CHƯƠNG 1 ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN VÀ QUÁ TRÌNH NGHIÊN CỨU THÀNH HỒ
1.2. Quá trình phát hiện và nghiên cứu Thành Hồ
Sách “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn, trong phần trình bày về Đạo Phú Yên có giới thiệu về Thành Hồ như sau: “Thành cổ An Nghiệp ở phía bắc sông Đà Diễn, thuộc xã An Nghiệp huyện Tuy Hòa, chu vi 1400 trượng1; tương truyền do người Chiêm Thành xây, tục gọi Thành Hồ. Năm Mậu Dần (1578) đời Thái Tôn bản triều, Quận công Lương Văn Chánh đánh lấy được thành này.
Nay vẫn còn nền cũ”, [40, tr.87]. Sách “Đại Nam nhất thống chí” cũng có ghi chép về Lương Văn Chánh như sau: “Lương Văn Chánh người huyện Tuy Hòa, đầu bản triều làm chỉ huy sứ, đánh được nước Chiêm Thành thăng Phụ quốc Thượng Tướng quân, sau làm Tham Tướng dinh Trấn Biên, có công chiêu tập dân phiêu tán khai khẩn ruộng hoang, chết tặng Quận công, phong phúc thần” [40, tr.93-94].
Năm Tân Hợi (1611), Nguyễn Hoàng mở rộng lãnh thổ, lấy đất từ đèo Cù Mông đến núi Đá Bia (Thạch Bi), lập phủ mới là phủ Phú Yên, gồm hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa thuộc dinh Quảng Nam. “Đại Nam thực lục” ghi về sự kiện này như sau: “Tân Hợi, năm thứ 54 (1611), bắt đầu đặt phủ Phú Yên. Bấy giờ quân Chiêm Thành xâm lấn biên giới. Chúa sai chủ sự là Văn Phong (không rõ họ) đem quân đi đánh lấy được (đất ấy), bèn đặt làm một phủ, cho hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa lệ thuộc vào. Nhân sai Văn Phong làm lưu thủ đất ấy” [41, tr.36].
Năm 1909, Henry Parmentier đã công bố việc khảo sát di tích Thành Hồ trong công trình “Thống kê khảo tả các di tích Chăm ở Trung kỳ”. Ngoài phần mô tả, ông còn thực hiện bản vẽ thành, theo mô tả của H.Parmentier: Thành Hồ nằm bên tả ngạn sông Đà Rằng, cách cửa sông Đà Rằng độ 15km. Tòa thành hình vuông, cạnh
1 1 trượng khoảng 4m, 1.400 trượng x 4m = 5.600m.
600m được xây chính hướng, mặt thành nam bị mất một phần do sông xói lở.
Khoảng tam giác nằm giữa ngọn núi được bảo vệ bởi một bức tường thành xuyên dọc sườn đồi. Thành có hào rộng 30m bảo vệ mặt tường bắc và đông khá cao, mặt tường còn lại rộng 3 – 5m. Chỉ mặt được núi bảo vệ là không có tháp canh. Mặt thành phía bắc có 6 tháp canh, mặt thành phía đông có 7 tháp canh, kể cả tháp ở góc. Mặt nam đã bị sụp lở, vẫn còn giữ ở góc tây hai cái ụ, trong đó có môt cái ụ khá quan trọng, ở góc thành, có thể được làm chòi cảnh giới mặt sông. Về cửa thành, mặt đông gần chỗ xẻ để nước vào, trông như là có 1 cổng, mặt bắc có 2 cổng, ở hai đầu mặt tây của tòa thành chính hình vuông có hai cổng, ở dãy rào bên ngoài mặt tây gần góc tây nam có 1 và có thể là 2 cổng. Gạch xây thành rất lớn, dày hơn 0.10m, màu đỏ thẫm có khi tím. Công trình được bổ sung hoàn chỉnh bằng di tích Phước Tịnh, nằm trên trục bắc nam bên kia sông Đà Rằng và bằng một ngọn tháp, nằm trên trục đông tây, ở trên quả đồi tiếp theo bức tường xiên, vị trí này được nhận ra nhờ nhiều gạch vỡ đổ [22, tr.10-11], [69].
