Cấu trúc bình đồ và thiết đồ

Một phần của tài liệu Di tích thành hồ phú yên (qua tài liệu khai quật khảo cổ học) (Trang 54 - 57)

CHƯƠNG 2 DI TÍCH THÀNH HỒ QUA CÁC LẦN KHAI QUẬT

2.5. Đặc trưng của di tích Thành Hồ qua tư liệu khai quật khảo cổ học

2.5.1. Cấu trúc bình đồ và thiết đồ

Chúng tôi nhắc lại vị trí của Thành Hồ thuộc thôn Định Thọ, thị trấn Phú Hòa, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên, cách Thành phố Tuy Hòa 13.455m theo đường chim bay về hướng tây nam và cách cửa sông Đà Rằng 14.993m theo đường chim bay về hướng tây nam. Nơi cao nhất trong xóm Cổ Đạo/Thổ Gạch (khu vực có nhiều hố khai quật) có tọa độ 13001’097” vĩ độ Bắc và 109012’307” kinh độ Đông, còn được gọi là thành An Nghiệp, được nhắc đến trong cuốn sách Đại Nam nhất thống chí như sau: “Thành cổ An Nghiệp, huyện Tuy Hòa, chu vi 1400 trượng tương truyền do người Chiêm Thành xây, tục gọi là thành Hồ… nay nền cũ vẫn còn”[40, tr.75].

Tuy nhiên, hiện tại thành chỉ còn là phế tích, nhưng đây từng là vị thế hiểm yếu về quân sự chính trị của vương quốc Champa.

Đến đầu thế kỷ XX, nhà nghiên cứu người Pháp H. Parmentier đã đến khảo sát tòa thành này. Trong cuốn sách Thống kê khảo tả các di tích Chàm ở Trung Kỳ, H.Parmentier mô tả: "Toà thành này nằm trên địa phận làng Thành Nghiệp, tổng Sơn Tường, huyện Sơn Hòa, cách cửa sông Đà Rằng chừng 15 cây số. Chỉ có mỗi một mặt, mặt nam, là bị mất từng phần do sông xói lở. Các mặt khác còn nhận ra được ở một dải đất cao liên tục. Tòa thành (bản vẽ XXVII hay bản vẽ 1 trong phần phụ lục) hình vuông, mỗi cạnh dài khoảng 600m, được quay đúng theo bốn hướng.

Khoảng thành hình tam giác phía tây nằm vào giữa ngọn núi ở phía ngoài khu thành hình vuông và được bảo vệ bằng bức tường thành xiên dọc sườn đồi. Một con hào rộng chừng 30m bảo vệ các mặt tường bắc và đông. Các mặt tường này chắc là phải khá cao vì dải đất còn lại khá rộng và cao từ 3 đến 5m. Chỉ có mặt được núi bảo vệ (tức mặt tây) là không có tháp canh. Mặt bắc có sáu chòi tháp, mặt đông có bảy (kể cả chòi ở góc). Một công sự phòng ngự thật sự dựng ở giữa mặt đông; đây là một hình chữ nhật rộng và chạy dọc theo lũy hơn 10m, xây bằng gạch lớn. Có thể nhận ra một số cổng. Bên mặt đông, gần chỗ xẻ để nước vào, trông như là có một cổng; ở hai đầu của mặt tây của tòa thành chính hình vuông có hai cổng; bên mặt bắc có hai cổng; ở dãy rào bên ngoài mặt tây, gần góc tây nam, có một và có thể là hai cổng.

Cổng này dường như trước kia có một công sự nhỏ nằm ngang bảo vệ, nhưng ngày nay ở đấy không còn thấy gì. Gạch dùng xây thành rất lớn, dày hơn 0.10m, màu đỏ thẫm, có khi tím. Có thể là toàn bộ công trình này đã được bổ sung hoàn chỉnh bằng di tích Phước Tịnh nằm trên trục bắc nam, ở bên kia sông Đà Rằng, và bằng một ngọn tháp nằm trên trục đông tây ở trên quả đồi tiếp theo bức tường xiên. Vị trí này chỉ nhận ra được nhờ nhiều gạch vè đổ nát và trên đỉnh đồi còn một ngọn cây tách cao lên và một tảng đá dựng dọc" [22], [69]. Về ngôi tháp ở Phước Tịnh, đối diện Thành Hồ, ông H.Parmentier cho biết: "Đối diện với Thành Hồ, bên kia sông Đà Rằng chảy ven thành cách ụ đất ở tận cùng bức tường Tây của tòa thành quãng 800m, có một gò cao từ 50 đến 60m, cây cối rậm rịt. Gò thuộc ngôi chùa gọi là chùa Bà và nằm trong địa phận làng Phước Tịnh, tổng Hòa Bình, phủ Tuy Hòa. Trên đỉnh gò còn vết tích một ngôi đền Chàm. Kiến trúc xưa này chỉ còn lại có những đống gạch hỗn độn và những phiến đá trang trí..." [69].

