vật sét – sericit; Biotit, chlorit ít; Khoáng vật quặng ít). Có lẽ đây là loại đá đã bị phong hóa [56, tr.7].

Phú Yên một năm có hai mùa khô và mùa mưa rõ rệt, mùa khô thường từ tháng 1 đến tháng 8 dương lịch, có gió nóng tây nam (gió Nồm), mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 12 dương lịch, có gió đông bắc (gió Bất), và khu vực Thành Hồ cũng nằm trong vùng khí hậu đó. Mùa khô lượng mưa ít, dòng sông suối lượng nước ít, lưu lượng dòng chảy thấp. Mùa mưa lượng nước nhiều, dòng chảy các con sông hung dữ. Chế độ mưa nắng như vậy chi phối đến hoạt động của vùng đất này. Khu vực Thành Hồ đất phù sa chiếm 9.8% diện tích đất tự nhiên, các nguồn nước mạch và nước ngầm khá dồi dào nhờ hệ thống kênh mương phát triển nằm cạnh sông Đà Rằng, lượng nước mưa hàng năm khá lớn.

Ở Phú Yên, thực vật tự nhiên rất phong phú và đa dạng phân bố trên các đồi núi với mật độ và số lượng loài khác nhau, cấu kết không gian thực vật gồm nhiều tầng:

tầng trên, tầng giữa và tầng dưới và các thảm tươi, cây tái sinh, cây bụi, dây leo, các loại gỗ quý dùng để làm nhà và đóng thuyền: cây sao, cây gõ, cây hương, cây sân, cây xay, cây trâm, cây sến, cây chò, cây kiền kiền, cây liêm, cây bằng lăng (mằn lăng), cây tra xanh loại một, cây sọ thưởng, cây mít mài, cây xoài nước, cây huỳnh đăng, cây cổng tàng, cây hồng thị, cây hồng tía, cây cầy, cây nhãn, cây là bó, cây

bạch đàn tía, cây bạch đàn trắng, cây bạch đàn keo, cây hồng đào… Ngoài thực vật tự nhiên, thực vật trồng cũng rất phong phú: cây lương thực, thực phẩm, cây làm thuốc, cây cảnh, cây công nghiệp, cây trồng theo dự án...

Do đặc điểm về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, địa chất khoáng sản và thổ nhưỡng ở khu vực Thành Hồ góp phần tạo cho Thành Hồ tồn tại và phát triển một thời rực rỡ nền văn hóa Champa trên vùng đất Phú Yên.

Một phần của tài liệu Di tích thành hồ phú yên (qua tài liệu khai quật khảo cổ học) (Trang 22 - 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(314 trang)