Năm 1965, Nguyễn Đình Tư trong sách “Non nước Phú Yên” có đề cập đến Thành Hồ. Theo Nguyễn Đình Tư, “thành được xây thành hai lớp: thành ngoại và thành nội. Thành ngoại hình chữ nhật, chiều ngang hướng đông tây, khoảng 1000m, chiều dài hướng bắc nam, khoảng 1500m. Thành Hồ nằm dựa lưng vào chân núi, với cái thế phòng thủ rất kiên cố. Phía bắc và phía đông giáp ruộng vườn, phía tây giáp núi rừng hiểm trở, phía nam giáp sông Đà Rằng rộng lớn. Bờ thành xây bằng gạch Chàm, như gạch xây các tháp, theo hình thang, dưới chân rộng khoảng 30m, trên mặt rộng độ 10m hay 15m, cao khoảng 6-7m. Trên mặt thành có lối đi ở giữa, rộng khoảng 3-4m, sâu xuống ngang lưng quần, quân lính, xe ngựa có thể đi lại trên đường này, trông thấy địch quân, mà định quân không thấy. Trên mặt thành tại 4 góc và cứ cách nhau khoảng 200-300m, lại được xây cao lên như pháo đài, có lẽ là những chòi canh. Ngày nay những ụ đất này vẫn còn. Những cụ già 60-70 tuổi cho biết: khi các cụ mới 9-10 tuổi đã lên chơi trên thành và còn đùa chạy trong lòng rãnh ấy. Cũng theo các cụ già kể lại, thì mỗi phía thành có mở hai cửa ra vào, gọi là cửa sinh và cửa tử. Cửa sinh là cửa dành cho quân lính ra vào hàng ngày, không có
gì là nguy hiểm, nhưng lại được canh gác cẩn mật. Trái lại cửa tử là cửa để quân địch vào và lẽ tất nhiên, sẽ bị những bẫy đã được bố trí sẵn làm thiệt mạng. Cửa này canh gác sơ sài, cố ý đánh lừa địch quân. Kể là khi Lương Văn Chánh đánh Thành Hồ, viên tướng Cao Các đã vào thành bằng cửa tử nên đã tử trận. Hiện nay, trên tỉnh lộ số 7 bên sườn núi có đền thờ Cao Các, thường gọi là Dinh Ông”. Và cho đến nay, trong dân gian còn có câu ca:
"Nhìn lên trên núi Dinh Ông Thiên hạ xào xáo em không thấy chàng!
Tóc dài bỏ xõa rối ngang Tay buồn lược gỗ, miệng ngôi than bóng đèn."
“Thành ngoại cách thành nội khoảng 150m. Thành nội xây bằng đất, cũng hình chữ nhật, trên mặt thành không có đường rãnh và không có pháo đài. Mỗi mặt thành nội cũng có cửa sinh và cửa tử. Ở giữa thành nội có một cái hồ hình mặt nguyệt. Ở góc thành nội phía Tây Bắc có Hòn Mốc, trên có một cái sân khá rộng, lát toàn gạch vuông, có đường tam cấp đi xuống thành. Trên núi có tảng đá lớn, phẳng, khắc bàn thờ, hiện còn. Vì sông lở nên một phần thành nội và ngoại bị đổ xuống sông và còn tìm thấy những cổ vật Chàm. Khi đắp đập Đồng Cam (từ năm 1924 đến năm 1929), người Pháp cho đào mương chảy qua Thành Hồ. Rồi con đường số 7 được đắp và cắt qua thành.
Trong khi làm đường và đào mương, đã tìm thấy các cổ vật” [61, tr.106-112].
Năm 1994, PGS.TS. Ngô Văn Doanh trong sách “Tháp cổ Champa sự thật và huyền thoại” có đề cập đến Thành Hồ. Ông cho biết năm 1980 đã đến nghiên cứu Thành Hồ và thấy Thành Hồ là một thành mang tính quân sự rất kiên cố và lớn của người Chăm. Thành Hồ có bình đồ gần chữ nhật với bốn chòi canh ở 4 góc. “Tường thành phía nam chạy dọc theo sông Đà Rằng dài 852m, tường thành phía tây dài 940m, tường thành phía đông dài 732m, tường thành phía bắc dài 738m. Trong khu thành có bức tường thứ 5 dọc theo hướng bắc nam, chia thành hai khu đông và tây.