Trở lại di tích Thành Hồ, với những tư liệu hiện tại và những kết quả của bốn lần khai quật, có thể nhận diện và hình dung ra cấu trúc bình đồ và thiết đồ của Thành Hồ như sau:

Trước hết, Thành có bình đồ hình chữ nhật, cao 3-5m, rộng 15-25m, bốn chòi canh ở bốn góc. Tường thành phía nam chạy dọc theo sông Đà Rằng, dài 825m, đã bị nước sông xói lở. Tường thành phía đông dài 732m, tường phía tây dài 940m, phía bắc dài 738m.

Bên trong vòng thành có một bức tường thành thứ năm chạy theo hướng bắc - nam, song song và cách tường thành phía đông 700m, chia khu thành làm hai phần đông và tây. Khu tây là thành nội, hẹp nhưng cao hơn thành ngoại phía đông, có mỏm sân cờ rộng 34m x 34m, cao 10m. Song song về phía ngoài và cách tường thành phía tây 28m, còn có một bức tường chắn thứ sáu, xây trên sườn núi như một lá chắn, dài 360m, gọi là thành chắn (xem sơ đồ 2).

Thành Hồ là di tích có mặt bằng gồm phần hình gần vuông và phần hình thang vuông ở phía tây, đúng hướng đông tây nam bắc. Thành có thành cao hào sâu.

Thành Đông có 7 tháp canh, thành Bắc có 5 tháp canh (tính luôn tháp canh ở 4 góc

thành). Thành Tây và Nam chỉ có tháp canh ở các góc. Thành có 3 cửa gồm 2 cửa phía Bắc (cửa sinh và cửa tử) và một cửa phía nam (chảy ra sông Đà Rằng). Thành có Hòn Mốc trên có tháp ở phía tây và có Rộc Nước chảy xuyên qua thành. Thành có thế “tựa núi, nhìn sông”. Bên bờ Bắc sông Đà Rằng có Gành Ông (góc tây nam thành) và đối diện bên kia là Gành Bà có tháp Bà là hai chốt canh đường thủy và bảo vệ thành. Cùng với sông Đà Rằng và Rộc Nước trong thành, có thể suy đoán quân giữa thành có đội quân thủy.

Trong đợt khai quật vào năm 2008, tư liệu cho biết thêm về quy mô thành như sau: Bờ thành Đông dài 909m, đã bị lở mất một đoạn, phần còn lại dài 810m; bờ thành Tây bên trong dưới chân Hòn Mốc, hơi lõm vào trong, dài 944m; bờ thành Tây bên ngoài đến đoạn xéo, dài 685m, đoạn nối xéo góc tây bắc từ thành ngoài đến thành trong dài 345m; bờ thành Tây dài 345m, bờ thành Nam dài 905m, đã bị xói lở một đoạn, phần còn lại dài 336m; bờ thành Bắc dài 757m. Trên bờ thành phía đông và bắc có những mô đất có kích thước lớn hơn bờ thành và cao hơn thành mà người dân địa phương gọi là Hòn Mô, trên đó có những tháp canh. Những mô đất ở góc thành và giữa thành lớn hơn các mô còn lại, giữa mô tạo thành thế đăng đối. Ở bờ thành Đông có 7 mô đất, mỗi mô cách nhau khoảng 150m, có một mô góc đông đã bị lở xuống sông, bờ thành Bắc có 5 mô đất, mỗi mô cách nhau khoảng 170m.

Thành có 3 cửa: bờ thành Nam có một cửa rộng 20m nằm gần khoảng giữa bờ thành Tây bên trong và bờ thành Tây bên ngoài, cách góc tây nam 70m; bờ thành Bắc có 2 cửa, mỗi cửa rộng 15m, cửa góc tây bắc 123m đi vào sẽ gặp Rộc Lác, cách cửa này 74m sẽ có cửa thứ hai và cũng là cửa mở ngay mô đất. Trong thành có Rộc/Rạch nước nối với sông Đà Rằng, đoạn chảy ngang thành từ góc tây nam cho tới góc tây bắc và vì vậy tạo ra 3 cửa, gọi là cửa nước, 1 ở bờ Tây bên ngoài, cách góc thành tây nam 198m; 1 ở bờ thành Tây bên trong, cách bờ thành Nam 243m và 1 ở bờ thành Đông, cách thành đông bắc 146m.

Phần phía nam của thành là phần đất cao, có nhiều dấu vết di tích cổ, chỗ cao nhất 13.2m so với mực nước biển, các chỗ khác thấp hơn chỉ cao khoảng 11.4m [56, tr.4-5].

Thành Hồ có tất cả 8 cửa ra vào, rộng từ 6-14m, ngoài và trong thành có dấu vết những hào nước và ba hồ lớn. Mỗi phía thành có mở 2 cửa ra vào, gọi là cửa sinh và cửa tử. Cửa sinh dành để quân lính di chuyển hằng ngày, không có gì nguy hiểm nhưng lại được canh gác cẩn mật. Trái lại, cửa tử canh gác sơ sài.

Thêm vào đó, đã có kỹ thuật khá cao trong việc xây dựng thành như sử dụng đá, gạch kè… Rất có thể Thành Hồ được đắp vào thế kỷ thứ II – III và đến thế kỷ XIV thành được đắp gia cố nâng cao hơn.

Một phần của tài liệu Di tích thành hồ phú yên (qua tài liệu khai quật khảo cổ học) (Trang 54 - 57)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(314 trang)