Khu tây là thành nội, cao, có mỏm sân cờ. Song song về phía tây là bức thành thứ sáu xây hẳn trên sườn núi dài 360m. Ngoài bốn chòi canh ở bốn góc thành, tại tường phía đông, cách góc đông nam 300m, có thêm một chòi canh thứ năm. Các
chòi canh đều có bình đồ vuông, mỗi cạnh dài 11m và cao hơn mặt thành 3m. Tất cả các tường thành và chòi canh đều bằng đất và được ốp ở mặt ngoài và mặt trong bằng lớp tường dày 1.5m, khoảng giữa bằng đất rộng 4m. Như vậy, tường thành rộng 7m, chân tường thành được đắp choãi ra. Gạch xây thành là loại gạch lớn 40cm x 20cm x 10cm; hoặc 38cm x 18cm x 9cm. Thành có tám cổng: hai cổng phía nam, một cổng phía bắc, một cổng phía đông, hai cổng phía tây, hai cổng nối thành nội và thành ngoại. Trong và ngoài thành có dấu vết các hào nước rộng và ba hồ lớn” [5, tr. 135-36]. Năm 2001, PGS.TS. Ngô Văn Doanh trong bài viết “Thành Hồ - Cửa ngõ Châu Thượng Nguyên (Tây Nguyên) của Champa” có đề cập về niên đại xây dựng Thành Hồ. Sau khi so sánh những hiện vật vật chất như gạch ngói ở Thành Hồ và các di tích quanh vùng như tháp Núi Bà, Tháp Nhạn, tháp Đông Tác, Ngô Văn Doanh cho rằng Thành Hồ được xây dựng vào thế kỷ XII và được sử dụng liên tục cho đến cuối thế kỷ XVI [84, tr.55-56]. Năm 2011, PGS. TS. Ngô Văn Doanh trong sách "Thành cổ Champa - Những dấu ấn của thời gian", tác giả cũng đề cập lại niên đại Núi Bà và Thành Hồ. Từ những hiện vật được phân tích và tìm thấy tại địa điểm Núi Bà và Thành Hồ, tác giả lại có nhận định mới về niên đại Thành Hồ được xây dựng vào khoảng thế kỷ XIII - XVI [10, tr.294].
Tháng 07 năm 2001, GS. Trần Quốc Vượng dẫn đầu đoàn khảo sát Thành Hồ.
Qua khảo sát đoàn nhận thấy bờ Nam bị sạt lở, chỗ bến sạn Ba Long có thể ứng với mô thứ năm của bờ thành Đông theo bản vẽ của H. Parmentier. Bờ thành Nam còn lại rõ nhất là chỗ cồn Mô Giao thông, tức góc tây nam của thành. Góc tây nam từ cồn Mô Giao thông chạy xéo qua mương nước hiện nay về phía tây Hòn Mốc. Lác đác có cấu trúc gạch trên nền đá gốc, có thể là Granite biến chất tạo ra từ đông bắc xuống tây nam mà nhân dân gọi là Ghềnh Ông. Phía đối diện bên kia sông là Ghềnh Bà (tức chùa Phước Tịnh). Phía tây nam có một cửa nước đổ trực tiếp ra sông Đà Rằng. Phía tây bắc có một cửa nước. Nước được dồn xuống rộc chảy xuống bàu (Bàu Tròn, Bàu Đục) và đổ ra sông. Thành có hai phần, được phân cách bằng một lũy thành tương đối thẳng chạy từ bắc xuống nam, về phía đông của Hòn Mốc. Dân gian gọi phía tây là thành nội và phía đông là thành ngoại. Dòng chảy từ cửa (nước)
tây bắc sang tây nam chia thành hai phần. Thành Hồ có hình thể dựa theo thế núi, thế sông. Phía dưới cột cờ, phía bờ thành Tây, đoàn đã phát hiện một số mảnh gốm Chăm cổ, gốm thô, mềm và bở, đất khá đen. Có nhiều khả năng, đây là địa điểm Chăm sớm. Tại địa điểm Thổ Đạo hay Hưng Đạo, bờ thành Đông, đoàn đã tìm thấy nhiều hiện vật gốm như vò kendi, cà ràng… Một số bình, vò có thân trang trí văn in ô vuông, sóng nước, hồi văn, xương cá… Những hiện vật gốm này khá giống các loại hình gốm Chăm ở tầng văn hóa trên của di chỉ Trà Kiệu, Cẩm Phô và một số di tích Chăm khác ở Quảng Nam, Quảng Ngãi… Nhìn chung, bộ sưu tập này nằm trong khoảng thời gian từ thế kỷ III đến thế kỷ V. Tại xóm Thổ Gạch hay xóm Thành Lòi/ Lồi, phía bờ thành Nam, trong khi đào đất, nhân dân đã tìm thấy một số điêu khắc đá. Một tượng Nữ Thần đứng bằng đá đã được thu giữ về Bảo tàng (đã bị mất). Trong đợt này đoàn tìm thấy và thu giữ một đầu tượng bị vỡ dọc thành hai mảnh, mũi và miệng đã bị vỡ. Ngoài ra, còn tìm thấy nhiều gốm Chăm cổ. Rất có thể nơi đây cũng là một điểm cư trú lâu đời [22, tr.13-16].
Năm 2010, Nguyễn Danh Hạnh trong bài "Thành Hồ chứng tích của một nền văn hóa cổ" cũng có ghi nhận về Thành Hồ như sau: “Thành Hồ có bình đồ gần với hình chữ nhật. Các bờ thành nằm đúng với các hướng đông - tây - nam - bắc. Trong đó, mặt phía nam giáp sông Đà Rằng; phía tây giáp núi; phía đông và phía bắc giáp đồng ruộng bằng phẳng. Ngoài ra, còn có một bờ thành thứ năm chạy theo hướng bắc - nam chia Thành Hồ làm hai phần: phần phía đông gọi là thành ngoại; phần phía tây gọi là thành nội. Trong phạm vi khu vực thành nội có một hòn núi nhỏ gọi là Hòn Mốc cao khoảng 60m, trên đỉnh Hòn Mốc có nhiều vật liệu của một công trình kiến trúc đã bị sụp đổ. Một số phần của di tích Thành Hồ còn có thể quan sát rõ là bờ thành Đông, có chiều dài 719m, mặt thành rộng 5-7m, chân thành rộng từ 30-40m, bờ thành cao khoảng 4-5m. Bờ thành Bắc có chiều dài 726m, chiều rộng và chiều cao giống như bờ thành Đông. Bờ thành Nam một phần đã bị đổ xuống sông, chỉ còn một phần ở góc tây - nam dài 250m. Bờ thành Tây chạy vòng qua Hòn Mốc và được phân thành hai đoạn: đoạn thứ nhất từ góc tây - nam đến chân phía tây của Hòn Mốc có chiều dài 600m; đoạn thứ hai chạy xéo ở góc tây - bắc nối
bờ thành Tây với bờ thành Bắc. Bờ thành thứ năm là bờ thành Giữa dài 920m. Phía bắc bờ thành này đã bị phá một đoạn để làm mương dẫn nước. Trên các bờ thành hiện nay còn dấu tích của các chòi canh. Bờ thành Bắc có dấu tích 6 chòi; bờ thành Đông có dấu tích 5 chòi. Phía ngoài bờ thành Bắc và bờ thành Đông còn dấu tích của hào nước như là hệ thống phòng thủ hỗ trợ bờ thành. Cuối năm 2008, Bảo tàng Phú Yên tiếp tục khai quật thành Hồ trên một diện tích khoảng 500m2 và cũng đã phát hiện thêm nhiều dấu tích của nền móng các công trình kiến trúc kết nối liên hoàn. Trong đó đáng chú ý là dấu tích của các hố đất nện hình tròn mà trong phạm vi hố khai quật đã xuất lộ thành 2 dãy. Đường kính của các hố đất nện dao động khoảng 1m. Khoảng cách giữa các hố khoảng 3m và khoảng cách giữa 2 hàng khoảng 4m. Đây có thể là phần gia cố móng cột của một công trình kiến trúc. Ngoài những cổ vật tìm thấy trong đợt khai quật, nhiều cổ vật trong phạm vi di tích thành Hồ cũng đã tìm thấy trong các đợt khảo sát. Năm 2006, tại khu vực Hòn Mốc đã phát hiện được 6 pho tượng bằng sa thạch. Những pho tượng này có niên đại vào khoảng thế kỷ VII đến thế kỷ X. Đây là những tác phẩm mang giá trị lịch sử và nghệ thuật cao. Một số nhà nghiên cứu cho rằng những pho tượng này thuộc vào giai đoạn sớm nhất của nghệ thuật điêu khắc Champa. Kết quả thu được qua các lần khảo sát, khai quật đã cho thấy Thành Hồ đã được xây dựng từ rất sớm, có thể từ thế kỷ I, II và tồn tại trong khoảng 14 thế kỷ cho đến khi người Việt vào đến vùng đất này sinh sống vào thế kỷ XV”. Những kết quả nghiên cứu cũng đã khẳng định giá trị nhiều mặt của di tích Thành Hồ [90, tr.26-28].
Như vậy, công cuộc nghiên cứu Thành Hồ mới chỉ được coi là những bước khởi đầu, nhưng giữa các nhà nghiên cứu đã có những quan điểm khác nhau trong việc định niên đại cho di tích Thành Hồ. Những ý kiến của các nhà nghiên cứu đều dựa vào các căn cứ vật chất (hiện vật) mà họ tìm được trong quá trình khảo sát hay dựa vào các nguồn thư tịch cổ. Đến nay, vấn đề niên đại có hai quan điểm như sau:
Quan điểm cho rằng Thành Hồ có niên đại sớm, từ thế kỷ II đến thế kỷ thứ V, thuộc vào giai đoạn đầu của việc hình thành nhà nước Champa.
Quan điểm cho rằng Thành Hồ có niên đại muộn hơn, khoảng thế kỷ XII và được sử dụng kéo dài đến thế kỷ XVI, thuộc nữa cuối của sự tồn tại nhà nước Champa.
Những ý kiến đã nêu, cần có những kết quả khai quật khảo cổ tiếp theo mới làm sáng tỏ được.